Chuyện đảo Guam.
Đây là biên cương xa xôi nhất của nước Mỹ nằm cô đơn trên đại dương. Guam được người Tây ban Nha tìm thấy năm 1521 rồi giao lại cho Mỹ 1898. Năm 1975 dân số hải đảo có vài chục ngàn người mà phải đón nhận trên 110 ngàn dân Việt tỵ nạn tạm trú trên đường vào Mỹ. Cũng tại đây năm 75 mở đầu câu chuyện những người tỵ nạn tìm đường trở lại trên con tàu Việt Nam Thương Tín. Tấm lòng nhân đạo của hải quân Hoa Kỳ được thể hiện tuyệt vời. Họ sửa chữa cho con tầu cũ, khuyên bảo người ra đi, trang bị cho đầy đủ tiếp liệu đề phòng khi phải quay về Hoa Kỳ. Sau cùng cả tầu chuẩn bị trở về với gia đình quê hương độc lập tự do thống nhất để cộng sản đón thẳng vào tù.
Cùng thời gian đó riêng phần chúng tôi đang tạm trú trong câu lạc bộ hải quân Barigada cùng với hầu hết các tướng lãnh di tản ngày 30 tháng tư 1975. Gần như không thiếu ai. Hai ông tư lệnh quân đoàn Ngô Quang Trưởng và Nguyễn văn Toàn. Các tướng không quân Trần Văn Minh, Phan Phụng Tiên. Phía hải quân có ông Hoàng cơ Minh cũng nhiều vị khác. Chúng tôi nằm cùng buồng với ông xếp Đồng văn Khuyên. Phần lớn anh em đã từng đi du học Hoa Kỳ thời trước, nếu đi tàu bay quân sự dừng lại đảo Wake, hoặc đi máy bay dân sự thì ghé Hawaii. Nhưng lần này trên đường đi Mỹ chúng tôi dừng chân ở Guam. Phải chăng đây là lần đầu và lần cuối ghé đến hải đảo này. Những người Việt chọn lựa ở lại và lập nghiệp tại Guam không tới 200 người. Hiện nay, Guam có tới bảy tám tiệm ăn do người Việt Nam làm chủ, tiệm nào cũng có món phở nhưng người địa phương thích nhất là món hủ tiếu nấu theo kiểu Việt Nam mà họ gọi là Combination Soup. Ở Guam chỉ có hai bác sĩ người Việt, còn phần đông là dân làm ăn buôn bán. Có người từ California hay từ những tiểu bang khác qua Guam mở quán Karaôkê hay hộp đêm để phục vụ du lịch. Năm nay 43 năm sau 2018, tôi ngồi nghe nói chuyện xây tượng cho US NAVY tại Guam, nhớ đến các niên trưởng và chiến hữu cùng lứa tuổi năm xưa đã cùng chia xẻ những ngày tủi nhục trên hải đảo xa lạ. Nhắc đi nhắc lại mà nhận ra sao chẳng ông nào còn sống. Muốn kể câu chuyện cũ, muốn ghi lại câu chuyện mới, cũng chẳng còn ai tâm sự. Thôi đành vắn tắt kể chuyện cho các bạn của thế hệ tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét