Đâu là sự thật vụ thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế đêm 8.5.1963?
Đêm nay, mồng 8 tháng 5 năm 2018, vào lúc 10 giờ tối là giờ phút linh thiêng kỷ niệm 55 năm, 9 em trẻ thơ vô tội đã bị chết thảm trên sân cỏ lớn, bên trái của Đài Phát Thanh Huế (ĐPT), bởi một tiếng nổ kinh hoàng! Trong số đó, có một em không phải là Phật tử, số còn lại 8 em là Đồng niên, Đồng Nữ, Thiếu nữ Phật Tử:(1) Nguyễn Thị Ngọc Lan, 12 tuổi, (2) Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa, 12 tuổi, (3) Đặng Văn Công 13 tuổi, (4) Dương Viết Đạt, 13 tuổi, (5) Nguyễn Thị Phúc, 15 tuổi, (6) Lê Thị Kim Anh, 17 tuổi, (7) Trần Thị Phước Tri, 17 tuổi, (8) Nguyễn Thị Yến, 20 tuổi. Tất cả 8 em đều được phong Thánh Tử Đạo! Kể từ đêm hôm đó, những lời đồn đãi về cái gọi là “Vụ thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế” được quý Thầy Thích Trí Quang, quý Tăng Ni và đồng bào Phật Tử tại Huế và sau đó lan truyền khắp Miền Nam VN, hòa nhịp với các học giả trí thức của Việt Nam cũng như ngoại quốc gồm các Tiến sĩ, Bác sĩ, Giáo sư Đại học, mặc dầu họ không có mặt tại hiện trường ĐPT Huế, nhưng tất cả đều phát biểu trên các đài phát thanh hay viết sách báo gần như sao y bản chánh về cái gọi là nói trên, với những lời lẽ thêm thắt đầy tình tiết ly kỳ, nhưng nhiều khi chính họ lại mâu thuẫn nhau và không có cơ sở! Tiếng nổ kinh hoàng đêm hôm đó là tiếng nổ định mệnh cho cả dân tộc Viêt Nam hay là phát súng lệnh đầu tiên để mở đầu cho cuộc đấu tranh của Phật Giáo do thầy Thích Trí Quang chủ xướng, với sự phụ họa của báo chí trong và ngoài nước, đặc biệt là giới truyền thông thâm độc của Mỹ, ở bên kia bán cầu! Phối hợp cùng với một số Tướng lãnh bất tài, tranh giành địa vị, tham tiền, họ đã cam tâm làm tay sai cho CIA Mỹ với giá 3 triệu Đô La, để làm cuộc đảo chánh và giết hại Tổng Thống ND Diệm và Cố Vấn NĐ Nhu, vào ngày 01.11.1963! Sau khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa bị sụp đổ, MNVN rơi vào thời kỳ vô cùng đen tối, một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng chưa từng có! Hết cuộc đảo chánh nầy, đến chỉnh lý khác, chỉ trong hai năm có 3, 4 cuộc! Đất nước không có người tài giỏi để lãnh đạo! Và kéo theo là sự đổ quân của Quân Đội Mỹ vào MNVN trong trung tuần tháng 5 năm 1965, để CSVN có lý do kêu gọi toàn dân tham gia cuộc chiến “Chống Mỹ Cứu Nước!” đã tạo nên một cuộc chiến tranh xâm lăng MNVN vô cùng tàn khốc, làm cho hơn 3 triệu thanh niên của hai Miền phải hy sinh một cách oan uổng, đó là chưa kể đến hằng triệu quân nhân của hai miền và đồng bào bị thương tật tàn phế và gây nên bao cảnh điều tàn tang thương cho đất nước và dân tộc cho đến ngày mất nước 30/04/75!
Năm nay, tôi 76 Tuổi Tây tức 77 tuổi Ta, tôi nghĩ thời gian còn lại trong cuộc đời không còn nhiều, nên tôi phải nói lời Công Đạo như là một lời sám hối trước Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni để cho lòng mình được thanh thản trước khi về với Ông Bà. Đồng thời để nói lên một sự thật của lịch sử lâu nay bị hiểu lầm, mà tôi có dịp chứng kiến từ đầu cho đến cuối. Trong thời gian qua, bởi lòng thương Thầy, quý Đạo và vì bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả mà tôi đã học qua Giáo Lý của Phật Pháp, đã làm cho tôi hèn nhát trong im lặng đứng nhìn hoặc nhiều khi cùng với gia đình, đồng tình tham gia vào các cuộc đấu tranh của Phật Giáo để đem lại cho Tổ Quốc, Dân Tộc và Đạo Pháp biết bao hệ lụy như ngày hôm nay! Như chùa chiền, nhà thờ, Thánh thất bị triệt hạ, tượng Phật, tượng Chúa bị đập phá bể đầu, gãy tay và đem bỏ vào những nơi ô uế! Đất đai của chùa, nhà thờ, Thánh thất bị chiếm đoạt, đất nước, biển đảo bị mất lần mất hồi vào tay Tàu Cộng, dân tình ta thán mọi nơi, mọi chốn! Riêng quý Thầy thuộc Khối Ấn Quang, như quý Thầy Thích Trí Quang, Thầy Huyền Quang, Thầy Quảng Độ và Thầy Quảng Liên ngày xưa thì tiền hô hậu ủng, kẻ đưa người đón, những quan chức từ trung ương đến địa phương, sau chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, thì cúi đầu cầu cạnh, quỵ lụy quý Thầy để xin xỏ chức vụ, quyền uy! Các phiên tòa xử những người liên hệ với chế độ cũ của TT NĐ DIệm như ông Ngô Đình Cẩn, Phan Quang Đông và Thiếu Tá Đặng Sĩ đều phải hỏi hay xin ý kiến của quý Thầy Thích Trí Quang! Quý Thầy tự do đấu tranh, tự do xuống đường biểu tình, tự do đem bàn thờ Phật ra đường; Nhưng giờ đây, quý Thầy chỉ được đặc quyền “Tịnh Khẩu Tu Thiền , Biểu Tình Tại Gia hay xuống đường đấu tranh tại chùa!” Ôi thời oanh liệt nay còn đâu! May mắn thay! thầy Thích Trí Quang tuy tuổi đã già, ngoài 90, nhưng Thầy vẫn còn khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn để viết Trí Quang Tự Truyện và đang an phận thủ thường với 4 chữ “Không Vẫn Hoàn Không!” để có thể nói lời công đạo, trong những ngày còn lại của cuộc đời, trước khi về với Chư Phật.
55 năm trôi qua, tôi vẫn canh cánh trong lòng một câu hỏi lớn: Nên nói hay đừng? Trước những lời lẽ mà người đời thường đồn đãi về “Vụ thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế” mà hầu hết không đúng với những điều mắt tôi thấy, tai tôi nghe. Câu hỏi nầy cứ làm tôi đắn đo, phân vân mãi, chỉ vì tôi là một Phật Tử thuần hành và ngoan đạo qua nhiều đời: “Ông Bà Cố Ngoại của Tôi là Cụ Trần Kiêm Trình, người đã hiến đất trong vườn nhà để xây dựng Khuôn Hội Phật Giáo Kim An, nay là Chùa Kim An to lớn. khang trang và đẹp đẽ tại xã Hương Long, Kim Long, Huế. Ngay phía sau lưng Chánh Điện Phật, quý Thầy đã dành riêng một gian phòng rộng để làm bàn thờ Ông Bà Cụ Cố của tôi, là người sáng lập chùa với bức ảnh chân dung 60X90 cm. Hằng năm đến ngày giỗ Ông Bà Cụ Cố 14 tháng giêng Âm lịch, quý Thầy cùng các thiện nam tín nữ và gia đình Phật Tử trì tụng kinh cầu siêu trước và sau ngày giỗ, đúng ngày chánh Giỗ vừa làm lễ Tưởng Niệm vừa làm lễ cầu Siêu. Về phía Ông bà Nội, Cha Mẹ và bản thân tôi đều Quy Y thọ Ngũ Giới với Pháp Danh Chơn Quả, dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Hải Đức Thích Phước Huệ, trụ trì chùa Hải Đức làng Bình An gần chùa Từ Đàm.(Attachement) Năm 1904 Ngài nhận chức trụ trì chùa Kim Quang làng An Cựu - Huế do bà Từ Minh, Hoàng Thái Hậu đời vua Thành Thái kiến lập, đồng thời là Pháp sư của đời Vua Thành Thái. Năm 1943 Ngài sáng lập Phật Học Viện Hải Đức - Nha Trang ngày nay. Hồi còn học sinh Trung Học, tôi học trường Bồ Đề Thành Nội Huế, tôi là đoàn viên Thiếu Niên của Gia Đình Phật Tử Khuôn Thành Nội Huế, gồm có các Huynh Trưởng Anh Kỳ, Anh Trung, Anh Ký, Chị Thảo. v...v. Riêng tại TB/NSW Úc Châu, tôi là một trong số những người đầu tiên đóng góp tiền bạc, đứng ra gây quỹ để deposit, làm người bảo trợ, cầm thế nhà để vay tiền nhà Bank National mua căn nhà số 13 Windspear St Bankstown để lập chùa Trúc Lâm ngày nay. Về sau, Thầy Tâm Minh, Trụ Trì chùa đã thay lòng đổi dạ, giống như người phàm tục! Thầy Tâm Minh muốn chiếm đoạt chùa để làm của riêng để làm chủ căn nhà một mình! Vì quá thất vọng và muốn tâm hồn được yên tịnh để tâm trí lo làm ăn,, nên tôi đã ký giấy giao chùa cho Thầy Tâm Minh và rút lui khỏi chùa, trước sự chứng giám của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc trụ trì chùa Pháp Bảo NSW; Vì bây giờ, chùa Trúc Lâm đã có đông Phật Tử để đóng góp và trả tiền cho nhà Bank hằng tháng, nên không còn cần đến sự trợ giúp của tôi, là người bảo trợ như trước nữa! Tôi xin phép được nói qua thân thế Phật Giáo của gia đình và riêng bản thân tôi chỉ là một người Lính trận hành quân và đóng đồn xa, chưa bao giờ được hưởng một ân Huệ nào của chế độ NĐ Diệm, để tránh trường hợp hiểu lầm đáng tiếc như: "Công Giáo, Cần Lao, Hoài Ngô.v...v!” Vì mỗi khi nói đến vần đề Tôn Giáo vô cùng nhạy cảm, đặc biệt là nói đến Phật Giáo, một tôn giáo có đến 80% đồng bào theo Đạo Phật?
Bối cảnh chung quanh thành phố Huế trong mùa Phật Đản Sanh 2507
Trước khi đi thẳng vào điểm nóng “Vụ thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế” Tôi xin phép trình bày bối cảnh sinh hoạt của thành phố Huế trong Mùa Phật Đản Sanh ngày mồng 8 tháng 4 Phật Lịch 2507 tức là ngày 8 tháng 5 năm 1963. Trong Năm 1963, ngày lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày Mồng Tám tháng Tư Phật Lịch 2507, nhằm ngày 8 tháng 5 năm 1963; Sau khi chế độ NĐDiệm bị bức tử vào ngày 01.11. 1963, kể từ năm 1964 trở đi, Phật Giáo Ấn Quang của Thầy Thích Trí Quang đã dựa theo lịch Ấn Độ, nên đã lấy ngày Rằm Tháng Tư làm ngày Lễ Phật Đản.
Vi biết tôi là một quân nhân Phật Tử rất ngoan đạo, hằng đêm tôi trì tụng Kinh Phổ Môn và đọc Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú 7 lần, nên Trung Úy Nguyễn Duy Đệ Chỉ Huy Trưởng TTHL cho tôi 4 ngày phép để về Huế dự lễ Phật Đản. Lúc đó tôi là Thiếu Úy Chỉ Huy Phó Trung Tâm Huấn Luyện Dân Vệ Ngọc Hồ, là tiền đồn bảo vệ an ninh vòng đai phía tây thành phố Huế, cách khoảng 30 cây số theo đường chim bay. Sáng ngày 5 tháng 5 năm 1963, sau khi cho binh sĩ hành quân mở đường và bảo vệ an ninh lộ trình như mọi ngày, tôi nhận giấy phép và xe Jeep của Chỉ Huy Trưởng đưa tôi về thành phố Huế. Trên đường xe chạy từ TTHL Ngọc Hồ, xuyên qua núi đồi, đồng ruộng, làng mạc rồi đến chợ Long Hồ, xã Hương Hồ, về đến Đền Văn Thánh rồi Chùa Thiên Mụ, qua làng Kim Long, nhìn bên trái về hướng Cầu An Hòa, nhìn bên phải là cầu Bạch Hổ, nhìn thẳng trước mặt, hai bên là vườn ương cây của thành phố Huế và xa xa là Phú Văn Lâu, rồi bến Thương Bạc, rẽ trái vào cửa Thượng Tứ, xe chạy dọc theo đường Đinh Bộ Lĩnh và bây giờ là đường Đinh Tiên Hoàng, xe chạy hơn 1 cây số và xe dừng lại trước nhà hàng Lưu Khách số 36 –36 là nhà của tôi. Tên Lưu Khách là do nhạc sĩ Ngô Ganh là Thầy dạy nhạc của tôi, lúc còn học Tiểu Học, Thầy ở số nhà 34 đường Đinh Bộ Lĩnh sát vách nhà tôi, cùng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba Tỳ Bà ở gần cửa Thượng Tứ và Nhạc sĩ Văn Giảng ở trên Thượng Thành gần Nhà Thương Nhỏ thường hay gặp nhau vừa soạn nhạc và hòa nhạc và một hôm họ đặt tênLưu Khách để tặng cho Ba Má tôi vì nhà hàng đã có từ năm 1942 mà chưa có tên và giải thích “Nhà Hàng Lưu Khách là Khách lưu luyến Chủ về cách tiếp đãi và Chủ cũng lưu luyến Khách về nhân cách.” Theo lời Ba tôi kể lại, sau nầy, đến đời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhạc sĩ Ngô Ganh đã sửa họ trong giấy tờ là Ngô Đình Ganh, nhưng ngoài đời người ta vẫn gọi là Nhạc Sĩ Ngô Ganh, sau đó, thầy Ngô Ganh làm Giám Đốc đài Phát Thanh Huế. Sau một thời gian thầy Ngô Ganh đã mua nhà và dời nhà lên đường Hoà Bình gần Cào Đất. Nhà tôi ở sau lưng Tòa Thượng Thẩm Huế, bên cạnh đường Đinh Công Tráng dẫn vào Cửa Hiển Nhơn của Đại Nội Huế, trước mặt nhà là Vườn Hoa Ba Viên có cây cao bóng mát. Rất vui mừng và thành thật mà nói, trên đoạn đường dài, xe chạy trên 30 cây số, lòng tôi vô cùng rộn ràng hòa nhịp theo rừng cờ Quốc Gia và cờ Phật Giáo phất phới tung bay khắp mọi ngả đường, từ làng quê xa xôi, cho đến phố chợ. Khi xe chạy qua những dãy nhà dân, thì những lời ca tiếng nhạc lại vang vọng trong gió “Ngày Mồng Tám Tháng Tư về đây, Ngày Trần Gian chào đón Đức Phật...hay Vui mừng gặp ngày nay Mồng Tám Tháng Tư..v...v.” làm tôi hồi tưởng mới ngày nào tôi còn là Thiếu niên của Gia đình Phật Tử khuôn Thành Nội Huế hay còn là học sinh Trường Bồ Đề, chúng tôi thường ca vang mãi bài Mừng Phật Đản như thế nầy mà không thấy mệt. Một niềm vui trong lòng chan hòa theo những gương mặt tươi cười rạng rỡ của mọi người mà tôi gặp trên đường, như đang đón mừng Phật Đản Sanh đem Ánh Đạo Vàng tỏa sáng khắp thế gian, đem an lạc đến với mọi người, trong tinh thần từ bi và hỷ xả, thế giới an bình!
Sau khi thay bộ đồ dân sự, người thấy nhẹ nhàng, tôi nhìn qua bên kia đường là vườn hoa Ba Viên, bên hông Phủ Tôn Nhơn là nhà thờ Nguyễn Phước Tộc, một lễ đài Phật Đản Sanh cao lớn được rất nhiều người đang ra sức xây dựng. Tôi băng qua đường và tiến về Lễ Đài Phật Đản. Đến nơi, tôi chào các Bác, các Chú, các anh đang vui vẻ hăng say trong mọi công việc như căng giây treo cờ chung quanh lễ đài và khắp các con đường và mọi cây cao trong công viên, dựng lều, chưng lễ vật, treo màn, bắt điện, gắn đèn chung quanh lễ đài và gần 3/4 vườn hoa Ba Viên, còn được gọi là vườn hoa Ba Bồn hay vườn hoa Thành Nội, có hòn non bộ, có vòi phun nước, có cá gáy hóa rồng, có ghế đá dọc theo các con đường đi để ngồi hóng mát hay đọc sách, có bông hoa thơm ngát và cây ăn trái như xoài, dừa, nhãn và nhiều cây cao bóng mát quanh năm! Các Bác, các chú, các anh là những chủ nhân, các thợ hay học trò cùng nhau chung lưng góp sức xây dựng Lễ Đài Phật Đản như mọi năm. Gồm có Bác Quách Chắc, Bác Thoảng Trung sĩ Cảnh Sát, Chú Xuân thợ May, ông Thừa Phát Lại Nguyễn Mạnh Liên, Bác Phan văn Tháo, Phan văn Sung, hai anh em chủ garage sửa xe hơi, Bác Tôn Thất Sanh thân sinh của Thiếu Tá Tôn Thất Hiếu Hải Quân, bác Trần Sáng chủ xe đò thân sinh của bạn Trần Hiếu Lai, anh Trâu , anh Tể con Bà Trần Thị Truyện chủ xe đò, Bác Tôn Thất Chư thân sinh của Đại Úy Tôn Thất Na K.23VB. Bác Phẩm chủ sửa xe đạp, Bác Ái Tùng chủ quán cà phê Tùng, chú Lê Văn Lại chủ tiệm hớt tóc, GS Hồ Đình Chữ ......tóm lại, tất cả các bác, các chú, các anh em thợ và học trò học nghề dọc theo đường Đinh Bộ Lĩnh và giữa hai con đường Đinh Công Tráng và đường Nguyễn Chí Diểu hay đường Lục Bộ ngày xưa đều tham gia nhiệt tình đóng góp công của để xây dựng Lễ Đài Phật Đản vô cùng huy hoàng và cao lớn thứ hai của Thành Phố Huế, chỉ có thua sau Lễ Đài Phật Đản của chùa Từ Đàm mà thôi. Nghe Ba tôi kể lại là 2 tuần lễ trước, Bác Quách Chắc và Ba tôi có lên chùa Từ Đàm Mời Thầy Thích Trí Thủ về làm lễ Chứng Minh cho Lễ Phật Đản vào đêm Mồng 7 tháng Tư Phật Lịch 2507 và Thầy đã đồng ý. Trong thời gian nầy, tôi nghe thiên hạ đồn rằng “Chế độ Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật Giáo” hay “Tòa Thánh Vatican đã phái người qua VN, đặc biệt là đến Huế để xem nếu cờ Phật Giáo ít hơn cờ Công Giáo thì sẽ phong cho Cha Ngô Đình Thục lên chức Hồng Y, đo đó TT NĐ DIệm đã cấm treo cờ Phật giáo, chúng ta phải đấu tranh!” “Tại sao Công Giáo được phép treo cờ mà Phật giáo lại bị cấm! phải đấu tranh!” đại loại những lời tuyên truyền đồn đãi là như thế....
Nhưng trên thực tế, chính mắt tôi thấy, chính tai tôi nghe. Bác Nguyễn Văn Bừa Quận trưởng Cảnh Sát Thành Nội, Huế, thường đến ăn uống tại nhà hàng của Ba tôi, có giải thích như sau: “Không có ai cấm treo cờ Phật Giáo, cũng không có ai triệt hạ cờ Phật giáo như lời thiên hạ đồn đãi. Chính quyền chỉ yêu cầu đồng bào Phật Tử nên treo cờ Phật Giáo nhỏ hơn cờ Quốc Gia với tỷ lệ 8/10. Nghĩa là Cờ của mọi Đạo Giáo phải nhỏ hơn cờ Quốc Gia. Cờ Quốc Gia treo bên phải từ ngoài nhìn vào và cờ Phật Giáo treo bên trái. Chỉ có vậy thôi.” Bác Thoảng, Trung sĩ CS, ở nhà số 32 cùng đường cạnh nhà Ba Má tôi, cũng đến tận nhà nhắc nhở Ba tôi và các bà con quanh các xóm phường phải treo cờ cho đúng yêu cầu của Chính Phủ. Lời giải thích nầy cũng được nhắc đi nhắc lại qua đài phát thành Huế trong các giờ tin tức và Thông báo của Toà Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên. Trước những sự thật mà tôi biết được và những lời tuyên truyền đầy kích động hoàn toàn khác biệt do phía quý Thầy và đồng bào Phật Tử ngày càng lan truyền trong quần chúng, làm cho tôi nhiều đêm phải suy nghĩ: “Phải chăng quý Thầy, các Tăng Ni muốn tạo sự bất mãn trong lòng dân, hầu xách động một cuộc đấu tranh rộng khắp trong mọi tầng lớp của đồng bào Phật Tử tại Huế nói riêng và toàn quốc nói chung. Là một người quân nhân nên tôi rất hoang mang và lo lắng cho sự an ninh và trật tự xã hội trong thời gian sắp đến.
Về sau nầy, qua các tài liệu, báo chí, tôi mới được biết là “Lịnh Cấm Treo cờ Phật Giáo là có Thật!” Lịnh nầy có gởi ra Huế để thi hành, nhưng trước tình trạng đấu tranh cao độ của Phật Giáo quá căng thẳng, nên ông Tỉnh Trưởng Nguyễn văn Đẳng đã xin Trung Ương không áp dụng tại Huế trong mùa Phật Đản năm đó. Đến đây, tôi lại thầm trách chính quyền NĐ Diệm: “Nếu Thầy nào, Tăng Ni Phật Tử nào, đồng bào Phật Tử nào vi phạm luật pháp thì áp dụng theo pháp luật; Cờ Phật Giáo nào có tội tình gì lại bị cấm treo trong Mùa Phật Đản, Thật là vô lý!” Hành động đấu tranh của Phật Giáo trong trường hợp nầy là chính đáng, nhưng các cuộc đấu tranh phải nằm trong phạm vi luật pháp ấn định để bảo vệ an ninh trật tự cho xứ sở và không gây trở ngại khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào.
Sau đó, tôi lấy xe đi dạo phố Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, Chợ Đông Ba, phố Bao Vinh, quận Hương Trà, lên Gia hội, về Bãi Dâu, chợ Nọ, quận Phú Vang, rồi qua cầu Tràng Tiền chạy dọc theo sông Hương từ ga Huế xuống đến Đạp Đá, chợ Cống, khu cơm Âm Phủ thì hầu hết nhà dân, đâu đâu cũng có treo cờ Quốc gia và Phật Giáo đề huề; Ngoại trừ khu nhà dân ở vùng Phủ Cam và các công sở của chính quyền Tỉnh Thừa Thiên. Thành phố Huế có lẽ nhờ vậy mà tràn ngập trong một rừng cờ từ đầu làng đến cuối phố, khắp mọi nơi, đâu đâu cũng thấy cờ....cờ và cờ Phật Giáo tung bay...tung bay! Tôi không thấy bất cứ nơi nào bị cấm treo cờ Phật Giáo và tôi cũng không thấy bất cứ nơi nào có Nhân Viên Cộng Lực đi đàn áp hay Cảnh Sát đi triệt hạ cờ Phật Giáo. Tôi cũng không thấy Quý Thầy, quý Tăng Ni và Phật Tử bị Cảnh Sát đánh đập hay bắt bớ bỏ lên xe hay dẫn đi Trên đây là tất cả sự thật 100%, đúng theo nhãn quang của tôi là một Quân Nhân và cũng là Phật Tử ngoan đạo với tinh thần Bi, Trí, Dũng đang sống và chứng kiến mọi điều, mọi nơi trong mùa Phật Đản Sanh năm đó, tại thành phố Huế.
Lòng tôi luôn tự nhủ thầm là trong Mùa Phật Đản Sanh năm nay 2507, hầu như lớn hơn mọi năm bởi rừng cờ Phật Giáo tung bay khắp mọi nơi, với những lời ca tiếng nhạc Phật Giáo vẫn vang rền trên mọi nẻo đường quê hương; Cùng nhiều Lễ đài Phật Đản Sanh được dựng lên cùng khắp thành phố Huế, to lớn có, vừa vừa cũng có và nho nhỏ trong khuôn viên của gia đình cũng có, từ thành phố cho đến các làng xã xa xôi. Tôi có cảm tưởng mùa Phật Đản năm nay có phần trang nghiêm, huy hoàng và hào hứng lan tỏa khắp mọi nơi và hơn mọi năm! Phải chăng vì ảnh hưởng tâm lý bị ức chế bởi những lời tuyên truyền: “Phật Giáo Bị Đàn Áp, Cấm Treo Cờ Phật Giáo hay Cờ Phật Giáo Bị Triệt Hạ”.v...v. nên mọi người lại càng chú tâm trang hoàng nhiệt tình và cẩn thận nhiều hơn. Đây là niềm hân hoan và tự hào bất tận đối với người Phật Tử ngoan đạo.
Đêm 5, đêm 6 tháng 5.1963 Lễ Đài Phật Đản tại vườn Hoa Ba Viên đông như ngày Hội. Đèn sáng như ban ngày, cờ xí, bong bóng tung bay khắp mọi nơi trong công viên, hòa theo tiếng nhạc lời ca Mừng Phật Đản, trẻ em nô đùa, người lớn hàn huyên tâm sự, khách thập phương tấp nập đến thưởng ngoạn, tạo thành một bức tranh của một Đêm Hội Lớn trong lòng mọi người đón mừmg Phật Đản Sanh. Đến đêm 7 tháng 5. 1963, là đêm lễ chính thức, chiều hôm đó, Bác Quách Chắc và Ba tôi thuê xe Hoa Kỳ hai đuôi cá màu đỏ trắng của ông Cháu, chủ xe ở đường Phan Bội Châu, lên chùa Từ Đàm để rước thầy Thích Trí Thủ. Khi xe về đến Lễ Đài thì biết được thầy Trí Thủ bị mệt, không đi được nên cử thầy Thiện Siêu làm Chủ Lễ. Nghi thức buổi lễ và bài thuyết giảng kéo dài hơn 1.30’, Phật tử và quan khách tham dự trên 400-500 người vô cùng khích lệ. Trong khi Thầy Thiện Siêu cử hành lễ, thì đoàn Xe Hoa mừng Phật Đản với hằng chục chiếc được trang hoàng và bắt đèn đuốc rất đẹp mắt, cùng với đoàn người Phật Tử và các gia đình Phật Tử mặc đồng phục, xuất phát từ chùa Diệu Đế vào cửa Đông Ba, đi ngang qua nhà tôi và Lễ Đài Phật Đản, tại vườn hoa Ba Viên, rồi ra cửa Thượng Tứ và lên chùa Từ Đàm. Lễ tất, Thầy Thiện Siêu ngồi trò chuyện đời, chuyện đạo kéo dài đến 10.30’ tối, Bác Quách Chắc và Ba tôi phải đưa thầy Thiện Siêu về lại chùa, để sáng mai còn làm lễ Phật Đản chính thức tại chùa Từ Đàm.
Quang cảnh Đại Lễ Phật Đản Sanh Tại Chùa Từ Đàm
Từ tờ mờ sáng mồng 8 tháng 4 Phật Lịch 2057, đoàn học sinh của trường Trung Học Bồ Đề, đi hàng hai, ngay hàng thẳng lối, có quý vị giáo sư đi kèm để giữ an toàn và trật tự, kéo dài đi từ trường Bồ Đề ngang qua nhà tôi. Rồi lần lượt đồng bào Phật Tử kẻ đi bộ, người đi xe đạp, xe gắn máy.v..v. từ khắp các nẻo đường trong thành phố Huế lũ lượt theo nhau tiến về chùa Từ Đàm, nhiều xe phóng thanh với những bài ca mừng Phật Đản Sanh, có cắm cờ Phật Giáo chạy khắp các ngả đường như thôi thúc lòng người Phật Tử hãy mau cùng nhau hướng về Chùa Từ Đàm trong ngày hội lớn để Mừng Phật Đản Sanh.
Tại chùa Từ Đàm một lễ đài Phật Đản Sanh có khung hình Thái Tử Tất Đạt Đa với gương mặt khôi ngô tuấn tú, đượm nét từ bi, đang bước đi trên 7 đóa hoa sen, tay phải chỉ thiên, tay trái chỉ địa, rất cao và to lớn, đứng sừng sững giữa bầu trời xanh của một buổi sáng đầy nắng đẹp. Trên bàn thờ được trang hoàng rất tươm tất với đầy đủ các lễ vật. Chung quanh chùa và trên các ngã đường hướng về chùa Từ Đàm tràn ngập cờ Phật Giáo với từng đoàn, từng đoàn Phật Tử và các gia đình Phật Tử trong những bộ đồng phục áo lam quần xanh đang quy tụ về tham dự Đại Lễ Phật Đản.
Buổi lễ chính thức bắt đầu khoảng 10 giờ sáng, Quý Thầy bắt đầu phần nghi lễ và nghi thức tụng niệm của Phật Giáo và cùng với toàn thể Phật Tử dâng hương Cúng Phật, kế đến là phần phát thanh Thông Điệp của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ Nhất Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo VN. Thông điệp của Đức Tăng Thống tuy có lên án chế độ NĐ Diệm là bất công, đàn áp Phật Giáo, nhưng lời lẽ tương đối nhẹ nhàng đượm nét từ bi hỷ xã của một vị chân tu tuổi ngoài 70.Đến phần Thầy Thích Trí Quang đọc diễn văn mừng Phật Đản, nội dung bài diễn văn “Bốc Lửa” của Thầy Thích Trí Quang đã kết tội chế độ NĐ Diệm mọi điều thối nát, là chế độ gia đình trị, là Cần Lao Công Giáo đang ra sức đàn áp Phật Giáo Đồ, cụ thể như cấm treo cờ Phật Giáo, triệt hạ cờ Phật Giáo khắp mọi nơi để gúp cho Đức Cha NĐ Thục bào Huynh của TT NĐ Diệm được lên chức Hồng Y và với những lời lẽ rất kích động đồng bào Phật tử hãy đoàn kết đấu tranh để Phật Giáo không còn bị đàn áp như hôm nay và đại loại là như thế. Trước khi lễ chấm dứt, quý Thầy nhắc nhở đồng bào Phật Tử nhiều lần, đúng 7 giờ tối nay, nhớ đến Đài Phát Thanh Huế để nghe lại phóng sự Lễ Phật Đản sáng hôm nay và mời đồng bào Phật Tử vào chùa dùng cơm chay miễn phí. Trong lúc dùng cơm chay, tôi có trò chuyện với nhiều bạn học và đồng bào Phật Tử, tôi nhận thấy trong lòng mọi người như sôi sục một nỗi bất bình, căm tức, thù ghét cao độ chế độ NĐ Diệm gia đình trị, bất công, mong muốn phải thay đổi. Sau khi dùng cơm xong, tôi về nhà, trên đường về, tôi có linh cảm như có một điều gì đó bất ổn trong tương lai không xa!
Đâu là sự thật về: “Vụ thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế”
Theo lời quý Thầy dặn là 7 giờ tối phải có mặt tại đài Phát Thanh Huế, nên tôi cùng người bạn gái, cũng là một Phật Tử của Chùa Bà Gia Hội Huế, hai chúng tôi đi bộ ra cửa Thượng Tứ, băng qua cầu Tràng Tiền, khi đến ngay trước đài Phát Thanh Huế, chúng tôi dừng lại và đứng trên chân cầu, cao hơn con đường nhỏ chạy vào ĐPT gần hai đầu người, hai chúng tôi dựa vào hành lang ciment của cầu và nhìn thẳng góc 90 độ vào Đài Phát Thanh Huế. Ở vị trí nầy, tôi có thể nhìn thấy tất cả mọi chiều, mọi hướng, không có gì cản trở. Khi chúng tôi đến nơi vào khoảng gần 8 giờ tối, tôi thấy ông Ngô Ganh mặc áo chemise trắng có thắt cà vạt, quần màu xám, (đây là màu áo quần muôn thuở của Thầy, kể từ khi Thầy Ngô Ganh còn đi dạy nhạc) đứng trên hành lang, mặt hướng về chúng tôi, lưng xây về cửa lớn của ĐPT. Thầy Thích Trí Quang mặc áo nâu sòng, đứng bên trái ông Ngô Ganh, thầy Mật Nguyện cũng mặc áo nâu sòng, đứng đối diện với thầy Trí Quang. Ông Ngô Ganh với thái độ khiêm tốn, hai tay cầm lấy nhau để ngang thắt lưng, không vung tay, lớn tiếng như hai Thầy Trí Quang và thầy Mật Nguyện đang trong cơn giận giữ vì đã hơn 8 giờ 30’ rồi mà không cho truyền thanh lại phóng sự hồi sáng nay tại Chùa Từ Đàm! Cuộc cãi vã cứ tiếp tục kéo dài như thế không có hồi kết thúc. Lợi dụng lúc các Thầy đang cãi nhau với ông Ngô Ganh, tôi đảo mắt nhìn chung quanh và ghi nhận như sau: Xe cộ và khách bộ hành đi xuống dốc cầu Tràng Tiền đụng đường Lê Lợi, quẹo phải lên Ga Huế, quẹo trái về khách Sạn Hương Giang, ngay tại bùng binh giữa đường Lê Lợi và chân cầu Tràng Tiền, có hai ông Cảnh Sát mặc sắc phục đang dẹp đường và giữ trật tự. Đi thẳng, băng qua đường Lê Lợi là đầu đường Hùng Vương, đây là đường cấm vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Thừa Thiên. Tại ngả ba Hùng vương và Lê Lợi, có hai xe Commando Car V100, tức là xe bọc sắt màu O Liu, bánh bằng cao su, thường dùng để đi mở đường hay hộ tống các yếu nhân di chuyển đường xa. Hai xe nầy đậu quay đầu hướng về cầu Tràng Tiền, trên xe có gắn súng đại liên 30 ly, trên mỗi xe có một binh sĩ ngồi gác, số binh sĩ còn lại có người đi lui đi tới, có 2, 3 người ngồì bên lộ hút thuốc. Họ dựng một rào cản bằng 3, 4 con ngựa sắt từ hành lang khách sạn Morin qua bờ tường Đại Học Sư Phạm Huế, phía trước những con ngựa sắt là những hàng rào Concertina, lọai kẽm gai cuốn vòng để chồng lên nhau. Từ Ga Huế chạy dọc theo đường Lê Lợi, đụng chân cầu Tràng Tiền, quẹo trái sát chân cầu, dưới chỗ chúng tôi đang đứng là con đường nhỏ, chạy vào đụng các bậc thềm của Đài Phát Thanh. Con đường nhỏ nầy chia bãi cỏ trước Đài Phát Thanh làm hai bãi cỏ. Bãi cỏ nhỏ nằm bên trái con đường nhỏ và sát với đường Lê Lợi, bãi cỏ lớn, nằm bên phải con đường nhỏ, sát bờ sông Hương. Hầu hết các Đồng Niên, Đồng Nữ, Thiếu Niên, Thiếu Nữ đều được bố trí trên bãi cỏ lớn. Riêng bãi cỏ nhỏ, bên trái con đường về phía đường Lê Lợi, thì số lượng các em thuộc gia đình Phật Tử cũng có, nhưng rất thưa hơn nhiều, so với các em trên bãi cỏ lớn. Nhờ đồng phục của các em, nên tôi nhận rõ trên hai bãi cỏ, hầu hết là các em thuộc các gia đình Phật tử và một số nam nữ Huynh Trưởng để kiểm soát các em, rất ít, ít đồng bào Phật Tử. Vì đồng bào Phật Tử toàn là những người lớn, nên họ đứng dọc theo hai thành cầu hay dọc theo hai bên đường Lê Lợi lên ga hay xuống Đập Đá và dưới bãi cỏ hai bên chân cầu Tràng Tiền. Tôi cũng không thấy bóng dáng của một người Lính hay Cảnh Sát sắc phục nào chung quanh đài phát thanh hay trên cầu TT hoặc trên đường Lê Lợi cả hai chiều! Tôi chỉ thấy hai ông Cảnh Sát mặc sắc phục trên đường Lê lợi để giữ trật tự và xe lưu thông. Đồng bào Phật Tử và các gia đình Phật Tử rất đông lên đến cả ngàn người, họ chuyện trò và bàn tán nhưng rất ôn hòa và trật tự. Tôi không thấy bất kỳ một cuộc bạo động nào xẩy ra trong thời điểm nầy mà chính quyền phải dùng đến xe vòi rồng để dẹp bạo động, như nhiều người ta đồn đãi! Điều đồn đãi nầy vô cùng phi lý! Vì trong khi mọi người Phật Tử đang ôn hòa chờ đợi trong vòng trật tự, ai ở đâu thì đứng đó, không có bạo động, thi chính quyền dùng xe vòi rồng đến dẹp lọan cái gì? dẹp loạn ai!? Nếu có xe vòi rồng hụ còi thì tôi phải nghe và nếu xe vòi rồng đậu ở bùng binh cuối chân cầu Tràng Tiền và phun nước như người ta kể, thì tôi phải là người bị ướt trước tiên, vì tôi đứng trên chân cầu, ở giữa xe vòi rồng và Phật Tử trên bãi cỏ trước ĐPT. Tôi không thấy bất kỳ chiếc xe Jeep nào có đề chữ Ngô Đình Khôi chạy qua chạy lại trước ĐPT để khiêu khích đồng bào Phật Tử như người ta đồn đãi. Tôi nghĩ không có kẻ nào ngu dại dám lái xe Jeep có đề chữ NĐ Khôi là bào huynh của TT NĐ Diệm đã bị Việt Minh giết năm 45, không có liên hệ gì đến Phật Giáo, trong giờ phút gay cấn, căng thẳng nầy, trước một rừng người Phật tử đang đầy lòng căm giận, thù ghét chế độ NĐ Diệm, để rước họa vào thân! Tôi không nghe và không thấy bất cứ vị Tăng nào cầm loa phóng thanh chỉ huy Phật Tử không được bạo động như người ta đồn đãi. Vì tính đến giờ phút nầy, tình hình vẫn yên tĩnh, mặc dầu không có Cảnh Sát giữ trật tự, nhưng việc chờ đợi buổi phát thanh vẫn trong không khí ôn hòa, trật tự và bình yên.
Trên hành lang ĐPT, ông Ngô Ganh và quý Thầy vẫn tiếp tục tranh cãi, đồng bào Phật tử vẫn tiếp tục chờ đợi đến hơn 9.30’ tối mà đài vẫn chưa cho phát thanh. Thình lình có một chiếc xe màu đen, chạy từ tòa hành chánh tỉnh Thừa Thiên theo đường Lê lợi rồi rẽ vào con đường nhỏ, xe chạy từ từ đến trước hành lang ĐPT Huế, cửa xe mở, một người mặc áo đen dài, quần tây, đầu trần bước ra, đó là ông Nguyễn Văn Đẳng Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Ông tiến lên chỗ 3 người đang đứng, sau khi chào hỏi, ông TTr NV Đẳng đứng đối diện với ông Ngô Ganh, lưng quay về phía chúng tôi, bên phải là Thầy Trí Quang và bên trái là Thầy Mật Nguyện. Ông TTr NVĐẳng đến ĐPT bằng xe 4 cửa, một mình với tài xế, tôi không thấy và không nghe có xe Cảnh Sát hụ còi dẫn đường giữ an ninh hay xe của Hiến Binh Mũ Đỏ dẫn đường như ai đó đã nói. Vì Hiến Binh là Quân Cảnh Tư Pháp chỉ có nhiệm vụ như lập vi bằng tại hiện trường hay lập biên bản trình ông Biện Lý để truy tố phạm nhân ra trước Tòa Án. Hiến Binh không có nhiệm vụ mở đường và an ninh lộ trình. Theo tôi nghĩ, sở dĩ ông TTr NVĐẳng đi một mình không cần xe Cảnh Sát hụ còi, mở đường hộ tống, vì Ông không muốn tạo thêm hiểu lầm trong lúc dầu sôi lửa bỏng nầy là đem Cảnh Sát đến để đàn áp Phật giáo!? Tuy nhiên, trong chiếc xe màu đen và kính xe màu đen, nên tôi không biết trong xe đó có Lính hộ tống đi theo để bảo vệ an ninh cho ông hay không?
Bốn vị giới chức quan trọng vẫn đang tranh cãi, hai Thầy lại tiếp tục múa tay trái rồi vung tay phải với thái độ vô cùng giận dữ vì đài PT không cho truyền thanh phóng sự. Theo tôi nghĩ, ông TTr NVĐẳng và ông Ngô Ganh không cho truyền thanh phóng sự Lễ Phật Đản sáng nay, chỉ vì một lý do duy nhất đó là bài diễn văn “Bốc Lửa” của Thầy Thích Trí Quang! Vì nếu bài diễn văn“Bốc Lửa” nầy được truyền đi, chẳng khác nào một mệnh lệnh đấu tranh xuống đường trong đêm tối, chính quyền rất khó lòng kiểm soát và ổn định!Cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục dằn co giữa 4 người đến hồi cực kỳ cao điểm mà vẫn chưa kết thúc, thì khoảng 10 giờ, thinh lình một tiếng nổ kinh hoàng long trời, ngay chính giữa bãi cỏ lớn có rất nhiều em Đồng Niên, Đồng Nữ, Thiếu Niên, Thiếu nữ Phật Tử! Sau tiếng nổ, những người đứng gần đó, đã chạy lại cấp cứu các em và nhìn thấy cảnh tượng thương tâm có 9 em bị thương hay đã chết ngay tại chỗ, nằm la liệt trên bãi cỏ lớn! Bốn vị giới chức quan trọng đang đứng tranh cãi trên hành lang ĐPT ngơ ngác, với phản ứng tự nhiên nên họ đã luýnh quýnh tìm đường tháo chạy, không một lời từ giã nhau! Sau đó một hồi, tôi nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương cấp cứu của bệnh viện Trung Ương Huế, ở gần đó. Sau tiếng nổ kinh hoàng, tôi nghe 3 tiếng súng bắn chỉ thiên, từ hướng đường Hoàng Hoa Thám bên hông Hotel Morin gần Quân Trấn của TK/TT trên đường LÝ Thường Kiệt. Đây là 3 tiếng súng chỉ thiên đầu tiên sau tiếng nổ kinh hoàng. Tuyệt nhiên tôi không thấy bất kỳ một chiếc xe bọc sắt bánh cao su hay xe thiết giáp M113 có bánh xích sắt chạy trên đường hay trong sân ĐPT hoặc tại hiện trường vụ nổ, như người ta đồn đãi! Sau nầy, qua lời khai của Thiếu Tá Đặng Sĩ xác nhận trước phiên tòa xử ông tại Sàigòn vào tháng 6 năm 1964, là Chính ông đã bắn 3 phát súng lục sau tiếng nổ để thị oai và giữ trật tự, không phải bắn trước tiếng nổ kinh hoàng như là 3 phát súng lệnh, như người ta đồn đãi!” Theo tôi. lời khai nầy chính xác, rất đúng với những gì tôi nghe và biết. Đến đây, chúng tôi cũng cố chạy, nhưng vì quá nhiều người đang giành đường chạy thoát, nên xe cộ kẹt cứng ngay trên cầu, chúng tôi không thể di chuyển được. Trong lúc đứng dậm chân tại chỗ, tôi nhìn qua hướng hai chiếc xe bọc sắt V100, có bánh xe cao su vẫn nằm nguyên tại vị trí cũ, nghĩa là họ vẫn đậu sau hàng rào ngựa sắt và kẽm gai vòng, chỉ có khác là bây giờ các anh em binh sĩ đã lên ngồi trên xe với súng đạn sẵn sàng ứng chiến; Vì nhiệm vụ của đơn vị hai xe bọc sắt V100 nầy là giữ an ninh con đường Hùng Vương, không cho đồng bào đi vào hướng của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Thừa Thiên.
Tôi không thấy bất kỳ một chiếc xe bọc sắt có bánh xe cao su (Commando Car V100) hay xe thiết giáp M113 bánh xích sắt nào chạy trên đường chở Thiếu tá Đặng Sĩ và Trung Úy Nguyễn Kỳ Chi Đội Trưởng cơ giới đã cán chết người cùng bắn đại liên 30 ly, 50 ly và đôi lựu đạn giết hại rất nhiều người, như người ta đồn đãi! Theo tôi, điều nầy không thể xẩy ra, vì tại Huế không có đơn vị xe Thiết giáp M113 nào đồn trú, riêng các xe bọc sắt V100 vẫn nằm yên ở vị trí cũ, không nhúc nhích! Nếu đây là điều có thật, thì số lượng người bị thương vong phải tăng lên 10, 15 hay 20 người. Tại sao đến hôm nay 2018, số lượng người bị tử vong vẫn không thay đổi, nghĩa là chỉ có 9 em tử thương sau tiếng nổ kinh hoàng mà thôi! Vậy số Phật Tử bị thương vong do Thiếu Tá Đặng Sĩ và Tr Úy Ng Kỳ dùng xe tăng M113 cán chết cùng đôi lựu đạn và bắn đại liên là bao nhiêu người? Tại sao quý vị không cộng thêm vào số 9 em đã chết, để yêu cầu kết tội Thiếu Tá Đặng Sĩ tử hình, như lòng mong muốn của quý vị?
Tôi không thấy bất kỳ chiếc Thiết Vận Xa M113 chạy bằng dây xích sắt nào chạy leo lên hành lang ĐPT Huế để cán nát thây, dập đầu nhiều em Phật tử, như người ta đồn đãi! Theo tôi, điều nầy không thể xẩy ra, vì nếu thật sự có xe Thiết giáp chạy leo lên hành lang ĐPT để cán chết nhiều người cùng bắn đại liên 50 ly và đôi lựu đạn, thì Thầy Trí Quang và Thầy Mật Nguyện, TTr NVĐẳng và ông N Ganh phải là những người bị thương vong trước tiên, vì 4 vị đó đang đứng tranh cãi trên hành lang ĐPT! Như tôi đã nói, trên hành lang ĐPT, kể từ giờ phút đầu tiên 7,8 giờ cho đến bấy giờ 10 giờ đêm, không có bất kỳ một ai, kể cả các em Phật tử; Chỉ có 4 nhân vật chính, ở trên đó mà thôi.
Là một Sĩ Quan của Trung Tâm Huấn Luyện, nên tôi rất quen thuộc với việc tác xạ các loại súng cũng như với các chất nổ hằng ngày, do đó tôi phân biệt rất rõ tiếng nổ các loại súng cá nhân hay cộng đồng, đạn bắn tầm xa, gần, cao, thấp rất chính xác. Khi chúng tôi đi đến ¼ cầu TTiền, thì tôi nghe phía sau lưng , nhiều tiếng còi hụ của xe cảnh Sát hay xe cứu thương hoặc xe cứu hỏa? và những tiếng súng chỉ thiên là súng bắn lên Trời như để tạo sự chú ý hay thị oai để giữ trật tự. Tôi xác nhận không nghe bất cứ tràng đại liên nào bắn thẳng để gây sát thương hay tiếng nổ của lựu đạn hoặc chất nổ nào, trên con đường chúng tôi đi qua cầu Tràng Tiền. Sau đó, chúng tôi đi vào cửa Thượng Tứ, tôi gặp một đoàn Phật Tử mặc đồng phục gồm 40, 50 em, toàn là Nam Oanh Vũ và Nữ Oanh Vũ tuổi từ 10, 11,12, 13, 14, đi ra. Ngay chính giữa vòm cửa Thượng Tứ, qua ánh đền mờ mờ, tôi nhận ra Thầy Thích Chơn Trí, với giọng nói lớn nhưng rất ấm và rõ, như ngày nào thầy dạy Giáo Lý Phật Giáo cho chúng tôi, trong mấy năm liền, cùng Thầy Thích Minh Tâm, tại trường TH Bồ Đề Thành Nội Huế: “Các con đi nhanh lên, bọn họ giết hại anh em Phật Tử mình hết rồi! Đi mau lên để qua tiếp cứu anh em!” Thầy Chơn Trí cùng đoàn Phật Tử và chúng tôi cùng đi ngược chiều nhau! Thầy Thích Chơn Trí thì dẫn đoàn Phật Tử trẻ thơ đi đến ĐPT Huế để cứu đồng bào bị tử nạn, còn chúng tôi cố đi nhanh chân để về nhà! Trên đường về nhà, lòng tôi tự hỏi: “Tại ĐPT Huế, đang xẩy ra một tai nạn đẫm máu, thông thường đàn bà và trẻ em phải được di tản trước tiên, hôm nay tất cả mọi người, kể cả Thầy Trí Quang và Thầy Mật Nguyện cũng đang cố tình tìm đường chạy lánh nạn, thế thì tại sao Thầy Chơn Trí lại đưa một đoàn Phật Tử trẻ con vào chốn lửa đạn đầy nguy hiểm vào lúc hơn 11 giờ đêm khuya!? Thầy Chơn Trí đang ở trong Thành Nội Huế cách xa ĐPT Huế độ 6-7 cây số, làm sao Thầy Chơn Trí biết được tại ĐPT, người ta đã giết hại hết Phật Tử rồi, để Thầy Chơn Trí tập họp được số 40, 50 Phật Tử trẻ thơ và đem chúng vào chỗ chết !? Tại sao tại ĐPT chỉ có toàn là trẻ em và một thiếu nữ bị tử thương mà thôi!? Tại sao? Tại sao? Ai là thủ phạm đã ném chất nổ cực mạnh để giết hại các em Phật Tử trẻ thơ vô tội, để châm ngòi cho cuộc đấu tranh lật đổ chế độ NĐDIệm! Việt Cộng, CIA Mỹ hay Phật Giáo ? Tất cả ba đối tượng đều mong muốn chế độ NĐ Diệm phải sụp đổ! Việt Cộng muốn tiêu diệt chế độ NĐDiệm vì Quốc Sách Ấp Chiến Lược đã làm cho Bộ Đội BV và MTGPMN vô cùng điêu đứng! CIA chống đối và thù ghét TT NĐDIệm vì tinh thần độc lập tự chủ, không cho Mỹ đổ quân vào MNVN! Phật Giáo không thích ông NĐDIệm vì đàn áp Phật Giáo! Ngoài ra, còn một đối tượng thứ tư, đó là một số Tướng Lãnh bất tài bị thất sủng như ĐT Dương Văn Minh, TrTg Mai Hữu Xuân, TrTg Lê Văn Kim.... đã cam tâm làm tay sai cho CIA Mỹ đã giết hại TT NĐ Diệm! Sau nầy, theo nhiều tài liệu giải mật đã phổ biến, là do tên Đại Úy Scott thuộc CIA Mỹ chủ mưu?
Sau nầy, tôi được biết Thầy Thích Chơn Trí đã hoàn tục và kết duyên cùng cô Diệu Liên, con ông Chức chủ tiệm Smash repaire ở trên đường Ông Ích Khiêm, gần Nhà Thương Nhỏ, Thành Nội Huế, là học trò học Giáo Lý của Thầy Chơn Trí và cũng là bạn học cùng lớp 4 năm Trung Học với tôi. Về đến nhà, tôi lấy xe gắn máy đưa bạn gái tôi về nhà, xe chạy ra cửa Đông Ba qua đường Phan Bội Châu và về nhà ở Chùa Tàu, Gia Hội. Chúng tôi chia tay, rồi tôi chạy xe đi một vòng lên chợ Đông Ba, ngang cầu Tràng Tiền, bến Thương Bạc, rồi vòng về cửa Thượng Tứ để trở về nhà tôi. Trên đường đi vòng quanh thành phố Huế, tôi thấy từng đoàn người, kẻ mệt mỏi thì rảo bước, người khỏe thì vội vã ba chân bốn cẳng để về nhà, vì Trời đã hơn 1 giờ khuya rồi.
Qua ngày hôm sau và những ngày sau đó, tôi được biết trong số 9 em Phật Tử bị thương và bị chết ngay tại chỗ, sau khi được đưa về bệnh viện cấp cứu, tất cả 9 em đều bị tử thương! Sau khi khám nghiệm tử thi, Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, Giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế đã xác nhận các em bị chết bởi sức ép của một loại chất nổ cực mạnh, các em không chết bởi các loại mảnh đạn gây sát thương. Xin nói thêm là Bác Sĩ Lê Khắc Quyến là một Phật Tử thuần hành ngoan đạo và là người quen biết thân thích của Thầy Trí Quang mà đã xác nhận như thế, thì không còn lý do gì để đổ tội cho Thiếu Tá Đặng Sĩ và Trung Úy Nguyễn Kỳ đã dùng xe thiết giáp M113 cán chết người, cùng bắn đạn đại liên 50 ly từ trên xe bọc sắt M113 và ném lựu đạn giết hại nhiều đồng bào Phật Tử và yêu cầu kết án tử hình!? Sau cuộc đảo chánh 01.1.63, tôi được đổi về làm Sĩ Quan Phụ Tá Trưởng Phòng Dân Vệ Tỉnh Thừa Thiên vào tháng 2. 1964. Văn Phòng Dân Vệ Tỉnh TT đặt trên lầu của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Thừa Thiên. Tại đây, tôi được biết Trung Úy Nguyễn Kỳ đã bị đình chức Chi Đội Trưởng Cơ Giới V100 và đang trình diện tại PhòngPI/TK, cũng nằm trong khu vực của BCH/TK/TT, để chờ lệnh. Một hôm, Tiểu Khu Thừa Thiên và Trung Đoàn 3/SĐI/BB có tổ chức hành quân phối hợp vùng phía Nam thành phố Huế, nằm trong rừng sâu là mật khu của VC, thuộc quận Hương Thủy. BCH/TK Thừa Thiên có điều động Chi Đội Cơ Giới V100 đi hành quân, mặc dù không có nhiệm vụ, nhưng Trung Úy Nguyễn Kỳ tự động nhảy lên xe bọc thép V100 và cùng đi hành quân với anh em là binh sĩ đồng đội thuộc cấp cũ của mình. Trong khi cuộc hành quân đang diễn tiến, thinh lình chúng tôi nghe hung tin Trung Úy Nguyễn Kỳ đã bị tử thương bởi một viên đạn bắn sẻ của VC! Nhận được tin nầy, tất cả mọi người trong BCH/TK/TT đều xôn xao trong im lặng, vì cho đây là một cái chết vô cùng bí ẩn! Nên sau đó, trong một phiên tòa chỉ xử Thiếu Tá Đặng Sĩ tại Sàigòn vào tháng 6 năm 1964, không có Trung Úy Nguyễn Kỳ, vì ông đã ra người thiên cổ! Hôm nay tôi xin thắp 3 nén nhang để tưởng nhớ và cầu nguyện cho Trung Úy Nguyễn Kỳ, một sĩ quan hiền lành và dễ mến đã bị chết một cách oan khiên vì lòng ganh tỵ và nghi kỵ của thế gian!
Thầy Thích Trí Quang là nhân vật chính số 1 của vụ án “thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế”, thế mà Thầy Trí Quang đã nhiều lần từ chối, không ra làm nhân chứng trước Tòa Án Công Lý trong các phiên xử Th Tá Đặng Sĩ vào tháng 6 năm 1965. Tại sao trước mặt công lý thì Thầy Trí Quang lại tránh né để đối diện với sự thật? Thầy Trí Quang chỉ trả lời phỏng vấn sau lưng tòa án.Trích “Lịch sử còn đó” của tác giả Nguyễn Văn Lục, Thầy Trí Quang kể: “Đến giờ, tôi đích thân đi với thầy Mật Nguyện xuống đài phát thanh. Ông quản đốc nói có lịnh không cho Phật Giáo phát thanh, xin các thầy biết cho đây là việc ngoài quyền hạn của tôi. Tôi yêu cầu mời ông Tỉnh trưởng xuống giải quyết tại chỗ. Bấy giờ gần tối. Phật tử đứng nghẹt sân đài phát thanh, ngoài đường và cầu Trường Tiền. Ông Tỉnh trưởng đến mới cùng thầy Mật Nguyện, tôi và ông Quản đốc, đứng lên chỗ cao, chưa kịp nói gì thì phía ngoài vòi rồng phun nước rất mạnh, kế đến hai chiếc chiến xa tiến vào đại liên và lựu đạn cùng nổ. Một số Phật tử ở góc sân trên của đài phát thanh, chỗ gần chúng tôi đứng bị ném lựu đạn tàn sát. Họ là các Thánh tử đạo đầu tiên của cuộc vận động 1963.
Sau đó, được biết trong hai chiến xa xung kích, một chiếc được mật lệnh giết tôi. Kẻ thi hành là Trung Úy Kỳ. Khi chĩa súng bắn tôi thì bị một đội viên cùng xe đánh bật tay lên. Chiếc khác được lệnh tiến bắn thì không bắn, vì sợ làm chết lây thầy Mật Nguyện và các ông Tỉnh trưởng, quản đốc. Sau bị trách phạt rằng sao không bắn luôn cả ba người ấy.
Súng ngưng nổ, chiến xa rút liền. Tên Phong, cảnh sát và tên Uyên, quân cảnh cùng một số lính, ăn mặc như xung trận vào đài phát thanh mặt đầy sát khí, nhìn chúng tôi nói dõng dạc: “Việt Cộng đột nhập, ném lựu đạn chết người’’ Và nhìn tôi muốn bắn. Tôi nói: “còn các ông thì yểm trợ cho Việt Cộng. Đúng là gà đẻ gà tục tác.’’
Hôm nay, qua sự trình bày tường thuật trung thực về vụ án “thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế” của tôi và đọc lại những giòng chữ do chính Thầy Trí Quang đã trả lời cuộc phỏng vấn cách đây 55 năm, Thầy Thích Trí Quang nghĩ gì trướcTòa Án Lương Tâm và Đạo Giáo? Vì với tinh thần “không vẫn hoàn không”tức là Thầy Trí Quang đã Giác Ngộ theo sách “Trí Quang Tự Truyện”, tôi kính xin Thầy Thích Trí Quang hãy nói lời Công Đạo để trả lại Công Lý cho những người vô tội bị oan ức, phải bị tù tội và chết trong tức tưởi; Như là những nén nhang Giác Ngộ để cầu cho hương linh của những người quá cố được siêu thoát. Đồng thời, Thầy sẽ hé lộ một sự thật của lịch sử về vụ án“thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế” mà 55 năm qua bị dấu kín! Như là một bài Giảng Pháp cho thế hệ trẻ mai sau, phải tránh xa những lầm lỗi đã gây đau thương cho Tổ Quốc và Dân Tộc, trong quá khứ. Ngoài ra, Thầy còn cho tôi một cơ hội được tiếp tục giữ lòng thương yêu và quý trọng đối với quý Thầy, như hồi tôi còn là một Thiếu Niên của Gia Đình Phật Tử với tinh thần hồn nhiên, trong sáng đầy lòng hướng thiện và hướng thượng!
Trên đây là tất cả sự thật mà chính mắt tôi thấy, tai tôi nghe, ngay tại và chung quanh hiện trường ĐPT Huế, vào đêm định mệnh của Dân Tộc 8.5.1963! Tôi xin ghi lại đây với tất cả tấm lòng chân thành của một Phật Tử chân chính ngoan đạo, vì trên đầu tôi luôn có Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni chứng giám. Những điều ghi nhận và cảm niệm của cá nhân tôi, với đầy đủ đức tánh Bi Trí Dũng, nên tôi có thể không làm hài lòng một số quý vị, vì trái với những điều quý vị đã và đang hằn sâu những ấn tượng, trong 55 năm qua! Kính mong qúy vị thông cảm và lượng tình tha thứ cho; Vì nhiều khi mình cũng phải chấp nhận sự khác biệt, vì đó là sự thật! Đã là sự thật thì vô cùng cao đẹp và đáng trân quý! Mới xứng đáng là con người có nhân cách và đạo hạnh! Nhân tiện hôm nay là ngày húy nhật lần thứ 55 của 9 em thiếu niên vô tội đã chết một cách tức tưởi bởi lòng dạ thâm độc của những kẻ có mưu đồ chính trị đen tối. Tôi xin thắp 3 nén nhang để tưởng nhớ và nguyện cầu cho các em luôn được an bình nơi cõi vĩnh hằng và xin các em gia hộ cho chúng tôi luôn minh tâm kiến tánh, trí tuệ sáng suốt để tránh những việc đau lòng đáng tiếc, như trong quá khứ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đệ tử kính lạy
Phan Văn Phước
Pháp Danh: Chơn Qủa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét