Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Tâm an vạn sự an, ung dung tự tại, tâm rộng thiên địa rộng, không người hiềm khích

Tâm an vạn sự an, ung dung tự tại, tâm rộng thiên địa rộng, không người hiềm khích
image.png
Cuộc sống không thể lúc nào cũng thuận tâm vừa ý, không thể chỗ nào cũng hoàn mỹ tinh khôi. Có lúc gặp phải những chuyện thị phi mà chúng ta có giải thích cỡ nào cũng chỉ là uổng sức phí công. Vậy chi bằng chúng ta hãy cười mà bỏ qua, thời gian sẽ trả lời tất cả.
Làm người, tâm an, vạn sự an, ung dung tự tại, tâm rộng, thiên địa rộng, không người hiềm khích.
Kể về người tâm rộng có thể bao dung thiên hạ, trong lịch sử từng có một câu chuyện nhỏ như sau:
Tại Đường Vân, Phụng Hóa, Trung Quốc có một gia thôn nhỏ tên là Uông Gia Thôn, trong thôn có hơn chục gia tộc: Lưu, Bối, Hồ, Thành, Đổng, Lạc, Chu, Mao, Trúc, Uông, Chung… cùng chung sống hòa thuận với nhau, tình thân như anh em một nhà. Tất cả những nét đẹp văn hóa truyền thống này đều được bắt nguồn từ Uông Thái Công của Uông gia mà hình thành.
Trước đây rất lâu, có một ngày lợn nuôi của nhà họ Uông xổng chuồng chạy sang giẫm hỏng hết rau trong vườn nhà họ Đổng. Người nhà họ Đổng phát hiện nên đã dùng gậy đánh chết lợn nhà họ Uông rồi đem làm thịt ăn. Người nhà họ Đổng ỷ nhà mình người đông thế mạnh, tự nhủ rằng nếu như người nhà họ Uông đến đòi thì sẽ đánh cho một trận nhớ đời.
Sau khi sự việc bị phát hiện, anh em nhà họ Uông tay cầm khí giới chuẩn bị động thủ với gia đình nhà họ Đổng. Uông Thái Công nói: “Lợn nhà mình giẫm hỏng rau người ta, theo lý thì phải bồi thường, mọi người đừng có gây chuyện nữa”. Các anh em con cháu nghe Uông Thái Công nói vậy thì đều không phục, Uông Thái Công phải cố gắng lắm mới ngăn chặn được sự phẫn nộ của mọi người.
Tuy nhiên sự việc bất ngờ xảy ra, ba ngày sau đó Đổng lão gia đột nhiên bị kịch bệnh qua đời. Uông Thái Công lấy đức báo oán, đích thân sang nhà họ Đổng giúp con cháu bên nhà họ Đổng lo liệu ma chay, đồng thời yêu cầu con cháu trong nhà sang đưa tang. Sự việc này khiến gia đình nhà họ Đổng vô cùng hối hận cảm kích tấm chân tình của Uông gia.
Một sự việc tưởng chừng như sắp xảy ra xung đột kịch liệt, bỗng nhiên lại được hóa giải một cách nhanh chóng. Anh em con cháu nhà họ Uông cũng vô cùng bội phục sự bao dung cũng như tầm nhìn xa trông rộng của Uông Thái Công. Từ đó về sau có bất kỳ việc gì xảy ra họ đều dùng tâm thái khoan dung độ lượng để đối đãi. Ngay cả người bên ngoài nghe thấy vậy cũng lần lượt kéo nhau đến ở khu vực lân cận nhà họ Uông.
Kể về người tâm rộng có thể bao dung thiên hạ, trong lịch sử từng có một câu chuyện nhỏ như sau:
Việc tưởng chừng như sắp xảy ra xung đột, bỗng nhiên lại được hóa giải bởi sự bao dung của Uông Thái Công.
Khoan dung không chỉ là thiện lương với người khác mà còn là thể hiện của trí tuệ, là đại trí tuệ có thể dung nạp tất cả mọi thứ trên đời.
Kỳ thực, được là phúc, nhưng mất ấy cũng lại là phúc. Được và mất, ai là người có thể phân biệt được rõ ràng là phúc hay họa? Vậy nên đừng để những giả tướng trước mắt làm mê mờ…
Có một câu chuyện khác cũng rất thú vị:
Trước đây có một tiểu hòa thượng rất ham chơi, tâm tư không hề đặt vào việc tu luyện. Tiểu hòa thượng thường xuyên trốn ra ngoài chơi đùa, lão hòa thượng tuy biết nhưng cũng không hề quở trách.
Một hôm khi trời đã ngả chiều hôm, trăng tròn lên cao trên đỉnh núi, những chú dế cũng bắt đầu cất vang khúc nhạc đêm du dương của mình. Tiểu hòa thượng không thể nhẫn chịu được nữa, chú muốn được tung tăng bay nhảy như những con nai vàng vui tươi bên dòng suối. Chú nghĩ ngoài kia trăng tròn vằng vặc, đêm thu trong vắt, gió thổi nhẹ nhàng, hương hoa nhè nhẹ khiến cho lòng người không khỏi xuyến xao. Gió thu phong cảnh tuyệt vời, nếu được đi dạo thì còn gì tuyệt hơn! Tuy nhiên giờ đây cửa đã khóa rồi, làm sao có thể ra ngoài dạo chơi đây?
Tiểu hòa thượng nảy ra một ý, chú mang chiếc ghế cao ra đặt ở chân tường phía sau bụi cây, rồi từ đó trèo tường nhảy ra ngoài dạo chơi. Đang đêm lão hòa thượng đi kiểm tra tự viên thì phát hiện có chiếc ghế ở chân tường, ông đoán chắc là tiểu hòa thượng ham chơi lại trốn ra ngoài rồi. “Được, ta sẽ ở đây đợi tiểu hòa thượng, nhân tiện giáo hóa trò ta một chút mới được”, lão hòa thượng nghĩ.
Đợi một hồi rất lâu lão hòa thượng nghe thấy có tiếng trèo tường, ông nhanh tay đem chiếc ghế ra chỗ khác rồi đứng dưới chân tường chống hay tay xuống đầu gối. Tiểu hòa thượng nhìn xuống chân tường, thấy đám đen đen cứ nghĩ đó là chiếc ghế hồi tối mình để nên nhón chân bước xuống. Đột nhiên một cảm giác hoàn toàn khác lạ, dưới chân là một thứ nhũn nhũn mềm mềm khiến chú giật mình suýt té ngã. Quay đầu nhìn lại hóa ra là sư phụ, chú ba chân bốn cẳng co chân chạy nhanh như một làn khói về phòng, rồi vội vàng nằm trên giường bấm bụng đợi sư phụ đến trách phạt. Tuy nhiên đợi mãi mà chẳng thấy gì, tiểu hòa thượng cũng ngủ luôn lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, trong buổi học kinh sáng, chú len lén nhìn sư phụ như thể cá nằm trong chậu đợi người xử lý. Tuy nhiên chỉ thấy lão hòa thượng rất nghiêm nghị lên lớp chứ không hề nhắc tới chuyện đêm qua khiến cho chú càng cảm thấy bất an. Mấy ngày qua đi, lão hòa thượng phát hiện tiểu hòa thượng đã không còn như trước, không còn ham chơi, trốn học ra ngoài nữa, lên lớp tham thiền học Pháp cũng chuyên tâm dụng chí hơn nhiều. Và cũng kể từ đó, tiểu hòa thượng bắt đầu bước trên con đường tinh tấn thường hằng, chuyên cần tu luyện trở thành một hòa thượng đức cao tuệ sáng.
Có một câu chuyện khác cũng rất thú vị:
Cũng kể từ đó, tiểu hòa thượng bắt đầu bước trên con đường tinh tấn thường hằng, chuyên cần tu luyện… 
Bao dung chính là cách giải thoát cho mọi con đường, cho mọi sai lầm trong cuộc sống. Đôi khi trừng phạt hay trả đũa lẫn nhau cũng chỉ là lấy sai lầm để đối đãi cái sai lầm mà thôi. Lão hòa thượng đối đãi với tiểu hòa thượng cũng như Uông Thái Công đối đãi với người nhà họ Đổng, nếu như dùng sự phê bình hay đối chất để mà dưỡng dục đúng sai thì sẽ chỉ gây ra phản tác dụng. Giáo dục tốt nhất chính là để người sai tự nhận biết chỗ không đúng của mình, như vậy mới có thể thành công.
Theo Soundofhope

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét