Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Một thời thịnh vượng, Venezuela rơi vào thảm họa nghèo đói như thế nào?

Một thời thịnh vượng, Venezuela rơi vào thảm họa nghèo đói như thế nào?

image.png
Một cuộn giấy vệ sinh có giá 2.600.000 bolivar, tương đương 38 triệu đồng. (Ảnh: Reuters)

“Giấy vệ sinh có giá trị hơn tiền, thương vong xảy ra hằng ngày trên đường phố, những đứa trẻ chết dần chết mòn vì đói”, trang tin News.com.au của Australia viết về thực trạng của Venezuela. Nhìn vào thảm cảnh ấy, liệu ai có thể tin được cuộc sống ở Venezuela đã từng có lúc tươi đẹp.
Một thập kỷ trước, Venezuela nổi tiếng với bờ biển Caribbean, tự hào là nơi có thác nước cao nhất thế giới và trữ lượng dầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, từ khi Nicolas Maduro trở thành Tổng thống Venezuela vào năm 2013, xứ sở dầu mỏ này đã rơi vào tình trạng tham nhũng tràn lan, kinh tế suy thoái và siêu lạm phát, kéo theo vấn nạn thiếu lương thực, thuốc men và tất cả các nhu yếu phẩm cơ bản mà người dân cần, theo News.com.au.
Và cuộc khủng hoảng kéo dài của nước sẽ dẫn đến một trong hai kết cục: tốt hơn hoặc tồi tệ hơn.

Tại sao Venezuela lại khủng hoảng?

Từng là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở châu Mỹ Latinh, Venezuela đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau khi theo con đường kế hoạch hóa nền kinh tế, tập trung phát triển kinh tế nhà nước và triệt tiêu dần kinh tế tư nhân. Dù Venezuela có trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng là lớn nhất thế giới, sự rớt giá dầu mỏ kết hợp với tham nhũng và chính sách điều hành yếu kém trong hai thập niên đã khiến Venezuela lâm vào tình trạng hỗn loạn, News.com.aubình luận.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố trên trang web của mình ngày 8/11/2018 rằng số người di cư khỏi Venezuela đã lên tới 3 triệu người.
Trước đây, người dân Venezuela có thể dùng thẻ căn cước vào Colombia và Ecuador, khoảng một nửa trong số họ cho đến nay vẫn không có hộ chiếu. Đối với đất nước đang phải vật lộn với tình trạng thiếu giấy và mực in như Venezuela, để có được hộ chiếu là điều gần như không thể.
Ông Maduro thường xuyên bác bỏ số người di cư, gọi đó là những “tin tức giả” được tạo ra để biện minh cho sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ Venezuela, News.com.au cho biết. Ông cũng kêu gọi người dân của mình “hãy dừng việc dọn dẹp nhà vệ sinh ở nước ngoài” và trở về nước.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: Flickr)
Ông Maduro đã tái đắc cử vào tháng 5 trong cuộc bỏ phiếu mà hàng loạt chính phủ nước ngoài xem là gian lận và các đối thủ chủ chốt của ông bị cấm tham gia tranh cử. Tuy nhiên, ông Maduro khẳng định cuộc bầu cử là tự do và công bằng và nói rằng tình hình là kết quả của một “cuộc chiến kinh tế” do các nhà lãnh đạo phe đối lập và các doanh nghiệp chuyên chế đang tăng giá.

Sự mất giá đồng tiền

Trong chế độ chuyên quyền của Tổng thống Maduro, mọi thứ đều có giá trị hơn tiền tệ của xứ sở dầu mỏ này, News.com.au bình luận.
Vào tháng 8/2018, những bức ảnh của Reuters đã làm nổi bật thực trạng siêu lạm phát dưới chế độ Maduro, nơi mà đồng tiền bolivar gần như vô giá trị khi được chất thành từng đống mới đủ để mua những nhu yếu phẩm cơ bản.
Một con gà nặng 2,4kg trị giá 14.600.000 bolivar, tương đương 215 triệu đồng, tại một khu chợ đường phố ở Venezuela vào ngày 16/8.
Con gà 2,4 kg có giá tương đương 215 triệu tiền Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Một bức ảnh khác thể hiện một cuộn giấy vệ sinh bên cạnh 2.600.000 bolivar, tương đương 38 triệu đồng.
Nạn đói ở Venezuela ngày càng trở nên trầm trọng, tình trạng suy dinh dưỡng tràn lan và người dân phải bới rác tìm thức ăn, theo hãng tin Al Jazeera.
Chuyên gia về kinh tế và siêu lạm phát, giáo sư Steve Hanke từ Đại học Johns Hopkins cho rằng tiền tệ là “một vòng xoáy tử thần và mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”.
“Nó sẽ càng tệ hơn bao nhiêu và kéo dài bao lâu thì không ai biết”, giáo sư Steve Hanke nói với BBC, “Bạn không thể dự đoán thời lượng và tiến trình gia tăng lạm phát”.
Và giáo sư Hanke đã đúng. Trong năm tháng kể từ khi những bức ảnh được chụp, siêu lạm phát đã chỉ trở nên tồi tệ. Tỷ lệ lạm phát của Venezuela năm 2018 lên tới 80.000%, nhà kinh tế Steve H. Hanke cho biết trên tạp chí tài chính Forbes ngày 1/1/2019. Quỹ tiền tệ Quốc tế cảnh báo lạm phát của nước này có thể lên tới 10 triệu % vào năm 2019, theo Reuters.
sieu lam phatNgười dân đi ngang qua các kệ hàng trống tại một siêu thị ở San Cristobal, Venezuela. (Ảnh: Carlos Eduardo Ramirez)
Một ví dụ rõ ràng khác về khủng hoảng lạm phát của Venezuela là khi gã khổng lồ lốp xe Goodyear tuyên bố không thể tiếp tục sản xuất cao su hay lốp xe tại quốc gia bị khủng hoảng.
Khi hàng trăm công nhân viên Goodyear tụ tập trước cổng nhà máy bị kiểm soát, sẵn sàng để đi làm, nhưng họ lại nhận được đề nghị phải thôi việc. Công ty có trụ sở tại Mỹ đã tuyên bố họ sẽ tặng cho nhân viên của mình 10 chiếc lốp như một phần đền bù – một mặt hàng vô cùng quý giá trên thị trường chợ đen Venezuela.
Kellogg, Kimberley Clark và một số hãng hàng không trước đây tuyên bố hoạt động kinh doanh tại Venezuela không còn khả thi trong khoảng bốn năm sau khi xứ sở dầu mỏ này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, chào mừng những người ủng hộ ông tại Caracas, Venezuela hôm 23/1/2019. (Ảnh: REUTERS/Carlos Garcia Rawlins)
Khi đất nước đức trước bờ vực sụp đổ vì siêu lạm phát, Juan Guaido, một kỹ sư 35 tuổi mới được bầu làm Chủ tịch Quốc hội tại Venezuela, hôm 23/1 tuyên bố làm tổng thống lâm thời, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người biểu tình yêu cầu bãi nhiệm ông Maduro, theo AP.
Mỹ, Canada, Australia và hơn chục nước khác đã công nhận ông Guaido làm tổng thống của Venezuela thay thế ông Maduro cho đến khi nước này tổ chức một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, ông Maduro đã bác bỏ đề xuất của các nước phương Tây về việc tổ chức một cuộc bầu cử mới tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong lá thư ngày 26/1 gửi Thủ tướng Anh Theresa May, ông Guaido kêu gọi Luân Đôn không chuyển giao số vàng của Venezuela được gửi tại Ngân hàng Trung ương Anh Quốc cho “chế độ bất hợp pháp và mục ruỗng” của Tổng thống Maduro, theo Financial Times.
“Maduro đã đánh cắp một lượng lớn tài sản của đất nước. Không có nghi ngờ về việc ông ta sẽ đánh cắp tài sản được lưu giữ tại Ngân hàng Trung ương Anh Quốc, nếu ông ta được tạo điều kiện, mà tài sản đó đúng ra phải được dùng để hỗ trợ cho sự phục hồi của Venezuela”, ông Guaido viết trong lá thư gửi bà May.
Ngân hàng Trung ương Anh Quốc đã 2 lần từ chối chuyển giao số vàng cho chính quyền Maduro vì “các lý do liên quan đến việc tuân thủ quy định”.
Tâm Bình
__._,_.___


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét