Không phải tình cờ TC và Mỹ đều mở hai cuộc tập trận gần như đồng thời tại hai vùng biển gần nhau ở Biển Đông.
Trong quân đội việc điều đại quân với hàng không mẫu hạm và cả mấy chục chiến hạm gọi là tập trận như thế nhứt định phải có tin tức tình báo, có quan niệm điều quân rõ rệt, tiến ra sao, lui thế nào, lực lượng bạn là ai, đặt lịnh truyền tin nội bộ, tần số không lực. Riêng TC còn có Chủ Tịch Tập cận Bình thân chinh, thị sát và chỉ đạo cuộc tập trận của TC, thì công cuộc tổ chức phải rất qui mô, an ninh chặt chẽ. Nên có nhiều lý do, nhiều phòng thủ, chiến đấu cơ trên trời, tàu lặn dưới biển để HKMH Mỹ vào Biển Đông đúng lúc TC tập trận bắn đạn thật.
Tin cho biết Hải quân TC bắt đầu tập trận trên Biển Đông từ thứ Tư 11/4/2018 đến hết thứ Sáu 13/4/2018. Cục An toàn Hàng hải tỉnh Hải Nam đã "xác định ranh giới" khu vực diễn tập trên biển và cấm toàn bộ các tàu bè dân sự, tàu cá ra vào kể từ thứ Tư đến thứ Sáu. Nhật báo Giải phóng quân TC cho hay không quân nước này cũng đã có cuộc diễn tập, tuy không nói rõ cuộc tập trận của không quân diễn ra ở đâu.
Tin tổng hợp từ hai phía TC và Mỹ cho biết trong thời gian TC điều quân với sự tham gia của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, đến vùng tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, thì một hải đội tác chiến của HKMH của Mỹ đã tiến vào bên trong đường lưỡi bò ngày 05/04/2018. Cùng lúc, hai hải đội HKMH khác của Mỹ cũng đang hoạt động trong các vùng biển gần Biển Đông. Hãng tin Mỹ UPI trích dẫn tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily) của Hồng Kông cho biết, chiếc Theodore Roosevelt cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Sampson - cả hai đều được trang bị hỏa tiễn hành trình - thuộc hải đội tác chiến HKMH số 9 đã kết thúc chuyến thăm Singapore và hướng ra Biển Đông. Bộ Ngoại Giao Mỹ từng tuyên bố vấn đề Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington.
Và chính HKMH USS Theodore Roosevelt cũng vào diễn tập ở Biển Đông. Tin Reuters cho biết, ngày 10 tháng 4, Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc diễn tập ở Biển Đông. Không lực của Mỹ trong vòng chỉ 20 phút có tới 20 máy bay chiến đấu F-18 cất cánh và hạ cánh trên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, nhằm biểu dương rõ rệt sự chính xác và hiệu quả của Hải quân Hoa Kỳ. Còn HKMH USS Theodore Roosevelt hơn HKMH Liêu Ninh của TC mua của Ukraine tân trang lại quá rõ. Trọng tải của USS Theodore Roosevelt khoảng 100,000 tấn, chạy bằng năng lượng nguyên tử, có thể chở theo 90 máy bay các loại, đang chỉ huy một hải đội thực hiện điều mà quân đội Hoa Kỳ gọi là cuộc “huấn luyện bình thường” ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Theo kế hoạch dự trù, hải đội này sau khi diễn tập sẽ ghé thăm Philippines, một đồng minh quân sự lâu năm của Hoa Kỳ. Chỉ huy hải đội, Thiếu tướng Steve Koehler nói: “Chúng tôi nhìn thấy chiến hạm Trung Quốc ở xung quanh mình.. Họ là một trong các lực lượng hải quân hoạt động ở Biển Đông, nhưng tất cả đều hoạt động rất chuyên nghiệp.”
Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có chiến hạm tuần tiễu ở hải lộ chiến lược này, chiến hạm TC, Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng hoạt động ở con đường hàng hải huyết mạch này, nơi mà Mỹ quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải theo Luật Biển, tức có quyền cho tàu Mỹ đi đến bất cứ nơi nào luật cho phép. Còn những biển đảo mà TC chiếm cứ và quân sự hoá, đơn phương tuyên bố chủ quyền, Toà Trọng Tài về Luật Biển không thừa nhận vì không căn cứ pháp lý và lịch sử.
Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở biển Đông. Mỹ cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra trên biển và trên không nhằm xác quyết quyền tự do đi lại ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn các khu vực.
TC mới đây phản đối Mỹ bán kỹ thuật đóng tàu lặn cho Đài Loan. Theo giới truyền thông Đài Loan, chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây đã thông qua việc cho phép công ty sản xuất vũ khí Hoa Kỳ được cung cấp công nghệ đóng tàu ngầm hiện đại cho vùng lãnh thổ này. TC phản đối việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và đã yêu cầu Hoa Kỳ dừng ngay mọi hình thức bán vũ khí và liên kết về quân sự với vùng lãnh thổ trên. Vào tháng 3 năm 2017, Tổng thống Trump cũng đã chấp thuận đạo luật cho phép giới chức Hoa Kỳ-Đài Loan qua lại với nhau. Điều này làm Trung Quốc vô cùng tức giận, trong khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã lên tiếng hoan nghênh đạo luật mới của Hoa Kỳ là hành động tuyệt vời.
Và khi Chủ Tịch Tập cận Bình đích thân ra thị sát cuộc tập trận của Hải quân TQ ở Biển Đông, thì theo tin của RFI Tổng thống Đài Loan, Bà Thái Anh Văn xuống chiến hạm, mặc quân phục tác chiến, đội mũ sắt như quân nhân tham gia chỉ huy cuộc tập trận thường niên nhằm chống lại các cuộc tấn công giả định từ Trung Quốc, mối đe dọa lớn nhất cho an ninh Đài Loan.
Còn đối với VNCS, thì TC áp lực tối đa sau khi Mỹ cho HKMH USS Carl Vinson vào thăm Đà nẵng và dự trù cho tàu lặn nguyên tử vào viếng VN. Bắc kinh ăn miếng trả miếng với Hà nội. TC buộc Hà Nội phải ngưng dự án “Cá Rồng Đỏ” ngoài khơi Vũng Tàu, mà VN liên doanh khai thác với công ty Tây Ban Nha sau khi bị Trung Quốc gây sức ép. Sau ‘Cá Rồng Đỏ’, Trung Quốc đang nhắm vào ‘Cá Voi Xanh’ của Việt Nam mà Việt Nam đang hợp tác với một tập đoàn Hoa Kỳ. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi là liệu Bắc Kinh có hành động tương tự với tập đoàn Exxon Mobil của Hoa Kỳ, vốn đang hợp tác khai thác mỏ khí tự nhiên với công ty dầu khí PetroVietnam. Nhưng có lẽ thấy Mỹ xông tới nên TC “hoãn xung”. Theo Reuters, hôm 01/04/2018 phát biểu trước báo giới, sau cuộc gặp bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) khẳng định «hai bên đồng ý rằng việc giải quyết các bất đồng trên biển là hết sức quan trọng cho sự phát triển lành mạnh và bền vững các quan hệ song phương». Hai bên Việt Nam và Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình tại Biển Đông.(VA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét