Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

VH> Kho Tàng Văn Học Quê Ta. Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư

Tản mạn đời tha hương: Kho Tàng Văn Học Quê Ta.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư

Một kho tàng vô giá.

Bà con mình ai cũng biết : tiếng nói và chữ viết của dân tộc ta rất là độc đáo, chẳng giống với dân nào trên thế giới cả. Đã mấy ngàn năm nay, ai ai cũng hãnh diện, bắt đầu với loại văn chương bình dân (đại chúng) rồi tới văn chương ‘bác học’ tân tiến. Ngay cả trong các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, người ta vẫn nhắc tới câu nói chí lý của nhân sĩ Phạm Quỳnh ngày nào :”Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn; mà tiếng Việt còn thì nước ta còn”. Cụ Quỳnh ca tụng truyện Kiều của Nguyện Du như một đệ nhất danh phẩm văn chương của quê hương mình, rồi nhân đó kêu gọi gìn giữ văn học Việt để không…mất nước.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”


Cảm động quá, phải không bà con ? Chỉ 2 câu lục bát này đủ để nhắc chúng ta yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Dù hoàn cảnh đất nước có thế nào đi nữa. 

“Bây giờ mận mới hỏi đào :
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?

Mận hởi thì đào xin thưa :
Lối thì có lối, nhưng chưa ai vào”


Có dân tộc nào mà tạo cách tỏ tình ý nhị sâu sắc của đôi trai gái như ở quê hương mình không ? Thật khó tìm ra lắm !

“Da trắng vỗ bì bạch,
Trời xanh màu thiên thanh”


Nữ sĩ Đoàn thị Điểm ra câu đố, rồi Trạng Quỳnh đáp ngay lại, khiến thiên hạ sững sờ. Chỉ có dân Việt mới hiểu, chứ chả có người nước ngoài quốc nào thấm được cái hay của câu đối Việt Nam, chứ đừng nói tới chuyện phiên dịch ra ngoại ngữ !

Một bề dày lịch sử.

Hình ảnh thày đồ và học trò ngày xưa vẫn làm ai nấy thích thú không ít. Bắt đầu với thời dân ta chịu người Tàu đô hộ một ngàn năm, họ ép mình học chữ Hán, và rồi chữ này mang tới bao khởi đầu cho văn học quê nhà. Từ tích truyện cho tới các hình thức thơ văn, cái gì cũng mượn Tàu. Ta chỉ biết 2 lối thơ là ngũ ngôn và thất ngôn. Qua thời nhà Đường mới phát triển lối thơ tứ tuyệt và bát cú. Về sau, các nhân tài của ta dựa văn học Tàu chế thêm các loại, như thủ vĩ ngâm, liên hoàn, thuận nghịch độc, yết hậu, lục ngôn, tiệt hạ, vĩ tám thanh, song điệp, họa vận và liên ngâm…

Quan trọng nhất là về sau, người Việt chế thêm những loại văn thơ vô cùng hay ho quý giá, như thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói, hát bội và ca Huế (riêng tác phẩm ‘Chinh phụ ngâm khúc’ là điển hình tuyệt hảo của thể thơ song thất lục bát).

Nét độc đáo của văn học ta còn thể hiện qua các câu đối, các bài phú, bài văn tế (được gọi chung là loại văn đối hay biền văn).

Dĩ nhiên kho tàng văn chương được thể hiện mạnh mẽ qua thể văn xuôi, kể cả thời gian chữ Nôm khởi đầu với danh nhân Hàn Thuyền đời Trần, để rồi xuất hiện những tác phẩm hay ho như ‘Trinh thử’, ‘Cung Oán ngâm khúc’ và nhất là ‘Kim vân Kiều’ của Nguyễn Du. Và ta cũng cần ghi nhớ công ơn bao tác giả vô danh ( tỉ như kẻ viết truyện ‘Bích Câu kỳ ngộ’ hay’Nhị độ mai…) từng góp phần không phải nhỏ.

Nhưng cái đà đẩy mạnh việc sáng tác vẫn là cơ hội ‘ngàn năm một thuở’ khi chúng ta được hưởng món quà vô cùng đặc biệt của các nhà truyền giáo Âu châu, nhất là cha Đắc Lộ, đó là chữ Quốc Ngữ. 
Vào thời cận đại, dĩ nhiên với chữ Quốc ngữ, dễ gì ai quên được những tên tuổi lẫy lừng tiếp tay đẩy mạnh nền văn học quê ta : Nào là Nguyễn văn Vĩnh, Petrus Ký, Phạm Quỳnh, Phan kế Bính. Đáng kể nữa là nhóm ‘Tự lực văn đoàn’ lừng danh với Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo…Còn về thơ thì những tên tuổi lớn như Thế Lữ (Hổ nhớ rừng), Tản Đà (Khối tình con), Cao bá Quát (Uống rượu tiêu sầu), Nguyễn Khuyến (Ông tiến sĩ giấy), Tú Xương (Tự thán), Hàn mạc Tử (Đà Lạt trăng mờ)…

Vào thời chia đôi đất nước năm 1954, tại miền Nam, bà con thấy bao nhà văn nổi tiếng góp phần to lớn cho văn học : Nhã Ca, Duyên Anh, Hoàng hải Thủy, Mai Thảo, Chu Tử, Nguyễn thị Hoàng, Võ Phiến, Lệ Hằng…

Nói gì thì nói, qua bao thế hệ, riêng nền ‘Văn Chương bình dân’ đã, đang và sẽ là những cột trụ xây nền văn học quê ta. Từ những câu tục ngữ, ngạn ngữ, phương ngôn, cho tới kho tàng ca dao bát ngát giá trị :

“Thương nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua”


Kế tới là biết bao nhiêu truyện cổ tích đầy ý nghĩa lịch sử giáo dục và giải trí. Nào ‘Sơn Tinh Thủ Tinh’, nào ’Trương Chi Mỵ Nương’, nào ‘sự tích trầu cau’, nào ‘Chử dồng tử’…nhất nhất gợi lại cho hậu thế những tâm tình thật tha thiết với đất nước.

Nền văn học bình dân luôn có tính cách tự nhiên, sâu sắc, giản dị, uyển chuyển và thanh thoát.. Nó dựng nên một giá trị trường tồn cao đẹp, tạo sự trưởng thành cho tiếng mẹ đẻ, khó ai quên được trong đời. Khi nói về văn chương ‘bác học’, người ta phải ghi ơn văn học bình dân đã tạo nền móng từ trước. Sự ‘vay mượn’ này đã vô hình chung dựng xây một vườn hoa văn chương quê nhà thật xinh đẹp thơm tho đầy hương sắc.

Gìn vàng giữ ngọc

(Văn miếu Quốc tử giám : đại học tiên khởi Việt Nam)
Văn học là một góc quan trọng của văn hóa nơi dân tộc Việt Nam. Có ai muốn gìn giữ truyền thống văn hóa quê hương mà quên lãng nền văn học được không ? Bỏ qua những thứ tiêu cực trong nước hiện nay, chúng ta đang vui vì tại hải ngoại có những trung tâm dạy Việt ngữ, kèm theo những thư viện ‘bỏ túi’ lưu trữ sách tiếng nước mình, đủ loại cũ mới. Dĩ nhiên trên mạng lưới toàn cầu cũng thấy đó đây những cố gắng giới thiệu các loại sách vở văn thơ cũ mới của văn chương nước nhà. Bà con cứ thử trang nhà http://vietmessenger.com/books/?author=list sẽ thấy vui lắm. Còn đối với các vị cao niên luôn luôn say mê sách cổ Việt Nam ư ? Chúng ta nên bảo nhau cứ tự nhiên mở http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoChuaSachCu.htm . Sướng lắm. Còn nếu khoái đọc tiểu thuyết cũ ? hãy tìm tới trang nhà http://vietmessenger.com/books/ . Kho sách khổng lồ đáng giới thiệu nhất cho cộng đồng thì chúng ta phải kể tới trang http://ndclnh-mytho-usa.org/Kho_Audiobook.htm .

Tại một số nhà sách lớn hải ngoại, bà con cũng rất sung sướng được thấy những tác phẩm mới ra mắt độc giả, ví dụ tập ‘Tác giả Việt Nam’ xuất bản tại Montreal, Canada, giới thiệu hàng trăm người cầm bút ngày qua. Còn nói về những nhà văn hiện nay muốn nối tiếp con đường của các bậc tiền bối, bà con cũng dễ dàng đọc tên họ, như Tưởng năng Tiến với ‘Đường phía bắc’, Huy Yên với ‘Chùm dâu ngọt ngào’, Trạch An và Trần hữu Hội với ‘Bóng xưa’, Mạc phương Đình với ‘Nợ nhau’, Cao thoại Châu với ’24 giờ bất trắc’, Phan thanh Cương với ‘Về trường xưa’…Và còn nhiều nhiều vị khác từ khắp nơi tại hải ngoại, tiếp tục gìn giữ và phát triển nền văn học nước nhà.

Muốn góp phần để ‘gìn vàng giữ ngọc’ ư ? Quý phụ huynh ráng chỉ dạy con em biết mến thương quê hương và dân tộc Việt Nam, nhất là chịu khó học ‘tiếng nước ta’ cho thật thông thạo. Ngưới Tàu, người Do Thái đó, họ bảo nhau chớ đi vào con đường mất gốc. Dù sống ở phương trời nào, giòng máu Lạc Hồng vẫn lưu chuyển trong tim chúng ta. 

Mong thay !

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét