Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Hoài niệm 30 – 4… “TÌM MÃI YÊU THƯƠNG” NGUYỄN THƯỢNG LONG.

PARIS, ngày 22.4.2011 (QUÊ MẸ) – Cơ sở Quê Mẹ vừa nhận được bài viết của Nhà báo Nguyễn Thượng Long gửi từ Hà Đông nói lên tâm trạng của cả một thế hệ ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa khi nghe tin “Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975”. Rồi từ đó, “Chiến thắng” ấy đưa dân tộc đi về đâu ? Đưa nhân dân vào chốn “thiên đàng” nào ? Tác giả chỉ thấy một Pháp Trường Trắng dựng lên trên đất nước và trong lòng người. Pháp Trường Trắng, nói theo sự ví von của Nhà văn Nguyễn Tuân, là “Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết”.Lâu nay, đa số người hải ngoại thường nghe nỗi lòng người miền Nam trước mối tang thương trầm thống của Tháng Tư Đen. Nhưng ít khi dược nghe nỗi lòng người miền Bắc về bi kịch lớn của dân tộc, thì đây là một trong những tiếng nói ấy của nhà báo Nguyễn Thượng Long.
Xin giới thiệu bạn đọc toàn văn bài viết ấy sau đây :” 
***
Hoài niệm Ngày 30 tháng Tư:
TÌM  MÃI  YÊU  THƯƠNG”
Khi những cánh cổng sắt nặng nề của dinh Độc Lập bị các chiến xa và xe tăng Quân Giải Phóng húc đổ vào trưa 30 – 4 – 1975, thì trong một căn phòng nhỏ ở đường Yết Kiêu Hà Nội, có một người đàn ông gương mặt u uẩn, tóc trắng xoá xoã vai đang trầm ngâm bên chén rượu và cây đàn piano, ngay lúc đó, trong tay ông cây đàn đã rung lên những hợp âm làm xao xuyến lòng người :
Từ nay người biết yêu người
Từ nay người biết thương người ”.
Người đàn ông đó là nghệ sĩ đa tài Văn Cao và những ca từ, hợp âm trên cũng là tiết tấu chính, cảm hứng chủ đạo cho ca khúc tràn đầy tính nhân bản “Mùa Xuân Đầu Tiên”, cũng là ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác văn – thơ – nhạc – hoạ đầy vinh quang và cũng cay đắng của ông.
Tôi nghĩ rằng đã là người Việt Nam, dù ở đâu trên mặt đất này thì ai ai vào ngày tháng đó cũng thở phào lấp ló là những hy vọng và dự định cho ngày mai. Nhưng những gì đã diễn ra sau mốc lịch sử đó lại không hoàn toàn như vậy, đến nỗi hơn mười năm sau (1987), ngày ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, nhà văn NHT một lần phải thốt lên : “Vinh quang nào mà chẳng xây trên những nỗi điếm nhục !”. Tôi không biết tâm trạng của anh NHT lúc đó như thế nào mà lại phải thốt lên những lời dữ dội như vậy. Thế hệ tôi và anh NHT sinh ra và lớn lên gắn liền với sự ra đời của nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Độc lập Tự do Hạnh phúc”. Tuổi ấu thơ chúng tôi trôi đi cùng với những cuồng nộ của một thế thái nhân tình rất xa lạ với những phẩm chất truyền thống của một dân tộc bản chất là hiền hoà. Kí ức đầu đời của thế hệ chúng tôi chưa thể nhạt nhoà về những gì đã đến sau những phát triển quái gở của những tín điều xa lạ và hoàn toàn ngoại lai. Vẫn còn nguyên đó những câu hỏi đầy ám ảnh :
  • Tại sao ngay từ ngày đảng vừa ra đời đã đưa ra khẩu hiệu ghê rợn “Đào tận gốc, trốc tận rễ” đám Trí – Phú – Địa – Hào… rồi bây giờ lại gọi đó mới chính là nguyên khí của đất nước !
  • Tại sao thảm kịch CCRĐ với số nạn nhân lên tới 172008 người mà oan sai tới 123266 người mà chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nói: “Một Đảng biết nhận ra khuyết điểm của mình, Đảng đó còn có thể tiến bộ” rồi ông rút khăn tay lau nước mắt là xong. Hóa ra là ông chỉ lo lắng cho đức hạnh và sự sống còn của đảng, chứ đâu có xót xa cho những vong hồn oan khuất. Chao ôi sao máu người Việt Nam mình lại bị rẻ rúng đến thế ?
  • Tại sao lại phải cải tạo thực ra là đánh sập công thương nghiệp tư bản tư doanh tới 2 lần (Miền Bắc sau năm 1954 – Miền Nam sau 30 – 4 – 1975). Sau 1986 đến nay lại phải làm lại gần như từ đầu.
  • Tại sao lại phải mở ra các “Pháp trường trắng” trong vụ đàn áp nhân văn giai phẩm và xét lại chống Đảng. “Pháp trường trắng” là : “Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết” - (Nguyễn Tuân).
Hăm hở theo đảng đi tìm cái thứ “Thiên Đường XHCN vô vọng” ngay từ những ngày chưa cướp được chính quyền… nhưng phải đến sau 5 đợt CCRĐ (1953/1956) thì lần đầu tiên người dân miền Bắc và miền Trung mới biết thế nào là “Người Cộng Sản” và đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc di cư, thực ra là tháo chậy kinh hoàng vào miền Nam của hàng triệu giáo dân miền Bắc sau 1954. Ngay sau đó là sự kiện các trí thức, văn nghệ sĩ trong nhóm “Nhân văn giai phẩm” bị đàn áp khốc liệt, một lần nữa làm cả nước bàng hoàng khi biết thế nào là “Trí – Phú – Địa – Hào đào tận gốc trốc tận rễ”, thế nào là “Bạo lực cách mạng”, thế nào là “Đấu tranh giai cấp”, thế nào là “Chuyên chính vô sản”.
Sau những đợt tẩy não cải tạo tư tưởng ở Ấp Thái Hà – Hà Nội 1955 – 1958, đảng đã thắng lợi lớn, khi phần đông văn nghệ sĩ đã sám hối, hạ mình chấp nhận thân phận của những kẻ tôi tớ cầm bút để suốt đời tô vẽ, minh họa cho các đường lối chính sách của đảng.
Những văn sĩ trí thức có tiết tháo phải trả giá rất đắt cho thái độ bất phục tùng đảng của mình. Người thì bị quản thúc suốt đời như các Giáo Sư đại học Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường. Người thì vào tù với những mức án nặng nề như Nguyễn Hữu Đang, Nữ Sĩ Thụy An, chủ nhà in Minh Đức – Trần Thiếu Bảo, Phạm Tại, Lê Nguyên Chí, nhẹ nhất cũng là lên Điện Biên Tây Bắc để lao động cải tạo như các ông Nguyễn Huy Tưởng, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý. Học giả nổi tiếng Phan Khôi, một trong những người thành lập tờ Nhân Văn bị lăng nhục và qua đời ngay giữa năm1959 tại Hà Nội. Nhà thơ Lê Đạt với tuyên ngôn: “Mang bục công an đặt giữa trái tim người / Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước”, cùng Trần Dần, Tử Phác bị khai trừ khỏi đảng và phải đi chăn bò 10 năm liền ở Chí Linh. Quá cùng quẫn nhà văn Trần Dần tác giả của “Người người lớp lớp” và tuyên ngôn: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ” (Nhất Định Thắng) đã cắt cổ tự tử không thành. Nhà văn, nhà thơ Phùng Quán, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Vượt Côn Đảo” và tuyên ngôn “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét” (Lời mẹ dặn)…,dù ông gọi Tố Hữu là cậu ruột cũng vẫn bị đuổi khỏi quân đội, khai trừ khỏi hội nhà văn phải sống vật vờ ở ven Hồ Tây với nghề câu cá trộm, uống rượu chịu, viết văn chui. Nhà thơ Hoàng Cầm tác giả của “Em ơi! Buồn làm chi / Anh đưa em về bên kia Sông Đuống” vì quá hoảng sợ mà nhiều năm rơi vào trạng thái trầm cảm, loạn thần, phải sống dựa vào ma túy. Nhiều văn sĩ, thi sĩ khác chọn cách bẻ bút, bỏ chậy để không phải làm kẻ bưng bô cho chế độ như nhà thơ Hữu Loan tác giả bài thơ nổi tiếng “Mầu tím hoa sim” bỏ Hà Nội về Thanh Hóa làm nghề thồ đá thuê để mưu sinh. Nhà văn Nguyên Hồng tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Bỉ Vỏ” cùng đàn con nhỏ, bỏ lại hết tem phiếu, sổ gạo, sổ hộ khẩu Hà Nội nhếch nhải dắt nhau về Yên Thế – Bắc Giang để vừa cuốc đất nhặt cỏ vừa viết “Sóng Gầm”. Nguyễn Tuân, một nhà văn nổi tiếng là cương trực, có người gọi ông là “NGÔNG SĨ”,tác giả “Vang bóng một thời” sau 30 – 4 – 1975 vào Sài Gòn, ông phải cay đắng thốt lên với các đồng nghiệp ở đó: “Moa còn sống được cho đến hôm nay là nhờ Moa biết sợ…”.
Thử hỏi, những trí thức văn nghệ sĩ ưu tú nhất đã từng hồn nhiên đi với cách mạng từ những ngày đầu mà còn bị đối xử như thế, phải sống trong sợ hãi như thế thì người dân đen hôm nay, đại đa số trí thức hôm nay, để yên phận làm sao mả họ chẳng chọn cách sống ơ hờ trong nỗi sợ hãi, rụt rè, vô cảm, nhắm mắt trước bất công, cam chịu trước cường quyền và có lẽ đây cũng là một chọn lựa sai lầm khủng khiếp dẫn tới lối sống trung thực không còn đất để tồn tại. Lối sống thực dụng, giả dối, đầu hàng đã chiến thắng và lên ngôi. Cũng có thể nói, từ thời điểm này truyền thống bất khuất trước cái ác, cái phi nhân của dân tộc Việt Nam không còn nữa. Chúng ta đã trở thành một đàn Cừu ngoan ngoãn, một cộng đồng robot vô hồn để ĐCS dắt đi qua một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài và vô nghĩa. Cuộc tương tàn bi thảm đó chỉ tạm chấm dứt vào trưa ngày 30 – 4 – 1975.
Thời gian và năm tháng đã trôi qua đã đủ để minh oan cho những nạn nhân của “PHÁP TRƯỜNG TRẮNG” ngót 60 năm trước. Những con người tài hoa, dũng cảm và trung thực…đến nay đã có vài người trong họ được âm thầm vinh danh trở lại, số đông còn lại thì hỡi ôi… người còn, người mất, người đang sống nhưng phải sống đời sống thực vật, cỏ cây, người tha hương biệt xứ mãi mãi ôm theo những kí ức đầy ám ảnh nặng nề. Tại sao lại phải làm như thế ? Câu hỏi này còn ám ảnh dân tộc Việt Nam không biết đến bao giờ.
Hôm nay, lại một ngày kỷ niệm 30/4 nữa đến với đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta. Cái ngày lịch sử mà cựu Thủ tướng, cựu Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt đã từng ngậm ngùi mà nói : “Có triệu người vui ! Cũng có triệu người buồn !”. Vì sao mà cùng là một ngày mà người vui thì gọi ngày 30 – 4 là ngày “Quốc Khánh”, còn người buồn thì gọi đó là ngày “Quốc Hận !”. Xin hỏi :
  • Tại sao sau ngày 30 – 4 – 1975 ngày con Lạc ở miền Bắc chiến thắng cháu Hồng ở miền Nam, người chiến thắng không thực lòng hoà hợp, hoà giải mà lại đóng lên trán cái thể chế có số quốc gia công nhận họ còn nhiều hơn cái nhà nước đã đánh thắng họ dòng chữ ô nhục “NGỤY QUYỀN”! Ai đã tạo ra những thương tổn không đáng có trong lòng những người cùng chung huyết thống bị bại trận? Những ngày tháng tù đầy, cải tạo và phân biệt đối xử với quân nhân, viên chức chính quyền cũ và vợ con gia đình họ đến nay vẫn là những kí ức đầy hãi hùng.
Vì những hãi hùng này mà ngày đó hàng triệu người con đất Việt phải liều thân bỏ xứ ra đi, mong kiếm tìm một vận hội mới. Người chiến thắng không chỉ làm ngơ mà còn không hiếm những kẻ trục lợi dựa trên cuộc tháo chạy kinh hoàng diễn ra trong nhiều năm đã làm biết bao gia đình tan nát, bao nhiêu người phải chết trong tuyệt vọng, phải khuynh gia bại sản, phải nhơ nhuốc vì hải tặc, phải hoài thân trong bụng cá, phải bỏ xác trên đảo hoang. Người sống sót đến được nơi cần đến không mấy ai tránh khỏi những sang chấn tinh thần không dễ bình phục.
Sau nhiều năm tha hương biệt xứ, cộng đồng “Thuyền Nhân” nay người thành công nhiều, người thành công ít, nhưng mỗi khi nhớ về quê hương, xứ xở bên cạnh những bồi hồi là chung một nỗi ngậm ngùi : “Tổ Quốc ! Một quá vãng cần phải quên đi”. Đến nay đã có nhiều nhân vật nổi tiếng của chế độ VNCH… quyết định tìm về cố quốc với nhiều lý do đã phải nhắm mắt bịt tai trước những la ó, của nhiều tha nhân cùng cảnh ngộ. Đặc biệt trong đoàn người ra đi năm đó, đến nay vẫn có quá nhiều người dường như vẫn chưa ra khỏi những ám ảnh của quá khứ, vẫn thề không đội trời chung, không đứng cùng đất với cộng sản. Đó chính là nguyên nhân làm nổ ra những cuộc biểu tình rợp trời là cờ vàng phản đối các vị nguyên thủ của Việt Nam cộng sản khi họ xuất ngoại công cán qua những nơi có đông người đồng bào của mình ở & cũng chẳng có gì là vui vẻ dành cho các nhân vật nổi tiếng của VNCH khi họ trở về Việt Nam. Sự dè bỉu đến với họ không chỉ đến từ những người Quốc Gia đang ở hải ngoại, mà còn đến cả từ những người trong nước. Đâu có phải người trong nước nào cũng hoan hỉ với họ. Hãy nghe mấy ông Nhạc Sĩ Nhân Dân, đỏ ngực là huân chương, huy chương là giải thưởng nhà nước, giải thưởng HCM vì đã viết những sáng tác ca ngợi Mác – Lê – Mao, ca ngợi Đảng – Bác…lườm nguýt, chê bai, dè bỉu, những gì về ông Phạm Duy ngay trên những trang báo lề phải. Theo họ, chỉ có họ mới là người yêu nước còn ông Phạm Duy chỉ là kẻ Dinh Tê, trở cờ với ĐCS mà thôi.
Tại sao đảng và nhà nước đã gọi những người bỏ nước ra đi sau 30 – 4 – 1975 là “Khúc ruột ngàn dặm” mà cứ vào dịp cuối tháng 3 hàng năm trở đi, hệ thống truyền thông báo chí chính thống đồ xộ lại một lần lên đồng và tự sướng về chiến công “Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho ngụy nhào”. Hành động xát muối vào những vết thương đau đớn trong lòng những người đồng bào của mình như thế, đâu có phải là hành vi ứng xử của những người có trí tuệ và lương thiện. Như vậy ngày có tiếng nói chung giữa “Bên Thắng Cuộc”  “Bên Thua Cuộc”… vẫn còn xa vời lắm. Vậy thì những gì mà nhạc sĩ tài hoa Văn Cao viết trong ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” sau ngày 30 – 4 – 1975:
Từ nay người biết yêu người
Từ nay người biết thương người”
hóa ra vẫn chỉ là một ngộ nhận của một DÂN OAN nổi tiếng của chế độ mà thôi. (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét