Câu chuyện được bắt đầu vào sáng ngày 23-3-1975……
Sau khi chồng và con trai bị chết vì đạn pháo kích của VC đồng thời bị thất lạc đứa con gái trong ngày di tản tại tại bãi biển Chu Lai, chị Buôn quấn quýt (?) chạy khắp nơi để hỏi thăm về đứa con gái của mình… chị đã được một người chạy nạn cho biết:
“Con bé khoảng 9 hay 10 tuổi mặc cái áo xanh, quần đen, cổ có đeo cái thẻ bài của lính là con chị sao? Nó được một người trên ca-nô nhào xuống nước bơi vào vớt nó đưa lên ca-nô ra tầu lớn rồi. Thật là may mắn cho nó!”…
Lệ, đứa con thất lạc của chị Buôn được đưa lên tầu Hải quân với chiếc thẻ bài đeo toòng teng nơi ngực. Người ta thấy có khắc tên: Lê văn Buôn Số quân:….. Họ hỏi Lệ. Lệ nói đó là tên ba nó, ba Buôn của nó, bị lọt lại với má và ba đứa em tại bãi biển Chu Lai. Mới đầu Lệ sụt sùi khóc nhưng có người đàn bà ngồi gần bảo nó khóc không ích gì. Nó cắn răng nghe lời bà này, làm theo những gì người ta chỉ bảo. Tiếng nổ làm cho nó ù tai nhưng cái sợ làm nó quên cả. Kể từ lúc quả lựu đạn nổ, nó gần như mê đi cho đến khi có người vớt nó đưa lên ca-nô rồi lên tầu.
Người vớt nó lên ca-nô và đưa nó lên tầu, nhận nó là con nuôi là một Thiếu Uý Hải quân mới ra trường. Sau thời gian huấn luyện dài đằng đẵng, tim anh còn đầy ắp tình người dành cho đồng hương và cả nhân loại. Ước mơ của anh là những chuyến hải hành xa, đi đến chân trời góc biển, đi đến những đô thị lớn hoa lệ, nguy nga, ngợp ánh đèn về đêm và nườm nượp xe cộ, người đi bộ trên hè phố ban ngày.
Anh tên Lê trọng Nghĩa, 28 tuổi, quê quán ở miệt Thủ dầu Một, ra trường với hạng cao trong số hơn 60 sinh viên tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và hiện là một sĩ quan ưu tú của Giang đoàn 240 đóng ở miền Trung. Chiếc tầu Nghĩa và đứa con nuôi là Lệ về đến bến Bạch đằng Sàigòn vào tuần đầu tháng 4-1975, đang lúc Sàigòn lên cơn sốt y như miền Trung mấy tuần trước. Nghĩa đưa Lệ đến gửi vợ một người bạn trong trại Sĩ quan bến Bạch đằng, lại gửi tiền và nhờ Xuân Hà, tên vợ người bạn, đi mua sắm quần áo và những thứ cần thiết hàng ngày cho Lệ. Xuân Hà nhìn Nghĩa rồi nhìn Lệ và hỏi nhỏ Nghĩa:
“Con bé xin được ở đâu mà xinh quá vậy? Tốn vài tạ gạo nữa là đã ra dáng tiểu thư rồi. Anh lựa hay lắm.”
Nghĩa nghiêm nét mặt bảo Xuân Hà:
“Chị đừng nghĩ vậy. Ba má nó và ba đứa em còn kẹt lại Chu Lai. Chỉ có mình nó được tôi cứu lên tầu. Tôi nhận nó làm con nuôi.”
Xuân Hà tính đùa thêm một câu nhưng thấy mặt Nghĩa lạnh như tiền nên không dám cợt nhả nữa.
Ngày 28-4-1975, Nghĩa lại mang Lệ lên một chiếc tầu Hải Quân HQ thực lớn để chạy sang Guam. Nghĩa con một, cha mẹ Nghĩa đã lớn tuổi muốn sống và chết ở Thủ dầu Một nên không đi mặc dầu trong thời gian ở Sàigòn, Nghĩa đã cải trang về thăm và mời ông bà đi.
Sau 5 tháng ở trong trại tạm cư ở Guam, Nghĩa và Lệ được một nhà thờ bảo trợ đi South Carolina. Từ đây, Nghĩa xin Basic Grant của tiểu bang để vào Đại học học Kỹ sư cơ khí. Ngoài giờ học, Nghĩa đi làm part time cho tiệm Sears ở downtown để lấy tiền chi phí ăn ở cho hai cha con. Nghĩa xin cho Lệ vào học ở trường tiểu học địa phương, có xe bus nhà trường đưa đón mỗi ngày và ăn sáng, ăn trưa miễn phí vì hai cha con Nghĩa chưa có lợi tức. Nghĩa chỉ thêm bài vở cho Lệ mỗi buổi tối sau khi cơm xong. Lệ thông minh nên học rất nhanh. Để giúp ba Nghĩa, nó biết đặt nồi cơm điện, luộc rau, luộc trứng, làm những món giản dị rồi chờ ba Nghĩa về ăn cơm.
Mặc dầu vào ngang thiếu căn bản 4 lớp đầu (học trình Hoa Kỳ), nhưng Lệ đã học xong lớp 5 Việt Nam, Lệ học lại với ba Nghĩa và một cô giáo Mỹ dạy kèm (tutor) tất cả những gì cần thiết chưa được học ở các lớp dưới, nhất là Anh ngữ, vì vậy Lệ tốt nghiệp Trung học lúc mới 17 tuổi với điểm trung bình 4.0, một thành tích vượt mức ngay với học sinh bản xứ.
Nhiều lúc Lệ nhớ ba má, nhớ các em day dứt nhưng nghe ba Nghĩa khuyên, Lệ phải cố quên. Lệ cũng nghĩ và tự nhủ lòng, có khóc, có nhớ ba má và các em cũng không làm được gì, chỉ cản trở việc học. Đã từng ở trong cảnh nghèo của cha mẹ ở Việt Nam, Lệ biết được đi học thế này là một diễm phúc vì vậy Lệ cố gắng và chăm chỉ hết mức. Ba Nghĩa cũng khuyên Lệ, sau này có thể có bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, khi ấy Nghĩa sẽ tìm cách hỏi thăm tìm ra tung tích ba má và các em Lệ. Lệ nghe thế lại tạm yên lòng và hy vọng.
Mùa Thu năm đó, Lệ vào trường Đại học Y khoa South Carolina. Sau 3 năm, Lệ lấy Cử nhân Sinh Vật học với lời khen của Hội đồng Giám Khảo. Lệ chuyển qua học ngành Nhãn Khoa (Opthalmology). Năm 1990, Lệ đậu bằng Bác sĩ Nhãn Khoa hạng tối Ưu với lời ngợi khen của Ban Giám Khảo. Lệ được mời dạy môn Nhãn Khoa cho Sinh viên cùng trường. Lệ hỏi ý kiến ba Nghĩa, sau đó Lệ xin khất cho đến khi trở về từ Việt Nam.
Tốt nghiệp xong, Lệ bàn với ba Nghĩa, lúc này đã có vợ và một đứa con trai 2 tuổi, ba Nghĩa đồng ý, Lệ đi mua vé máy bay về Việt Nam tìm cha mẹ và các em. Sau hơn 10 năm bế quan toả cảng cả nước sắp chết đói, lúc này (từ 1985) chế độ bắt buộc phải mở cửa cho kinh tế thị trường nên cũng dễ dàng cho Lệ đi lại.
Lệ và một người bạn thân về đến Chu Lai vào một buổi chiều mùa Hạ năm 1990 sau khi đã lặn lội đi bằng đủ thứ xe từ Sàigòn ra miền Trung. Sau 15 năm, quang cảnh cũ đã thay đổi nhiều. Có những căn nhà mới mọc lên nhưng cũng có nhiều căn trại cũ biến mất. Chỉ có bãi biển, trông vẫn như trước mặc dù có nhiều hàng quán mọc lên bán thức ăn, thức uống cho du khách. Trại Gia binh ngày nào không còn. Lệ muốn được gặp lại những người hàng xóm của ba má Lệ ngày xưa như vợ chồng bác Sáu, vợ chồng chú Đàm, vợ chồng cô Bé…để hỏi thăm về cha mẹ và các em nhưng đi quanh quanh làng xóm, Lệ không kiếm ra một người quen cũ.
Lệ đeo cái thẻ bài vào cổ như ngày 23-3-1975 ra bãi biển Chu Lai, nhà nào Lệ cũng vào hỏi thăm và cho con cái họ quà bánh Lệ đem từ Hoa Kỳ về, giơ chiếc thẻ bài cho họ coi và hỏi thăm xem có ai biết ba má và các em Lệ không? Nhưng tuyệt nhiên không ai biết. Vốn đã có định kiến, Lệ xin phép chính quyền sở tại, không quên quà cáp cho họ, để mở phòng mạch khám mắt miễn phí cho mọi người. Một Nữ bác sĩ Hoa Kỳ, cô Ruthie O’Brien, bác sĩ gia đình, vốn là bạn thân và cùng ra trường một ngày với Lệ, cùng đi với Lệ về chơi thăm miền Trung Việt Nam, nhân dịp cũng bỏ đồ nghề ra khám bệnh và cho thuốc cùng những lời khuyên hữu ích để phòng ngừa bệnh tật. Các gia đình đến khám mắt và khám tổng quát, nhất là những ông già bà cả đều được hỏi về Trung sĩ Lê văn Buôn, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 Bộ binh vào tháng 3 năm 1975 nhưng không một ai biết. Mỗi buổi chiều khi khám bệnh xong, Lệ và Ruthie thường ra bãi biển Chu Lai ngồi ngắm sóng và ngắm hoàng hôn trên biển, nghe những tiếng rì rào của sóng biển chạy vào bờ rồi lại trườn ra xa. Thấy bạn buồn vì không tìm ra gia đình, Ruthie lựa lời khuyên nhủ và hỏi Lệ có còn muốn đến nơi nào khác để kiếm không? Lệ nghĩ chỉ có hai nơi khác ba má Lệ có thể ở là Nha Trang, quê của ba và Trà Vinh, quê của má. Lệ nói cho Ruthie nghe những nơi Lệ hi vọng nhiều nhất, sau đó Ruthie khuyên Lệ nên đi Nha Trang.
Nha Trang không hứa hẹn nhiều cho việc tìm kiếm vì Lệ đã đến đây gần một tuần, đi khắp nơi hỏi nhưng không ai biết cựu Trung sĩ Lê văn Buôn và vợ con.
Lệ thất vọng hoàn toàn, thầm nghĩ chỉ còn một nơi nữa là Trà Vinh. Nếu tại Trà Vinh cũng không có tung tích thì coi như gia đình Lệ đã bị tiêu tán trong hoặc sau ngày 23-3-1975. Nghĩ đến đó, Lệ cảm thấy buồn muốn khóc. Ba má và các em đi hết chỉ để lại mình con thôi sao, thế thì con có sống cũng mang mối u hoài đau khổ ấy suốt đời! Thà con ở lại nhà chia sẻ những đau khổ với ba má và các em rồi chết chung một huyệt cũng là xong một kiếp người. Lệ buồn khôn tả và khóc mỗi đêm về nhưng không dám cho Ruthie biết.
Một buổi sáng, Lệ cùng Ruthie mướn một chiếc xe hơi với tài xế để đi thăm Hòn Chồng, nơi thắng cảnh đẹp có tiếng của Nha Trang. Thật ra Lệ không còn tâm trí đâu ngoạn cảnh vì “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nhưng để chiều Ruthie, Lệ cho Ruthie đi nơi này nơi kia chụp hình lưu niệm và dọc đường có thể tìm vào các quán ăn ngon, các khách sạn sang trọng mướn phòng ngủ qua đêm. Lẽ ra trong chuyến đi này, Lệ mang theo vị hôn phu là bác sĩ Vĩnh quang Dũng, chuyên khoa bệnh tiêu hoá, tốt nghiệp trước Lệ 3 năm và hai người quen nhau khi cùng làm việc trong một bệnh viện nhưng Dũng phải đi Á căn Đình dự một Đại Hội Y Khoa toàn cầu về bệnh tiêu hóa, đại diện cho Bộ Y Tế Hoa Kỳ.
Còn vị hôn phu của Ruthie có cha già đang nằm bệnh viện chữa trị bệnh tiểu đường nên anh cũng không thể theo Ruthie đi du lịch Việt Nam được.
Sau khi đã dạo chơi bãi biển hơn hai tiếng đồng hồ, Lệ đề nghị tài xế chở vòng qua con đường phía sau, nơi đây lưa thưa có dăm cái nhà trên bãi cỏ hoang. Phong cảnh quá tiêu sơ và u buồn, không có bóng một đứa trẻ. Lệ và Ruthie bàn với nhau đi xuống cuối con đường rồi trở lại, trở về thành phố Nha Trang.
Mới đi thêm một khoảng ngắn, đột nhiên chiếc xe bốc khói ở máy. Tài xế vội cho xe ngừng lại và kiểm soát máy thấy máy cạn khô không còn một giọt nước. Anh ta hoảng hồn tắt máy và ngơ ngáo đi tìm xung quanh để kiếm nước châm vào máy. Đó đây, ngoài con lộ đắp bằng đất đỏ thì toàn là gò đống và bụi cây mọc lưa thưa, tít tắp xa mới thấy vài mái tranh hiện trên nền trời xanh lơ. Lệ và Ruthie phải ngồi chờ dưới gốc cây cho bớt nắng trong khi bác tài lội bộ đi tìm nước.
Chợt Lệ trông thấy một đám người lố nhố trên một cái gò, cách xa Lệ khoảng 400 mét. Lệ chợt nghĩ hay là họ đào huyệt chôn người chết như hồi còn bé Lệ đã thấy ở Chu Lai nhưng sao không nghe tiếng khóc cũng không thấy quan tài.Trí tò mò thúc đẩy Lệ vào đó coi xem sao. Lệ cũng có ý nghĩ giúp đỡ công việc họ đang làm, nếu họ quá nghèo, cần đến một, vài chục đô-la của Lệ.
Lệ nói cho Ruthie nghe ý nghĩ của mình, bảo Ruthie ngồi đó chờ mình nhưng Ruthie không chịu, đứng lên cùng đi với Lệ. Hai cô gái cứ tưởng gần và ruộng khô, nào ngờ coi vậy nhưng khoảng cách khá xa và có những chỗ nước ngập mắt cá, hai cô phải tháo giầy cầm trên tay để đi.
Khoảng sáu, bảy người vừa đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ cắm cúi nhìn vào một cái lỗ huyệt đang đào do 4 thanh niên khoẻ mạnh, người cầm xẻng xúc đất đổ vào mê tre, kẻ bê đất đổ lên bờ, để dần dần hiện ra tấm nắp thiên bằng gỗ đen sì một cái quan tài.
Từ xa lội tới, hai cô gái đã bị những cặp mắt tò mò của đám người trên gò nhìn thấy và theo dõi. Khi hai cô tới gần, tất cả đều ngừng tay nhìn chằm chằm như nhìn một hiện tượng lạ.
Họ quá lạ lùng bởi từ xưa đến nay chưa có người ngoại quốc nào ăn mặc đẹp đẽ thế kia – đám người cho rằng cả hai cô là gái Mỹ, Pháp, Anh, Úc chi đó, lại lội ruộng vào cái gò này để coi cải mả.
Phải, họ đang cải mả. Họ đào cốt người thân chết đã lâu năm, bỏ sang một cái tiểu sành, kiếm chỗ thuận tiên, gần gũi hơn đặt xuống.
Lệ mở lời khi nhìn một người đàn bà lam lũ, già yếu, mặt mày nhăn nheo:
“Chào các bác, các chú, các anh, các chị. Cháu là người Việt sống tại Hoa Kỳ về thăm quê hương. Các bác, các chú đang cải táng cho thân nhân, phải không ạ?”
Nghe cô con gái nói tiếng Việt, cả đám người thật ngạc nhiên. Sao cô gái trông như Mỹ này, chỉ khác mớ tóc đen, lại là người Việt, nói tiếng Việt thạo quá. Họ bỏ xẻng cuốc đứng vây xung quanh hai cô gái. Người đàn bà lớn tuổi trả lời:
“Phải, người ở dưới huyệt là chồng tôi, chết từ năm 1975.”
Lệ nghe giọng nói người đàn bà có điều ngờ ngợ nhưng chưa dám tin là mình có thể đúng. Nhân tiện, cứ hỏi thăm xem có ai biết được ba mình không? Lệ chìa tấm thẻ bài đeo trong ngực áo ra cho họ coi, nói:
“Tấm thẻ bài này của ba tôi. Tôi không biết gia đình ông còn sống không và nay ở đâu. Ông tên là Trung sĩ Lê văn Buôn.”
Người đàn bà trân trối nhìn Lệ xong ngập ngừng nói:
“Thế này thực không phải. Xin lỗi…Có phải tấm thẻ bài này của lính Việt Nam Cộng hoà và cô là …Lệ phải không?”
Điều Lệ nghi ngờ đã đúng. Giọng nói người đàn bà và nhìn kỹ từ đầu đến chân, Lệ thấy đúng là má Lệ, không còn sai vào đâu được. Lệ ôm chầm lấy bà khóc rưng rức:
“Má ơi! Con đây, Lệ của má đây. Má còn nhận ra con không?”
Bà Buôn, phải, vì người đàn bà đó chính là vợ goá của Trung sĩ Lê văn Buôn, càng ôm chặt Lệ hơn. Bà rên rỉ:
“Lệ ơi, má đâu có ngờ Trời Phật còn cho gia đình mình ngày hôm nay. Người nằm dưới huyệt kia chính là ba con đó. Quả lựu đạn ngày 23-3 đã giết ba và thằng Chưởng. Còn lại hai đứa đứng kia, thằng Tung, con Bi giờ đã lớn từng đó.”
Lệ quay ra ôm hôn đứa em gái và thằng em trai. Chúng cũng xúc động nhưng không xúc động bằng má Lệ và Lệ vì khi xẩy ra biến cố tan nát gia đình, chúng còn quá nhỏ.
Bà Buôn hỏi Lệ:
“Con đeo tấm thẻ bài này 15 năm nay để đi tìm ba má và các em phải không?”
“Dạ, đúng thế má. Con đi tìm ba má và các em vì con đâu biết ba đã hi sinh ngày hôm đó.”
Ruthie đứng ngó mấy mẹ con ôm nhau cũng xúc động nhưng trong ánh mắt cô đọc thấy những tia sáng hân hoan vô bờ của bạn và của mẹ của bạn. Chuyến đi hoàn toàn thành công quá sức mong mỏi, cô lẩm bẩm.
Bốn thanh niên lại tiếp tục đào. Họ cậy tấm nắp thiên. Bộ xương người đen sì lõng bõng nước. Ruthie nhìn thấy sợ quá phải đứng tránh ra xa. Cô đã quen với xác chết trong các bệnh viện nhưng không phải là bộ xương đã rữa mục này. Lần đầu tiên Lệ nhìn thấy bộ xương cải táng nhưng Lệ không sợ mà Lệ muốn đứng thật gần để nhìn cho rõ hình hài của người cha đã sinh ra mình.
Khi má Lệ hỏi Lệ vì sao biết mà vào đây. Lệ thuật lại từ đầu tới cuối, vì sao xe phải ngưng lại, bác tài xế phải đi kiếm nước đổ vào máy xe để đi tiếp v.v…
Bà Buôn thắp lên mấy cây nhang và hai ngọn nến trong khi mấy người đàn ông đổ rượu trắng ra cái chậu sành và rửa từng khúc xương cho sạch, lấy giấy bản lau khô xong xếp vào một cái tiểu sành mầu đất nung đỏ quạch. Trong số người lo chuyện cải táng, có chú Năm thợ hồ có nhiều kinh nghiệm. Chú vừa làm vừa chỉ dẫn cho mấy anh thanh niên làm. Chú nói:
“Tôi học nghề cải táng từ năm mới 16 tuổi mà năm nay đã 55, coi như 39 năm trong nghề mà tôi chưa thấy một vụ nào lại linh thiêng như Trung sĩ Buôn đây. Nghe cháu Lệ vừa nói thì cháu đã để tâm tìm ba má cháu nhiều năm nhưng không ra tung tích; đến bữa nay hồn thiêng Trung sĩ dun dủi làm cho chiếc xe hơi đang chạy ngon lành bỗng hết nước ở ngay khúc đường này, xe bốc khói xuýt cháy máy và từ đó cháu Lệ mới có cơ hội lặn lội vào cái gò này vì tính tò mò và cũng vì tính thương người, muốn giúp đỡ người nghèo. Vì thế mà Trời Phật không bỏ cháu.”
Bác tài xế đã lặn lội đi xin được một bình nước đổ vào xe. Thay vì hai thanh niên phải khiêng chiếc tiểu sành, giờ này chiếc tiểu sành được bỏ lên xe, mọi người về nghĩa trang gần nơi cư ngụ của gia đình bà Buôn.
Nghe Lệ kể sơ lược từ lúc được ba Nghĩa nuôi vớt lên tầu và được học hành ở Hoa Kỳ, hiện đã là một bác sĩ Nhãn khoa Hoa Kỳ, tiền bạc dư dả, tương lai sáng lạn, bà Buôn quá sung sướng lại khóc. Bà chạnh lòng nghĩ đến người chồng bạc phước đã chẳng được sống thêm để nhìn thấy sự thành công của đứa con gái ông yêu quý nhất đời.
Huyệt mộ cho cái tiểu sành đựng nắm xương của người cha bạc số của bác sĩ Vivian Le đã đào xong, nhỏ và nông nên đào rất nhanh. Lần này nó không nằm trên gò đất chung quanh là sa mạc sỏi đá, cây cỏ hoang vu mà ở trong một nghĩa trang đẹp đẽ bên ngoài thành phố Nha Trang.
Khoảng 4 giờ chiều, mọi việc hoàn tất, bà Buôn, Lệ và hai đứa em của Lệ thắp hương, sụp quỳ, vái lậy, khấn khứa. Lệ cố hết sức giữ cho khỏi quá xúc động nhưng khung ảnh trắng đen của cha Lệ trước mặt lúc nào cũng như đang nhìn Lệ âu yếm làm Lệ tràn nước mắt và cái ngày độc địa 23-3-1975, tại bãi biển Chu Lai, lại hiện rõ mồn một như Lệ đang đứng sát bên cha Lệ, bám vào tay ông cho khỏi sóng đánh ra xa.
Nỗi buồn năm xưa dù chưa quên được nhưng hiện tại vẫn là đáng sống. Mẹ con bà Buôn đành phải khép lại trang sử đẫm máu của gia đình và của xóm giềng, thân thuộc để xây dựng ngày mai tươi sáng hơn.
Lệ đã đưa tiền cho má và em đi chợ mua các thức ăn về làm một bữa cơm đãi đằng chòm xóm và những người thân thuộc, trả công hậu hĩ cho những người cải táng hôm đó. Ai cũng tấm tắc khen sao lại có cái thần giao cách cảm đó để mà đến đúng chỗ, đúng lúc, gặp lại mẹ và em và nhìn được hài cốt của cha. Chuyện thực mà khó tin, xẩy ra như trong một giấc mơ.
Nhờ có nghề nghiệp cao và lợi tức vững vàng lại công dân Mỹ của Lệ, hơn hai năm sau bà Buôn và Tung, Bi đã đoàn tụ với Lệ ở Hoa Kỳ.
Bà Buôn lập một ban thờ, một bên để tấm ảnh cuối cùng của thằng Chưởng khi nó 3 tuổi, một bên treo tấm thẻ bài, ở giữa ban thờ là bát hương, có bài vị và khung ảnh đen trắng của Trung sĩ Lê văn Buôn, người Chiến sĩ kiêu dũng VNCH đã hy sinh vì Tổ quốc, người chồng, người cha thân yêu vẫn luôn luôn như đang mỉm cười với vợ và các con!
Đây là câu chuyện thật mà người viết lấy từ đã lấy từ bài viết “Tấm Thẻ Bài” của Bút Xuân Trần Đình Ngọc đăng trong website:http://www.tinvasong.com/?arti cleId=373001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét