Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Lý do 'sát thủ diệt hạm' Trung Quốc khó đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Lý do 'sát thủ diệt hạm' Trung Quốc khó đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Tàu sân bay Mỹ được bảo vệ bởi những lưới phòng thủ dày đặc và được thiết kế rất vững chãi, rất khó bị chìm trước tên lửa đối phương.

Thứ hai, 21/1/2019, 01:00 (GMT+7)
Lý do khiến Trung Quốc khó lòng đánh chìm tàu sân bay Mỹ
Hệ thống phòng thủ trên tàu sân bay Mỹ trong một cuộc diễn tập. Video: US Navy.
Chuẩn đô đốc La Viện, phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, tháng trước gây tranh cãi khi tuyên bố Bắc Kinh có thể khiến Washington "sợ hãi" bằng cách đánh chìm hai siêu tàu sân bay và làm 10.000 thủy thủ thiệt mạng. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là tuyên bố mang tính gây sốc, do Trung Quốc khó lòng đánh chìm được hàng không mẫu hạm Mỹ ngay cả khi được trang bị các loại tên lửa đạn đạo chống hạm được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay", theo Business Insider.
"Không phải tự nhiên mà tàu sân bay được coi là biểu tượng sức mạnh và niềm tự hào của quân đội Mỹ. Trung Quốc có thể loại khỏi vòng chiến một hoặc hai trong 11 hàng không mẫu hạm Mỹ, nhưng đánh chìm chúng là vấn đề khác hẳn. Đó không phải điều bất khả thi, nhưng sẽ cực kỳ khó khăn", đại tá hải quân Talbot Manvel, người tham gia thiết kế siêu tàu sân bay lớp Ford, cho biết.
Một trong những ưu thế của tàu sân bay là khả năng sống sót ngay cả khi trúng hỏa lực dữ dộicủa đối phương. Điều này được thể hiện trong đợt tập trận bắn đạn thật bắt đầu ngày 19/4/2005 với mục tiêu là siêu tàu sân bay bị loại biên USS America có lượng giãn nước hơn 85.000 tấn.
Trong đợt tập trận, hải quân Mỹ đã dùng nhiều vũ khí như tên lửa hành trình, ngư lôi và bom để đánh phá USS America. Con tàu trụ vững sau gần 4 tuần hứng chịu các đòn tấn công dữ dội, một phần nhờ thân tàu được chia thành nhiều khoang kín nước, hạn chế việc nước biển tràn vào làm chìm tàu. USS America cũng không mang theo nhiên liệu và bom đạn, hạn chế khả năng cháy nổ làm hư hại thân vỏ.
Tới ngày 14/5, hải quân Mỹ kích hoạt các khối chất nổ ở những vị trí hiểm yếu, giúp con tàu nhanh chóng chìm xuống biển. Kết quả của đợt bắn thử nghiệm vẫn là bí mật quốc gia của Mỹ, tới nay chỉ có một bức ảnh chụp lại thời điểm USS America bắt đầu chìm được công bố.
"Không quá khó để bắn trúng một tàu sân bay. Tuy nhiên, trừ khi đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân, các hàng không mẫu hạm Mỹ có thể chịu đựng thiệt hại rất lớn. Trong trường hợp USS America, chỉ riêng kích thước khổng lồ đã giúp tăng đáng kể khả năng sống sót của nó", đại tá Manvel nói thêm.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan với dàn tiêm kích trên mặt boong. Ảnh: US Navy.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan với dàn tiêm kích trên mặt boong. Ảnh: US Navy.
Mỗi tàu sân bay có nhiều khoang kín nước độc lập, thủy thủ đoàn có nhiệm vụ cách ly chúng nếu tàu trúng đạn ở vị trí dưới mực nước biển. Hàng không mẫu hạm có nhiều khoang tới mức chúng không thể chìm trừ khi nước biển ngập vào phần lớn khu vực trọng yếu.
Loại thép dùng để chế tạo tàu sân bay cũng có độ bền cao, khó bị phá hủy hơn vật liệu thông thường. "Các tàu lớp Nimitz và Ford có nhiều lớp thép bảo vệ dưới đáy và hai bên sườn, cùng khoảng trống giúp phân tán luồng nổ từ đầu đạn đối phương", Manvel tiết lộ. Những lớp bảo vệ này cũng được thiết kế để ngăn thiệt hại lan tới kho vũ khí, nơi chứa bom và tên lửa cho các tiêm kích hạm.
Hải quân Mỹ cũng chú trọng cách vận chuyển vũ khí trên tàu sân bay, nhằm bảo vệ các loại bom và tên lửa hết mức trong quá trình vận hành. Nhiều biện pháp cũng được áp dụng để giảm số lượng bề mặt nóng có khả năng kích nổ nhiên liệu và vũ khí trong chiến đấu.
Mỗi hệ thống đều có hàng loạt thiết bị dự phòng, khiến đối phương khó hủy diệt hoàn toàn sức chiến đấu và khả năng cơ động của tàu sân bay.
Quân đội Trung Quốc đang triển khai nhiều vũ khí được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay Mỹ", như tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26 có khả năng mang đầu đạn thông thường và hạt nhân, cũng như hàng loạt dòng tên lửa hành trình diệt hạm và ngư lôi hạng nặng.
"Bắc Kinh có nhiều phương án tấn công, trong đó tên lửa đạn đạo sẽ vô hiệu hóa không đoàn tàu sân bay và phá hủy mặt boong, nơi máy bay cất hạ cánh. Tên lửa hành trình có thể nhằm vào nhà chứa phi cơ và cấu trúc thượng tầng, nơi đặt các đài chỉ huy cùng toàn bộ hệ thống cảm biến. Tuy nhiên, những mục tiêu này đều nằm cách xa mặt nước và khó lòng khiến tàu sân bay bị đánh chìm", Bryan Clark, chuyên gia thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA), nhận xét.
Tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: Reuters.
Tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: Reuters.
Với chiều dài 335 m và lượng giãn nước 100.000 tấn, các tàu sân bay lớp Nimitz và Ford của Mỹ được ví như pháo đài nổi, đủ sức đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau. Chúng được trang bị nhiều vũ khí phòng thủ như tên lửa tầm ngắn RIM-116 và hệ thống phòng thủ cực gần (CIWS) Phalanx.
"Nếu thực sự muốn hủy diệt hàng không mẫu hạm Mỹ, Trung Quốc sẽ phải lựa chọn ngư lôi. Việc chống ngư lôi rất khó khăn và chưa được hoàn thiện, khiến chúng là mối đe dọa lớn nhất với nhóm tác chiến tàu sân bay", Clark nói thêm.
Hải quân Nga và Trung Quốc đang biên chế nhiều tàu ngầm có khả năng ẩn mình dưới lòng biển, cùng kho vũ khí uy lực được thiết kế để hủy diệt cả nhóm tác chiến tàu sân bay.
Hồi năm 2006, một tàu ngầm diesel - điện lớp Type-039 Trung Quốc đã vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Kitty Hawk, trước khi nổi lên sát chiến hạm này trên Biển Hoa Đông. Sự việc khiến hải quân Mỹ phải đánh giá lại cách đối phó với tàu ngầm Trung Quốc.
Washington hiểu rõ hiểm họa từ tàu ngầm và đầu tư nhiều nguồn lực để đối phó với loại vũ khí này. Các chiến hạm và trực thăng săn ngầm trong nhóm tác chiến tàu sân bay đều được lắp hệ thống định vị thủy âm (sonar) hiện đại, nhằm phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm đối phương trước khi chúng kịp vào tầm bắn.
Hải quân Mỹ cũng chú trọng năng lực tác chiến điện tử để ngăn tên lửa đối phương tìm tới mục tiêu. "Điều này khiến tên lửa Trung Quốc mất đi độ chính xác và khó lòng đánh trúng một tàu sân bay đang di chuyển ở cách 1.500 km", Clark nhận xét.
Trong trường hợp biện pháp gây nhiễu vô hiệu, tàu sân bay có thể dựa vào không đoàn trên hạm với hàng chục tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler và phi cơ cảnh báo sớm E-2 Hawkeye. Chúng có thể tạo ra vùng đệm an toàn có bán kính hàng trăm km để ngăn chặn tên lửa và chiến hạm đối phương.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan trên Thái Bình Dương cuối năm 2018. Ảnh: US Navy.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan trên Thái Bình Dương cuối năm 2018. Ảnh: US Navy.
Ngoài hệ thống phòng thủ sẵn có, tàu sân bay luôn di chuyển với nhóm hộ tống gồm ít nhất một tuần dương hạm lớp Ticonderoga và hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke. "Bạn sẽ phải phóng hàng trăm tên lửa nếu muốn xuyên thủng lá chắn bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng bất khả xâm phạm", Clark nói thêm.
Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh đủ sức phóng 600 tên lửa liên tiếp và gây quá tải lưới phòng thủ của một nhóm tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Trung Quốc, khi họ phải quyết định phóng bao nhiêu tên lửa chỉ để vô hiệu hóa một trong 11 tàu sân bay Mỹ mà không bảo đảm đánh chìm được nó.
"Hàng không mẫu hạm có thể bị đánh chìm nếu có đủ thời gian, nhưng chúng được trang bị nhiều lớp bảo vệ và thủy thủ đoàn được huấn luyện kỹ càng trong việc kiểm soát thiệt hại. Mỗi tàu có thể hứng chịu hư hại nghiêm trọng, nhưng vẫn đủ sức sống sót rời vùng chiến sự và trở lại chiến đấu sau này", Clark kết luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét