Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Thử đoán chừng chiến lược của Bắc Hàn BS.Trần Văn Tích

Thử đoán chừng chiến lược của Bắc Hàn
BS.Trần Văn Tích

 
Chuyện lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân bỗng dưng thay đổi thái độ đối với Nam Hàn và đối với phương Tây tạo cơ hội cho người quan sát thời sự thế giới ước đoán một cách đại khái, không có gì là chắc chắn, dựa vào một số điều đã được thấy, đã được biết nhằm tìm cách suy ra điều chủ yếu còn chưa rõ hay chưa xảy ra. Biết là không có căn cứ nhưng cũng vẫn đoán già đoán non, cố đoán thế này thế khác, may ra tình cờ đoán trúng phần nào chăng.
Vào dịp đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nam Hàn, Kim Chính Ân bỗng dưng “tâm sự“ rằng hệ thống đường sá tại Miền Bắc hiện lâm vào tình trạng tồi tệ. Thế rồi Bắc Hàn đi trước điều chỉnh lại đồng hồ vặn kim lên ba mươi phút để có cùng múi giờ với Nam Hàn. Thứ tư 09.05, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng và trở về Mỹ với ba công dân Mỹ gốc Hàn được Bắc Hàn phóng thích. Thứ bảy 12.05 Bộ Ngoại giao Bắc Hàn loan báo sẽ tổ chức một buổi lễ trong thời gian từ 23 đến 25.05 nhằm chính thức đóng cửa khu thử nghiệm nguyên tử và phóng viên thuộc năm quốc gia trong số có Hoa Kỳ, được mời tham dự buổi lễ. Diễn biến tích cực gần đây nhất là lời hẹn ước của Bắc Hàn theo đó Kim Chính Ân sẽ hội kiến trực tiếp với Tổng thống Donald Trump vào ngày 12.06 tại Tân gia ba. Với bản chất thâm độc, tàn bạo, gian xảo, chế độ của Kim Chính Ân bỗng nhiên có một số chuyển biến đột ngột bất ngờ và nhất là hướng thiện hiếu hoà.
Trong ba nước cộng sản bị các thế lực ngoại bang áp đặt hoàn cảnh chia cắt thì Việt Nam tái hợp dưới chế độ cộng sản sau một cuộc chiến khốc liệt, nước Đức thống nhất trong hoà bình dân chủ tự do và hai phe kình chống nhau tại Cao Ly thì đang tự dưng ngỏ ý muốn tìm cách trở lại làm một nước.
Xem lại tích xưa chuyện cũ gần gụi với chuyện hiện xảy ra – quá trình thống nhất hai nước Đức – có lẽ sẽ cung cấp một số dữ kiện nhằm giúp suy đoán diễn biến cuộc diện thời sự.
Ngày 13.08.1961 là một ngày chủ nhật. Lãnh tụ độc tài đỏ Đông Đức Walter Ulbricht triệu tập phiên họp bất thường của hội đồng chính phủ lúc nửa đêm và tuyên bố kế hoạch xây bức tường Berlin. Lúc bấy giờ giới chóp bu cộng sản thấy rõ lòng bất mãn cao độ của đồng hương nên chủ trương phải làm sao cho kinh tế xã hội chủ nghĩa vượt trội hẳn kinh tế tư bản chủ nghĩa thì mới cầm chân được người dân. Và đó sẽ là bước đầu để tiến đến một nước Đức thống nhất xã hội chủ nghĩa. Đông Đức phải trở thành tiền đồn của toàn bộ phe cộng sản về trí tuệ, về khoa học và về kinh tế.. Nhưng nếu cứ theo cái đà kinh tế chỉ huy của Liên Xô với các kế hoạch ngũ niên thì sẽ chẳng thể nào thành công. Cho nên cộng sản Đức thay đổi suy nghĩ và cải tổ cơ cấu. Đông Đức thành lập hệ thống Nöspl1, sau này cải danh thành NÖS. Đông Đức ban bố Đường lối mới, Der neue Kurs. Kết quả là nếu Liên bang Xô viết thu hoạch được 18 tạ ngũ cốc mỗi hecta thì Đông Đức đạt đến 56 tạ mỗi hecta. Kỹ thuật trồng bắp, kỹ thuật nuôi súc vật được canh tân. Đông Đức gian khổ cựa mình thoát khỏi gông cùm ý thức hệ của học thuyết tàn hại Lyssenko2 trong sinh học nhờ trí tuệ sáng suốt của nhà khoa học Hans Stubbe. Và Đông Đức vẫn duy trì được thứ hạng số một về sản xuất hạt giống ở Châu Âu. Tuy nhiên tất cả vẫn chẳng đi đến đâu vì Cộng hoà Nhân dân Đức cứ thua xa Cộng hoà Liên bang Đức. Đến nỗi sau ngày thống nhất nước Đức, chính bản thân Erich Honecker phải thú nhận là Đông Đức không có phương tiện tài chánh nhằm nhập cảng đủ chuối cho dân chúng tiêu thụ. Và cũng chính Erich Honecker có dịp bảo với Michail Gorbatschow hôm 06.10.1989 : “Bức tường sẽ còn đứng vững một trăm năm nữa!“. Một tháng ba ngày sau đó, ngày lịch sử 09.11.1989, Ủy viên Trung ương Đảng Günter Schabowski họp báo quốc tế để đột ngột tuyên bố rằng biên giới được bỏ ngõ!
Thực ra để cùng chung sống yên ổn và hoà bình, Tây Đức đã chăm chỉ giúp đỡ Đông Đức. Nhưng đây là một hình thức tài trợ kinh tế chủ động mang tính chiến lược. Không bao lâu trước ngày 10.09.1989, ngày biên giới Hung-ga-ri bị đạp tung để cho người dân Đông Đức ào ạt tràn sang Tây Đức, góp phần vào tiến trình thống nhất quốc gia trong tự do dân chủ, khi Honecker vòi tiền Liên Xô thì Gorbatschow phủ phàng trả lời : “Tôi đâu có tiền, đồng chí hãy đi tìm người khác.“ Trước thời điểm đó, Tây Đức đã yểm trợ Đông Đức hết tỷ Đức mã này đến tỷ Đức mã khác với điều kiện Đông Đức phải để cho người dân bên đó dễ dàng sang Tây Đức. Kết quả từ con số dưới ba vạn du khách hằng năm – trên một dân số mười tám triệu – chỉ trong vòng hai năm 1988 và 1989, đã có ba triệu người Đông Đức qua Tây Đức. Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl rất phấn khởi vì tác động của Milliardenkredit này. Hầu như chỉ qua có vài đêm, tất cả những điều tuyên truyền thêu dệt nhằm bôi nhọ Cộng hoà Liên bang Đức bỗng chốc tiêu tan tác dụng. Đó là thời điểm bắt đầu kết thúc Đông Đức. Những năm tháng đó, tôi còn đi làm trong một bệnh viện cách xa nhà vài trăm cây số. Cuối tuần trên những chuyến xe lửa tốc hành tôi thuờng gặp gỡ và nói chuyện với những người dân từ Đông Đức sang. Phần nhiều họ là phụ nữ trẻ tuổi hoặc đứng tuổi và họ thường lên tàu Tây Đức ở Berlin. Tôi cùng quá giang chung tàu với họ từ nhà ga Dortmund. Họ nói chuyện với tôi tương đối cởi mở thoải mái vì thấy tôi là người Á đông, không thể là an ninh mật vụ Đông Đức. Tôi hỏi họ bên đó có xe lửa tốc hành IC không? Người đứng tuổi thường không hiểu xe hoả IC là gì nhưng người còn trẻ thì hiểu. Họ lắc đầu trả lời theo kiểu Gorbatschow trả lời Honecker. Hỏi họ đã lãnh mỗi người một trăm Đức mã Tây Đức là tiền chào mừng làm quà dằn túi chưa, họ cười nụ và gật đầu.
Nước Đức bị qua phân lãnh thổ khi các hội nghị quốc tế Jalta và Potsdam sau Đệ nhị Thế chiến phân định lại cương vực lục địa châu Âu. Cùng với một loạt các quốc gia khác, Đông Đức rơi vào gông cùm chủ nghĩa cộng sản. Nhưng chính bản thân người dân Đông Đức không hề rước cái gọi là chủ nghĩa xã hội vào nước họ. Chỉ có một lũ tay sai Nga xô được đặt ngồi vào vai trò cai trị đất nước. Nhưng dẫu vậy những kẻ nô lệ ngoại bang này vẫn phần nào biết nghĩ đến tổ quốc và đồng bào.. Trong khi đó những người cộng sản Việt Nam, với cái đảng cộng sản Đông Dương của họ, đã chẳng cần biết đến đất nước, đã không cần nghĩ đến dân tộc, mà chỉ biết cúi đầu tuân phục mệnh lệnh quốc tế cộng sản để xích hoá quê hương chúng ta.
Triều Tiên Dân chủ Chủ nghĩa Nhân dân Cộng hoà Quốc – tên gọi chính thức của Bắc Hàn – đề ra thuyết Chủ thể, một hình thức ý thức hệ cách mạng dân tộc tự chủ đặc thù do Kim Nhật Thành phát khởi. Chủ thuyết chính trị này đề cao đường lối tự chủ tự cung tự cấp vào trường hợp bị kẻ thù bao vây cấm vận, huy động tinh thần tự lực tự cường khi rơi vào hoàn cảnh bị cô lập nhưng khi chủ nghĩa xã hội hoàn toàn chiếm được vị thế độc tôn thượng phong thì có thể nới lỏng mở rộng. Trọng điểm – đúng ra là tâm điểm – của học thuyết Chủ thể là chính sách Tiên quân, đặt quân sự lên trên tất cả nhằm theo dõi mục tiêu tái thống nhất đất nước. Bắc Hàn là xã hội quân sự hoá nhất thế giới với tổng số 9.495.000 quân nhân chính qui và trừ bị bên cạnh nhân viên bán quân sự3.
Đã sản xuất được hoả tiễn liên lục địa, đã chế tạo được bom nguyên tử, đang duy trì một lực lượng vũ trang khổng lồ, Kim Chính Ân có thể đủ tự tin để tự tồn. Sự chuyển hoá đột ngột trong chính sách đối ngoại có lẽ nhắm chủ yếu vào nhu cầu giải quyết kinh tế. Họ Kim sẽ vòi vĩnh hết hình thức yểm trợ này đến kế hoạch tài trợ khác từ phía Nam Hàn và Hoa Kỳ trong khi vẫn giữ chặt ngôi vị lãnh tụ. Cùng với chương trình mở rộng đoàn tụ gia đình, có thể sẽ có đường lối tạo thuận lợi cho dân chúng Bắc Hàn xuống thăm Nam Hàn. Người dân hai bên sẽ có dịp trực tiếp gặp nhau và bầu không khí nghi kỵ hằn học sẽ loãng dần.
Dầu sao đi nữa thì trong Hiến pháp 2009 của Bắc Hàn cũng có điều khoản bảo rằng Cao Ly không còn liên quan gì đến học thuyết Mác-Lênin nữa. Một dấu hỏi khác dành cho thế giới?

22.05.2018
1Nöspl : Neues Ökonomisches System der Planung und Leitung : Hệ thống Kinh tế mới về Hạch toán và chỉ huy.
2Trofime Denissovitch Lyssenko (1898-1976), nhà thực vật học và nhà di truyền học xô-viết, phủ nhận sự hiện hữu của gen và vai trò của các nhiễm sắc thể vì chủ xướng học thuyết Mendel trong sinh học là sản phẩm tiểu tư sản phản động.
3Theo Wikipedia tiếng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét