Châu Á lo ngại « hoàng đế đỏ Trung Hoa »
Ông Tập Cận Bình bỏ phiếu trong cuộc biểu quyết ngày 11/03/2018 về sửa đổi Hiến pháp cho phép ông làm chủ tịch suốt đời.
REUTERS/Jason Lee
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180312-chau-a-lo-ngai-%C2%AB-hoang-de-do-trung-hoa-%C2%BB
Thời sự châu Á hôm nay được các báo Pháp chú ý nhiều với hai sự kiện chính : Quốc Hội Trung Quốc hôm qua, 11/03/2018, đã thông qua sửa đổi Hiến pháp để Tập Cận Bình có thể nắm quyền mãn đời và cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong Un – Donald Trump sắp tới, cùng nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra.
Báo Le Figaro chạy tựa chính trang nhất « Trung Quốc : Hoàng đế mới » cùng với bài xã luận mang tựa đề « Ham muốn đế vương ».
Trong nhiều góc độ xung quanh sự kiện, Le Figaro có bài viết đáng chú ý : « Hoàng đế đỏ » làm dấy lên « vòng cung lo âu » khắp châu Á.
Bài báo nhận xét, vào lúc ở Bắc Kinh vị « hoàng đế đỏ » mới Tập Cận Bình khẳng định quyền lực không chia sẻ, thì các nước láng giềng đang lo sợ đến một Trung Quốc bá quyền ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, khu vực được cho là ngã tư chiến lược mới của thế giới.
Tờ báo dẫn nhận định của Jeff Kingston, giáo sư đại học Temple University, Tokyo : Đối diện với Trung Quốc, một vòng cung lo ngại đang hình thành từ New Delhi đến Tokyo và qua đến Canberra.
Theo tờ báo, việc sửa đổi hiến Pháp để mở đường cho chủ tịch Trung Quốc trị vì đất nước vô hạn định đang làm khơi dậy những ký ức của thời các hoàng đế Trung Hoa, thời mà các nước trong vùng phải đến Tử Cấm Thành nộp triều cống.
Bài viết nhận thấy Tập Cận Bình đã lấy « giấc mơ Trung Hoa » làm khẩu hiệu chủ nghĩa dân tộc nhằm đặt lại đất nước đông dân nhất thế giới vào vị trí tiền tiêu.
Tờ báo nhắc lại, cụm từ « đại hồi sinh dân tộc Trung Hoa » đã được lặp đi lặp lại tới 27 lần trong văn kiện về chính sách đối ngoại của ông Tập tại Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa qua.
Mục tiêu là khép lại một thế kỷ rưỡi Trung Quốc bị phương Tây coi thường, kể từ cuộc chiến tranh nha phiến năm 1842.
Theo bài báo, không còn là ý tưởng « trỗi dậy hoà bình » để trấn an các láng giềng như Hồ Cẩm Đào, ông Tập chủ động tấn công hơn trên trường quốc tế, cứ tấn tới nếu cần thiết, theo kiểu sự đã rồi.
Bài báo dẫn chứng: Trên Biển Đông, ông Tập biến 7 bãi đá thành đảo nhân tạo, trang bị trên đó các phương tiện quân sự hiện đại nhất, bất chấp công ước Liên Hiệp Quốc, nhằm xác quyết chủ quyền ở các vùng biển đang tranh chấp với những láng giềng như Việt Nam, Philippines hay Malaysia.
Hải quân Trung Quốc theo sát từng chiến hạm của hải quân Mỹ hay nước ngoài tuần tra trên vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền tới 90%.
Tờ báo viết tiếp : Vào thời của mình, Đặng Tiểu Bình kêu gọi Trung Quốc trỗi dậy, nhưng khá nhún nhường với chủ trương « chờ thời ». Cái thời đó đã đến với Tập Cận Bình.
Chuyên gia kinh tế châu Á của tập đoàn tài chính Natixis tại Hồng Kông Garcia Herrero nhận định :
« Trung Quốc không tôn trọng các quy định cạnh tranh quốc tế, mà lại muốn xuất khẩu mô hình của mình sang các nước láng giềng ».
Trong khi đó, chuyên gia Jeff Kingston nhận định « Nam Á đang bị cắt nhỏ, suy yếu và ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc ».
Le Figaro diễn giải : Đó là hình ảnh của Malaysia hay Thái Lan, những nước đã tặng cả thị trường đường sắt cho Bắc Kinh.
Cam Bốt, Lào, những nước nhỏ, đã dễ dàng chấp nhận thành vệ tinh của Trung Quốc trong khu vực.
Việt Nam kháng cự gay gắt với người hàng xóm khổng lồ thì trở nên lẻ loi trong ASEAN.
Còn tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thì đã để Manila ngả về phe Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, đó là chính sách « chia để trị » của Trung Quốc. Chỉ còn lại Nhật Bản, chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng ngăn chặn bàn tay thao túng của Trung Quốc trong ASEAN nhằm tìm kiếm thế cân bằng chiến lược.
Bài báo trích dẫn nhiều ý kiến của các nhà phân tích cho rằng điều chủ yếu là Bắc Kinh đã tận dụng thời cơ ông Donald Trump lên nắm quyền tổng thống Mỹ với một chiến lược rối tung đối với khu vực này.
Chuyên gia Kingston nhận định : « Trung Quốc nhắm tới sức mạnh kinh tế để giành ảnh hưởng chính trị, nhưng Trung Quốc cũng có trong ống tay áo lá bài tủ quân sự ». Các nhà chiến lược trong khu vực đánh giá, dù hải quân Mỹ hiện còn bỏ cách xa Trung Quốc về công nghệ, nhưng thế thượng phong đó sẽ bị phá vỡ trong nay mai, dẫn tới những đảo lộn địa chính trị lớn trong vòng hai thập kỷ tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét