Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Thương mại: Thể chế độc đoán khiến Trung Quốc vất vả khi đáp trả Mỹ Mai Vân

Thương mại: Thể chế độc đoán khiến Trung Quốc vất vả khi đáp trả Mỹ

media
Quảng cáo cho cuộc triển lãm về nhập khẩu của Trung Qốc (China International Import Expo -CIIE) . Ảnh 17/10/2018.REUTERS/Aly Song
Từ ngày tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại đánh vào Trung Quốc, giới quan sát đã ghi nhận các dấu hiệu lúng túng của Bắc Kinh trong việc đề ra những biện pháp đáp trả. Đây là điều đáng chú ý trong bối cảnh Trung Quốc không thiếu chuyên gia và viện nghiên cứu để làm cố vấn cho chính phủ.
Trong một bài viết đăng hôm 22/10/2018 vừa dưới tựa đề : « Giới chuyên gia Trung Quốc tự « sàng lọc » các giải pháp cho cuộc chiến thương mại trước khi trình cho các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh », nhật báo Hồng Kông South China Morning Post đã không ngần ngại cho rằng sở dĩ Trung Quốc phải vất vả trong việc tìm ra đối sách thích hợp chống lại các ngón đòn của Mỹ, đó là vì các chuyên gia mà Bắc Kinh yêu cầu cho ý kiến đã không làm tròn chức năng cố vấn, một phần vì nghiên cứu chưa thấu đáo, một phần khác là vì không dám nói thẳng để tránh làm phật ý cấp trên hay chỉ đưa ra những khuyến nghị phù hợp với quyền lợi những người hậu thuẫn cho họ.
Tờ báo Hồng Kông đã trích dẫn các nguồn tin thân cận với chính quyền Trung Quốc và giới quan sát ngoại giao, để nêu bật tình trạng là giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã phải tự tìm ra đáp án trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung hiện nay, vì những chuyên gia Trung Quốc hàng đầu được tham khảo đã chỉ đưa ra những thông tin « có chọn lọc » để tránh tác hại đến cấp trên trực tiếp của họ.
Theo South China Morning Post, giới nghiên cứu Trung Quốc còn bị trói tay do các quy định hạn chế việc ra nước ngoài tìm hiểu, do đó khả năng đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng nhằm đáp trả các ngón đòn tấn công thương mại của tổng thống Mỹ, cũng bị giới hạn.
Chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ
Nhật báo Hồng Kông trước hết ghi nhận là trong 6 tháng kể từ khi Mỹ áp thuế 25% trên 50 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã rất bực tức vì những những chuyên gia được tham khảo chỉ lo đến quyền lợi những người tài trợ cho họ. Trong một số trường hợp, các chuyên gia cố vấn này lại chưa nghiên cứu vấn đề một cách đúng đắn.
Cuộc chiến thương mại ngày một leo thang đã làm dấy lên một làn sóng trong giới tinh hoa của Trung Quốc, xem xét lại các chính sách của Nhà Nước, và phê phán đội ngũ chuyên gia làm cố vấn cho chính phủ.
Một trong những chính sách bị soi rọi là sáng kiến Con Đường Tơ Lụa mới của ông Tập Cận Bình, thể hiện ý muốn công khai phô trương uy lực của Trung Quốc, đã bị chỉ trích là đã làm dấy lên tâm lý bài Trung Quốc tại Mỹ.
Việc tập trung nâng đỡ và xây dựng các đại tập đoàn nhà nước cũng bị phê phán là tạo điều kiện để Trung Quốc bị phân biệt đối xử trên thị trường thế giới.
Một nguồn tin nhận định rằng : « Một số trung tâm tham vấn đã tranh thủ cơ hội này để thúc giục cải tổ, một số thì cho là Trung Quốc phải duy trì thái độ cứng rắn. Ý kiến rất khác nhau và bất đồng rất lớn là một điều tốt, nhưng điểm thất vọng lớn nhất đến từ một số trung tâm đã không nói lên sự thật. »
Theo các nguồn tin mà South China Morning Post trích dẫn, chính quyền Bắc Kinh chẳng hạn đã rất muốn hiểu rõ xem doanh nhân nước ngoài thực sự nghĩ gì, và đã yêu cầu các trung tâm tham vấn cung cấp thông tin.
Vấn đề là một số think tank trực thuộc nhà nước, dù nắm trong tay các dữ liệu có được nhờ các kênh liên lạc giữa các phòng thương mại nước ngoài, nhưng lại chỉ đưa lên những thông tin mà họ đã chọn lọc trước theo chiều hướng có lợi cho cơ quan trực tiếp quản lý họ.
South China Morning Post nhận định : Nếu chỉ căn cứ vào những thông tin chỉ nhằm phục vụ các lợi ích cục bộ đó, thì các lãnh đạo trung ương khó có thể có được những phân tích đúng đắn, chính xác về những gì mà doanh nhân nước ngoài nghĩ về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung.
Hơn 500 think tank nhưng hiệu quả công việc kém cỏi do cơ chế
Trung Quốc có hơn 500 trung tâm tham vấn hay viện nghiên cứu có đăng ký, so với 1 800 của Mỹ. Đa số think-tank Trung Quốc đều được chính quyền hậu thuẫn. Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc tài trợ những cơ quan này trong những năm gần đây. Trong bảng xếp hạng của viện Lauder, Đại học Pennsylvania, công bố đầu năm 2018, think tank hàng đầu của Trung Quốc đứng thứ 29 trên tổng số170 viện nghiên cứu nổi bật của thế giới. Thế nhưng cho đến gần đây, các think tank Trung Quốc có rất nhiều vấn đề.
Giáo sư Lý Trung Thượng (Li Zhongshang) thuộc đại học Nhân Dân Bắc Kinh, từng làm việc với Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc tại Úc, trả lời tờ báo Hồng Kông đã cho rằng « tính chất manh múm, biệt lập và phục vụ quyền lợi cơ quan lãnh đạo trực tiếp luôn là vấn đề đối với các trung tâm tham vấn Trung Quốc. Trong bối cảnh việc tìm nguồn tài trợ dễ dàng hơn trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu vẫn coi trọng việc đảm bảo nguồn tài chính và làm vừa lòng giới bảo trợ. Họ cũng không quan tâm nhiều đến chất lượng nghiên cứu vì họ biết là khó mà ảnh hưởng được trên giới hoạch định chính sách với kết quả nghiên cứu của họ - khác với tình hình tại Mỹ ».
Lý Quốc Cường (Li Guoqiang), nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Quốc Vụ Viện Trung Quốc (Development Research Centre of the State Council), thì chỉ trích « một số nhà nghiên cứu chỉ ngồi trước máy tính, không dám đi thực địa. Không ai có thể dựa trên những nghiên cứu như thế để đối phó với những vấn đề trong thực tế ».
Các nhà nghiên cứu trong liên minh các trung tâm tham vấn mà bộ Tài Chính Trung Quốc thành lập, đánh giá là công cuộc nghiên cứu của Trung Quốc về Mỹ hiện không đủ sâu để cho phép Bắc Kinh đối phó tốt với tranh chấp thương mại mà Mỹ khởi xướng, cho dù ngay từ năm 2016, trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã hứa là đáp trả việc cho là Trung Quốc vi phạm quy tắc thương mại. Và chính quyền Trump tiếp tục gia tăng tấn công vào Trung Quốc trước bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Để đẩy mạnh nghiên cứu về Mỹ và đưa ra chính sách hữu hiệu đáp trả lại cuộc tấn công của tổng thống Mỹ, bộ Tài Chính Trung Quốc, vào tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên đã liên kết 20 trung tâm tham vấn, gộp chung các think tank thuộc Ủy Ban Nhà Nước về Phát Triển và Cải Tổ, bộ Thương Mại, bộ Tài Chính, bộ Ngoại Giao, Viện Hàn Lâm Khoa Hóc Xã Hội và một số trường Đại Học.
Giới nghiên cứu bị hạn chế xuất cảnh
Luật lệ xuất cảnh khiến giới nghiên cứu về Mỹ không có kinh nghiệm thực tế. Theo South China Morning Post, đây cũng là nguyên do khiến đối sách chống chiến tranh thương mại do Washington khởi động thiếu hiệu quả.
Theo tờ báo Hồng Kông, các chuyên gia nghiên cứu đã phàn nàn là họ chỉ được phép đi Mỹ trong một thời hạn ngắn, nhiều khi chỉ ở một tuần lễ, quá ngắn để tìm hiểu, trao đổi với đối tác Mỹ.
Ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), sáng lập viên và chủ tịch Trung Tâm Toàn Cầu Hóa Trung Quốc (Centre for China and Globalisation), đã cho rằng khâu giao lưu Mỹ Trung là một điểm then chốt trong lúc này, nhưng nỗ lực để hiểu rõ cuộc chiến thương mại lại bị luật lệ giới hạn xuất cảnh cản trở.
Theo ông Vương, bên cạnh quan hệ ngoại giao song phương, cần phải tìm hiểu sâu hơn về số liệu thương mại Mỹ, về luật lệ Mỹ, về công nghiệp Mỹ, những lãnh vực mà nghiên cứu đến giờ còn rất nhiều thiếu sót.
Một số nguồn tin cho biết là Bắc Kinh vẫn chưa dứt khoát được về những bước tiếp theo trong cuộc chiến thương mại hiện nay : « Trước mắt thì Trung Quốc vẫn duy trì thái độ chờ xem, trong lúc thì tổng thống Trump rất chủ động. »
Phát biểu tại Bali (Indonesia) hôm Chủ Nhật 21/10/2018 vừa qua bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF và Ngân Hàng Thế giới, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Dịch Cương (Yi Gang) cho là nước ông đang tìm cách giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ một cách « xây dựng ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét