Quyền lực của tờ báo phanh phui bê bối Hồ sơ Panama
Vụ rò rỉ thông tin tài chính lớn nhất trong lịch sử bắt nguồn từ một tin nhắn nặc danh được gửi tới tờ báo Suddeutsche Zeitung nổi tiếng của Đức hơn một năm trước.
Bastian Obermayer (trái) và Frederik Obermaier là hai nhà báo của Suddeutsche Zeitung tham gia điều tra Hồ sơ Panama từ những ngày đầu tiên. Ảnh: New York Times
|
"Nguồn tin không đòi tiền hay bất cứ thứ gì ngoại trừ việc phải thực hiện một số biện pháp đảm bảo an ninh", tờ Suddeutsche Zeitung (Nhật báo Nam Đức) hôm 4/4 viết sau khi Hồ sơ Panama được công bố, tạo nên một cơn chấn động trên toàn cầu .
Hồ sơ Panama là tên gọi ngắn gọn dùng để chỉ số tài liệu của Mossack Fonseca, một công ty luật tại Panama, vừa được hé lộ, phơi bày một mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới, được lập ra để giúp người giàu trốn thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền.
Tương tự cách thức mà Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), hồi năm 2013 tiết lộ những chi tiết về chương trình theo dõi bí mật người dân của chính phủ nước này, nguồn tin nặc danh tiếp cận Suddeutsche Zeitung qua mạng Internet với lời hứa hẹn mơ hồ nhưng đầy mời gọi về một khối dữ liệu vô cùng quan trọng.
Nguồn tin nhất quyết yêu cầu chỉ sử dụng các phương thức liên lạc mã hóa và không gặp mặt trực tiếp. Người này nhấn mạnh tính mạng của anh hoặc chị ta có thể gặp nguy hiểm.
"Tôi muốn phơi bày những tội ác ấy", nguồn tin nói khi được hỏi lý do vì sao họ quyết định công bố mọi thứ.
Các nhà quan sát cho rằng lý do nguồn tin trên chọn tờ Suddeutsche Zeitung để gửi gắm những thông tin quan trọng này là vì đây là một trong những tờ báo quyền lực nhất của nước Đức, không ngần ngại đăng bất cứ vấn đề nhạy cảm nào, và gần như không có thế lực nào có thể cản trở được họ.
Quyền lực thứ tư
Ngày 10/6/1945, 5 tháng sau khi Thế chiến II kết thúc ở Đức, Suddeutsche Zeitung trở thành tờ báo đầu tiên của nước này được chính quyền quân sự Mỹ tại Baravia cấp giấy phép hoạt động. Trong số phát hành ngay tối hôm đó, tờ báo viết:
"Lần đầu tiên từ sau sự sụp đổ của phát xít, một tờ báo do chính người Đức vận hành đã được xuất bản ở Munich. Nó vẫn còn nhiều giới hạn bởi những nhu cầu chính trị hiện thời nhưng sẽ không bị ràng buộc bởi công tác kiểm duyệt hay bị kìm hãm bởi những hạn chế về lương tri".
Đến nay, đây dường như vẫn là tôn chỉ hoạt động của báo. Suddeutsche Zeitung được đánh giá là một trong những tờ báo uy tín, quyền lực và có sức ảnh hưởng hàng đầu ở Đức. Báo hiện sở hữu số lượng độc giả lớn, khoảng 4,4 triệu người cho cả phiên bản báo giấy và báo điện tử.
Hàng loạt nhà báo nổi tiếng của Đức đã hoặc đang gây dựng sự nghiệp tại tờ báo này. Heribert Prantl, trưởng ban tin trong nước thuộc Suddeutsche Zeitung, là một luật sư, cựu công tố viên, đồng thời là tác giả của những bài xã luận được trích dẫn nhiều nhất trên báo chí Đức. Hans Leyendecker là một trong những phóng viên điều tra kỳ cựu nhất nước Đức. Ông từng vạch trần nhiều bê bối chính trị và kinh tế tại quốc gia này. Một nhà báo nổi tiếng khác của Suddeutsche Zeitung là Rudolph Chimelli, chuyên viết về mảng chính trị, người đã làm việc cho báo từ năm 1957 tới nay.
Suddeutsche Zeitung trước đây cũng hợp tác với nhiều đơn vị báo chí, thông tấn để điều tra và phanh phui một số vụ việc lớn, điển hình như vụ ngân hàng HSBC chi nhánh Thụy Sĩ năm ngoái giúp các khách hàng giàu có trốn thuế hay bê bối thuế liên quan tới 340 công ty đa quốc gia ở Luxembourg bị phát giác hồi năm 2014.
Với uy tín và quyền lực như vậy, Suddeutsche Zeitung là tờ báo phù hợp nhất để có thể tiếp nhận, xử lý và đăng tải những thông tin tối mật liên quan đến một loạt quan chức, người nổi tiếng khắp thế giới.
Nguồn tin trong vài tháng sau đó dần dần cung cấp khoảng 2,6 TB dữ liệu về Mossack Fonseca cho Suddeutsche Zeitung. Tờ báo này cho hay họ nhận được khoảng 11,5 triệu tài liệu có từ những năm 1970, bao gồm các bức thư điện tử, file PDF, hình ảnh cùng hàng loạt văn bản lấy trong cơ sở dữ liệu nội bộ của Mossack Fonseca.
Các nhà báo Đức đã dành hơn hai tháng để xác minh những dữ liệu nhận được cũng như cố gắng để làm sáng tỏ mạng lưới các giao dịch bí mật vô cùng phức tạp.
Bastian Obermayer và Frederik Obermaier là hai phóng viên của Suddeutsche Zeitung tham gia dự án từ những ngày đầu. Nhóm điều tra của Suddeutsche Zeitung gồm tất cả 5 người. Họ trở nên "nghiện" công việc của mình và "thường nhắn tin cho nhau vào những thời điểm điên rồ, chẳng hạn như hai hay 4h sáng để trao đổi về phát hiện mới nào đó", Frederik cho biết.
Nỗ lực của làng báo quốc tế
Tuy nhiên, Suddeutsche Zeitung sớm nhận ra rằng những dữ liệu mà họ có là một kho thông tin đồ sộ mà không một hãng thông tấn hay cơ quan báo chí nào có thể một mình xử lý. Bởi vậy, Suddeutsche Zeitung đề nghị hợp tác cùng Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ), tổ chức có kinh nghiệm trong việc phối hợp thực hiện các cuộc điều tra xuyên quốc gia.
Một mạng lưới gồm khoảng 400 nhà báo từ 80 nước nhanh chóng hình thành. Họ tiếp tục dành hàng tháng trời để nghiên cứu, phân tích các dữ liệu đang nắm trong tay. Những đối tác báo chí bao gồm The Guardian và BBC của Anh, El Confidencial từ Tây Ban Nha, Le Monde của Pháp, Falter và ORF của Áo, Sonntagszeitun của Thụy Điển và L’Espresso từ Italy. Nhiều tờ báo từng có thời gian hợp tác với ICIJ trong các dự án điều tra về "thiên đường trốn thuế" khác.
Giới quan sát đánh giá Hồ sơ Panama là một nguồn dữ liệu mật đáng kinh ngạc. Số lượng quá lớn cũng như tính phức tạp của chúng khiến các nhà báo không thể chỉ đơn giản tiếp cận theo các cách thông thường.
ICIJ đã huy động một đội ngũ nhà báo cùng các chuyên gia dữ liệu hàng đầu giúp sàng lọc cũng như giải thích dữ liệu. Họ xây dựng hẳn một hệ thống máy tính hiện đại, có thể sánh ngang với mạng lưới của các cơ quan tình báo, hãng luật hay những tập đoàn lớn, để phục vụ cho công tác xử lý, phân tích, đánh giá thông tin.
Thông qua mạng lưới các đối tác báo chí, nhóm phóng viên điều tra đã tổng hợp nên một chuỗi dữ liệu về các vấn đề thuế của những người giàu có và quyền lực nổi tiếng thế giới.
Theo Suddeutsche Zeitung, quá trình điều tra Hồ sơ Panama đã cho thấy một nỗ lực hợp tác quốc tế lớn nhất từ trước đến nay trong làng báo. Những đơn vị tham gia dự án thường gặp mặt ở Washington, Munich, Lillehammer hay London để "vạch ra các phương án nghiên cứu" vấn đề. Một số cuộc họp có số thành viên tham dự lên đến trên 100 người.
"Tại thời điểm mà nguồn tài nguyên tại các tòa soạn đang suy giảm như hiện nay, tôi nghĩ mô hình hợp tác xuyên quốc gia này là một hướng đi tốt", Luke Harding, một trong những nhà báo của The Guardian tham gia dự án, nhận xét. "Ai cũng gặp khó khăn, nhưng nếu cùng nắm tay nhau chúng ta sẽ làm được những điều tuyệt vời".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét