Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

SL> TẢN MẠN ĐỜI THA HƯƠNG : GIÒNG GIỐNG TIÊN RỒNG Lm Giuse Nguyễn Văn Thư

Những trang sử hào hùng

Trước hết, mời bà con đọc một đoạn giới thiệu tổ tiên dân Việt ta oai hùng như sau :

“Khoảng 2879 năm trước Tây lịch (và ta hãy cộng thêm con số 2018 của niên lịch hôm nay sẽ có được 4897 năm.) Vào cái thời đó, có một người tên là Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ, lập quốc trên vùng châu thổ sông Dương Tử, Trung Hoa, lãnh đạo giống người Lạc Việt tối cổ. Đó là tổ tiên, là cội rễ, là root của dân tộc ta hôm nay.”

Truyền thuyết cũng kể thêm chi tiết ngọn nguồn rằng Đế Minh (là cháu 3 đời vua Thần Nông) đi tuần thú phương Nam, lấy được bà Vụ Tiên (giống Tiên) sinh ra Lộc Tục, sau được cho làm vua phương Nam, tức Kinh Dương Vương (còn Đế Nghi là con trưởng thì làm vua phương Bắc). Vua Kinh Dương Vương lấy bà Long Nữ (giống Rồng) con gái chúa Động Đình Hồ, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân (thế là đích thực con Rồng, cháu Tiên=theo họ mẹ và bà ngoại, vì thời đó theo chế độ mẫu hệ). 

Lạc Long Quân (nhân vật đầu tiên chính thức mang danh hiệu Con Rồng Cháu Tiên) lấy bà Âu Cơ sinh ra một trăm con, 50 con theo mẹ lên rừng, 50 con xuống biển. Có sách nhắc truyền thuyết bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng, nở ra 100 con.

Nên nhớ rằng, vào thuở xa xưa đó, ở triền sông Dương Tử không phải là miền đất độc quyền của người Trung Hoa. Miền đó có nhiều bộ lạc, hàng trăm sắc dân gọi chung là Bách Việt, trong đó có dòng giống dân Lạc Việt (sắc dân của nhà Lạc long Quân) là tổ tiên ta. Từ thuở ấy, tuy có bị pha trộn, nhưng dòng Lạc Việt vẫn giữ được nét đặc thù, và tiếng Việt là biểu hiện độc đáo, để không thể bị lẫn lộn với bất cứ sắc dân nào khác. 

Rồi tiếp theo, vào năm 2197 trước Tây lịch, bộ tộc Lạc Việt bắt đầu thiên cư về phía Nam, để tránh bị đồng hóa. Họ kéo nhau xuống vùng Quảng Đông và Quảng Tây và ráng an cư lạc nghiệp (dường như cũng rủ thêm một số thuộc bộ tộc Âu Việt đi theo) với tất cả sự can đảm và nhẫn nại. Phần còn lại của khối Bách Việt đã hầu như định cư tại chỗ, và hòa lẫn với các sắc dân tạo ra người Trung Hoa ngày nay (được coi là người Hán). Ôi, những vị tổ tiên anh hùng của chúng ta, đóng khố nhai trầu, răng nhuộm đen, mình xâm Rồng, líu lo nói tiếng nước ta (vốn có văn tự độc đáo và riêng biệt, khác ngôn ngữ người Hán) từ ngàn năm trước. 

Khi dân Trung Hoa bành trướng, bộ tộc Lạc Việt lại phải thêm một lần thiên cư vào năm 1401 trước Tây lịch. Lần này bộ tộc Lạc Việt tiến đến miền châu thổ sông Hồng, lập nên nước Văn Lang và bắt đầu 18 đời vua Hùng Vương dựng nước. 

Theo truyền thuyết, vua Hùng thứ nhất chia nước ra làm 15 bộ, gồm có dân tộc Lạc Việt là chính, đóng đô ở Phong Châu (nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên), tướng Văn là Lạc Hầu, tướng võ là Lạc Tướng, con trai là Quan Lang, con gái là Mị Nương, các quan nhỏ là Bồ Chính. Quyền chính trị cha truyền con nối gọi là phụ đạo. 

Vua Hùng truyền đến đời Hùng Vương thứ 18 thì bị Thục Phán đánh bại. Thục Phán lên làm vua xưng là An Dương Vương vào năm 257 trước TL), đặt tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê ( nay là tỉnh Phúc An), và xây thành Cổ Loa. 

Tiếp là Triệu Đà nổi lên cai trị vào năm 207 trước TL, đặt tên nước là Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung. (sau phải đầu hàng khi Hán tộc tràn xuống xâm lăng).

Tổ tiên chúng ta lập quốc và giữ nền độc lập ở miền lưu vực con sông Hồng phù sa đất đỏ, con sông Đáy lạnh đôi bờ, những nhánh sông Gầm, sông Chảy…được một thời gian khá dài, thì người Trung Hoa lại bành trướng xuống phía Nam. Tàu lúc đó đã là nước lớn, người đông, nên lấy bạo lực cai trị nước ta hơn 1000 năm. Đó chính thức là thời gian Bắc Thuộc, từ 111 trước Tây lịch đến năm 936 sau Tây lịch. 

Suốt thời gian dài thăm thẳm đó, dân Việt đã liên tiếp nổi dậy chống Bắc thuộc. Các cuộc nổi dậy lừng danh lịch sử của Hai Bà Trưng, bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng v.v… tuy yếu thế, nhưng đã giữ được ngọn lửa Việt bất khuất không hề tàn lụi, và dân Việt không hề bị đồng hóa. Ngôn ngữ Việt Nam tuyệt vời vẫn còn được lưu truyền từng thế hệ và từng thế hệ. Những ông cha của chúng ta cần cù, gàn bướng đã âm thầm chống lại công cuộc đồng hóa của người Tàu, năm này qua tháng khác, gậm nhấm hàng trăm thế hệ cha truyền con nối, để cho ta vẫn là ta hôm nay. 

Đến năm 939 sau Tây lịch, có một người Việt anh hùng tên là Ngô Quyền đã thành công trong việc chống Bắc phương, dựng nên một thời đại tự chủ từ cho đến năm 1855 bị Pháp chiếm. Suốt 916 năm của thời đại tự chủ này, ông cha chúng ta liên tiếp ‘đưa lưng ra biển’ mà chống ngăn giặc Bắc phương, qua các triều đại kế tiếp, lần lượt từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, nhà Nguyễn Tây Sơn, tới Nguyễn Gia Long. 

Nối tiếp chuyện giữ nước kiên cường


Chúng ta cùng nhắc lại một lần tên những anh hùng tiền bối :Họ Đinh bắt đầu với Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, dẹp loạn sứ quân và thống nhất sơn hà. Lê là họ của Lê Đại Hành, nhà Tiền Lê, ngưòi anh hùng phá Tống, bình Chiêm. Lý là thời đại của Lý Công Uẩn. Họ Trần anh hùng là thời của đức Trần Hưng Đạo, vị danh tướng mấy lần đánh tan quân Mông Cổ. Hồ là họ của nhà cách mạng dân sinh Hồ Quý Ly. Hậu Lê là thời đại Lê Lợi mười năm kháng chiến, lấy áo vải dựng ngọn cờ đào. Nguyễn ‘trước’ là họ của Nguyễn Huệ, Quang Trung, vị anh hùng dân tộc lừng danh lịch sử. Nguyễn ‘sau’ là họ Nguyễn Ánh (Gia Long), người đầu tiên thống nhất Nam Bắc kể từ khi Trịnh Nguyễn phân tranh.

Xin nhắc thêm : sau khi giữ vững giang sơn hết bị phương Bắc xâm lăng, cha ông chúng ta đã lợi dụng hoàn cảnh thuận tiện, qua các cuộc chinh chiến với dân Chiêm Thành và công cuộc ngoại giao với người Chân Lạp, trong gần 7 thế kỷ liên tục, đã khởi sự cuộc ‘Nam Tiến’ hào hùng, và đã tô đậm trang sử mới cho đất nước Việt : Tổ tiên chúng ta đã đi thêm chặng đường dài hướng về miền Nam, và hình thành giải giang sơn chữ S ngày nay. 






Vị vua cuối cùng nhà Nguyễn còn độc lập là Tự Đức đã chịu để thực dân Pháp đến đô hộ vào năm 1855. Các sử gia nhận định rằng sau 18 năm cai trị của vua Gia Long, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã nghe lời các quan quá thủ cựu, ra lệnh bế quan tỏa cảng, không chịu tìm hiểu nền văn minh tân tiến của các nước Tây phương (nhất là phong trào tìm thuộc địa đang lên cao thời đó), nhất là lại thiển cận ra chỉ thị bách hại đạo Thiên Chúa, thành ra đưa đến hệ lụy tai hại khôn lường cho đất nước mình.


Sau thế chiến 2, nhiều đảng phái Việt Nam nổi dậy chống Pháp, nhưng cuối cùng đảng Cộng Sản đã cướp chính quyền, rồi rút vào bưng khi Pháp trở lại, và cũng từ đó hoàn cảnh xô đẩy tiến đến thời kỳ phân chia Nam Bắc 1954, rồi cuộc chiến đau thương cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì miền Bắc chiếm miền Nam. Thế là hàng triệu người đã tìm mọi cách bỏ nước ra đi.






Liên tục thay đổi quốc hiệu

Bắt đầu chúng ta có nước tên là XÍCH QUỶ (Kinh dương Vương)
Kế đến là nước VĂN LANG (Hùng Vương I)
Rồi tới quốc hiệu là ÂU LẠC (Thục Phán)
Tiến tới nước mang tên NAM VIỆT (Triệu Đà)
Rồi có tên nước là VẠN XUÂN (Lý nam Đế)
Kế là tên nước ĐẠI CỒ VIỆT (Đinh tiên Hoàng)
Lại có tên mới là ĐẠI VIỆT (Lý thánh Tông)
Sau lại có tên là nước ĐẠI NGU (nước an bình) (Hồ quý Ly)
(Gốc Hán tự : Ngu như Nghiêu =vua Nghiêu Thuấn xưa)
Sau 7 năm, lấy lại tên ĐẠI VIỆT (Lê Lợi)
Sau cuối là tên nước VIỆT NAM (Gia Long
)
***Một góp ý nho nhỏ : Trong tương lai gần, khi nhà nước ‘Xã hội chủ nghĩa’ tan rã, xin đề nghị các vị lãnh đạo nước ta sẽ đổi tên nước là VIỆT QUỐC : nước của dân Việt. Mà nếu cần dịch ra tiếng Anh, sẽ gọi là VIETLAND, như Thailand, Finland, Switzerland…

Chữ NAM hiện nay là do vua nhà Thanh bên Tầu đã đòi vua Gia Long dùng đi kèm sau chữ VIỆT, với dụng ý bảo đất nước chúng ta chỉ là ‘phần phương Nam’ của Tầu, đang được nhóm dân Việt sinh sống (thời đó nước ta vẫn phải phục lệnh và triều cống vua Tầu hàng năm, nên dù vua đã xin đặt tên nước là Nam Việt cũng không được). Nên nhớ rằng Hán ngữ đặt chữ quan trọng phía SAU, chữ trước chỉ có giá trị như một tĩnh từ, bổ xung nghĩa cho chữ sau (giống như chữ Sơn Cước : Chân của Núi).


***Vào dịp khác chúng ta bàn về công cuộc nam tiến của dân Việt, một kế hoạch khôn ngoan và chính danh của cha ông chúng ta. Lịch sử luôn biến thay với thời gian. Định mệnh như luôn được dành để cho từng cá nhân, cộng đoàn và quốc gia trên thế giới.

Lời kết

Đây đó còn nghe vang vang lời hùng ca “Việt Nam đây miền xinh tươi…Lửa thiêng soi toàn thế giới…Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời…” 

Bây giờ, giữa lòng đất tha hương, người viết bỗng chạnh lòng hướng về quê nhà thân yêu, Nhớ quá đi thôi biết bao kỷ niệm tuổi ấu thơ. Thương quá đi mất những buồn vui của thời thanh bình, cũng như tháng ngày binh lửa trên dất Mẹ. 

Cùng nhau thề hứa với Mẹ Việt Nam dấu yêu : Chúng con vẫn là đoàn con yêu của Mẹ, và ước mong sẽ trở về để ‘giữ thơm’ cho quê Mẹ lâu bền, thay vì chỉ biết rong chơi nơi ‘cuối trời quên lãng’ tại chốn tha hương này. Sẽ sung sướng lặng nghe ‘rừng thiêng gọi lá’. Sẽ năm tay nhau phát triển giang sơn. Sẽ soi gương anh hùng của tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước vững vàng, cũng như đã nhọc công mở mang thêm bờ cõi, khiến cho cháu con Lạc Hồng được hãnh diện ngửa mặt lên cùng nhân loại hôm nay, cũng như sẽ biết làm rạng danh cho dân Việt mãi trong tương lai dài lâu. Ân đức ấy, chúng con xin đời đời ‘kết cỏ ngậm vành’ để đền báo.

LM Giuse Nguyễn Văn Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét