KHÚC QUANH QUAN TRỌNG
TẠI BIỂN NAM TRUNG HOA
Đại-Dương
Nói chuyện phải trái với nhau bằng lời hình như càng làm cho tình hình trên Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, tức Biển Đông Nam Á, tức Biển Tây Phi Luật Tân thêm phức tạp và nóng bỏng.
Chính sách ngoại giao trên hết của Tổng thống Barack Obama đã khuyến khích Chủ tịch Tập Cận Bình gia tăng hoạt động bành trướng, đe doạ, hiếp đáp ngày càng quyết liệt hơn đối với các quốc gia duyên hải Đông Nam Á.
Chiến dịch tự do hàng hải đã thực hiện 2 lần trong 3 tháng tại đảo nhân tạo Xu Bi ở Trường Sa và đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa không trọn nghĩa bởi vì Mỹ áp dụng chế độ “đi qua vô hại” được dùng trong hải phận 12 hải lý của một quốc gia có chủ quyền. Riêng đá chỉ được không quá 500 mét an toàn.
ASEAN phản ứng yếu ớt và không đồng lòng, ngoại trừ Phi Luật Tân và Tân Gia Ba công khai hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và Nhật Bản trong chủ trương chống bành trướng, bá quyền Trung Quốc tại Biển Đông. Đa số các nước ASEAN muốn các cường quốc biển và cộng đồng quốc tế tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông và chỉ trích thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong khi đó cứ tính chuyện đàm phán song phương với Trung Quốc hoặc tham vấn lẫn nhau.
Giới học giả, chuyên viên, chính trị gia và dư luận đã công khai thừa nhận biện pháp ngoại giao khó mang lại hoà bình, ổn định, an ninh, phát triển cho khu vực Biển Đông.
Ngăn chặn hành động bành trướng, bá quyền của Trung Quốc đang trở thành mục tiêu chính của các quốc gia có lợi ích trên Biển Đông cũng như cộng đồng quốc tế.
Tiến sĩ Jonathan London, Giáo sư trường Đại học Hồng Kông từ năm 2008 kêu gọi “Việt Nam lẫn thế giới cần tiêu chuẩn quốc tế về hành vi mà tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ”. Chính sách “3 không” do Bắc Kinh tác động không còn phù hợp khiến Việt Nam bị cô lập mà thiếu khả năng đối phó với Trung Quốc.
Chỉ một vài tháng nữa Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) về Luật Biển sẽ ra phán quyết về vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc từ đầu năm 2013 liên quan đến việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Phiên toà kết thúc sớm do Bắc Kinh từ chối tham dự vì cho Toà án Trọng tài không có thẩm quyền xét xử nên không biện bạch đúng yêu cầu. Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Toà.
Mặc dù vậy, PCA với 5 thẩm phán vẫn tiến hành xét xử đúng quy định trong UNCLOS.
Theo giới chuyên gia quốc tế, Toà sẽ phán Đường 9 Đoạn, tức Đường Chữ U do Trung Quốc kèm theo Hồ sơ Thềm lục địa đệ trình lên Uỷ ban Biên giới LHQ năm 2009 không có căn bản pháp lý vì diễn giải và áp dụng sai UNCLOS.
Nhằm chống lại phán quyết của UNCLOS nên Bắc Kinh cho thiết lập Trung tâm Pháp lý Hàng hải Quốc tế (International Maritime Judicial Center) được Chủ tịch Toà án Nhân dân Tối cao, Zhou Qiang báo cáo trước Quốc hội hồi tháng 3-2016.
Bắc Kinh muốn tăng cường uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Trung tâm để giải quyết các vấn đề liên quan đến kế hoạch “Một Vành Đai, Một Con Đường” (One Belt, One Road) và “Con đường Tơ lụa Hàng hải” (Maritime Silk Road) mà không hề tạo ra một cơ quan mới. Đồng thời, Trung tâm đòi quyền tài phán toàn bộ vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền như trên Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa.
Trung Quốc có thể tiến hành các vụ kiện song hành dù đang được thụ lý tại một toà án nước ngoài vì muốn áp đặt một bản án phù hợp với quyền lợi của Bắc Kinh. Như thế, đồng nghĩa với việc Trung Quốc xài luật riêng nên nguyên đơn sẽ đưa vụ kiện xuyên biên giới tới Hồng Kông, Luân Đôn, Tân Gia Ba, nơi có hệ thống pháp luật phát triển và đúng thời hạn vụ án.
Bắc Kinh chủ trương xác lập chủ quyền thực tế trên Nam Hải bất chấp phán quyết của PCA nên trang bị phi cơ J-11 cùng 2 hệ thống phòng không HQ-9 (tương đương với S-300 của Nga) tới đảo Phú Lâm và trực thăng săn tàu ngầm tới đảo Quang Hoà trong lòng chảo đã diễn ra trận hải chiến với Hải quân Việt Nam Cộng Hoà năm 1974. Quần đảo Hoàng Sa trở thành cứ điểm quân sự mạnh nhất trên Biển Đông.
Trung Quốc đang quân-sự-hoá 3 đảo nhân tạo Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi có phi đạo 3,100 m, cầu cảng cho mỗi đảo để phi cơ, tàu biển sử dụng cùng với radar cao tần nhằm biến tam giác này có khả năng khống chế toàn bộ Trường Sa, thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ), giám sát hải lộ quốc tế trên Biển Đông.
Hải quân Mỹ đang theo dõi hoạt động bất thường của tàu bè Trung Quốc tại Bãi Scarborough mà Bắc Kinh cưỡng đoạt của Phi Luật Tân năm 2012. Có thể, Bắc Kinh đang tiến hành khảo sát để biến nơi này thành cứ điểm quân sự nối với Hoàng Sa và Trường Sa thành sức mạnh khống chế ASEAN và kiểm soát hải lộ quốc tế thông qua Biển Đông.
Hoa Kỳ tiếp tục tăng quân số lên 365,000 binh sĩ tại Châu Á-TBD, đồng thời, bố trí chiến cụ hiện đại như F-22, F-35, P-8 Poseidon, oanh tạc cơ chiến lược B-2 và B-52. Điều động thuỷ bộ hạm mới nhất USS America LHA-6 và khu trục hạm tàng hình DDG 1000 tới đồn trú ở Nhật Bản. Hải quân Mỹ cũng bố trí 2 Hải đội Xung kích KHMH hoạt động ở Tây-TBD mà chưa có tiền lệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter công du Châu Á trong tháng tư, nhưng, không ghé Bắc Kinh như dự định mà chỉ tăng cường mối quan hệ với với Ấn Độ, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Đại Hàn.
Nhật Bản đã phái khu trục hạm trực thăng JS Ise tham gia Thao dượt Hải quân Đa phương do Indonesia tổ chức từ 14-16/4/2016, Chiến hạm đã thăm Subic Bay tuần trước có thể dễ dàng chuyển thành HKMH khi cần cho phi cơ F-35B và MV-22 trục xoay.
Hình thái đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông đã chuyển hướng từ ngoại giao sang quân sự.
Vì thế, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á ngoài tăng cường thực lực còn phải liên minh với các cường quốc biển mới có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo và duy trì an ninh, ổn định, phát triển tại khu vực Biển Đông cũng như Châu Á-Thái Bình Dương.
Đại-Dương
April 13, 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét