Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

CT> TIỂU QUỐC HẬN, ĐẠI QUỐC HẬN


TIỂU QUỐC HẬN, ĐẠI QUỐC HẬN
Bài ‘Tản mạn quanh chuyện ‘Đại thắng’ hay Quốc hận’ của HÀ SĨ PHU vượt ra ngoài khuôn khổ của ngày 30 tháng 4.
Đặt trong thời gian lịch sử 73 năm, từ năm 1945 đến nay là năm 2018, ngày 30 tháng 4 năm 1975 chỉ là một mốc trong một số nhiều mốc đau khỗ của dân tộc. Cải cách Ruộng đất giết chết hơn 170 ngàn dân là một cái mốc. Tết Mậu Thân tàn sát 5000 dân ở Huế cũng là một cái mốc. Đánh chiếm Miền Nam làm chết một hay hai triệu dân kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng là một cái mốc.
Nguyên do của mấy cái mốc sau này là cái mốc đầu tiên, là cái ngày 19 tháng 8 năm 1945 CS cướp chánh quyền ở Hà Nội hay sau đó vài ngày là ngày 2 tháng 9,  CS Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập.
HÀ SĨ PHU xác định đó mới đúng là ngày Đại Quốc hận.
Từ cái kêu gọi đấu tranh cho ‘độc lập, tự do, hạnh phúc’ năm 1945 đến năm 2018 thì mới rõ ra cái quốc nạn: ‘ tự do như con tự do’, hạnh phúc thì thêm nhà tù và độc lập thì như bị Tàu cai trị.
Xác định đúng ngày Đại Quốc hận thì mới có thể tìm đúng lối đi giải trừ quốc nạn.
HÀ SĨ PHU đã từng nói: muốn chống Tàu thì phải bỏ CS. Muốn bỏ CS thì phải giải ảo Hồ Chí Minh.
Xin trân trọng phổ biến 30 tháng 4 và những ngày quốc hận khác của HÀ SĨ PHU
HỒ TẤN VINH
5 tháng 5 năm 2018
X
XX


Thưa các độc giả quý mến của tôi
Các quý độc giả lưu tâm đến bài viết “Tản mạn quanh chuyện ‘Đại thắng’ hay ‘Quốc hận’ là điều tôi rất mong muốn và xúc động. Thực ra việc kết luận các ngày 19/8 và 2/9 là ngày Quốc hận (với nghĩa đáng ân hận, đáng tiếc…chứ không phải thù hận) cũng chỉ là đáp số tất nhiên của dòng tư duy mấy chục năm nay của tôi chứ không phải điều gì khác. Mấy chục năm nay tôi chỉ muốn góp chút phần “cứu nước” ra khỏi quỹ đạo sai lầm là quỹ đạo CS. Một khi đã thấy chủ thuyết chính trị-xã hội Mác-Lê là phi khoa học, phi lý, phi dân chủ, đi theo nó là kìm hãm và làm tan nát xã hội thì đương nhiên phải coi sự du nhập chủ thuyết ấy vào nước mình là điều đáng tiếc, đáng ân hận chứ gì nữa? Đáng ân hận, đáng tiếc cho đất nước thì đó là một “Quốc hận” theo đúng nghĩa của từ ấy thôi, nếu có ý gợi “hận thù” thì lại đi vào vết xe đã đổ.
Chỉ có điều tôi còn băn khoăn khi dùng chữ “Đại Quốc hận” và “Tiểu Quốc hận”. Nỗi đáng tiếc Tháng 8 có tính nguyên khởi, cội nguồn, và bao trùm cả nước nên tôi đã coi đó là “nỗi tiếc lớn”, nó dẫn đến các nỗi tiếc cụ thể về sau như nỗi tiếc 30 tháng Tư chẳng hạn. Nhưng tôi nghĩ lại: đã là nỗi tiếc, nỗi đau thì không nên phân biệt lớn nhỏ nên hai chữ “đại-tiểu” quả thực tôi chưa thật ưng ý.
Cuối cùng, để dĩễn đạt được đủ ý hơn, cho phép tôi gửi đến quý độc giả một bài với nội dung tương tự nhưng có chỉnh sửa bổ sung: “30 Tháng Tư và các ngày ‘Quốc hận’ khác!”.(đính kèm).
Trân trọng
Hà Sĩ Phu
30 tháng Tư và những ngày “Quốc hận” khác !
              (Bài “Tản mạn quanh chuyện Đại thắng và Quốc hận” có bổ sung)                                                                
                                                                        HÀ SĨ PHU (30-4-2018)

1/ Đại thắng hay quốc hận?
   Trong sự kiện 30-4-1975 của chiến trường Việt Nam, miền Bắc thắng miền Nam nên miền Bắc gọi đó là đại thắng, miền Nam thua và gọi đó là quốc hận. Nếu thoát ra khỏi nhãn quan của mỗi bên, chỉ lấy lợi ích và tương lai của cả đất nước, của toàn dân làm trọng thì xin hỏi biến cố kết thúc cuộc chiến như tháng Tư năm 1975 ấy là điều tốt hay xấu, có lợi hay có hại, đáng mừng hay đáng tiếc đây?

Có thể viện dẫn một chân lý chung đã thành kinh điển “Chiến tranh, nhất là nội chiến thì dù bên nào thắng, nhân dân cũng là kẻ thua”, nhưng cũng phải nói thêm: khi bên thắng là Cộng Sản (CS) thì sự “thua” của nhân dân có phần đậm hơn! Bởi CS thắng thì đưa cả nước vào quỹ đạo CS là quỹ đạo của một chủ thuyết có tính chất dân túy (Populismus), ve vãn người dân bằng những ảo tưởng đến mức độ ngớ ngẩn về mặt khoa học, nhưng lại có sức lôi cuốn, kích động, cực đoan nên tàn phá xã hội đến mức tan hoang.. Giương cao búa liềm Công Nông nhưng Công Nông thời CS khổ hơn bao giờ hết.
Riêng VN thì con đường CS còn dẫn đến một đại họa bao trùm hết thảy là nạn Bắc thuộc mới, trở lại mối họa truyền kiếp với nước khổng lồ Bắc phương. Môt “đại thắng” của chuyên chính CS toàn trị lại trở thành một “quốc hận” đối với quốc gia, với nghĩa như một điều đáng ân hận,  điều không may, điều đáng tiếc cho đất nước bởi khi CS nắm quyền toàn trị nó cản trở một cách mãnh liệt con đường Dân chủ đa nguyên pháp trị là con đường văn minh chung của nhân loại ngày nay.
Nhưng nhìn cả tiến trình Cộng sản hóa thì “Quốc hận” này chỉ là dẫn xuất từ một  “Quốc hận” bao quát hơn, có tính cội nguồn, xin bàn thêm ở một phần sau.

2Những tấm gương của thế giới chứng minh điều gì?.
Có 3 nước cùng bị chia đôi, một nửa thành CS một nửa vẫn là chế độ Dân chủ pháp trị của thế giới văn minh, đó là nước Đức, Việt Nam và Triều Tiên.
Lịch sử đã bày ra 3 tình huống khác nhau: Ở Đức chủ nghĩa CS sụp đổ, phần Tây Đứ dân chủ làm chủ hoàn toàn đất nước thì có sự bao dung, hài hòa, tiếp tục là một quốc gia cường thịnh và dân chủ bậc nhất châu Âu.
Triều Tiên thì CS phía Bắc lúc đầu ngoan cố, hiếu chiến nhưng không thể khuất phục nổi nửa phía Nam nên dần dần được chính sách “Ánh dương” nhân đạo của Nam Hàn cảm hóa, nay đang có triển vọng hai miền bắt tay nhau thì hứa hẹn một quốc gia phát triển và hùng mạnh. Còn ở Việt Nam thì máu hiếu thắng của CS kết hợp với viện trợ của “kẻ thù truyền kiếp” Trung Cộng nên đã chiếm trọn miền Nam, đưa cả nước vào quỹ đạo CS thì đang tụt hậu khủng khiếp như ta đang thấy, kém thua bè bạn xung quanh hàng thế kỷ, có nguy cơ mất luôn cả độc lập! (xin không mô tả ra ở đây vì mọi việc đã phơi bày hàng ngày trên khắp các phương tiện truyền thông).

Đối chiếu tình hình 3 nước ấy rõ ràng bật ra quy luật: ở đâu mà Dân chủ pháp trị đứng vững (Hàn quốc) hoặc hoàn toàn làm chủ (Đức) thì ở đó tình hình sáng sủa, trái lại ở đâu CS thắng thế bao trùm thì ở đó xã hội phân ly, kinh tế bất ổn, văn hóa suy đồi và tương lai mất nốt cả độc lập, đó là Việt Nam. Đích danh thủ phạm đã hiện ra rõ mồn một chứ còn gì nữa, đó là chủ nghĩa CS, chủ nghĩa mà trí tuệ hiện đại của toàn châu Âu đã tổng kết thành nghị quyết 1481, đã chỉ rõ CNCS chẳng qua là một ngộ nhận nhất thời, một đại họa nhất thời của nhân loại, phải được loại trừ.

Tình hình đã rõ như thế, nhận thức tiên tiến của con người đã rành mạch như thế mà những người cầm quyền ở VN vẫn cứ nhất mực “kiên trì” cái chủ nghĩa phản động, phản tiến hóa ấy (mặc dù chính người đứng đầu ĐCSVN cũng phải công nhận một thế kỷ nữa cũng chưa rõ chân dung cái chủ nghĩa ấy sẽ có diện mạo thế nào). Biết rõ một chủ thuyết chỉ là tà thuyết nhưng không bỏ được vì không được bỏ! Mà quyền chọn con đường đi cho đất nước mình mới là Dân quyền và Nhân quyền cơ bản nhất, nó quyết định mọi thứ quyền cụ thể khác. Khi cái quyền cơ bản nhất ấy đã bị áp đặt thì xin đừng khoe các quyền khác làm gì!

3/ Những lc cản chính
Xin điểm vài nguyên nhân chính khiến cho tà thuyết chính trị Mác-Lê vẫn cứ chễm chệ trên đầu nhân dân ta:
- Chế độ chính trị Mác-Lê gây tác hại cho nhân dân và đất nước nhưng trái lại, nó đem đặc quyền đặc lợi như vua chúa cho đám người cầm quyền nên họ quyết giữ chế độ vả trị tội rất nặng công dân nào muốn phê phán chế độ.
- Chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng hiện nay chỉ có thể biến VN thành chư hầu theo kiểu “tằm ăn dâu” nếu VN cũng là chế độ CS, trong đó ĐCS nắm quyền tuyệt đối. Vì thế Trung Cộng quyết giữ cho VN phải ở chế độ CS để thực hiện cho xong dã tâm xâm lược. Lực cản này còn ác liệt hơn lực bảo thủ của bản thân ĐCSVN.
- Dân thì vô cảm, hầu như không quan tâm đến chính trị, trừ những nơi dân cần phải đứng lên để giữ lấy đất đai ruộng vườn đang bị cướp. Sự vô cảm của dân có những nguồn gốc khác nhau:
     + hoặc do lối sống thực dụng của xã hội tiêu thụ, chỉ biết vui thú với những hưởng thụ cá nhân và gia đình minh, không quan tâm gì đến số phận chung.
     + hoặc vốn đã có lý tưởng, có ý thức chính trị nhưng sau thời gian thấy bị lừa dối, phản bội nên nay đã chán ngấy tất cả.
      + hoặc nếu quan tâm đến chính trị là bị chính quyền gây khó, làm khổ ngay, nên phải tránh để được sống yên.
      + hoặc cũng muốn góp phần cải biến xã hội nhưng chẳng thấy có “ngọn cờ” nào có hiệu quả đáng để tin tưởng mà tham gia. …v…v…

Dân là những người thụ động, buộc phải thích nghi để sống còn nên không thể trách dân mà phải giúp cho dân thoát khỏi tình trạng lảng tránh, thờ ơ ấy. Đó là nhiệm vụ khó khăn đặt lên vai các nhà Dân chủ và các tổ chức Xã hội dân sự, mà hiện nay còn rất tản mạn chưa tìm được cách hoạt động chính thức trong một xã hội CS toàn trị, mà về dân chủ thậm chí còn thua cả thời Pháp thuộc).

4/ Một vài căn bệnh về tâm lý
    + Bệnh hiếu thắng Cộng sản: bệnh hiếu thắng vốn có từ lâu nhưng từ khi lan truyền chủ nghĩa CS, nó xúi dục con người phải chiến thắng mọi thứ kẻ thù để giành chiến thắng thì hiếu thắng thành bệnh nặng. Đánh thắng cả “2 đế quốc to” là oai hùng lắm, nên khi đất nước tạm chia đôi lập tức phải tìm cách vũ trang để đánh thắng miền Nam cho kỳ được. Sau 1975 Mỹ sẵn sàng viện trợ thì không thèm nhận viện trợ, bảo VN chiến thắng thì Mỹ phải bồi thường chiến tranh mới đúng tư cách…Nhưng hiện nay đến lúc phải chiến đấu để chiến thằng âm mưu bành trướng của Tàu thì ý chí chiến thắng ở đâu chẳng thấy, cho nên sự hiếu thắng chỉ là hiếu thắng kiểu CS.
Ông cha mình biết chiến thắng quân ngoại xâm nhưng cũng phê phán thứ hiếu thắng vô bổ : “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, chứ đánh được người thì mặt vàng như nghệ!”. Có những thứ chiến thắng mang lại tai họa ngay cho kẻ thắng. Đại thắng để chiếm miền Nam đúng là thứ hiếu thắng CS, nên cuộc Đại thắng trở thành Quốc hận đối với đất nước, và cũng chính là sợi dây trói buộc ĐCSVN vào ĐCS Trung Quốc không thể gỡ ra.

 Xin nói thêm: Nếu đã coi ngày 30/4/1975 là ngày Quốc hận, CS làm chủ miền Nam, thì mặc dù tác hại của nó đã quá lớn lao nhưng đó chỉ là kết quả dẫn xuất từ một Quốc hận khác có tính cội nguồn, đó là ngày 19/8 và 2/9/1945, ngày đánh dấu cả giang sơn VN bắt đầu nhuộm đỏ.
Cuộc cướp chính quyền ngày 19 tháng 8-1945 đúng là một cuộc “cướp”, người Việt cướp từ tay người Việt! Cuộc “đại cướp” ấy mở đầu cho mọi cuộc cướp bóc về sau (nhất là quá trình cướp dai dẳng, cướp hết đất đai của giống nòi vào một tay Sở hữu của ĐCS. Ngày Quốc hận” khởi nguyên ấy mở đầu cho mọi thứ “Quốc hận” dẫn xuất về sau, mà ngày 30 tháng Tư 1975 là một dấu mốc quan trọng. Nếu cứ đà này sẽ còn đến một Quốc hận” sau cùng cực kỳ đau đớn nữa là ngày chính thức làm lễ cho “đứa con hoang Nam Việt trở về với mẹ Bắc Kinh”!
Hiếu thắng nóng vội quá sức mình thì cuối cùng sẽ không THẮNG mà BẠI! (Tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh đã toát lên nhận định này).

   Nếu bạn vẫn nghĩ rằng cuộc cướp chính quyền 19/8 đưa VN vào quỹ đạo CS là một thắng lợi, không thể là một biến cố đáng ân hận ( Quốc hận) thì xin bạn hãy trả lời một câu đơn giản này:
- Bạn có muốn VN bước vào con đường mạo hiểm thử nghiệm một học thuyết mà 98% các nước trên thế giới không theo, mà 7 nước văn minh hàng đầu đã bảo đó là nguy hiểm, nếu không đi vào đường đó thì VN đã thừa sức hơn cả Hàn Quốc, hơn cả Singapore ngày nay. Vậy mà VN đã xông vào con đường maọ hiểm đó và kết quả như VN hôm nay. Vậy với hiểu biết hôm nay bạn coi cuộc “xông vào” quỹ đạo CS ấy là điều đáng mừng hay đáng tiếc? Nếu bạn vẫn cho việc năm 1945 chọn quỹ đạo CS là đáng mừng, chẳng có gì phải ân hận hay đáng tiếc cả, thì xin phép bạn cho tôi “quỳ xuống” mà “lạy bạn cả nón” (!).

     + Sính dùng bạo lực, tưởng dùng lực với người khác là biểu thị sức mạnh. Nhưng cổ nhân đã dạy “ Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường” ( thắng người khác chỉ là do có thứ lực cơ giới, lực cơ bắp; tự thắng được mình mới là kẻ mạnh). Tự thắng mình để mình tiến bộ lên về trình độ đã là khó, nhưng khó nhất là tự bỏ được những thói rởm, thói hư của mình mới càng khó hơn, mà cái thói hư nhất của CS là bệnh say chiến thắng người khác trong khi tự nuông chiều mình, nuông chiều chế độ của mình vô hạn.

       + Tâm lý thích vọt lên đỉnh. Kẻ ở dưới đáy thường mơ khát vọng vọt lên đỉnh, vọt lên hàng đầu, vọt lên đón đầu, chứ không thích đứng khoảng giữa mặc dù từ đáy tiến lên hàng giữa đã là chuyện khó khăn. Ví dụ như một thằng học dốt luôn xếp thứ 50/50 ở lớp. Trong giấc mơ nó luôn mơ đứng đầu lớp cho oai chứ không mơ tiến lên vài bậc, xép thứ 40-45 chẳng hạn. Dễ hiểu tại sao lớp vô sản đầu tiên lại có khẩu hiệu “Trí Phú Địa Hào. Đào tận gốc trốc tận rễ” Chẳng qua vì Trí Phú Địa Hào là 4 cái khát khao nhất của họ, cho nên khi cướp được quyền là họ lao ngay vào cuộc tranh giành để trở thành Trí Phú Địa Hào như bấy lâu khao khát. “Bao nhiêu lội quyền ắt qua tay mình” chẳng phải đã thành cái cần câu nhử tất cả những kẻ khát khao đó hay sao? Khi có quyền họ biến ngay thành Phú Địa Hào vì 3 thứ đó cướp được dễ dàng. Chỉ có cái Trí thì khó mà cướp ngay được nên thực hiện sau cùng, lắm của nhiều tiền rồi cũng phải mua lấy cái bằng …Tiến sĩ!
Để kết thúc câu chuyện bàn luận cho vui này, xin đọc lại bài thơ “Bài ca Trí Phú Địa Hào” tôi viết (ghi nhớ trong đầu) năm 1996, những ngày còn đang ngồi tù:

                              Bài ca TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO
                                   Bốn anh Trí Phú Địa Hào
                            Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ
                                 Đảng ta thương Trí ngu ngơ
                       Cho CÔNG-NÔNG-TRÍ chung cờ liên minh
                                 Trông lên LIỀM-BÚA hai hình
                             Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu
                                  Quay sang tìm Phú, Địa, Hào
                              Thấy ba bụng phệ …đã vào…Đảng ta!
                                                        ( HSP-1996)

                                                                                              H.S.P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét