Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

CT - QS - Bày binh bố trận ở Châu Á-Thái Bình Dương Đại-Dương

Bày binh bố trận ở Châu Á-Thái Bình Dương
                                       Đại-Dương
Tình hình quân sự căng thẳng ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á có phần xuống thang, nhưng, sẽ kéo dài được bao lâu?
Đặc phái viên Chung Eui-yong của Nam Hàn đã đến Bình Nhưỡng hôm 6 tháng 3 và được Chủ tịch Bắc Hàn, Kim Chính Ân đồng ý gặp mặt với Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn tại làng Bàn Môn Điếm vào cuối tháng Tư. Chủ tịch Kim cũng cho biết sẽ sẵn sàng nói chuyện với Hoa Kỳ về giải giới nguyên tử Bán đảo Triều Tiên. Tình trạng hoà hoãn (detente) này sẽ thọ hay chết yểu?
Siêu Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng với một tuần dương hạm và một khu trục hạm của Mỹ đang viếng thăm thiện chí Đà Nẵng trong năm ngày kể từ 5 tháng 3 năm 2018... Phải chăng mối quan hệ Việt-Mỹ nồng ấm hơn?
Tổng thống Domald Trump không muốn đi theo vết xe đổ của ba vị tiền nhiệm nên nhất định giải quyết hồ sơ nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên.
Hàng loạt các biện pháp cấm vận cứng rắn đối với hành vi hăm doạ tống tiền của Kim Chính Ân được sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế khiến cho Bắc Triều Tiên rơi vào cơn khủng hoảng chiến thuật, chiến lược.
Kim Chính Ân theo gương cha (Kim Chính Nhất) ve vãn Moon Jae-in đang muốn tái lập Chính sách Ánh Dương (Sunshine Policy). Chính sách này do Tổng thống Kim Đại Trung tạo ra năm 2000 và được Roh Moo-hyun kế nhiệm thực hiện năm 2007.
Hán Thành đã mất 500,000 USD để Kim Nam được họp thượng đỉnh với Kim Bắc tại Bình Nhưỡng, nhưng, Kim Bắc nuốt lời tới Hán Thành đáp lễ. Hào quang Giải Nobel Hoà Bình của Kim Đại Trung đã khuyến khích Tổng thống Roh Moo-hyun (có Moon Jae-in làm Chánh văn phòng) tới Bình Nhưỡng họp thượng đỉnh với Kim Chính Nhất. Kết quả vẫn con số 0.
Bắc Hàn được viện trợ kinh tế, kỹ thuật và không bị cộng đồng quốc tế xoi mói về chương trình vũ khí nguyên tử nên năm 2003, Bình Nhưỡng mới có dữ kiện để ngồi vào bàn đàm phán Sáu Bên (Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, Mỹ, Nhật Đại Hàn) kéo dài đến 2003-2009 khi Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi bàn đàm phán.
Kim Chính Ân hy vọng sẽ tạo ra mối bất đồng trong liên minh Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đại Hàn khi chìa nhành ô liu cho Đại Hàn và Hoa Kỳ. Kim sẽ đặt điều kiện an ninh quốc gia để buộc Mỹ rút vũ khí nguyên tử ra khỏi vùng biển Triều Tiên, và ngưng mọi cuộc tập trận chung với Đại Hàn và Nhật Bản.
Trung Quốc và Nga muốn làm cho Hoa Kỳ tập trung bận tâm vào vấn đề nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên để Bắc Kinh rãnh tay phát triển và hoàn thiện sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao tại Biển Nam Trung Hoa, Ấn Độ Dương và Liên Âu. 
Moon Jae-in đang đói thành tích nên sẵn sàng đấu dịu với Kim Chính Ân nhằm thực hiện một vụ thượng đỉnh hoà giải để chứng tỏ hoàn toàn độc lập với Donald Trump. Moon muốn thế giới biết khả năng chủ động giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hoà bình.
Bối cảnh Đại Hàn hiện nay khó khăn hơn thời Kim Đại Trung và Roh Moo-hyun vì Bắc Triều Tiên đã có vũ khí nguyên tử (?) dù Bình Nhưỡng tuyên bố không dùng vũ khí nguyên tử chống lại Đại Hàn. Ai dám cam kết? Vì thế, không gian vận dụng của Moon vẫn rất hạn hẹp, nếu không muốn nói là ảo tưởng.
Đối với Donald Trump, vấn đề Bán đảo Triều Tiên liên quan đến Trung Quốc và Nga nên sẽ không nói chuyện trực tiếp với Kim Chính Ân mà chờ xem sự việc phát triển như thế nào chứ không vồn vã, bộp chộp như Moon.
Trong diễn văn trước Quốc hội Nga hôm 1 tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết đang phát triển năm loại vũ khí nguyên tử tàng hình mới có thể vô-hiệu-hoá hệ thống phòng thủ Hoa Kỳ. Đó là: Hoả tiễn Đạn đạo Liên lục địa (ICBM) sử dụng chất lỏng nặng làm nhiên liệu; Hoả tiễn Hành trình Siêu thanh Đa đầu; Hoả tiễn Đạn đạo Liên lục địa Siêu thanh; Hoả tiễn Hành trình Phóng từ Mặt đất; Hoả tiễn Nguyên tử Liên lục địa Phóng từ Dưới mặt nước.
Putin tuyên bố GDP của Nga sẽ tăng 10% trong vòng 5 năm tới, tăng chi tiêu cho sức khoẻ, hạ tầng cơ sở, giảm nghèo và tăng tuổi thọ.
Nhưng, giới chuyên gia nghi ngờ vì năm 2016, GDP của Nga tăng 0.2% so với 1.5% của 2017, khoảng 20 triệu người Nga (15% dân số) sống trong nghèo khó. Putin chỉ khoác lác.
Putin đang thách đố Trump lao vào một cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử vô tận hoặc thương lượng để giải toả nguy cơ chiến tranh nguyên tử.
Chuyên gia quân sự nổi tiếng quốc tế, Bill Gertz nhận xét về phần được công bố của bản Duyệt xét Tư thế Nguyên tử (Nuclear Posture Review, NPR) của Ngũ Giác Đài liên quan đến Trung Quốc: (1) Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991, Hoa Kỳ cắt giảm kho vũ khí nguyên tử trong khi Nga và Trung Quốc gia tăng. (2) Bắc Kinh từ chối thảo luận trực tiếp về vũ khí nguyên tử với Hoa Kỳ từ năm 2008. (3) Hoa Kỳ công khai khả năng tấn công nguyên tử huỷ diệt nhằm răn đe Trung Quốc. (4) Tất cả đường hầm ngầm dài 3,000 dặm của Ban lãnh đạo Trung Quốc đều bị phát hiện và Hoa Kỳ đã sẵn sàng vũ khí phá huỷ. (5) Hoa Kỳ không công bố NPR nếu Trung Quốc từ chối công khai và minh bạch về chiến lược nguyên tử. (6) Hoa Kỳ sử dụng lực lượng nguyên tử đánh trả các vụ tấn công bằng nguyên tử hoặc phi-nguyên-tử nhằm phá huỷ vệ tinh hoặc tấn công mạng vào các lưới điện.
Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ đang dàn mặt trận nguyên tử trên quả địa cầu vô cùng nguy hiểm nếu cả ba không mở cuộc đàm phán để xuống thang.
Mặt trận Đông Nam Á ít nguy cơ chiến tranh nguyên tử, nhưng, xung đột về chiến tranh quy ước có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Nhằm chặn đứng bước tiến của Nga (cộng sản ngầm) và Trung Quốc (cộng sản công khai), Tổng thống Donald Trump tìm cách tước đoạt ưu thế kinh tế ăn cướp của Bắc Kinh, đồng thời, triệt hạ nguồn chuyển giao công nghệ hiện đại (song dụng) cho Trung Quốc và Nga.
Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tứ Trụ (Quad) Mỹ, Nhật, Ấn, Úc sẽ ngăn chặn tham vọng thống trị của Nga tại Châu Âu và Trung Quốc ở Châu Á.
Đoạn đường chông gai phải được san bằng do sự hợp tác chặt chẽ của các dân tộc yêu chuộng tự do, dân chủ và hoà bình, nếu không, thế giới có thể rơi vào tình trạng Chiến tranh Lạnh lần thứ hai.
Đại-Dương
Mar 8, 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét