Thống nhất Triều Tiên liệu có thể diễn ra ?
Lần đầu tiên kể từ 11 năm qua, thượng đỉnh Liên Triều đã diễn ra ngày 27/04/2018. Các hình ảnh về cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cũng như những tuyên bố trong cuộc gặp này mang đầy tính biểu tượng. Từ những quan sát đó, giới phân tích tự hỏi : Liệu rằng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có thể đi đến thống nhất được hay không ?
Câu trả lời là « chưa » và đó là một tiến trình lâu dài. Để giải thích vì sao, RFI đặt câu hỏi với bà Juliette Morillot, nhà báo, sử gia, trưởng ban biên tập báo mạng Asialyst, chuyên gia về Bắc Triều Tiên và ông Dorian Malovic, phóng viên nhật báo Công Giáo La Croix, chuyên trách mục Châu Á.
Trước hết, cả hai nhà báo đều ghi nhận nhiều hình ảnh phát đi về buổi gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã thật sự gây xúc động lòng người. Từ cảnh hai nhà lãnh đạo thân thiện nắm tay nhau bước qua bước lại giới tuyến phân chia hai miền, cảnh cùng trồng cây thông, cho đến cảnh dạ tiệc với những món ăn mang đậm nét truyền thống Triều Tiên, cũng như là hình ảnh một đất nước thống nhất… Tất cả đều toát lên một ý nghĩa : Chúng ta đều cùng một dân tộc Triều Tiên.
Một bán đảo, hai thể chế
Thế nhưng, với chuyên gia Juliette Morillot, hai miền « cùng một dân tộc » nhưng còn xa mới có thể « cùng một quốc gia ». Những thế hệ từng trải qua cuộc chiến nhìn nhau với thái độ nghi kỵ, thù nghịch. Vậy còn giới trẻ ngày nay thì sao ?
« Moon Jae In đắc cử với lời hứa là sẽ chìa bàn tay hữu hảo ra cho Bắc Triều Tiên. Chính vì thế mà tôi nói đến sự thay đổi giữa các thế hệ. Giới trẻ Hàn Quốc chỉ nghĩ đến vấn đề kinh tế, sự yên ấm của họ.
Thành thật mà nói, họ không quan tâm lắm đến dân Bắc Triều Tiên. Họ không sợ và thực sự họ cũng không muốn lắm, vì trong một thời gian dài, giới trẻ đã nhìn thấy rất nhiều người Bắc Triều Tiên rời bỏ đất nước và chạy sang tị nạn tại Hàn Quốc.
Và nếu nói một cách phũ phàng, thì giới trẻ Hàn Quốc coi dân Bắc Triều Tiên như những kẻ bần hàn, nhà quê. Họ cảm thấy không có mối liên hệ nào đối với dân Bắc Triều Tiên và họ không muốn « hy sinh » mức sống của mình chỉ vì người dân Bắc Triều Tiên ».
Tại Hàn Quốc, nhiều lãnh đạo thuộc phe bảo thủ từng nghĩ rằng có thể hợp nhất với miền Bắc theo mô hình của Đức. Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Morillot, hình thức sáp nhập này khó có thể diễn ra, do chi phí quá đắt đối với Seoul và sự cách biệt về mức sống giữa người dân hai miền nam – bắc Triều Tiên quá lớn.
Hơn nữa, nước Đức tuy bị chia cắt Đông – Tây ,nhưng chưa bao giờ đi đến chiến tranh như hai nước Triều Tiên. Và bản thân chính quyền Bình Nhưỡng cũng chỉ muốn đi đến hình thức « một bán đảo, hai thể chế ».
« Bắc Triều Tiên muốn có một dạng liên bang : một bán đảo nhưng hai chế độ. Đương nhiên, giữa hai bên có các trao đổi văn hóa, thể thao, kinh tế, quân sự. Thế nhưng, vấn đề chính là quyền tự do đi lại giữa hai miền Triều Tiên. Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với người dân tại Bắc Triều Tiên. Họ tỏ ra hơi bối rối và nói sau này, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý xem người dân lựa chọn bên nào. Nhưng tôi không chắc là họ thực sự tin vào điều đó.
Dù sao, đó cũng là điều họ muốn. Trong mọi trường hợp và đây là điều quan trọng hơn cả, đó là hai nước Triều Tiên muốn thảo luận với nhau về tương lai của đất nước –và đây là đề nghị của Bình Nhưỡng – mà không có sự can thiệp, hiện diện của Hoa Kỳ.. »
Bàn cờ địa chính trị thay đổi ?
Thế nhưng, liệu rằng Hoa Kỳ, và thậm chí cả Trung Quốc có chấp nhận để cho hai nước Triều Tiên tự quyết định vận mệnh đất nước và đi đến hợp nhất quốc gia ? Nhà báo Dorian Malovic đưa ra ý kiến của ông.
« Hai nước Triều Tiên có khả năng hành động để cải thiện quan hệ song phương. Bán đảo Triều Tiên có một sức sáng tạo mạnh mẽ, vô bờ bến. Mọi người đều biết điểm xuất phát của nền kinh tế Hàn Quốc trước đây và hiện giờ, nước này có những tập đoàn có tên tuổi như Samsung. Bắc Triều Tiên thì đang tự sản xuất điện thoại, xe lửa, máy tính.
Về mặt kinh tế, sự thống nhất giữa hai miền làm cho Nhật Bản và một số nước trong khu vực lo ngại và nếu như Bắc Triều Tiên xích lại gần Hoa Kỳ thì điều này không làm cho Trung Quốc hài lòng. »
Dẫu sao, những bước tiến về ngoại giao của Bắc Triều Tiên từ đầu năm đến nay đang làm thay đổi diện mạo địa chính trị trong khu vực Đông Á. Những tính toán lợi ích riêng có từ trước đến nay của các cường quốc liên quan giờ có nguy cơ bị phá sản. Chuyên gia Juliette Morillot cho biết tiếp:
« Vâng, Hoa Kỳ sẽ phải tự hỏi, nhất là ở Biển Đông trước sự bành trướng của Trung Quốc ở đây. Hiện nay, điều gì biện minh cho sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng này ?
Thực ra, từ nhiều năm qua, các bên liên quan đã chấp nhận nguyên trạng và Bắc Triều Tiên đã rất khéo léo khai thác tình trạng này, dồn cộng đồng quốc tế vào chỗ bế tắc. Xin nhắc lại là Trung Quốc không muốn một nước Triều Tiên thống nhất với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở sát biên giới. Bắc Kinh muốn Bắc Triều Tiên là « vùng đệm » ngăn cách với quân đội Mỹ. Chính quyền Tokyo không muốn thấy một nước Triều Tiên thống nhất luôn sôi sục tinh thần chống Nhật. Hoa Kỳ cần đến vấn đề Bắc Triều Tiên để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Giờ đây, mọi việc thay đổi và các lá bài được phân bố một cách khác. Donald Trump với cách thức hơi phũ phàng, đã thẳng chân dẫm vào ổ kiến, khuấy động sự nguyên trạng này. Ở đây, tôi hàm ý nhắc đến điều mà Kim Jong Un đã nói khi gặp Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng. Pompeo là một nhân vật diều hâu cứng rắn.
Kim Jong Un, người có đầu óc thực dụng, dường như đã nói rằng ông ta (Pompeo) có cùng ngọn lửa cháy trong lòng. Diễn giải một cách nôm na : Đây là người đang nói chuyện và chúng tôi hiểu nhau. Có thể trong một chừng mực nào đó, kiểu nói này ít văn minh hơn cách nói của Trump. Chính quyền Mỹ đã thực sự làm thay đổi nhiều việc và giờ đây, cần chỉnh lại một số chính sách và phân bổ lại các lá bài. »
Với tính chất phức tạp do liên quan đến lợi ích của nhiều bên khác nhau, cho dù khôn khéo và linh hoạt, liệu lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có thể rộng tay hành động theo ý muốn của mình hay không ? Nếu được thì hai bên Triều Tiên có thể đi đến cấp độ nào ?
Bắc Triều Tiên lệ thuộc vào Trung Quốc và Hàn Quốc được ô Hoa Kỳ che chở. Một bên là lệ thuộc vào Trung Quốc vì kinh tế. Bên kia thì phụ thuộc vào Hoa Kỳ do vấn đề an ninh. Biết đến bao giờ dân tộc Triều Tiên nói chung mới có thể tự quyết vận mệnh của mình ?
Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un có thể diễn ra vào cuối tháng 5/2018, cũng như chuyến công du Bắc Triều Tiên của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Sáu có thể cung cấp một số yếu tố giải đáp các câu hỏi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét