Tổng thống Pháp Macron đề cập tới nhân quyền với TBT Nguyễn Phú Trọng
Linh Quang
28-3-2018
Hãng thông tấn Pháp AFP cho biết, trong cuộc hội đàm Tổng thống Pháp
Macron đã nói về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các
blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù. Ông cũng kêu gọi Việt
Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Vào lúc 13 giờ 15 hôm nay ngày 27/03/2018 tại Cung điện Elysee đã diễn
ra cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và TBT Nguyễn Phú
Trọng. Cuộc hội đàm này diễn ra trong khi ăn trưa và sau khi bữa ăn
trưa kết thúc hai nguyên thủ quốc gia đã ra phát biểu trước báo chí
truyền thông quốc tế.
Hãng thông tấn Pháp AFP cho biết, trong cuộc hội đàm Tổng thống Pháp
Macron đã nói về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các
blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù. Ông cũng kêu gọi Việt
Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Được biết, vài ngày trước chuyến thăm Pháp của TBT Nguyễn Phú Trọng, 3
Tổ chức Nhân quyền có trụ sở tại Paris, là Liên Đoàn Quốc tế Nhân
quyền (FIDH), Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hội
Nhân quyền Pháp quốc (LDH) đã ký chung bức Thư Ngỏ gửi Tổng Thống Pháp
Emmanuel Macron khẩn thiết yêu cầu ông “hãy đặt ra câu hỏi nóng bỏng
về nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc TBT Nguyễn Phú Trọng’’.
Đặc biệt, ba Tổ chức này cũng yêu cầu Tổng Thống Macron áp lực Việt
Nam trả tự do cho các tù nhân vì lương thức, chấm dứt mọi sách nhiễu,
bạo hành công an đối với các xã hội dân sự, cũng như chấm dứt các cuộc
đàn áp tôn giáo và huỷ bỏ mọi điều luật chống-nhân-quyền.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cũng lên tiếng kêu gọi Chính
phủ Pháp chất vấn TBT Nguyễn Phú Trọng về tình trạng ‘áp bức tự do báo
chí’ của Việt Nam.
“Là người đứng đầu về quyền lực ở Việt Nam, đứng trên các vị trí Chủ
tịch và Thủ tướng, ông là người đầu tiên chịu trách nhiệm về cuộc đàn
áp khủng khiếp đã đánh vào các nhà báo và blogger kể từ khi phe nhóm
của ông nắm quyền lực nội bộ ở đất nước này vào năm 2016“, tổ chức
Phóng viên Không biên giới tuyên bố hôm 23/3.
Trong năm 2017, khoảng hai chục nhà báo đã bị bắt, bị trục xuất hoặc
bị kết án tù 9, 10 hoặc 14 năm tù giam, “đơn giản chỉ vì họ muốn thông
tin đến người dân” và “đây là đợt đàn áp tự do thông tin tồi tệ nhất
kể từ hơn hai mươi năm qua” tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho
biết.
Sau đây là bản dịch phần nói về nhân quyền trong bản tin của hãng
thông tấn Pháp AFP:
“Trao đổi với ông Nguyễn Phú Trọng, ông Macron đã nói về tình hình
nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ
nhân quyền bị bỏ tù, Điện L’Elysée cho biết như thế.
Sau đó, phát biểu trước báo chí ông Macron hoan nghênh ‘những cải cách
được thực hiện để tăng cường nhà nước pháp quyền’.
Ba tổ chức phi chính phủ, trong đó có Liên đoàn Nhân quyền quốc tế
(FIDH), phàn nàn rằng nhân vật số 1 của Đảng Cộng sản Việt Nam được
tiếp đón tại Điện L‘Elysée như là ‘người đứng đầu nhà nước’, mặc dù
nhân vật này cổ súy một ‘hệ tư tưởng độc tài toàn trị’.”
------------------------------
Chuyến Tây du cấp cao nhạt nhẽo, bẽ bàng!
Bùi Tín
28/03/2018
Ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến sỹ diện, bộ cánh hào
nhóang của mình. Chuyến đi Pháp, rất hiếm hoi sang một nước Tây Âu
đang diễn ra là một cuộc viễn du quan trọng, một cuộc sát hạch xem uy
tín của ông và của nước Việt nam XHCN của ông trước thế giới văn minh
đang ở mức nào.
Cuộc đi thăm có hơn 2 ngày ngắn ngủi, chưa kết thúc, nhưng trong hơn 1
ngày qua đã có thể sơ kết về kết quá thật sự thấp kém và nghèo nàn đến
thê thảm của nó.
Trước tiên nơi chếc chuyên cơ từ Hà Nội sang đến vào tối 25/3 đã được
mời đỗ ở sân bay nhỏ Orly, thường chỉ dùng cho các chuyến bay nội địa
và các chuyến bay gần.
Ra đón đòan, người Việt đông gấp nhiều lần người Pháp là chủ nhà. Theo
tin trên báo Nhân dân có phóng viên đi theo đòan, ra đón đòan có đại
diện chính phủ Pháp (báo trong nước không nêu tên và chức vụ!?),đại sứ
Pháp tại Việt Nam,đại sứ VN tại Pháp, đông đảo người Việt . Tuyệt
nhiên không có một nghi thức lễ nghi nào thường dành cho đòan khách
cấp cao, cấp nhà nước. Không chào cờ, không quốc ca, không có phát đại
bác nào!
Sáng 26 nghi thức đón chính thức mới được tổ chức tại sân Hôtel des
Invalides, nơi có bảo tàng quân sự, xưa là nơi nghỉ dưỡng của các
thương binh chiến tranh nặng, tàn tật. Không hiểu sao lễ đón lại diễn
ra ở đây, chuỵện chưa từng có.
Trên báo Pháp, người đại diện của chính phủ Pháp ra đón đòan là ông
Jacques Mézard, bộ trưởng bộ đất đai, nhà ở và quy họach đô thị; xem
trong danh sách chính phủ, ông thường đứng ở vị trí thứ 13 trong thứ
bậc về cấp, chức. Chỉ có một vụ phó bộ ngọai giao và một cục phó bộ
quốc phòng! Rẻ rúng thế !
Ông Trọng được ông chủ tịch Quốc hội François Rugy ‘’hội kiến’’ chiều
26 và sáng 27 được ‘’hội kiến’’ với Thủ tướng Edouard Philippe, sau đó
‘’hội kiến’’ với Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher.
Hội kiến là gì? là gặp mặt một lúc rất ngắn theo kiểu chào hỏi xã
giao, không có bàn bạc, đàm phán gì sâu sắc. Thế là cả đòan VN đông
đảo hơn 20 vị cấp cao đi theo tổng bí thư, có phó chủ tịch quốc hội
Tòng thị Phóng, có phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngọai giao Phạm Bình
Minh, trưởng Ban đối ngọai Hòang Bình Quân, một lọat thứ trưởng, vụ
trưởng, đòan nhà báo đông … đi theo đều ‘’thất nghiệp’’, không có ai
tiếp chuyện. Tuyệt nhiên không có cuộc gặp mặt, trao đổi đàm phán gì
giữa đòan đại biểu 2 bên. 2 văn bản được ký trong dịp này là văn bản
về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và văn bản về sở hữu trí
tuệ, thêm mẩu tin về Việt Nam mua một số máy bay chở khách cho hãng
vận tải ‘’Tre’’- Bambou. Nghĩa là không có gì đặc biệt.
Còn tổng thống E. Macron? Ông gặp ông Trọng trong một buổi ăn trưa
ngày 27 tức là ngày cuối cùng của chuyến thăm, và ra một tuyên bố
chung sơ sài, ngắn gọn, chỉ có ý nghĩa hình thức. Không có đàm phán
thật sự giữa 2 đòan, chỉ có những cuộc gặp nhỏ lẻ, không có diễn văn
đón, chào như thường lệ, cũng không có thông cáo chung. Cũng không có
lễ tiễn.
Qua loa, đại khái, có thể nói là nhạt nhẽo, không có nội dung gì đáng
ghi nhớ, đáng bình luận.
Theo dõi kỹ trên tivi Pháp có hơn 10 mạng khác nhau, không hề thấy mặt
mũi ông Trọng và đòan cấp cao của ông trong suốt 3 ngày qua, dù chỉ
vài giây. ’’Mình như thế nào nên người ta mới nể trọng, xử sự như thế
chứ !’’ lời ông nói sau chuyến đi Hoa Kỳ năm trước sao mà thâm thúy
thấm thía cho chuyến đi này.
Trên báo le Monde nhân dịp này chỉ có vài tin và bài ngắn về Việt nam
cùng ảnh ông Trọng, nhưng lại đăng trên trang Quảng cáo, nghĩa là phải
trả tiền, được biết là gần 200.000 Euro/1 trang. Vậy là sứ quán VN tại
Pháp đã phải bỏ tiền ra để đánh bóng quảng cáo cho ông Trọng như một
món hàng! Thật óai oăm!
Những hiện tượng khác thường trên đây không có gì là lạ lùng, nếu
chúng ta hiểu con người và quan điểm chính trị của tổng thống E.
Macron. Năm ngóai ông E. Macron ra cuốn sách tự truyện ‘’Révolution’’-
‘’ Cách mạng’’ trong một tháng bán được gần 1 triệu cuốn, được dịch
ngay sang 20 thứ tiếng. Tháng trước ở Việt Nam cuốn sách này do nhà
xuất bản First news – Trí Việt dịch ra tiếng Việt và phát hành, chỉ
trong một buổi hội sách bán được trên 1 ngàn cuốn.
Ngay ngòai bìa sách đã ghi thêm ‘’ Hành trình vì tự do’’.
Tư tưởng trung tâm của cuốn sách là sự tự nguyện đấu tranh cho tự do,
không khoan nhượng, không do dự, cho tự do và dân chủ thứ thật, chống
mọi hình thức độc đóan đảng trị, tự do bình đẳng trong chính trị,
trong kinh tế, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, trong yêu đương,
trong xã hội, gia đình, trường học.
Trong con mắt của một lãnh đạo trẻ trung 40 tuổi tròn, dấn thân hết
mình cho tự do dân chủ nhân quyền, không thể có chỗ nào dành tình cảm
chính trị cho những quyền lực độc tài ác với các chiến sỹ dân chủ
chống bành trướng.
Chưa cần nói ra lời cảnh báo lên án trực tiếp khi gặp mặt, chỉ sự tiếp
đón thờ ơ cấp rất thấp ban đầu đến các cuộc hội kiến xã giao nhạt nhẽo
với thủ tướng, chủ tịch quốc hội và chủ tịch thượng viện, không có một
nghi lễ trọng thị nào – không cờ quạt, quốc ca, không duyệt quân danh
dự, không hội đàm, họp báo chung, không có quốc yến, không bắt tay
tòan đòan chính thức, tất cả điều ấy còn hơn là lời nói rõ ràng rằng:
ông không có tư cách thật sự nguyên thủ quốc gia, mà chỉ là đại diện
cho một chính đảng chuyên chính kiểu Mác-xít đã hết thời, thù địch với
tự do dân chủ, chúng tôi miễn cưỡng quan hệ với các ông, các ông hãy
tự hiểu mình và đi tìm bạn kết thân chỗ khác.
Không phải ngẫu nhiên mà đòan ông Trọng đến Pháp khi cuộc khủng bố ở
thị trấn Aude xảy ra. Một tên khủng bố Hồi giáo giữ con tin, dọa giết
người. Anh trung tá cảnh binh Arnaud Beltrame tự nguyện thay chỗ một
phụ nữ bị giữ làm con tin, tự dấn thân vào chỗ chết để cứu sống một
phụ nữ không hề quen biết, để cuối cùng anh bị hung thủ bắn chết, khi
anh dự định cưới vợ vào tháng 6 tới. Tổng thống E. Macron tuyên dương
anh là một anh hùng, ngày 28 anh sẽ được lên cấp đại tá và nhận Huân
chương Légion d’honneur và làm lễ quốc tang.
Thật là một bài học sống động cho lực lượng công an trong nước Việt,
chuyên coi dân là thù địch nhất là tuổi trẻ khát khao tự do dân chủ, -
hàng vài chục người bị đánh chết trong trạm công an, cảnh sát mỗi năm
- , khi nào biết hy sinh vì dân như Trung tá A. Beltrame trên đây.
Mong rằng ông Trọng và đòan 40 cán bộ cấp cao đọc kỹ cuốn tự truyện
của Tổng thống E. Macron và ghi nhớ tấm gương sáng của Trung tá A.
Beltrame để kể lại cho lực lượng công an cảnh sát trong nước noi
gương, coi như 2 món quà quý an ủi cho chuyến Tây du nhạt nhẽo và bẽ
bàng này.
Nước Pháp lạnh nhạt tiếp Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Gia Kiểng
27/03/2018
Hôm chủ nhật 25/03/2018, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng thư ký Đảng cộng
sản Việt Nam đã đến Paris cùng với một phái đoàn cao cấp của Đảng và
Nhà Nước cộng sản Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức ở mức độ
quốc gia. Tối hôm 26/03, vẫn chưa thấy thông báo một cuộc tiếp xúc
quan trọng nào. Ngày mai ông sẽ rời Pháp để sang thăm Cuba. Điều đầu
tiên đáng nói và đáng chú ý là cuộc thăm viếng này đã không gây được
sự chú ý nào. Nó âm thầm và lặng lẽ một cách lạ thường.
Không phải vì chính quyền Việt Nam có lý do gì để coi cuộc thăm viếng
này là không quan trọng và muốn nó diễn ra một cách kín đáo. Ông
Nguyễn Phú Trọng đã đem theo một phái đoàn rất hùng hậu, với ông Phạm
Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao, bà Tòng Thị Phóng,
phó chủ tịch thường trực quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng
Trung Ương Đảng, ông Hoàng Bình Quân, trưởng ban đối ngoại trung ương
Đảng cộng sản Việt Nam và ba bộ trưởng.
Báo chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã thông báo, đánh giá cuộc
thăm viếng này là quan trọng, quan hệ Việt Pháp là tốt đẹp. Tuy vậy đã
không có một cơ quan truyền thông Pháp nào -một đài truyền thanh,
truyền hình hay một tờ báo, báo giấy hay báo mạng- nói tới cuộc thăm
viếng này dù là một cách qua loa. Ngay trong ngày phái đoàn ông Trọng
tới Paris tin duy nhất mà Thông Tấn Xã Pháp (AFP) thông báo liên quan
tới Việt Nam là một đám cháy tại Sài Gòn làm 13 người thiệt mạng.
Một ngoại lệ là tờ báo L'Humanité của Đảng cộng sản Pháp. Tờ báo này
có loan tin, nhưng chỉ có tác dụng làm cho chuyến thăm buồn hơn.
L'Humanité là một tờ báo đang hấp hối của một Đảng cộng sản Pháp đang
chết. Tờ báo chỉ còn sống thoi thóp nhờ tài trợ của chính quyền Pháp,
còn Đảng cộng sản Pháp đã không dám có ứng cử viên tổng thống trong
cuộc bầu cử gần đây nhất, sau khi chỉ được 1,2% trong cuộc bầu cử
trước đó.
Ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn tới Paris vào ngày chủ nhật. Chắc
chắn đây là một sự dàn xếp để khỏi phải giải thích tại sao không có
nhân vật cao cấp nào của chính phủ Pháp ra đón tiếp cả. Phải nói sự rẻ
rúng mà chính quyền, báo chí và dư luận Pháp dành cho ông Trọng đã
vượt mọi giới hạn, nhất là khi chính quyền cộng sản Việt Nam nhấn mạnh
rằng chuyến công du chính thức này cũng là để long trọng kỷ niệm 45
năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai
nước. Không biết ông Trọng và các cộng sự viên đi cùng có ý thức được
sự thực đáng buồn này và rút ra những suy nghĩ đúng đắn cho tương lai
hay không.
Lý do đầu tiên của sự lạnh nhạt này là chính quyền Pháp không cần và
cũng không muốn có cuộc thăm viếng này. Trái với điều nhiều người có
thể nghĩ, quan hệ Việt Pháp không quan trọng. Trao đổi thương mại giữa
hai nước chỉ là 5 tỷ USD, sấp sỉ bằng 10% trao đổi của Việt Nam với
Liên Hiệp Châu Âu, hay 1,2% ngoại thương của Việt Nam, và không có hy
vọng cải tiến vì Việt Nam đang thiếu hụt ngân sách và nợ nần một cách
báo động. Ngân sách hợp tác văn hóa của Pháp dành cho Việt Nam cũng
chỉ là con số khiêm tốn 6 triệu USD. Pháp lại càng không có lý do để
hân hoan tiếp đón ông Trọng vì thành tích quá tồi tệ về nhân quyền
ngay trong lúc này của chế độ cộng sản Việt Nam.
Mặc dù sự lạnh nhạt khinh bỉ này ông Trọng vẫn đến Paris vì chính
quyền cộng sản Việt Nam cần Pháp. Họ rất cần hoàn tất thỏa ước thương
mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) được dự trù trong năm nay
và mong được Pháp yểm trợ. Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại
quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay -hơi trội hơn cả Hoa Kỳ về tổng
số xuất nhập khẩu- và còn nhiều tiềm năng. Không có gì là quá đáng nếu
nói Châu Âu đang là phao cứu của kinh tế Việt Nam vào lúc Donald Trump
đang đòi giảm bớt khối thâm thủng mậu dịch. Nhưng ông Trọng và ban
lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ thất vọng lớn. Pháp không muốn và
cũng không thể giúp họ.
Dĩ nhiên là Châu Âu muốn tăng cường sự hiện diện và trọng lượng kinh
tế trong vùng Thái Bình Dương và Việt Nam, với dân số và vị trí chiến
lược, có thể là một đầu cầu tốt, nhưng đây chưa phải là quan tâm lớn
của Châu Âu trong lúc này. Quan tâm chính của Châu Âu trong lúc này là
củng cố nội bộ để tồn tại sau khi nước Anh ly khai, kế đến là đương
đầu với chế độ mafia của Putin tại Nga, rồi những bất ngờ từ Donald
Trump.
Vả lại, điều mà Đảng cộng sản Việt Nam không ý thức được là Việt Nam
không thể hợp tác một cách lành mạnh với Châu Âu, chưa nói tới khả
năng làm đầu cầu cho Châu Âu tại khu vực Thái Bình Dương. Đức là nước
có ảnh hưởng áp đảo trong Liên Hiệp Châu Âu -vừa do trọng lượng kinh
tế vượt trội của chính mình vừa do sự hỗ trợ của nhiều nước khác- cũng
chính là nước đang muốn trừng trị chế độ cộng sản Việt Nam. Vụ bắt cóc
Trịnh Xuân Thanh, rồi lại dùng ngôn ngữ lưỡi gỗ để nói rằng ông này đã
tự nguyện về nước đầu thú, đã biến chế độ cộng sản Việt Nam thành một
chế độ côn đồ trước mắt Liên Hiệp Châu Âu.
Trong cơn mê muội ông Trọng và những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt
Nam đã không ý thức được rằng họ vừa gây ra một đổ vỡ không thể hàn
gắn. Nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu là nhân quyền và nhà nước pháp
trị, nếu coi thường những giá trị này thì Liên Hiệp Châu Âu không còn
lý do tồn tại. Với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và những vụ bắt giam và
xử án thô bạo những người dân chủ gần đây chính quyền cộng sản Việt
Nam đã khiến Châu Âu không thể hợp tác hữu nghị với Việt Nam ngay cả
nếu muốn. Dưới mắt người Châu Âu -và mọi người văn minh- việc xử án 9
và 10 năm tù hai phụ nữ trẻ có con thơ chỉ vì đã nói lên quan điểm của
mình không chỉ thô bạo mà còn hèn hạ, dơ bẩn.
Tổng thống Macron không có lý do gì để giúp chính quyền cộng sản Việt
Nam nhưng dù muốn ông cũng không thể làm gì khác ngoài hỏi ông Trọng
có những cam kết nào về nhân quyền để ông thuật lại với Đức và Liên
Hiệp Châu Âu. Ông Trọng sẽ cần rất nhiều khả năng thuyết phục, một khả
năng mà người ta có quyền ngờ vực nơi ông, nhất là khi ông lại đi thăm
Cuba ngay khi rời Pháp, như để khẳng định với Pháp và Châu Âu sự ràng
buộc thắm thiết của ông với những chế độ hung bạo. Có mọi triển vọng
chuyến công du này sẽ không chỉ bẽ bàng mà còn vô ích.
Điều mà ông Trọng và ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần ý thức và quan
tâm hơn cả thái độ lạnh nhạt của chính quyền Pháp là sự lãnh đạm rẻ
rúng của báo chí và dư luận Pháp và Châu Âu. Không một người lãnh đạo
quốc gia nào, dù chỉ công du với một đoàn tháp tùng nhỏ, bị coi thường
như thế. Lý do là vì người ta không còn quan tâm tới nước ta nữa, và
đây là điều đáng buồn cho mọi người Việt Nam.
Chúng ta không còn gì đáng để ý. Không một thành tựu khoa học kỹ
thuật, không một công ty tầm vóc quốc tế, không một tác phẩm văn học
nghệ thuật, cũng không có ngay cả một thành tích thể thao được thế
giới biết đến ; đã thế còn nghèo khổ, thiếu ngay cả những quyền làm
người cơ bản, và vẫn còn phải chịu đựng một chính quyền hung bạo cố
bám vào một chủ nghĩa đã bị thế giới văn minh đánh giá là ác độc để
tiếp tục thống trị như một lực lượng chiếm đóng.
Chúng ta đã trở thành một dân tộc không đáng kể. Đó là thành tích
chính của Đảng cộng sản Việt Nam, thành tích mà các thế hệ mai sau sẽ
nhớ mãi.
Nguyễn Gia Kiểng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét