Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

KH> Loài kiến : « Những chiến lược gia đáng gờm »

Dân gian có câu : « Kiến tha lâu cũng đầy tổ », hàm ý chỉ sự chăm chỉ, cần cù rồi cũng được đền bù xứng đáng. Thế nhưng, với nhà nghiên cứu Erik Frank, loài kiến còn có nhiều đặc tính thú vị khác. Khi quan sát cuộc chiến giữa loài kiến và mối tại Bờ Biển Ngà, Erik Frank phát hiện ra rằng kiến còn là những binh gia tuyệt vời và có một dịch vụ « quân y » rất hiệu quả.

Không phải giống kiến nào cũng có những « thói quen nhà binh » kiểu ấy. Đặc tính « quân nhân » này đặc biệt chỉ có ở giống kiến có tên khoa học là Megaponera analis, giống kiến Hạ Sahara, những giống kiến càng to khỏe, có chiều dài đôi khi lên đến 2cm. Đây là một trong những giống kiến được cho là rất « hiếu chiến ».
Sau 29 tháng bám lấy tổ kiến từ sáng đến tối, Erik Frank đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sinh học, chuyên ngành nghiên cứu về Kiến tại trường đại học Wurzburg (Đức) vào tháng Giêng năm 2018, và cho đăng liên tiếp 5 bài nghiên cứu trên một tạp chí khoa học rất có uy tín của Anh, Proceeding B.
Nghiên cứu của anh về giống kiến Megaponera analis khiến báo Le Monde (14/03/2018) phải thốt lên đây quả là « những binh gia đáng gờm ». Trong khi đi săn mồi, tấn công mồi, các công tác hậu chiến của Megaponera chẳng khác gì một chiến dịch quân sự bao gồm các bước : Thăm dò đối thủ, tổ  chức quân lực, dàn trận, khai chiến, thu gom chiến lợi phẩm, thu nhặt "thương phế binh" và chăm sóc bệnh binh.
Trả lời phỏng vấn Le Monde, anh Erick Frank cho biết điều gì đã thôi thúc anh nghiên cứu về loài kiến này :
« Trong khoảng một tháng, tôi đã nhận thấy rằng những con khỏe mạnh tha về tổ những con bị thương. Nhưng tôi không biết là phát hiện này có thật sự là mới hay không và vì lúc ấy tôi cũng không có mạng Wifi để kiểm chứng, cũng như điện thoại để hỏi giáo sư. Thế là tôi cứ tiếp tục quan sát.
Những con kiến bị thương đó rồi sẽ thế nào ? Ai chuyển chúng đi và bằng cách nào ? Trong một hành trình dài ra sao ? Loài kiến này sẽ tổ chức tấn công như thế nào, bao nhiêu chiến binh, tỷ lệ thương vong trong giao chiến là bao nhiêu ? Để rồi ba tháng sau đó, khi giáo sư của tôi trở về, ông ấy tỏ ra có hứng thú. Ông ấy hỏi ngay là tôi có muốn làm tiến sĩ hay không ».
Xác định mồi và tổ chức lực lượng
Với giống kiến Megaponera, miếng mồi ngon nhất chính là mối. Thế nhưng, tổ chức tấn công ổ mối lại không dễ chút nào. Những ụ mối, theo như cách ví von của giới khoa học, giống như là những vương cung thu nhỏ, thành trì vững chắc, có hệ thống điều hòa không khí tự nhiên, và lại rất hòa nhập với môi trường.
Nhưng giống kiến vùng hạ Sahara này lại hiểu rất rõ là, để có thức ăn, loài mối phải bò ra khỏi cứ địa của mình, đi gom nhặt các vật liệu chết (lá cây, cành, vỏ cây) để cung cấp dinh dưỡng cho những luống nấm của mình. Mối buộc phải tìm chọn cho mình một địa điểm, phủ lên đấy một lớp mai bằng đất để tránh nắng và đương nhiên là cả những kẻ săn mồi, đồng thời nối điểm kiếm ăn với ổ mối bằng một con đường hầm.
Do đó, việc truy tìm địa bàn kiếm ăn của mối chính là nhiệm vụ đầu tiên của kiến "trinh sát". Khi phát hiện được mục tiêu, những con kiến này  thận  trọng, một cách từ từ, để thẩm định số lượng mối được khai triển. « Kiến dọ thám phải tỏ ra thật kín đáo, bởi vì nếu như những con mối canh gác phát hiện ra, chúng sẽ phát tín hiệu báo động và tất cả các con mối sẽ quay về nơi trú ẩn ».
Một khi đã thu thập đầy đủ các  tin, kiến trinh sát trở về ổ để gầy dựng một đạo quân mà nó cần.. Khoảng từ 100 đến 600 con sẽ được huy động, xếp hàng hành quân. Đi đầu đàn là kiến trinh sát, nối theo sau là hai hàng sĩ quan phụ trách đánh dấu đường đi bằng cách tiết ra chất pheromone. Kế đến là những con kiến « to », còn có nhiệm vụ bảo vệ tiền tuyến của lực lượng chủ đạo. Phần quân còn lại đi ở phía sau theo từng hàng 4 con, được bọc hậu bởi những con « to » khác.
Dàn trận và giao chiến
Khi đã áp sát mục tiêu, kiến bắt đầu dàn trận. Những con kiến to có chiều dài thân thể 2cm được xếp vào vị trí tiên phong. Ai tung tín hiệu tấn công ? Điều này anh Erik Frank vẫn chưa rõ. Nhưng bất thình lình cả đội kiến « lớn » cùng lao lên đánh.. Mục tiêu là gì ? Phá tan lớp đất phủ do mối dựng nên. Một nhiệm vụ được hoàn thành một cách chóng vánh. Tiếp đến là đợt tấn công của những con kiến nhỏ hơn, nhưng đôi càng có đến 5mm cơ bắp.
 
Về phía loài mối, chúng cũng phải tổ chức phản công, chia thành hai giới. Những chú lính mối có đôi hàm to khỏe xung trận chặn kẻ thù một cách kiên cường, trong khi mà những con mối thợ tìm cách trở về hầm để đào thoát.
« Hành động kháng cự của chú lính mối thật là anh hùng. Chúng cắn ở bất kỳ đâu có thể, cắt đứt càng và râu, ôm chặt lấy bụng kiến, và không buông ra nữa. Nhưng có những con kiến khác đến tăng viện, chúng cào cấu để cho mối phải nhả ra, đến lượt chúng cắn lại, cho đến khi nào con mối đầu gần lìa thân… Và kiến bao giờ cũng là kẻ thắng trận và tiếp tục lao vào những con mối thợ còn lại. Nhưng đương nhiên, kiến cũng phải trả một cái giá khá cao ».
Theo ghi nhận của Erik Frank, sau mỗi trận như thế, ít nhất có đến 1/3 quân kiến bị thương trong một cuộc giao chiến chỉ kéo dài từ 10-15 phút.
Di chuyển phế binh
Chính vào lúc này, điều đáng ngạc nhiên nhất diễn ra. Đứng ngoài trong suốt cuộc chiến, những con kiến to khỏe giờ lại bắt tay vào việc. Số thì tha về tổ chiến lợi phẩm, mỗi con có thể tha đến 6 con mối. Số khác thì chuyển thành lính cứu thương, vận chuyển những con kiến bị thương.
« Sau trận đánh, mỗi trận kéo dài từ 10-15 phút, các chú kiến không những bắt đầu thu gom chiến lợi phẩm là những con mối, mà còn thu nhặt cả những con kiến lính bị thương, những con bị mất một hay hai càng. Những con này sau trận đánh đã tiết ra loại chất pheromone để cầu cứu kiến cứu thương đến hỗ trợ. Nhờ vào loại hóa chất này kiến cứu thương có thể đến xem những con bị thương, ngậm chúng vào miệng và tha chúng về tổ ».
Những con nào bị thương quá nặng, mất hơn 3 càng thì đành chấp nhận số phận hẩm hiu bị bỏ rơi. Một sự sàng lọc đòi hỏi sự tham gia của chính những con kiến đó. Chúng sẽ không phát đi tín hiệu hóa học nào, cũng như không chấp nhận vị thế ưu tiên.
Anh Erik Frank lưu ý : « Đó không phải là một sự hy sinh tình nguyện, một hành động tự phát. Những con kiến này không thể đứng dậy và phát tín hiệu tuyệt vọng được. Nhưng cách hành động này, mang tính tập thể, dựa trên một căn bản rất  giản dị , lại có vẻ rất hiệu quả ».

 
Dịch vụ quân y hiệu quả
Một khi về đến tổ, trách nhiệm được giao lại cho các con kiến « bác sĩ quân y  ». Chúng sẽ chăm sóc những con kiến « phế binh » đó như thế nào ? Đến đây, các nhà khoa học Đức đành phải dùng đến một  camera cực kỳ nhỏ để quan sát 6 ổ kiến được xây dựng trong phòng thí nghiệm.
Những con kiến đóng vai trò « bác sĩ » này phải hành động nhanh và tỉ mỉ, bởi vì chúng chỉ có một giờ để chữa trị, do các vết thương lành sẹo rất nhanh và tình trạng nhiễm trùng sẽ lan toàn thân. Chúng rửa sạch các vết bẩn hay gỡ bỏ những phần còn thừa của mối còn dính trên vết thương bằng cách liếm thật nhiều lên đấy, theo như giải thích của nhà khoa học với đài phát thanh Radio Canada.
« Ngay ở trong các tổ kiến, có những điều mà chúng tôi đã quan sát thấy và chúng tôi cho rằng đây là điều mới mẻ : đó là những con kiến cũng biết chăm sóc vết thương cho con khác, như là dùng móng để lau chùi vết thương hoặc phòng ngừa vết thương bị viêm nhiễm.
Tôi không chắc liệu có thể nói đó là một sự chữa trị thuốc thang hay không bởi vì có thể đó là những chất phòng ngừa giúp rửa vết thương, lau chùi đất, có rất nhiều khả năng để phòng ngừa sự viêm nhiễm. Tuy nhiên, người ta không rõ là vết thương đó đã bị viêm nhiễm rồi hay chưa và các con kiến khác có chăm sóc chống viêm nhiễm bằng chất kháng sinh hay không »
Một thế hệ thuốc kháng sinh tương lai ?
Một câu hỏi khác cũng được Erik Frank và ông K. Eduard Linsenmair, giáo sư hướng dẫn đặc biệt quan tâm : Hiệu quả chữa trị như thế nào ? Để tìm hiểu vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã chọn ra 120 con kiến « phế binh » chỉ mất có hai càng và chia làm ba nhóm : Một số không được điều trị, số khác được đặt vào môi trường vô khuẩn và số còn lại được hưởng chế độ điều trị. Kết quả là : « 80% trong nhóm đầu đều chết trong vòng 24 giờ, 20% tử vong trong nhóm thứ hai và duy chỉ có 10% tử vong trong nhóm thứ ba ».
Kết quả nghiên cứu này của Erik Frank được giới khoa học chuyên nghiên cứu về kiến trên thế giới hoan nghênh. Đây là lần đầu tiên, người ta có thể tập hợp các tài liệu chứng minh một cách khoa học về việc kiến chăm sóc trực tiếp các vết thương cho các con khác đồng loại.
« Chính xác là như vậy. Đây là lần đầu tiên người ta đã nhìn thấy một hệ thống, các bác sĩ, có thể gọi như vậy, cùng với các xe cứu thương của các con kiến. Bởi vì bình thường ra, các con vật chỉ tự chăm sóc các vết thương của bản thân, ví dụ con tinh tinh tự chăm sóc vết thương của nó. Thế nhưng, chăm sóc vết thương cho các con khác thì đây là lần đầu tiên, người ta quan sát thấy được một hệ thống chăm sóc có tổ chức hẳn hoi. »
Erik Frank cho biết thêm trong khi làm nghiên cứu sau đại học tại trường đại học Lausanne Thụy Sĩ, anh hy vọng có thể tìm ra lời giải cho những câu hỏi : Những nạn nhân đó chết vì cái gì, hay nói một cách khác bản chất của tình trạng nhiễm trùng là gì ? Thành phần nước dãi mầu nhiệm của kiến có gì ? Bản chất của việc điều trị là phòng bệnh hay chữa bệnh ? Những lời giải đáp này có thể giúp các nhà sinh học khai mở hướng đi tìm ra những thế hệ thuốc kháng sinh mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét