Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

CT> Hiện tượng “Hoàng Minh” trong ngày Quốc hận 30 tháng 4 năm thứ 43

Hoàng Minh. Ảnh: Cali Today  https://www.baocalitoday.com/cong-dong/hien-tuong-hoang-minh-trong-ngay-quoc-han-30-thang-4-nam-thu-43.html 
Cali Today News – Trong ngày 30 tháng 4 Quốc Hận năm nay chúng tôi có đi tham dự một vài buổi tổ chức ngày tháng tư đen của Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời được nghe chương trình phỏng vấn một cậu bé Hoàng Minh 13 tuổi trên đài truyền hình Calitoday nói về ngày Quốc Hận 30 tháng 4 và vài nét đặc biệt về lịch sử Việt Nam mà cậu bé đã tìm hiểu trong suốt 10 năm của tuổi trẻ. Một sự bất ngờ và làm trái tim chúng tôi cảm động khi em nói thao thao về lịch sử của cuộc chiến hơn 30 năm giữa hai miền Nam Bắc và về QLVNCH. Tôi phải nói câu bé đã làm tôi rơi lệ và hãnh diện là trong cộng đồng người Việt chúng ta ở hải ngoại có một hậu duệ sinh ra nơi đất Mỹ mà nói tiếng Việt một cách trôi chảy và hiểu lịch sử Việt Nam một cách rõ ràng, cũng như biết phân biệt lằn ranh Quốc cộng. Như thế thì chúng ta lo gì không có niềm tin và hy vọng nơi hậu duệ. Sau đây là một vài cảm nhận của chúng tôi trong ngày Quốc hận 30 tháng 4 để chia sẻ cùng với mọi người.
Một điều mà chúng tôi thường phân vân, là liệu tuổi trẻ VN có còn nối tiếp cuộc tranh đấu của cha ông không? Tại sao chúng tôi lại suy nghĩ và đặt câu hỏi một cách nghi vấn như thế. Là vì chúng tôi đã chứng kiến nhiều buổi tổ chức ngày Quốc Hận hầu như không có đông đảo tuổi trẻ tham dự, không nhiều hậu duệ quan tâm đến quê hương dân tộc đang bị đọa đày dưới chế độ CS và Hán hóa hiện nay.
Vấn đề này rất được nhiều người quan tâm bàn luận. Chủ đề này có nhiều ý nghĩ và câu trả lời khác nhau như: Cộng Đồng người Việt không được đoàn kết, thế hệ cha ông đã lớn tuổi không còn khả năng và thời gian hoạt động nữa. Tuổi trẻ thờ ơ với hiện tình mà cha ông của họ đã quan tâm. Có một số tuổi trẻ nghĩ rằng chuyện trước đây đã là quá khứ, không ảnh hưởng gì đến đời sống và suy nghĩ của họ. Hay những người trẻ không muốn tìm hiểu về lịch sử VN, sự sai hay đúng đã xảy ra trước đây không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ nơi hải ngoại. Có người cho rằng tuổi trẻ không hiểu nhiều về chính trị cũng như những mưu mô thâm độc của CS thường bị lợi dụng, tuyên truyền. Hay một lý do khác khi các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động của cộng đồng nếu có một vài sai trái, chưa thấu hiểu thì các bậc trưởng thượng không giúp đỡ để sửa sai mà lên án và chụp cho họ nhiều chiếc nón cối.v.v. và .v.v. Đó là những trở ngại và những khó khăn trong sinh hoạt của cộng đồng hiện nay sau 43 năm nơi hải ngoại.
Với những lý do nêu trên còn có những lý do khác như nhiều gia đình không chú trọng lắm về sự đấu tranh hiện nay cho đất nước, điều họ quan tâm là làm sao con em họ học hành đổ đạt thành tài. Hay ít khi có cơ hội ngồi lại với con cháu để kể lại cuộc hành trình tìm tự do và lý do tại sao họ có mặt tại xứ sở này. Tuổi trẻ không sống trong chế độ CS, cho nên không có kinh nghiệm về CS nhiều như chúng ta, hay nhiều gia đình, quyền làm cha mẹ đã mất đi vì mọi sinh hoạt hằng ngày phải lệ thuộc vào con cái của họ. Cho nên, nói đến việc mà cha mẹ quan tâm họ không muốn nghe, thậm chí họ còn cho là sai trái không thích hợp. Đa phần các gia đình VN cha mẹ thường khuyên con cái ăn học để đổ đạt thành kỹ sư, Bác sĩ nhiều hơn là quan tâm đến vận mệnh của quê hương Tổ Quốc ở xa ngàn dặm. Đa số tuổi trẻ hôm nay khi thành công chỉ biết lo cho gia đình và đời sống hiện tại. Nhu cầu hạnh phúc là mục tiêu hàng đầu còn những chuyện khác điều là thứ yếu. Thậm chí có nhiều tuổi trẻ khi thành đạt lại trở về hợp tác làm ăn với người CS.v.v. Hẳn là còn nhiều yếu tố khác nữa nhưng biết làm sao hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều tuổi trẻ dấn thân vào các cơ quan của chính quyền hầu có cơ hội để giúp đỡ và phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp họ tham gia vào dòng chính không phải mục đích là phục vụ cho Cộng đồng mà vì quyền lợi và địa vị của họ nhiều hơn. Cũng có một số người lợi dụng lá phiếu Cộng đồng để đắc cử, nhưng sau đó thực hiện lời hứa khi vận động sẽ trở thành một vấn đề khác.
Chúng tôi nhớ lại có nhiều câu chuyện buồn cười của những bạn trẻ trong cộng đồng khi ra ứng cử một vài chức vụ trong Hội đồng thành phố hay trong Quốc hội của tiểu bang. Họ không nói, không nghe được một câu tiếng Việt, họ cần một thông dịch viên người Việt dịch lại lời phát biểu của họ, với những điều cam kết, những đường hướng và lập trường của họ với cộng đồng người Việt trong tương lai. Điều này chúng tôi lấy làm lạ, là cả hội trường đều là người Việt, nói chuyện với người Việt mà cần một thông dịch tiếng Việt. Ngẩm nghĩ lại thấy có nhiều điều rất nghịch lý, nếu họ không nói, không nghe được tiếng Việt thì làm sao sinh hoạt hay hiểu được những gì mà Cộng đồng người Việt mong muốn để giúp đỡ? Chúng tôi thiết nghĩ họ Không bằng một em bé 13 tuổi Hoàng Minh, thử hỏi họ hiểu gì về người Việt, họ tranh đấu điều gì cho cộng đồng người Việt? Ngôn ngữ mẹ đẻ không nói, không nghe được, có lẽ họ chỉ còn thân xác và con tim Việt đã mất đi hơn phân nửa.
Một điều khác chúng tôi cảm thấy rất đau buồn trong ngày 30 tháng 4 khi Cộng đồng người Việt ở hải ngoại cho là ngày Quốc Hận, ngày đau thương của cả một dân tôc, thì ở Việt Nam CS lại kỷ niệm, vinh danh, ăn mừng, hãnh diện, chiến thắng, giải phóng.v.v. Sau 43 năm họ rêu rao là quên đi quá khứ, nhìn về tương lai, nhưng thật ra chỉ là những ngôn từ sáo rỗng, bịp bợm.  Trong mấy ngày qua có lẽ chúng ta ai cũng theo dõi tin tức hiện nay giữa Nam và Bắc Hàn đang trên đường thảo luận để thống nhất đất nước. Những tin tức này dù chỉ mới bắt đầu đưa ra, nhưng khi nghĩ lại đất nước VN đã làm cho chúng tôi cảm thấy buồn và tội nghiệp cho một dân tộc Việt sau hơn 43 năm gọi là “giải phóng”. Ngày 30 tháng 4 họ đã tổ chức ăn mừng, họ hãnh diện về điều đen tối của lịch sử. Ngày 30 tháng 4 CS/VN đang hãnh diện vì đã giết chết hơn hai triệu tuổi trẻ cả hai miền Nam Bắc, hãnh diện sau hơn 43 năm để dân tộc lầm than, nghèo khổ thua một Quốc gia mà trước đây cho là yếu kém hơn họ. Họ hãnh diện và vui mừng sau 30 năm chiến tranh dành được phần đất để đem cống hiến cho Tàu cộng, để cúi đầu làm tay sai hút máu đồng bào. Họ ăn mừng và vinh danh vì đã giết chết đồng bào mình, họ ăn mừng với những xác người trên sông, trên biển, gia đình ly tán, trẻ thơ không cơn ăn áo mặc, không trường học, không bệnh viện để chăm lo sức khỏe. Họ vui mừng và hãnh diện là chiếm được miền Nam để ăn cướp tài sản của cải của dân, để đày người dân vô tội vào rừng sâu núi thẩm để lao động, để tập trung cải tạo… Phải chăng đất nước hiện nay bọn thống trị đều là những kẻ ngu dốt, đần độn, mang con tim dã thú chỉ biết ăn mà quên đi Tổ Quốc, dân tộc.
Mặc dù việc thống nhất đất nước Bắc Nam của Hàn Quốc vẫn còn trong tương lai có thể gần, có thể còn xa, có thể thành công hay thất bại còn tùy vào các cuộc họp thượng đỉnh bàn thảo sau này. Tuy nhiên, sự việc khởi đầu này có thể là một ngọn lửa thắp sáng niềm hy vọng trong lòng người dân Nam Bắc Hàn. Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều clip video khi cả hai miền Nam Bắc gặp nhau trong bầu không khí hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và những nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của đôi bên, làm chúng tôi rất đau buồn và thương xót cho số phận đất nước Việt. Tại sao giữa hai miền Nam Bắc trước đây không có những cuộc gặp gỡ để thảo luận, để trao đổi, để  tiết kiệm xương máu của tuổi trẻ. Họ tự hào chiến thắng để làm gì? Kết quả sau 43 năm họ cho là giải phóng đất nước, nhưng VN hiện nay ra sao? Có hạnh phúc, có cơm no áo ấm không? Nước có giàu, có phát triển hơn không?  Nếu CS Việt Nam trước kia có tư tưởng ôn hòa, không làm tay sai cho Nga Tàu, biết thương nghĩ đến dân tộc thì có lẽ hàng triệu triệu người không chết oan trong bom đạn, đất nước không điêu linh, tàn phá.
Trở lại chuyện em bé 13 tuổi Hoàng Minh, em chỉ mới học bậc tiểu học mà em đã hiểu và phân biệt được giữa CS và Quốc gia, giữa tự do dân chủ và độc tài, giữa thương yêu và bạo tàn, giữa nghèo đói và phồn thịnh, giữa hạnh phúc và khổ đau của đồng bào. Chúng tôi rất khâm phục em Hoàng Minh, chúng tôi hy vọng ở hải ngoại có thêm hằng trăm, hàng ngàn em như Hoàng Minh để chúng tôi hy vọng. Quý vị có bao giờ thử hỏi các con em của mình một vài điều như em bé Hoàng Minh đã trình bày, xem con em mình biết được điều đó như thế nào không? Nếu biết được thì chúng ta sẽ còn nhiều hy vọng. Nếu không, thì niềm hy vọng chúng ta hôm nay sẽ là gì? cuộc tranh đấu sẽ đi về đâu trong tương lại. Và một điều nữa chúng ta cũng đừng quá tin tưởng vào các nghị viên dân biểu người Mỹ gốc Việt với những bài nói chuyện viết sẵn, những lời hứa suông. Hãy nhìn những gì họ đã làm để sử dụng lá phiếu của chúng ta có ý nghĩa.
Ngày 30 tháng 4 nếu con em chúng ta không đến tham dự được trong các tổ chức của Cộng đồng thì ráng cố gắng tâm sự những điều chúng ta quan tâm, những nỗi đau mất nước, nỗi xót xa phải ly hương để con em của chúng ta thấu hiểu. Hãy cố gắng, để thuyết phục tuổi trẻ hôm nay hiểu được những trăn trở của chúng ta, cho dù mai đây chưa có cơ hội cờ vàng tung bay trên quê hương yêu dấu. Mặc dù thế, nhưng ít nhất chúng ta cũng đã làm tròn một phần nào bổn phận của một người con dân yêu nước.  
Linh V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét