Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

LUẬT THUẾ MỚI Vũ-Linh

 LUẬT THUẾ MỚI 
Cuối cùng thì luật thuế mới đã ra đời. TT Trump thực hiện đượ cmột trong những lời hứa quan trọng nhất của ông. Đây là bộ luật cải tổ thuế lớn nhất từ thời TT Reagan cách đây hơn 30 năm.
Ngay năm 2018, ảnh hưởng trên cá nhân sẽ được thấy qua việc mỗi phiếu lương sẽ được khấu trừ thuế (tax withholding) ít đi, tức là năm tới, tiền quý vị mang về mỗi tháng sẽ nhiều hơn năm qua.
Bộ luật cực kỳ phức tạp dĩ nhiên, và chúng ta sẽ không thể nào điều nghiên chi tiết trong khuôn khổ một bài viết dù khá dài này, chỉ cần biết qua vài điểm chính.

THUẾ LỢI TỨC CÁ NHÂN
Dưới đây là tóm lược tỷ lệ thuế cho các khung thuế, theo cơ quan truyền thông không đảng phái PBS:


Khấu trừ tiêu chuẩn (standard deduction) cho những người không chiết tính chi tiết (no itemized deductions) sẽ là $12.000 cho cá nhân, $18.000 cho chủ gia đình. Hai vợ chồng khai chung sẽ được khấu trừ $24.000. Tức là tăng gấp đôi mức hiện nay. Có lợi lớn cho giới có lợi tức thấp, đối với nhà giàu không áp dụng vì họ đều không lấy khấu trừ tiêu chuẩn.
Mỗi đứa trẻ trong gia đình cũng được khấu trừ từ $1.000 hiện nay, lên $2.000.
Vài ví dụ điển hình về mức thuế phải đóng, dựa trên trường hợp vợ chồng khai thuế chung, có hai con nhỏ, lấy khấu trừ tiêu chuẩn:
- Lợi tức $24.000 một năm, hiện nay lấy về được $900, theo thuế mới, lấy về $4.000
- Lợi tức $30.000 một năm, hiện nay đóng $300, năm tới không đóng thuế mà còn lấy về $3.400
- Lợi tức $55.000 một năm, hiện nay đóng $4.300, năm tới lấy về $300
[Nói cách khác: ngưỡng cửa bắt đầu phải đóng thuế theo luật hiện hành là $30.000; theo luật mới là  $55.000. Số người không đóng thuế sẽ tăng từ 35% lên tới 50% dân Mỹ]
- Lợi tức $120.000 một năm, hiện nay đóng $25.000, năm tới đóng $17.000, giảm $8.000 (-32%)
- Lợi tức $1.000.000 một năm, hiện nay đóng $389.000, năm tới đóng $357.000, giảm $32.000 (-8%)
Trên đây là ước tính đơn giản để quý độc giả có một khái niệm thôi, trên thực tế, mỗi trường hợp mỗi người mỗi khác vì nhiều thuế phụ hay khấu trừ khác. Quý độc giả cần tham khảo chuyên gia khai thuế.
Những con số trên chỉ là thuế lợi tức liên bang thôi, không kể đóng góp cho quỹ an sinh Social Security, hay bảo hiểm y tế người già Medicare, hay các thuế tiểu bang và địa phương.
Một điểm quan trọng cho dân cư các tiểu bang đánh thuế lợi tức cá nhân, như Cali: theo luật thuế mới, thuế lợi tức tiểu bang vẫn được khấu trừ khỏi thuế lợi tức liên bang, nhưng bị giới hạn tới $10.000, phần cao hơn không được khấu trừ.
Nếu quý độc giả Cali có lợi tức dưới $120.000 một năm thì khỏi thắc mắc chuyện này vì vẫn được khấu trừ hết. Nếu có lợi tức $120.000, sẽ phải đóng $11.000 (9%) thuế lợi tức cho Cali, được khấu trừ $10.000, không được khấu trừ $1.000 phụ trội còn lại.
Một đại gia lãnh $1.000.000, sẽ phải đóng $130.000 (13%) thuế cho Cali, trước đây được khấu trừ hết, bây giờ chỉ được khấu trừ $10.000, không được khấu trừ phần $120.000 còn lại.
Việc khấu trừ tới $10.000 này cũng áp dụng cho thuế nhà. Do đó, triệu phú phải trả thuế nhà hơn $10.000 mới phải lo không được khấu trừ.
Việc không được khấu trừ quá $10.000 sẽ là gánh nặng lớn cho các nhà giàu trong các tiểu bang giàu đánh thuế tiểu bang nặng như Cali, New York,... Nhà nghèo và trung lưu không bị thiệt hại gì.

THUẾ LỢI NHUẬN KINH DOANH
Thuế lợi nhuận kinh doanh, sẽ giảm từ 35% xuống 21%, bất kể mức nào.
Riêng với các công ty có lợi nhuận dưới $315.000 một năm, 20% lợi nhuận đầu sẽ được khấu trừ, khỏi chịu thuế.
Ví dụ: một tiệm ăn lời $200.000, hiện nay phải đóng 35% tức là $70.000 thuế. Theo luật thuế mới, 20% đầu sẽ được khấu trừ, tức là chỉ phải đóng thuế trên lợi nhuận $160.000, ở mức 21%, tức là chỉ phải đóng $33.600, bớt hơn một nửa.
Tuyệt đại đa số công ty trung và tiểu thương ở trong khung thuế này, và việc khấu trừ 20% cũng như mức thuế 21% sẽ giúp họ có thêm tiền mở mang thêm, thuê thêm nhân viên, mua thêm máy móc dụng cụ. Đây là biện pháp cụ thể giúp tiểu thương mạnh nhất.
Thay đổi thuế xuất công ty là điểm quan trọng nhất trong luật mới vì có thể giảm thuế bạc triệu cho các công ty, có tác động lớn trên kinh tế trong khi những cắt giảm thuế cá nhân của TT Bush có tác động nhẹ hơn vì chỉ giảm vài trăm hay vài ngàn cho cá nhân.

OBAMACARE
Luật bắt buộc phải có bảo hiểm y tế nếu không sẽ bị phạt, bị hủy bỏ. Có nghiã là mọi người có quyền không mua bảo hiểm nếu không muốn. Đây là một điểm cột trụ của Obamacare, bây giờ bị hủy, coi như Obamacare cáo chung phân nửa, chỉ còn lại điều luật không cho các hãng bảo hiểm từ chối những người đã có bệnh trước, là điều mà ai cũng đồng ý.

xxx

TTDC loan tin luật giảm thuế bị đa số dân Mỹ chống đối. Tại sao? Rất giản dị: vì sự xuyên tạc và hù dọa của TTDC thiên tả, và hơn một nửa nước Mỹ nghi ngờ hay chống đối tất cả những gì TT Trump làm cho dù việc làm đó có lợi cho họ. Có những nhà báo hiểu biết nhưng cố tình bóp méo để đánh Trump. Có những nhà báo mù tịt nhưng thấy có dịp đánh Trump thì cứ nhẩy vào đánh tiếp dù không hiểu mình đang nói gì. Tình trạng chia rẽ phe phái chính trị chưa bao giờ vô lý như hiện nay.

Trước khi bàn vào cuộc tranh cãi, ta cần phải hiểu rõ thuế là gì?
Trên căn bản, việc thu thuế có ba mục đích chính. Trong cả ba mục đích đó, cách nhìn của phe cấp tiến khác hẳn cách nhìn của khối bảo thủ. Từ đó đi đến xung đột quan điểm, rồi đi đến xuyên tạc, bóp méo để chống phá nhau.

MỤC ĐÍCH ĐẦU TIÊN: KINH PHÍ QUỐC GIA
Đầu tiên và rõ nhất: thuế là nguồn tiền để Nhà Nước chi cho những mục tiêu có lợi chung như quốc phòng, an ninh trật tự, an sinh xã hội, giáo dục, giao thông, tiện nghi công cộng,... Đến đâu là đủ cho Nhà Nước và đến đâu thì mang tính trấn lột dân?
Đảng DC lo bành trướng tối đa vai trò vú em, với hàng hà sa số luật lệ, và đủ kiểu trợ cấp, do đó cần rất nhiều tiền. Họ suốt ngày hô hoán chỉ muốn thu thuế nhà giàu thôi. Trong một cuộc tranh luận trên TV với cụ xã nghiã Sanders, TNS Ted Cruz của Texas đã nói ngay “nước Mỹ không đủ triệu phú để thực hiện kế hoạch thuế của đảng DC”.

MỤC ĐÍCH THỨ HAI: ĐIỀU HÀNH KINH TẾ
Trong chế độ kinh tế thị trường, Nhà Nước không can thiệp trực tiếp quá mạnh vào guồng máy kinh tế, mà chỉ có thể can thiệp gián tiếp bằng chính sách thuế.
Khi kinh tế trì trệ hay khi Nhà Nước muốn kinh tế tăng trưởng mạnh hơn thì giảm thuế để dân có thêm tiền xài, các công ty có thêm tiền đầu tư vào hãng xưởng, thuê nhân công, tăng gia sản xuất. Ngược lại khi kinh tế sôi sục quá, để tránh lạm phát thì Nhà Nước tăng thuế, thu bớt tiền để dân xài bớt lại.

MỤC ĐÍCH THỨ BA: TÁI PHÂN PHỐI LỢI TỨC
Hầu như tất cả chế độ thuế trên thế giới đều mang tính lũy tiến. Tựu trung thì những người có lợi tức cao phải đóng thuế theo tỷ lệ cao hơn để Nhà Nước có tiền trợ cấp cho những người lợi tức thấp hơn.
Đây là hình thức tái phân phối lợi tức. Vấn đề là tái phân phối tới mức nào. Phe DC chủ trương lấy thuế ‘nhà giàu‘ thật nhiều để cấp dưỡng ‘nhà nghèo’ tối đa, trong khi khối CH chủ trương chỉ cần một mức lưới an toàn tối thiểu cho dân nghèo, còn thì người dân nên có tư tưởng tự lực cánh sinh không nằm dài chờ trợ cấp.
xxx
Phải nói ngay, luật thuế mới, cũng như bất cứ luật lớn nhỏ nào, không thể thỏa mãn tất cả khối 330 triệu dân Mỹ. Bất cứ luật nào cũng có người có lợi, có người bị thiệt thòi. Trong khối người đang trả thuế, có thể 5% sẽ phải trả thuế cao hơn vì nhiều loại khấu trừ sẽ bị hủy bỏ (như việc giới hạn khấu trừ thuế tiểu bang tới $10.000 như vừa bàn qua, sẽ khiến vài nhà giàu phải đóng thuế nặng hơn), 85% được giảm thuế, 10% không thay đổi gì.

NHỮNG LẬP LUẬN CHỐNG GIẢM THUẾ:

1. GIẢM THUẾ KHIẾN NGHÈO SẼ NGHÈO THÊM, GIÀU ĐƯỢC GIÀU THÊM
Lập luận mỵ dân phiạ. Trước hết, như trên đã ghi nhận, số người không đóng thuế gì hết sẽ tăng từ 35% lên gần 50%: một nửa nước không phải đóng thuế gì hết.
Về mấy ông nhà giàu, lấy ví dụ một ông có lợi tức một triệu như trên. TTDC phớt lờ việc ông này đã đóng $357.000 thuế, mà lo xoáy vào việc ông này được giảm thuế, tức là 'giàu thêm' $32.000.
Sự thật, ông ta không 'giàu thêm', mà chỉ là đóng ít thuế hơn. Số tiền này thay vì đi vào Nhà Nước để các công chức vung ra cửa sổ, ông 'nhà giàu' sẽ được giữ lại để đầu tư kinh doanh, mở thêm cửa tiệm, hãng xưởng. Nếu ông không muốn đầu tư, có thể mang tiền đi mua sắm giúp tiêu thụ hàng hoá, hay bỏ vào ngân hàng giúp ngân hàng có thêm tiền cho khách hàng vay mượn làm kinh doanh. Trong cả ba cách, cách nào cũng là bơm tiền, giúp kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm hay khiến mức lương hiện hữu gia tăng.
Có thể kinh doanh phát triển khiến ông giàu thêm thật, nhưng trong khi đó, ông cũng giúp không biết bao nhiêu người khác giàu thêm theo, có công ăn việc làm, dù lãnh lương thấp cũng còn nhiều hơn lãnh tiền thất nghiệp.
Trong quan điểm của DC, họ nghĩ cần đánh thuế cao vì Nhà Nước có khả năng xử dụng tiền hữu ích hơn, do đó tiền nên vào tay Nhà Nước càng nhiều càng tốt, người dân giữ lại càng ít càng tốt.
Đây là căn bản khác biệt giữa ý thức hệ xã hội chủ nghiã và kinh tế thị trường. Khối thiên tả luôn luôn tin tưởng ở khả năng điều hành kinh tế của các công chức [trong các xứ CS, tất cả đều do công chức 'lên kế hoạch'], trong khi khối thiên hữu tin vào khả năng của mỗi người dân.

2. GIẢM THUẾ ĐỂ TĂNG THU TỰ NÓ ĐÃ LÀ MỘT NGHỊCH LÝ
GS Ben Voth của đại học SMU đã nghiên cứu về ba cuộc trừ thuế lớn gần đây. Dưới đây là tóm lược kết quả:
- TT Kennedy trừ thuế 1961 khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (GDP) là 2,6%. Trong 2 năm sau, 1962-1963: GDP tăng 6,1% và 4,4%; thuế thu vào tăng 15% trong hai năm. (Đừng quên TT Kennedy là đảng DC, cũng giảm thuế cho ‘nhà giàu’ khi cần tăng trưởng đấy)
- TT Reagan trừ thuế 1982 khi tăng trưởng ở mức -1,9% (âm). Trong 5 năm sau, 1983-1988: trung bình kinh tế tăng trưởng mỗi năm 3,8%; thuế thu vào tăng 10% mỗi năm.
- TT Bush con trừ thuế 2002 khi kinh tế tăng 1,0%: Trong 4 năm sau, 2003-2007: trung bình kinh tế tăng hơn 2,5% mỗi năm; thuế thu vào cũng tăng 10% mỗi năm.
Tại sao giảm thuế xuất mà tiền thuế thu vào lại tăng? Vì giảm thuế giúp dân có nhiều tiền xài hơn, các công ty có tiền phát triển kinh doanh, gia tăng thu hoạch và lợi nhuận, sẽ đóng thuế nhiều hơn, trong khi nhiều người có việc làm hơn, có lợi tức cao hơn nên có khả năng đóng thuế cao hơn. Đây không phải là chuyện lý thuyết, mà đã được lịch sử chứng minh qua ba lần giảm thuế nêu trên.

3. GIẢM THUẾ SẼ TẠO THÂM THỦNG NGÂN SÁCH
Luật thuế mới có thể sẽ tạo ra $1.400 tỷ thâm thủng ngân sách trong 10 năm tới, theo Phòng Ngân Sách Thượng Viện, không phải $6.000 tỷ như một vài người phóng đại để hù dọa. Lạ thật, cái đảng tăng công nợ gấp đôi, lên tới $20.000 tỷ để lấp thâm thủng ngân sách trong 8 năm Obama bây giờ sao lại hoảng hốt với $1.400 tỷ trong 10 năm tới?
TTDC phán "dân nghèo sẽ cong lưng ra gánh cái thâm thủng" đó, qua việc trợ cấp bị cắt, và cắt thuế chỉ là món quà TT Trump tặng cho các tỷ phú để họ "bảo vệ ngai vàng" của ông.
Hai câu đố vui cho quý vị:

1. Đố quý vị biết nếu các nghị sĩ, dân biểu CH cắt hết trợ cấp của dân Mỹ, bao nhiêu vị sẽ tái đắc cử? (Câu trả lời: zero. Cho nên sẽ không có ông bà CH nào làm chuyện điên này)
2. Đố quý vị biết tại sao TT Trump phải tặng quà cho tỷ phú? (Câu trả lời: vì ông Trump đắc cử nhờ phiếu của 63 triệu... 'tỷ phú'!)
Thật ra, 1.400 tỷ thâm thủng là cách tính phần lớn dựa trên tình trạng kinh tế hiện hữu, mà không kể đến việc kinh tế sẽ tăng trưởng và tiền thuế thu vào sẽ tăng như trong các cuộc giảm thuế của ba vị tổng thống vừa nêu trên.
Chỉ số chứng khoán tăng vùn vụt từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống chính vì các doanh gia tin tưởng giảm thuế sẽ đưa đến tăng trưởng kinh tế mạnh, tất cả các công ty sẽ lớn mạnh và lời to.

4. LUẬT THUẾ MỚI KHÔNG CÔNG BẰNG
Có người cho rằng luật mới không công bằng, bắt những người đi làm cật lực lãnh lương cao như chuyên viên điện toán, hay bác sĩ, phải trả thuế tới 37% trong khi các nhà đầu tư giàu có, làm biếng chẳng làm gì, ăn không ngồi ngáp bỏ tiền vào một công ty có lời, chỉ đóng thuế có 21%. Những người đưa ra lập luận này rõ ràng chưa bao giờ làm chủ công ty nào.

Thực tế, ông nhà giàu ‘làm biếng’ chủ công ty này phải đóng thuế tới hai lần, có thể ba lần không chừng: lần thứ nhất, đóng 21% trong lợi nhuận của công ty (corporate income tax), lần thứ hai đóng 37% trên số tiền lương hay tiền thưởng được công ty chia lại cho ông (individual income tax), và lần thứ ba, nếu cổ phiếu công ty tăng giá hay có chia cổ tức, lại phải đóng thêm 20% thuế trên lợi nhuận đầu tư (capital gain tax).

Ông bác sĩ chỉ đóng có một lần thuế.


5. CÁC CÔNG TY LẤY QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CHỈ VÌ MUỐN CÓ LỜI, KHÔNG ĂN THUA GÌ ĐẾN THUẾ
Những người đưa ra lập luận này hiển nhiên chưa bao giờ làm kinh doanh. Các doanh gia luôn luôn coi vấn đề thuế là then chốt. Cong lưng làm cho có lời nhiều để rồi Nhà Nước lấy thuế hết thì ai dại gì làm nữa.
Hiện nay, các công ty Mỹ có gần 3.000 tỷ đô tiền mặt. Thay vì đầu tư vào hãng xưởng thì họ để tiền trong các ngân hàng tại các nước gọi là thiên đường thuế như Bahamas, Ireland,… Tại sao? Không phải vì họ thiếu tưởng tượng, có tiền mà không biết làm gì để sinh lời, nhưng mà vì TT Obama suốt ngày hăm dọa tăng thuế công ty, nên họ sợ mang tiền về đầu tư tại Mỹ sẽ phải đóng thuế đến tắt thở. Để tiền đó, chờ cơ hội đầu tư tại xứ chậm tiến nào đó, có lời cất ở những nơi ít thuế nhất, không dại gì đem về Mỹ cho TT Obama chặt chém.
Một điểm đặc biệt của thuế mới: những số tiền đó có thể chuyển về nước và chịu thuế khoảng 10%. Biện pháp mới này sẽ khuyến khích các đại công ty Mỹ mang tiền lời về Mỹ đầu tư lập hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho Mỹ, nhất là khi thuế lợi nhuận công ty đã giảm mạnh, còn có 21%.
Phải nói ngay, biện pháp giảm thuế này tự nó chưa đủ để các đại công ty mang tiền về Mỹ, vì còn một lý do nữa họ không muốn đầu tư tại Mỹ: những thủ tục, luật lệ hành chánh cực kỳ nặng nề và tốn kém của Mỹ, trong đó có những luật lệ chi tiết liên quan đến bảo vệ môi sinh, hâm nóng địa cầu, quyền lợi nghiệp đoàn,... Chính quyền Trump đang lặng lẽ cắt giảm hàng ngàn luật lệ thủ tục này cũng vì mục đích khuyến khích các công ty này trở về Mỹ thôi.

6. QUA 2027, THUẾ SẼ TĂNG LẠI
Có người hô hoán thuế của 53% dân (hầu hết nghèo và trung lưu), sẽ tăng lại vào năm 2027. Cũng vẫn là chuyện hù dọa.
Thuế xuất cá nhân trên có hiệu lực tới 2025, tới khi đó quốc hội sẽ quyết định tiếp tục giữ nguyên, hay tăng hay giảm, tùy tình hình kinh tế và chính quyền khi đó. Ngay bây giờ không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra.
Mức thuế được giảm mỗi năm sẽ bớt vì lợi tức thiên hạ tăng. Tới năm 2027, nếu vẫn giữ thuế xuất mới này, theo Washington Post, dân có lợi tức $75.000 sẽ bị tăng thuế 4%; dân với lợi tức $30.000 sẽ bị tăng tới 25%. Điều WaPo không viết là cho dù tăng như vậy, thì mức thuế vẫn thấp hơn khấu trừ tiêu chuẩn, tức là những người này vẫn chẳng phải đóng thuế gì hết, hoặc có phải đóng, thì số tiền phụ trội cũng không đáng kể. Theo Tax Policy Center, những người có lợi tức $75.000 sẽ phải đóng thuế ở mức $30 cao hơn mức của 2017! Mười năm nữa mới tăng ba chục đô!
Cái mánh gian của TTDC là chỉ viết "tăng thuế", để hù dọa nhưng không dám ghi rõ con số thật.

7. GIẢM THUẾ KHIẾN 13 TRIỆU NGƯỜI MẤT BẢO HIỂM
Giảm thuế hay không, chẳng ảnh hưởng gì đến bảo hiểm y tế hết. Chỉ là trong luật thuế mới, có điều lệ đặc biệt hủy bỏ việc đóng thuế phạt nếu không có bảo hiểm y tế.
Một khi không bị phạt, nhiều người, nhất là giới trẻ cảm thấy mình khỏe mạnh, sẽ không mua nữa. Họ không có bảo hiểm vì tự ý không muốn mua chứ không ai không cho họ mua như phe cấp tiến ám chỉ một cách thiếu lương thiện khi dùng danh từ ‘mất’. Không muốn mua bảo hiểm khác rất xa với 'mất' bảo hiểm. Chưa kể con số 13 triệu chỉ là giả tưởng, vì thật sự chẳng ai biết bao nhiêu người sẽ không mua bảo hiểm.
Trên phương diện kinh tế, việc không bắt buộc phải mua bảo hiểm sẽ chặn đứng một phần các mưu toan tăng phí bảo hiểm của các hãng bảo hiểm. Lý luận giản dị như abc: bắt thiên hạ mua, các hãng tha hồ tăng giá, thiên hạ không trốn đi đâu được. Trốn qua hệ thống Obamacare thì kẹt vì các hãng bảo hiểm bỏ Obamacare hàng loạt vì lỗ quá. Không bắt thiên hạ mua, tăng giá họ sẽ không mua nữa, các hãng bảo hiểm muốn bán, phải hạ giá thôi.
Có người nói sẽ có nhiều người bị ‘mất’ bảo hiểm thật vì bảo phí cao quá họ không mua nổi nữa. Ở đây có vài điểm những người chỉ trích không nói tới: 1) như vừa bàn, bảo phí có nhiều triển vọng sẽ giảm chứ không tăng, 2) luật Nhà Nước trợ cấp mua bảo hiểm vẫn chưa bị hủy bỏ, do đó, Nhà Nước vẫn trợ cấp tiền mua bảo hiểm nếu cần, và 3) số người thực sự không thể mua bảo hiểm sẽ rất nhỏ.
xxx

Tóm lại, giảm thuế có lợi cho 85% dân đang phải đóng thuế, ngoài ra chẳng ảnh hưởng gì đến những người 'nghèo' hồi nào đến giờ không đóng thuế gì hết. Thế nhưng ta thấy trên TV và báo toàn là chỉ trích và sỉ vả. Tại sao? TTDC chiả tay la hoảng “chúng ta chỉ được trừ có vài ngàn trong khi Bill Gates được trừ vài triệu, bất công quá!”. Hay là "triệu phú được cắt thuế nhiều quá, ai đóng tiền foodstamps cho tôi?".
Trong mục đích đánh phá TT Trump, TTDC và phe cấp tiến cố tình khai thác, kích động cái tính ỷ lại, tham lam, so bì, ganh tỵ, trong bản tính mỗi người. Để rồi giảm thuế cho dân vẫn là cái tội.
Đọc TTDC, người ta có cảm tưởng là mấy anh ‘nhà giàu’ đều là những tay ma quỷ hắc ám chuyên cướp của giết người chiếm đoạt tài sản thiên hạ, do đó chúng cần phải bị đè ra trấn lột hết tiền bạc của cải, trả lại cho dân cùng đinh hay dân nằm nhà chờ oeo-phe. Cứ ‘giàu’ là đã có tội rồi. Nghe hao hao như Mao và Hồ đang nói chuyện.

Sự thật khác xa. Hầu hết dân ‘nhà giàu’ ở Mỹ đều là những người tài giỏi, cật lực làm việc (người giàu nhất thế giới, Jeff Bezos, chủ Amazon, với gia tài 100 tỷ đô, vẫn làm việc không dưới 14 tiếng một ngày). Phần lớn họ từ hai bàn tay trắng đi lên. Không ai là thành phần ăn cướp, cũng chẳng ai làm giàu nhờ tham nhũng kiểu các quan đỏ. Tại sao họ chịu khó và thông minh nên giàu có là ta phải tìm cách lấy bớt tiền của họ? Nhờ những ‘nhà giàu’ sở hữu đủ loại đại công ty này mà chúng ta mới có công ăn việc làm. Hãy nghĩ lại xem Amazon hay Apple, họ đã cung cấp bao nhiêu trăm ngàn jobs cho thiên hạ? Theo phe cấp tiến, có lẽ phải đánh thuế cho tới khi họ phá sản, trở lại nghèo như quý độc giả và kẻ này thì mới là công bằng. Bình đẳng trước chén bo bo của CS.
Còn nói về những người chẳng làm gì, nhưng giàu vì hưởng gia tài, thì câu hỏi là gia tài đó từ đâu ra? Có phải bố mẹ hay ông bà của họ cầy cuốc mà ra không? Quý vị đi làm cật lực, muốn có càng nhiều tiền để lại cho con cháu càng tốt. Đến khi quý vị đi theo các cụ, người ta nhẩy đến lấy hết gia tài để lại cho con cháu quý vị vì không phải tiền chúng làm ra. Quý vị nào ủng hộ ý kiến này xin mời ủng hộ đảng DC.

Cuộc tranh cãi về thuế hiện nay giữa hai khối DC và CH tóm lại chỉ phản ảnh hai cái nhìn khác biệt: DC nhìn thuế như công cụ tạo bình đẳng xã hội bằng cách tái phân phối lợi tức, lấy tiền nhà giàu để trợ cấp cho nhà nghèo, khiến cả nước nghèo ngang nhau (mục đích 3); CH nhìn thuế như công cụ tăng trưởng kinh tế, giảm thuế nhà giàu và công ty để họ đầu tư vào kinh tế khiến cho cả nước giàu lên (mục đích 2). Ở đây, hình ảnh quen thuộc là cái bánh pizza: một là chia cái bánh hiện có ra cho đồng đều hơn, mỗi người đều có phần, nhưng cái phần đó mỗi ngày mỗi nhỏ đi; hai là làm cho cái bánh đó lớn ra, phần mỗi người không đồng đều nhưng mỗi người đều thấy phần của mình lớn ra.

Chống đối là điều dễ hiểu. Điều khó chấp nhận là những lập luận xuyên tạc thiếu lương thiện, dùng lời lẽ dối trá lừa gạt những người ít hiểu biết.
Rất có thể đây là canh bạc vĩ đại của đảng CH. Cải tổ thuế thành công, DC không có hy vọng nắm quyền ít nhất cho tới năm 2024. Nếu cải tổ thất bại, không mang lại phát triển kinh tế, công ăn việc làm cho dân thì hậu quả cho CH có thể thấy ngay vào cuộc bầu cử năm tới vì dân Mỹ không đủ kiên nhẫn chờ năm ba năm xem tác động thực sự của giảm thuế ra sao.
Tất cả các nghị sĩ và dân biểu DC, không có một người nào biểu quyết phê chuẩn luật thuế mới. Bà Nancy Pelosi, lãnh tụ khối DC tại Hạ Viện, tuyên bố “Đây là tận thế!”. TTDC nhất loạt đả kích và truyền thông tỵ nạn ta chăm chú thông dịch.

Một câu đố vui nữa cho quý vị:
Đố quý vị biết qua năm 2018, những người chống đối này sẽ làm gì?

Câu trả lời: sẽ không có tới một người xuống đường biểu tình đòi thu hồi luật thuế mới, ngoan cố đòi đóng mức thuế cao như cũ. Tất cả, từ bà Pelosi tới các cụ tỵ nạn, sẽ rất bận điều nghiên luật mới thật kỹ để xem mình có thể trừ được bao nhiêu tiền thuế. Chửi thì chửi, bớt được đồng nào vẫn cố lấy cho bằng được!

Vũ Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét