Người khai sáng ra đạo Cao Đài là ông Ngô Văn Chiêu ở Phú Quốc ; Ông đã phối hợp Đông Tây với Phật, Chúa và Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đạo Cao Đài được thành lập vào năm 1919. Người kế vị ông Chiêu là giáo chủ Phạm Công Tắc.
Năm 1940 trong năm có nhiều phong trào nổi lên chống Pháp, Cao Đài cũng có ý định lật đổ Pháp để giành lại độc lập cho nước nhà. Nhưng âm mưu bị bại lộ, nên thực dân Pháp bắt giáo chủ Phạm Công Tắc đày qua Comerè ( Madagascar, Phi Châu ) rồi xua quân chiếm các thánh thất Cao Đài.
Năm 1946, khi thực dân Pháp trở lại Đông Dương lần thứ hai, Pháp thả Phạm Công Tắc về nước và đồng thời võ trang, huấn luyện cho Cao Đài có một quân đội thân Pháp để chống lại Việt Minh Cộng sản. Tháng 10 năm 1953, ông Phạm Công Tắc tham gia vào hội nghị Liên Hiệp các Đảng Phái do cụ Trần Trọng Kim làm chủ tịch đòi hỏi Pháp phải trao trả lại độc lập thật sự cho Việt Nam.
Người chỉ huy Cao Đài do giáo chủ Phạm Công Tắc chỉ định. Trước năm 1954, trung tướng Nguyễn Văn Thành là Chỉ Huy Trưởng Quân Đội Cao Đài. Ông nầy tính tình rất độc ác, mỗi khi bắt được người nào mà ông ta tình nghi là Việt Minh, ông cho giam vào một cái cũi sắt vuông vức có một thước. Người bị giam không đứng được, không nằm được, chỉ có ngồi. Nếu bị xử bắn thì không nói làm gì, còn nếu thả ra thì đa số đều thành tật và không đi được . Đối với thuộc cấp như sĩ quan, binh sĩ, ông ta rất khắc khe, do vậy ai cũng ghét ông ta.Tháng 4 năm 1954, ông bị giáo chủ cách chức ; ông bèn nhập bọn với Bình Xuyên.. Nhưng sau đó không bao lâu, Bình Xuyên bị đánh tơi tả, Thành bị bắt và bị đày ra Côn Đảo.
Sau khi Nguyễn Văn Thành bị cất chức chỉ huy trưởng, thì giáo chủ Phạm Công Tắc cử cựu tướng Trần Quang Vinh lên thay. Đến tháng 7 năm 1954, đại tá Nguyễn Thành Phương cấu kết với Cao Đài Liên Minh, bắt cóc tướng Vinh đi giam ở núi Bà Đen. Sau đó, bất đắc dĩ không có người nên giáo chủ Tắc phải cử Nguyễn Thành Phương lên thay và cho lên cấp Thiếu Tướng.
Tháng 8 năm 1954, lợi dụng giáo chủ qua Pháp yết kiến Bảo Đại, Phương nhận lời hợp tác với với thủ tướng Diệm và giữ chức Quốc Vụ Khanh. Sở dĩ Phương nhận lời mau như vậy là do đã bị mua chuộc bời đại tá Lansdale.
Sự nhận lời của Phương và Trần Văn Soái chỉ là hình thức với chức Quốc Vụ Khanh. Tuy vậy là một bước đầu thắng lợi mang đến cho chính phủ của Thủ Tướng Diệm. Hợp với kế hoạch bó đủa của ông Nhu đề ra, thời gian nầy tôi phải đi về giữa Sài Gòn – Tây Ninh như đi chợ để theo dõi và phối kiểm tin tức của các đường giây: nào là Cao Đài Liên Minh, Cao Đài của Nguyễn Thành Phương và những hoạt động của giáo chủ Phạm Công Tắc . Tôi than phiền với ông Nhu là bên sở ông Tuyền thiếu gì nhân viên, lại có cả công an địa phương nữa, mình làm việc như vậy là dẫm chân lên nhau. Nhưng ông Nhu bác đi, vì theo ông càng nhiều màng lưới càng tốt. Hơn nữa chỉ tin được Tuyến thôi, còn nhân viên của “ Lui “ thì chỉ sai đi bắt người hoặc làm các việc vặt mà thôi.
Vấn đề tướng Nguyễn Thành Phương đối với tôi rất dễ dàng , vì tôi biết rõ y chỉ thích địa vị, còn sự hiểu biết thì không đi đến đâu. Không có lập trường dứt khoát, tính tình bất thường, nhỏ nhoi, thường hay để ý đến chuyện vặt vãnh. Còn về tướng Trịnh Minh Thế thì đã có người nằm trong bản danh do tôi tổ chức, do phía ông Tuyến tổ chức. Có gì xảy ra hôm trước , thì hai ba hôm sau có tin ra ngay. Chỉ còn giáo chủ Phạm Công Tắc thì hơi phiền, vì khách thập phương đến viếng Tòa Thánh rất đông.
Tướng Phương không những nhận tiền của Đại Tá Lansdale mà còn nhận tiền của ông Nhu do tôi mang đến. Đang giữ chức Quốc Vụ Khanh của chính phủ , ông ta quay sang ký tên vào “ Tối hậu thư “ buộc chính phủ phải làm những điều mà những người khác muốn. Lần khác tướng Phương lại đứng đầu Hội Đồng Cách mạng mà không được Hội Đồng nầy bầu ra. Khi thấy tướng Trịnh Minh Thế được thủ tướng Diệm gắn lon Thiếu tướng chính thức thì Phương lồng lộn lên. Sau khi tham khảo ý kiến tôi, một hôm tướng Phương đến gặp ông Nhu rồi trình bày muốn đem quân đội dưới quyền Phương về hợp tác với chính phủ . Việc nầy ngoài dự liệu , nên ông Nhu sai tôi lên Tây Ninh điều tra xem ông Phạm Công Tắc có biết gì hay không ? Tôi điều tra và phối kiểm lại thì biết ông Phạm Công Tắc không hay biết gì cả.
Thế là vài ngày sau đó, một buổi lễ diễn ra trong Dinh Độc Lập chính phủ đón nhận việc về hợp tác của quân đội Cao Đài . Nhưng cuộc lễ nầy về mặt hình thức như là một đám cưới chạy tang.
Sau khi tướng Phương đến 5,000 binh lính với đầy đủ vũ khí về hợp tác với ông Diệm thì giáo chủ Phạm Công tắc vò đầu , bứt tai than thở , Ông đành cử đại tá Lê Văn Tất lên thay tướng Phương, Quân số còn lại của Cao Đài dưới quyền tướng Tất không quá một ngàn lính kể cả những vệ sĩ ở tòa thánh. Bắt đầu từ đây, Cao Đài đi vào bước rẽ.
Đối với ông Nhu Bình Xuyên là kẻ địch không nguy hiểm bằng Cao Đài. Cao Đài có giáo chủ Phạm Công Tắc rất uy tín vì đức độ của ông ta. Hơn nữa Cao Đài có địa hình . địa vật hiểm trở để lập chiến khu, lại gần sát biên giới Miên cho nên ông Nhu hối thúc tôi phải để ý đến Cao Đài,. Theo ông Nhu thì các cố vấn của ông Tắc còn giữ vai trò quan trọng hơn cả ông Tắc.
Sau khi loại trừ được Bình Xuyên ra khỏi chiến trường, ám sát được Trịnh Minh Thế , thủ tiêu được Hồ Hán Sơn thì ông Nhu tỏ ra hớn hở hơn trước . Để triệt tiêu Phạm Công Tắc , ông Nhu thúc đẩy tướng Phương mở chiến dịch bôi lọ giáo chủ của mình. Tướng Phương nhận lời. Ông Nhu bàn với ông Trần Chánh Thành trong việc mở một chiến dịch hạ nhục giáo chủ Cao Đài bằng cách in rất nhiều truyền đơn và đưa cho tướng Phương , Phương đưa cho đàn em mình rải khắp chợ Tây Ninh, nội dung truyền đơn : “ Ông Phạm Công Tắc lấy những 3,4 nàng hầu xinh đẹp. Tiền bạc của bá tánh cúng vào ông cung cấp cho các nàng hầu và gia đình của họ…Đi đôi với những truyền đơn , đài phát thanh lên án Phạm Công Tắc là Việt gian : tay sai cho Nhật, cho Pháp và cho Bảo Đại…
Trong thời gian này, công an, mật vụ dẫy đầy trước tòa thánh Cao Đài nhằm cô lập giáo chủ Phạm Công Tắc và canh chừng giáo chủ để rồi ông Nhu dùng Văn Thành cao bắt giáo chủ để sau này khỏi mang tiếng là chính phủ của ông Diệm nhúng tay.
Với kế hoạch đã được đề ra , mầy hôm sau Văn Thành Cao được chỉ định trở thành Chỉ Huy Trưởng chiến dịch miền Đông và Bộ Chỉ Huy đóng tại Tây Ninh với mục đích dùng Văn Thành Cao bắt giáo chủ Phạm Công Tắc và thuộc hạ thân tín của ông. Để ngăn ngừa phản ứng của Cao Đài, ông Nhu ra lịnh cho Đỗ Cao Trí cho quân dù bao vây mặt ngoài để canh phòng nghiêm mật và đề phòng bất trắc.
Tôi được lịnh của ông Nhu lên Tây Ninh để quan sát vụ nầy bắt ông Phạm Công Tắc mà ông Nhu giao cho Văn Thành Cao thực hiện. Lúc tôi lên đến nơi thì thấy chung quanh tòa thánh Cao Đài nào là mật vụ của ông Tuyến, nào là công an địa phương, nào là lính Cao Đài Liên Minh của Cao đang có mặt. Đến trưa mới thấy Cao cho lính tiến vào Tòa Thánh Cao Đài và một số đông vây chung quanh,. Sau hơn một giờ lục soát, tìm không thấy giáo chủ đâu , Cao bắt những vệ sĩ canh gác đến tra vấn. Nhưng đều trả lời là họ không biết gì và không thấy giáo chủ đi ra ngoài.
Một mật báo viên già có nhiệm vụ dọn dẹp trong tòa thánh cho tôi biết giáo chủ đã đi từ hai hôm trước. Tôi tức tốc về Sài Gòn báo cho ông Nhu biết là Phạm Công Tắc đã trốn thoát. Ông nhu giận dữ và chửi đổng : “ Đồ ăn mày, chỉ toàn là lũ ăn hại “. Đi đi, lại lại một lúc ông lại nói : “ Việc nầy chỉ mấy thằng chó chết Quốc Dân Đảng nó chỉ đường cho thằng già Tắc ‘. Thấy ông quá giận tôi tự động rút lui.
Theo tôi là ông Nhu đã có chỗ sơ hở trong kế hoạch Văn Thành Cao lên vây bắt giáo chủ Phạm Công Tắc. Ông làm như vậy để tránh tiếng là chánh phủ không can dự, đây là chuyện nội bộ của Cao Đài với nhau. Nhưng nếu ông đừng mở chiến dịch bôi bẩn ông Phạm Công Tắc trước thì may ra không ai đoán được ý đồ của ông. Đằng nầy ông lại tuyên truyền rầm rộ , thì mục tiêu đã hiện ra rõ rệt nên người có trình độ hiểu biết chính trị phổ thông cũng có thể đoán biết là chuyện gì có thể xẩy ra.
Nguồn tin do tôi nhận được là một trong những cố vấn của ông Tắc đã đoán được tình hình sẽ không tốt đẹp khi biết được Văn Thành cao nhận chức chỉ huy trưởng chiến dịch miền Đông, nên đã khuyến cáo giáo chủ nên rời khỏi Việt Nam. Sau đó giáo chủ và ông Tất đã cải trang để ra khỏi khu thánh thất mà không ai hay biết.
Có nhiều tin đồn về việc Đức Hộ Pháp và ông Tất trốn thoát khỏi mẻ lưới mà ông Nhu đã dầy công chuẩn bị và bố trí . Có người nói : “ Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là người trời, cho nên Ngài đã biết tước nên đi khỏi “. Có người nói người con gái lớn của giáo chủ nằm mộng thấy tướng Trịnh Minh Thế cưởi con bạch mã chạy từ đâu lại. Khi thấy giáo chủ thì con bạch mã quỵ xuống , tướng Thế sụp xuống lạy tạ với Đức Hộ Pháp , xin tha tội rồi thưa là có ma quỷ muốn hại ngài, ngài nên đi ngay đi. Nói xong người và ngựa đều biến mất…”.
Không phải là người tin nhảm nhí, nhưng tôi nhận thấy mấy ngày trước và những ngày sau tôi đến Tây Ninh, tôi thấy trời u ám , trời không phải mùa đông, nhưng sáng sớm có chút sương mù. Tối lại mây che lấp không thấy rõ các sao trên trời. Con nít nhà nào nhà nấy đều rủ nhau ốm cả . Bến xe đò không thấy ồn ào như mọi khi. Lại có người tin dị đoan , đặt bàn thờ giữa sân vào lúc ban đêm để cúng sao giải hạn…
Vụ bắt hụt giáo chủ Phạm Công Tắc, làm ông Nhu tức giận mắng nhiếc tướng Văn Thành Cao như một ông chủ nhà trọc phú , mắng một tên đầy tớ có lỗi. Âu đó cũng là số phận của một kẻ phản phúc, sớm đầu, tối đánh, làm đầy tớ cho người. Sau đó ông Nhu bảo tôi đi điều tra xem “ Mấy thằng VNQDĐ nào đã cố vấn cho thằng già Tắc “. Tôi thừa biết ai rồi, nhưng cũng vâng dạ để đó. Độ một tuần sau, ông Nhu nói bên Tuyến điều tra được là ông Trần Văn Tuyên và ông Nguyễn Xuân Chữ đã cố vấn cho ông Tắc.
Sau khi giáo chủ Phạm Công Tắc trốn thoát lên Miên xin tỵ nạn chính trị, ông họp báo và đưa ra một “ giác thư “ tố cáo chế độ độc tài, áp bức, khủng bố và tàn sát những người quốc gia yêu nước của chế độ Ngô Đình Diệm. Đi xa hơn nữa, ông hiệu triệu kêu gọi hòa bình ở Việt nam và tiến hành tổng tuyển cử Nam Bắc thống nhất và ông là người đứng ra làm trung gian để hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Về phần chính phủ Ngô Đình Diệm thì lại chủ trương không nói chuyện với miền Bắc, không có chuyện thống nhất đất nước. Ông Nhu sợ ông Tắc dùng đất Miên làm bàn đạp khuấy phá chế độ, nên chủ trương phải trừ khử ông Tắc.
Đối với người Việt Nam mùa thu có rất nhiều ý nghĩa.
Mùa thu có thời tiết mát dịu, có phong cảnh hữu tình, mùa thu là bức tranh đẹp với họa sĩ, một bài thơ tuyệt vời với thi sĩ, một bản nhạc hay với nhạc sĩ. Mùa thu còn có nhiều kỷ niệm trong lòng người, lòng dân tộc, thu năm nay là một nỗi chua xót , u hoài.
Vào thượng tuần tháng 8 năm 1956, tôi được ông Nhu giao cho công tác Comerès ( 1 ) là công tác chính . Ngoài công tác Comerès, ông Nhu còn giao cho tôi các nhiệm vụ:
1.- Móc nối và thuyết phục Đáp –Chuôi ( 2 ) về với mình.
2.- Tổ chức một đường giây đặc biệt chuyên về điều tra cơ sở Việt Cộng ở Miên.
3.-Điều tra các hoạt động của Nhị Lang từ khi hắn lên Miên.
Nghe ông Nhu giao cho tôi 4 công tác đặc biệt trên, lỗ tai tôi lùng bùng, nhưng tôi cố trấn tỉnh để nghe ông Nhu nói tiếp. Ông hỏi tôi có thắc mắc điều gì liên quan đến các phần việc vừa được giao thì cứ hỏi.
Tôi hỏi: “ Vậy ông Cố Vấn muốn dùng cách đối xử nào đối với ông Tắc ? “, ông Nhu nói: “ Moi giao cho toi hoàn toàn định đoạt. Miễn là cho hắn tịch khỏi thế gian nầy “ !!!
( Trích y nguyên văn của Cửu Long Lê Trọng Văn,người hằng ngày bên cạnh NGô Đình Nhu và Tổng thống Ngô Đình Diệm, là bà con bên ngoại của hai Ông Nhu + Diêm, để làm Mật Vụ theo dõi Mật Vụ ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét