Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Cộng Trên Bàn Cờ Biển Đông Nguyễn Thứ Dân


Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Cộng Trên Bàn Cờ Biển Đông



Nguyễn Thứ Dân
(Đặc San Lâm Viên)

Hôm thứ Năm vừa qua tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng tin Tổng Thống Trump sẽ gặp Tổng Bí Thư Tập Cận Bình (Xi Jinping) tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 11 tới đây.

Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ, Steven Mnuchin, và Giám Đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia Larry Kudlow được cho là đang thúc đẩy cuộc họp. Theo WSJ thì các giới chức có thẩm quyền cho biết rằng ông Trump đã đặt ra một nhóm chuyên viên để lập kế hoạch cho cuộc họp thượng đỉnh với họ Tập. Một trong những người tham gia vào kế hoạch này là Christopher Nixon Cox, cháu trai của cựu Tổng thống Richard Nixon, người đã có chuyến đi đến Trung Cộng (TC) năm 1972 với kết quả là dẫn đến quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Trong khi đó, nhóm lập kế hoạch ở phía TC có Liu He, đặc sứ kinh tế của họ Tập ...

Một nguồn tin thông thạo với các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ đã đã tỏ vẻ hoài nghi về thành quả của cuộc họp đã đưa ra lời nhận xét "Kế hoạch là để thực hiện được việc đưa Tổng Thống Trump vào cùng phòng họp với họ Tập, như thế cũng đủ để xem là một thành công nhỏ và tuyên bố là đã làm xong việc."

Không rõ Đại Diện Thương Mại Mỹ, Robert Lighthizer, có cùng chung suy nghĩ với Mnuchin (Bộ Trưởng Tài Chánh) và Kudlow (Giám Đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia) hay không, và phía TC rất cảnh giác với bất kỳ cuộc đàm phán nào không có đầy đủ sự hỗ trợ của người đứng đầu USTR  (United States Trade Representative - Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ).

Ngay cả khi có được một thỏa thuận để giảm thiểu một số căng thẳng ngắn hạn, các vấn đề an ninh và chiến lược rộng lớn vẫn còn. Bài phát biểu của Phó Tổng Thống Mike Pence tuần trước đã cho thấy rõ ràng có nhiều vấn đề rắc rối hơn chứ không phải là chỉ mối quan hệ về giao dịch giữa hai quốc gia.

Vài tháng qua chính phủ của ông Trump đã cho TC biết rõ rằng quan điểm căn bản của Hoa Kỳ đối với TC đã thay đổi và vì vậy bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng sẽ chỉ là một hành động trì hoãn có lợi để cho TC có thời gian chuẩn bị đối phó với những khó khăn hơn nhiều về quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ.

Trong khi đó cái loa tuyên truyền của nhà nước TC, Tân Hoa Xã (Xinghua), đã cho đăng ít nhất là 8 bài trả lời tấn công bài phát biểu của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence trong tuần lễ vừa qua. Văn Phòng Lý Thuyết của Bộ Tuyên Truyền Trung Ương (The Central Propaganda Department’s Theory Bureau) cũng đã đăng hai bài phản biện lời bình luận của Phó Tổng Thống Pence trên tờ Nhân Dân Nhật Báo (People's Daily) tuần này. Có những lo ngại rằng áp lực của Hoa Kỳ sẽ dẫn đến chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo thủ đang gia tăng ở TC. Nếu điều này xảy ra thì có thể sẽ đưa đến "Chiến Tranh Lạnh Thứ Ba" hoặc, tai hại hơn, chiến tranh vũ trang giữa TC và Hoa Kỳ.

Một việc vừa xảy ra được giới bình luận xem không những là rất lớn mà là chưa từng xảy ra, đó là việc một nhân viên của Bộ An Ninh Quốc Gia TC bị dẫn độ từ Bỉ về Hoa Kỳ vì tội gián điệp kinh tế.

Yanjun Xu, hay còn gọi là Qu Hui, hoặc Zhang Hui, đã bị bắt và bị buộc tội âm mưu và cố gắng thực hiện các hoạt động gián điệp kinh tế và ăn cắp bí mật thương mại từ nhiều công ty hàng không và không gian của Mỹ.

Yanjun Xu là Phó Giám Đốc một bộ phận của Cục An Ninh Quốc Gia Giang Tô của MSS, Cục thứ sáu. MSS là cơ quan tình báo và an ninh của TC có trách nhiệm về phản tình báo, tình báo nước ngoài và an ninh chính trị. MSS có quyền hạn rộng lớn ở TC để thực hiện hoạt động gián điệp cả trong và ngoài nước.

TC chắc sẽ có phản ứng về việc này bằng cách bắt một nhân viên tương đương của Hoa Kỳ đang ở trên Hoa Lục và buộc tội gián điệp để trả đũa. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại và việc TC hô hào tự lực có thể dẫn đến sự gia tăng gián điệp kinh tế liên quan đến mạng lưới Internet.

Nhật Bản vẫn đang tìm hậu thuẫn của dân chúng và các đảng phái chính trị trong nước ủng hộ việc thay đổi Hiến Pháp Hòa Bình để tái lập quân đội, chuyển từ tự vệ qua phản công hoặc tấn công một cách hữu hiệu trước sự đe dọa của TC và Bắc Hàn.

Ngày 14 tháng Mười vừa qua, Nhật Bản đã thực hiện một cuộc duyệt binh với sự tham dự của 4 ngàn binh sĩ, hàng chục chiến xa và phản lực cơ chiến đấu gồm cả phản lực cơ tàng hình F-35 tối tân nhất. Chủ tọa buổi lễ, Thủ Tướng Shinzo Abe đã quảng bá mối quan hệ quốc phòng của Nhật mở rộng đến tận châu Âu: "Các anh đang làm việc về các hoạt động cảnh báo và giám sát, hợp tác với các quốc gia đồng minh, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, New Zealand."

Qua những hoạt động quân sự của Nhật Bản trên Thái Bình Dương, những nhà phân tích cho rằng chủ đích của Nhật Bản là gửi một thông điệp rõ ràng đến TC.

Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của RAND Corp. nói: "TC đang chiếm ưu thế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mang lại những bất lợi to lớn cho Nhật Bản. Chính quyền Nhật Bản đang xây dựng một quân đội có khả năng ngăn chặn các hành động xâm lăng của TC và giúp các quốc gia trong khu vực cân bằng chính trị và quân sự chống lại quyền lực của TC."

Nhật Bản đã có những cuộc tập trận với Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn, Phi và trong tương lai có thể sẽ tuần thám Biển Đông cùng với Hải Quân Úc. Hồi đầu tháng Mười, lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai, tàu đổ bộ của Nhật đã hoạt động ở ngoại quốc khi tập trận chung với quân đội Hoa Kỳ và Phi Luật Tân ở đảo Luzon thuộc Biển Đông.

Việc Nhật Bản cân bằng lực lượng với TC xem ra là một việc khó khăn bởi cách biệt về địa dư, tài nguyên và nhân lực. Thành ngữ Hoa Kỳ có câu "Đừng bao giờ đánh thức một con cọp đang ngủ - Never wake a sleeping tiger" ngụ ý rằng đừng tạo ra những khó khăn không thể giải quyết được. Thế giới đã hơn một lần được chứng kiến khả năng chiến đấu anh dũng của quân đội Nhật Bản qua hai trận thế chiến vừa qua. Nhật Bản nay như một con cọp đang ngủ yên dưới chiếc chăn Hiến Pháp Hòa Bình, thì không nên đánh thức nó dậy. Thế nhưng sự hiểu biết của con người thì có hạn, mà lòng tham lại vô cùng. Ý muốn rồ dại của một vài lý thuyết gia ngông cuồng của TC muốn khôi phục một Đại Hán như thời cổ xưa có thể sẽ gục ngã dưới lưỡi kiếm của Nhật Bản hoặc bị các quốc gia Âu Tây, với văn minh và kỹ thuật vượt bực, đang chờ dịp để quay trở lại châu Á và xâu xé Hoa Lục một lần nữa như thời "Bát Quốc Liên Minh" ở đầu thế kỷ thứ 20 vừa qua.

Nguyễn Thứ Dân
(Đặc San Lâm Viên)

Tham khảo:

Axio China
https://www.axios.com/newsletters/axios-china

Why you're seeing more of Japan's military
https://www.cnn.com/2018/10/15/asia/japan-military-visibility-intl/index.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét