Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Đâu Là Sự Thật? Phạm Thanh Phương

Đâu Là Sự Thật?

Phạm Thanh Phương

Những ngày tết đã qua, sự nhảy múa kỷ niệm “Mừng chiến thắng 50 năm tết Mậu Thân” của CSVN cũng từ từ phai dần. Tuy nhiên, những xúc cảm, những kinh hoàng vẫn chưa nguôi trong lòng người dân Việt, đặc biệt tại Huế khi hồi tưởng lại những hình ảnh của một cái tết kinh hoàng cách đây đúng nửa thế kỷ mà tưởng chừng như mới hôm qua. Vì vậy, sự kiện “Thảm sát Huế” vẫn được nhắc lại từng góc cạnh khác nhau, tùy theo ký ức của từng nhân chứng của cả hai bên (Quốc Gia và Cộng Sản) bằng những hồi ký, phỏng vấn, tự truyện..v..v..

Tuy tất cả những ký ức, hồi ức đều xuất phát từ những nhân chứng sống, nhưng điều đáng buồn là sự khác biệt giữa những con người của hai giới tuyến vẫn cách biệt, hầu như không thể hòa đồng trong nhất thể của sự thật, mặc dù cùng mang trong người dòng máu Việt Nam.

Mới đây, vào đầu tháng 2-2018, một cuộc phỏng vấn của đài BBC với một cựu đại tá CSVN và cũng là một nhà báo, hiện đang sống tại Paris với danh xưng một người tỵ nạn. Trả lời cuộc phỏng vấn, ông Bùi Tín cũng nhìn nhận cuộc thảm sát tết Mậu Thân là một sự kinh hoàng, khủng khiếp không thể tưởng tượng nó có thể xẩy ra trên đất nước Việt Nam, nhưng sự thật nó đã xảy ra…



Dau la su that - Hinh 2 



Tuy vậy, dù mang danh nghĩa là một đảng viên CS “phản tỉnh”, một người tỵ nạn , một nhân chứng sống, nhưng ông Bùi Tín vẫn không dám nói thật với chính ông, nói thật bằng lương tâm của một người cầm bút, một chứng nhân của lịch sử khi ông xác định: “Lãnh đạo Hà Nội không đồng thuận về việc đánh đầu năm 1968, và không hề có chủ trương nào để gây ra ‘thảm sát ở Huế”. Đồng thời ông cũng cho biết cuộc thảm sát xẩy ra trong trường hợp bất đác dĩ của bộ đội miền Bắc khi phải rút lui. Ông nói:“Khi vào Huế, bộ đội CS miến Bắc bắt rất nhiều tù binh, khi rút lui các đơn vị được lệnh phải mang theo, không để ai chạy thoát, sợ lộ bí mật. Trong hoàn cảnh tháo chạy và bom đạn của Mỹ truy kích qúa nặng, không thể mang theo tù binh nên đành phải giết hết”… Rất tiếc khi trả lời phỏng vấn ông Bùi Tín đã quên hay cố quên, thảm sát thường dân là chính sách, là chủ trương của CSVN dùng khủng bố tinh thần quân dân miền Nam, mong tạo ra sự khủng hoảng trong xã hội, tạo áp lực nặng nề cho chính quyền và quân đội VNCH, dùng làm hậu thuẫn cho cuộc xâm lăng của CS bắc Việt lúc bấy giờ…

Đi tìm và đối chiếu sự thật, rất nhiều nhân chứng sống tại Huế đã xác định cuộc thảm sát tại Huế không những chỉ xẩy ra khi bộ đội rút lui, mà nó đã khởi sự ngay từ những ngày đầu khi bộ đội Bắc Việt mới tiến vào Huế, những tên nằm vùng, tập kết như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Thị Đoan Trinh và còn rất nhiều nữa… Bọn nằm vùng này đã chỉ điểm, hướng dẫn và cùng bộ đội lục soát từng nhà, giết từng người bất kể già trẻ lớn bé, nam, phụ,lão, ấu không chừa một thành phần nào của Huế. Như vậy, người dân miền Nam phải tin ai, tin vào lời của một cựu đại tá CS “phản tỉnh” như ông Bùi Tín hay tin những nhân chứng sống của Huế?

Theo hồi ký “Giải Khăn Sô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca, bà cũng là một nhân chứng sống có mặt tại Huế đã ghi lại:

“Một gia đình ở Gia Hội chết vì cái Ti Vi, khi bộ đội miền bắc vào nhà dân, thấy một cái TV liền hỏi:

“Máy này để liên lạc với địch?”

“Dạ thưa không, cái máy Ti Vi để coi hát múa.”

“Vặn lên nghe thử.”

Mở máy, không thấy có hình ảnh hát múa. Một băng đạn, đàn bà trẻ thơ ngã gục.

Một bản án được đắp lên: Để đồng bào noi gương. Đứa nhỏ chết không kịp nhắm mắt. Hai đứa con của một người mẹ Việt Nam lai Mỹ, người mẹ đi Vũng Tàu để hai đứa nhỏ ở nhà cho chị vú. Đám bộ đội bảo nhau, đây là con Mỹ đế quốc, để lại sau có hại cho tương lai dân tộc. Không cần phí đạn. Hai cái đầu của hai đứa nhỏ bị đập vào tường. Óc, não, máu me phun tung tóe”.

Như vậy gia đình này, những trẻ thơ này có phải là tù binh không ông Bùi Tín? Hành động này của con người hay ác quỷ?…

Qua một thí dụ nhỏ nêu trên, có lẽ ai cũng hiểu cái ngu dốt của con người CS, chẳng những ngu dốt mà còn tàn bạo dã man, khát máu hơn cả loài ác qủy nữa

Cũng theo hồi ký, nhà văn Nhã Ca đã ghi lại những nét đặc thù về người lính của hai chiến tuyến một cách rõ rệt trong biến cố tết Mậu Thân như sau:

“Khi bộ đội tràn vào Huế, trước khi tàn sát, họ vào từng nhà vơ vét của cải, cướp bóc thực phẩm với những lời lừa bịp trắng trợn: “Cách mạng tạm mượn bánh trái, gạo, muối của đồng bào, mai mốt bác Hồ vào sẽ trả lại đồng bào gấp bội, đừng lo chi hết nhé”. Họ giả vờ ghi sổ rồi mang đi”…

Khi chiếm đóng được khu vực nào, họ cũng thành lập những “Ủy Ban Nhân Dân, Toà Án Nhân Dân”, xử tử rất nhiều những người mà họ cho là có tội, xác chết ngổn ngang, bừa bãi trong nhà, ngoài sân và rải rác trên đường phố. Họ cũng lùng bắt thanh niên nam nữ đi “học tập” như những ngày đầu sau 30-4-1975, những người bị bắt đi “học tập” không bao giờ thấy trở về, sau này người ta tìm thấy họ trong những mồ chôn tập thể…

Tâm trạng người dân Huế lúc ấy rất khủng hoảng, họ chỉ mong sao tìm được quân đội VNCH để có sự che chở. Đến khi nhìn thấy những người lính VNCH xuất hiện, họ hân hoan bảo nhau: “Lính mình đến rồi, mình sống rồi bà con ơi” và chạy ùa về phiá những người lính, mặc cho súng vẫn nổ, đạn vẫn bay…

Cũng trong “Giải Khăn Sô Cho Huế” Nhà văn Nhã Ca ghi lại chỗ bà và gia đình đang ẩn núp: “Một đoàn quân đi qua có đủ sắc lính Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến của VNCH, một bà lão nhặt được một số thuốc lá từ một căn nhà đã bỏ chạy, bà đem tặng đoàn quân, nhưng những người lính không nhận, họ trả tiền, người 200 người 100, trong khi bà lão nói sao nhiều thế, mỗi bao thuốc chỉ đáng giá vài chục thôi mà… Những người lính cười buồn và nửa đùa nửa thật nói, cụ cứ giữ lấy mà dùng, chúng con đi đánh giặc không biết còn sống không mà cần. Bà cụ cứ chạy theo đoàn quân xin trả lại, nhưng chẳng ai dừng lại, họ tiếp tục đi. Toán này đi qua, toàn kia lại đến, những người lính đến sau, thấy bà cụ tay nắm mớ tiền đi ngược về với hai hàng nước mắt, toán lính lại tường bà lão đói, xin thực phẩm cho con, cháu. Không ai bảo ai, những người lính đã tự động moi ba lô, lấy những hộp thịt và lương khô đưa cho bà lão. Bà vừa khóc vừa nói, các chú mang theo ăn đi, còn có sức mà đánh giặc, giải thoát cho đồng bào, Việt cộng ác quá, chúng nó cướp hết của rồi, còn giết người nữa, chết nhiều lắm. Nghe vậy, những người lính nói: Tụi con đi không biết còn sống không mà ăn, cụ cứ đem về chia cho con, cháu, được bữa nào hay bữa ấy”.

Toàn thể người dân Huế lúc ấy, mang tâm trạng khủng hoảng, sợ sệt, nhưng trong những đôi mắt lạc thần ấy vẫn lóe lên một tia hy vọng khi họ nhìn thấy hình bóng của những người lính VNCH xuất hiện. Họ mong chờ một ngày giải phóng, một sự giải phóng đúng nghĩa, họ tin tưởng những người lính VNCH sẽ đưa người dân Huế thoát ra khỏi cái địa ngục trần gian của CSVN đã tạo ra cho Huế mà họ đang chịu đựng.…

Với những hình ảnh trên được nhà văn Nhã Ca ghi nhận tại chỗ như thế, thử hỏi ông Bùi Tín, đâu là chính nghĩa, đâu là tình người và đâu là những con ác quỷ đội lốt người? Chắc chắn, câu trả lời ai ai cũng biết rõ.

Đi ngược dòng thời gian từ khi có phong trào “phản tỉnh” xuất hiện, mọi người đều thấy rõ: Một khi đã là đảng viên đảng CSVN, bị thất sủng hay cuối đời không còn quyền lực, sự “phản tỉnh” của họ cũng rất giới hạn. Họ không thể sống thật với lương tâm của một con người vì họ đã được huấn luyện, trau chuốt rất kỹ, từ đó những nét đặc thù của CS như gian trá, xảo quyệt, độc ác, nguỵ biện… đã thấm sâu trong tâm não và đã trở thành bản chất. Nếu đôi khi họ “tỉnh táo” được một chút trước những sự thật quá hiển nhiên không thể chối cãi, thì sau đó, họ vẫn phải luôn cố gắng luồn lách ngụy biện hầu chạy tội cho đảng đươc tí nào hay tí ấy. Điển hình như ông Bùi Tín đã trả lời trong cuộc phỏng vấn của BBC nhân dịp tưởng niệm 50 năm thảm sát tết Mậu Thân vừa qua.

Phạm Thanh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét