Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Quân Dân Đại Việt Đã Từng Dạy Bọn Tàu Xâm Lược Nhiều “Bài Học”

Quân Dân Đại Việt Đã Từng Dạy Bọn Tàu Xâm Lược  Nhiều “Bài Học”
Trích từ nhũng bài nói chuyện hay trả lời phỏng vấn của Trần Đại Sỹ

Trong thời gian từ 1010 đến 1225, dưới triều Lý, bên Trung-quốc là triều Tống. Đại-Việt là nước nhỏ, hằng năm phải tiến cống Trung-quốc một số sản vật tượng trưng: Voi, ngà voi, hương liệu, đôi khi một vài vật dụng bằng vàng, bạc.

Trong thời gian trên, trước sau có 18 lần đụng độ, tranh chấp biên giới. Trong 18 lần đó, có sáu lần quân Việt vượt biên đánh sang Trung-quốc. Quan trọng nhất là cuộc tiến quân năm 1075-1076, quân Việt tiến tới vùng thuộc Quảng-Đông, Quảng-Tây, Quý-châu, Hồ-Nam hiện thời.

Sau đó Trung-quốc mang 40 vạn quân và 50 vạn dân phu sang trả thù. Quân Trung-quốc đã tiến chiếm lãnh thổ Đại-Việt tới cách thủ đô Thăng-long (Hà-nội) có 25 cây số, rồi bị đánh bật về biên giới.

Về việc đánh Tống sáu lần, thì trong đó có năm lần đánh sang lãnh thổ Trung-quốc và một lần kháng chiến chống quân Tống xâm-lăng.

1.1, Lần thứ nhất,
Năm 1022, do vua Lý Thái-tổ ban chỉ, Khai-Thiên vương tổng chỉ huy, đánh sang trại Như-hồng của Tống đốt kho đụn rồi rút về. Cuộc xuất chinh để trừng phạt quân Tống tại đây thường vượt biên sang trấn Triều-dương của Đại-Việt cướp bóc. Trấn Triều-dương nay thuộc tỉnh Hạ-long. Trại Như-hồng thuộc Quảng-Tây Nam-lộ. Đại-Việt toàn thắng. Cuộc chiến tranh có tính cách trừng phạt một khê-động. Tống triều im lặng.

1.2, Lần thứ nhì,
Năm 1028, tướng Tống là Lý Tự đem quân vượt biên, cướp phá trên lãnh thổ Việt. Việt ra quân đánh tràn sang châu Thất-nguyên của Tống. Cuộc ra quân do Khai-Quốc vương lãnh đạo, tổng chỉ huy là công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa và phò-mã Thân Thừa-Quý. Mục đích chiếm lại mấy châu động đã mất về Tống, do các biên thần Tống chủ trương. Giết chết Lý Tự. Toàn thắng. Cuộc chiến có tính cách tự vệ, dằn mặt các biên thần Quảng-Tây. Tống triều không chủ trương.

1.3, Lần thứ ba,
Dưới thời vua Thái-tông, do Khai-Quốc vương lãnh đạo (1053), mục đích chiếm lại lãnh thổ thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, bị người Hán chiếm mất (Nay thuộc Quảng-Đông, Quảng-Tây, Vân-Nam, Quý-châu, Hồ-Nam), rồi đẩy dân Việt về sống ở vùng Bắc-cương thành 207 trang-động. Cuộc khởi binh thành công, đưa Nùng Trí-Cao lên làm vua, lấy lãnh thổ vùng Quảng-Đông, Quảng-Tây, Quý-châu lập thành nước Đại-Nam. Cuộc ra quân này, đã tôi đã thuật chi tiết trong bộ Anh-linh thần võ tộc Việt. Nhưng khi Nùng Trí-Cao thành công, y lại trở mặt với Đại-Việt. Nên khi quân Tống đánh Cao, Đại-Việt không tiếp cứu, Cao bị bại. Cuộc chiến tranh có tính cách toàn diện. Đại-Việt không ra mặt khai chiến với Tống. Tống biết, nhưng không dám trả thù.

1.4, Lần thứ tư,
Cũng do Khai-Quốc vương lãnh đạo, diễn ra dưới thời vua Thánh-tông. Vùng tấn công là Khâm-châu. Người tổng chỉ huy là công-chúa Bình-Dương với phò mã Thân Thiệu-Thái (1059-1060).
Mục đích cuộc Bắc phạt này là chiếm lại một số trang động do các bộ tộc thiểu số tự trị; bị Tống lấn chiếm, hoặc chiêu dụ các động chủ phản Việt, đem cả đất lẫn dân theo Tống. Sau khi chiếm lại các trang đã mất, trả đất cho các tộc bị mất, quân Việt tiến sâu vào vùng Tả-giang, Hữu-giang, chiếm hơn mười ải, giết nhiều tướng Tống.
Tống cực kỳ phẫn uất, nhiều đại thần khuyên vua Tống Nhân-tông đem quân sang đánh Đại-Việt để trừng phạt; nhân đó chiếm nước đặt làm quận huyện. Ngặt vì bấy giờ phía Tây, Tống đang mắc họa với Hạ, phía Bắc thì Liêu chiếm đất, đòi cống vàng lụa; vả vua Tống cũng sợ binh hùng tướng mạnh của Đại-Việt, nên bàn hòa.
Công-chúa Bình-Dương đòi nhiều điều kiện khắt khe mới chịu rút quân. Tống cũng phải nhượng. Thắng toàn diện. Chiến công oanh liệt trên thuật trong bộ Nam-quốc sơn-hà. Đến đây chiến cuộc leo thang. Đại-Việt ra mặt khai chiến với Tống, nhưng để cho công chúa Bình-Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái làm.

1.5, Lần thứ năm,
Diễn ra dưới thời vua Nhân-tông vào năm 1075, bấy giờ vua mới chín tuổi, Linh-Nhân hoàng thái hậu phụ chính. Vua còn thơ, chư sự lớn nhỏ đều do Linh-Nhân hoàng thái hậu quyết định (Thái Hậu Ỷ Lan)
Nguyên do: Vua Tống Thần-tông dùng những cải cách về kinh-tế, nông-nghiệp, binh-bị, tài-chánh của Vương An-Thạch từ năm 1066, đã được chín năm, khiến binh lực trở thành hùng hậu, quốc-sản sung túc. Nhà vua muốn nhân đó tiến quân lên Bắc đánh Liêu, chiếm lại đất cũ, để rửa nhục. Nhưng Vương An-Thạch lại khuyên nên đánh Đại-Việt trước. Sau khi bại Đại-Việt, thì Chiêm-thành, Chân-lạp, Ai-lao, Xiêm-la, Đại-lý phải quy hàng. Bấy giờ dùng nhân lực, tài lực sáu nước, đem lên Bắc, thì thắng Liêu dễ dàng.
Vua nghe theo, bí mật cho các châu Nam biên luyện binh, tích trữ lương thảo. Cuộc chuẩn bị được ba năm, thì bị Đại-Việt biết được. Linh-Nhân hoàng thái hậu quyết định: Ngồi yên đợi giặc, sao bằng mình ra tay trước. Mục đích cuộc hành quân là phá hết các kho lương thảo, vũ khí, thành trì, cầu cống, diệt các đạo quân mới huấn luyện của Nam thùy Tống. Thế là cuộc Bắc phạt nổ ra vào cuối năm 1075. Quân Việt tiến đánh 18 ải dọc biên thùy Tống, rồi công phá các  châu Khâm, Liêm, Ung, Dung, Nghi, Bạch, cùng diệt viện quân ở núi Đại-giáp (Nay thuộc lãnh thổ Quảng-Đông, Quảng-Tây, Quý-châu, Hồ-Nam).
Nhiệm vụ chu toàn rồi, quân Việt rút về. Thắng toàn diện. Đến đây Đại-Việt ra mặt khai chiến với Tống. Cả hai bên cùng đem toàn lực ra đối phó với nhau.
Cuộc ra quân của Việt lần này quá lớn lao, phá nát kế hoạch cải cách của Tống ở Giang-Nam. Quá uất hận, Tống chịu nhục; nhường Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho Liêu ở phương Bắc... để cho rảnh tay, rồi họ mang quân nghiêng nước sang định chiếm Đại-Việt đặt làm quận huyện (1076-1077).
Nhưng Tống lại bị thất bại phải rút quân về, và chịu hòa. Người có hùng tâm, tráng-chí, lãnh đạo là một thiếu phụ ở tuổi ba mươi, đó là Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan). Còn người Tổng chỉ huy cuộc vượt biên Bắc phạt là Lý Thường-Kiệt, Tôn Đản, Lý Hoằng-Chân, Lý Chiêu-Văn, Lý Kế-Nguyên. Tôi đã thuật trong bộ Nam-quốc sơn hà.

1.6, Lần thứ sáu,
Sau cuộc Bắc phạt, và giữa lúc cuộc kháng Tống của Đại-Việt, chiến cuộc đang diễn ra cực kỳ khốc liệt (1076), Vương An-Thạch bị cách chức Tể-tướng, giáng xuống tri Giang-ninh phủ, lĩnh Trấn-Nam quân tiết độ sứ, Đồng-bình chương-sự. Lúc Vương độ giang, bị một nhân sĩ bắt con sâu bỏ lên xe rồi làm bài thơ mỉa mai như sau:
Thanh-miêu, trợ-dịch lưỡng phương nông,
Thiên hạ ngao ngao oán tướng công.
Ðộc hữu hoàng trùng thiên cảm đức,
Hữu tùy xa giá, quá Giang-Ðông.
Dịch :
Thanh-miêu trợ dịch hại canh nông,
Thiên hạ nhao nhao oán tướng công.
Chỉ có sâu vàng theo tiễn biệt,
Cùng trên xa giá, quá Giang-Ðông.
Có người ví cái thất bại của Vương An-Thạch cũng đau đớn như cái thất bại của Hạng Võ xưa, khuyên Thạch nên tự tử: Khi Hạng-Vương mưu đuổi hươu ở Trung-nguyên, bị thất bại, lui về Nam; lúc qua sông này tự cảm thấy xấu hổ, đã tự tử, mà hậu thế kính phục. Tôi khuyên ông cũng nên tự tử để lưu danh muôn thủa.
Nhưng Thạch không đủ can đảm.
Tiếc thay, một cuộc cải cách về kinh-tế, binh-bị, tài-chánh, xã-hội, nông nghiệp như vậy, đang trên đường thành công rực rỡ; bị tan vỡ, bị hủy bỏ chỉ vì tham vọng đánh Đại-Việt của Vương An-Thạch.
Mà đau đớn biết bao, khi người phá vỡ chỉ là một thiếu phụ Việt ở tuổi ba mươi. Giá như Thạch không chủ trương Nam xâm, chỉ cần mười năm nữa, toàn bộ xã hội Trung-quốc thay đổi; rồi với cái đà đó, thì Trung-quốc sẽ là nước hùng mạnh vô song, e rằng muôn đời mặt trời vẫn ở phương Đông, chứ không ngả về Tây như hồi thế kỷ thứ 18 cho đến nay và bao giờ..???...???
Sau cuộc ra quân của Đại-Việt, trên từ vua Tống Thần-tông cho tới các quan đều uất hận. Tống xuất quân nghiêng nước, 40 vạn binh, 50 vạn dân phu (phụ lực quân) sang đánh trả thù (1066-1067). Nhưng khi quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ tiến đến cách Thăng-long 50 dặm (25 cây số) thì bị đánh bật về Bắc. Sau đó Tống rút quân chịu hòa.
Tuy Tống chịu hòa, nhưng còn giữ của Đại-Việt các châu Quảng-nguyên, Tô-mậu mà bọn động trưởng Lưu Kỷ, Vi Thủ-An đem cả dân lẫn đất theo Tống. Quan trọng nhất là châu Quảng-nguyên có mỏ vàng. Năm 1078, Việt sai sứ sang Tống đòi đất. Tống không trả. Mãi năm 1081, Việt trả tù binh trong trận 1075-1077, Tống mới trả châu Quảng-nguyên.
Năm 1084, Việt sai Binh-bộ thị-lang Lê Văn Thịnh (Thị lang tương đương với ngày nay là một giám-đốc) nghị hòa với các đại thần Tống, Tống chịu trả cho Việt thêm 6 huyện, 3 động. Việt tặng Tống con voi lớn. Danh sĩ Trung-quốc nhân chuyện này làm thơ than:
Nhân tham Giao-chỉ tượng,
Khước thất Quảng-nguyên kim.
(Vì tham voi Giao-chỉ,
Chịu mất vàng Quảng-nguyên).
 
Tượng nàng Tô-thị tại quận Đồng-đăng, tỉnh Lạng-sơn, ghi lại di tích người chinh phụ bế con chờ chồng, rồi hóa đá.

Hồi Tổng bí-thư Lê Duẩn cầm quyền, để xóa bỏ văn hóa tộc Việt, phát huy văn hóa Mác-xít, tượng bị đem nung làm vôi.
Hình chụp tượng mới tạc lại.



Ca dao có bài hát:
Con cò bay lả bay la,
Bay ra ruộng lúa, bay vào Đồng-đăng,
Đồng-đăng có phố Kỳ-lừa,
Có nàng Tô-thị, có chùa Tam-thanh,
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Không phải chùa Tam-thanh mà là động Tam-thanh. Hồi 1979, Hồng-quân sang "dạy" Việt-Nam bài học, đã san bằng Lạng-sơn.
Chưa hả giận, họ còn dùng đại pháo bắn phá động Tam-thanh. Cửa động trước ở chỗ cột cờ, với hàng trăm bài thơ lưu niệm của danh sĩ Việt.
Nay cửa động bị phá, cửa động mới tụt lùi vào trong.

Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét