Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Bắc Cực, miếng mồi tranh giành giữa Na Uy, Nga, Mỹ, Canada

Bắc Cực, miếng mồi tranh giành giữa Na Uy, Nga, Mỹ, Canada

 
Na Uy, Đan Mạch, Nga, Mỹ và Canada đều muốn giành phần tại Bắc Cực. Khu vực phủ đầy băng tuyết chứa tới 535 tỉ đô la dầu nằm dưới đáy biển Barents, nếu tính với giá 50 đô la/thùng dầu ; khoảng 30% trữ lượng khí đốt và 13% trữ lượng dầu lửa chưa được phát hiện trên toàn thế giới được dự đoán nằm tại Bắc Cực.
Theo đặc phái viên tuần báo Le Point (số 2273, ra ngày 31/03/2016), hiện tượng Trái Đất ấm lên khiến băng tan càng làm các nước quanh Bắc Cực muốn độc chiếm nguồn tài nguyên dồi dào và mở rộng lãnh thổ.
Nga tái quân sự hóa Bắc Cực

Một mỏ dầu của Nga tại Bắc Cực.
Bắt đầu là Nga, nước có đường bờ biển dài nhất hướng ra Bắc Cực. Ngay từ năm 2013, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố trước một số tướng lĩnh thân cận : « Chúng ta sẽ trở lại Bắc Cực và chúng ta có mọi phương tiện cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia », với số lượng tầu phá băng gấp hai đến ba lần tổng số tầu của các nước quanh khu vực.
Chiến dịch tái quân sự hóa phương bắc của Nga được bắt đầu bằng việc điều quân nhân, xây dựng căn cứ mới, thiết lập 13 sân bay (trên các đảo Kotelny thuộc Tân Siberi và đảo Alexandra thuộc quần đảo Sedov thuộc các Vùng đất phía Bắc), triển khai hệ thống chống tên lửa tại nhiều địa điểm và lập khoảng 10 trạm radar (trên đảo Wrangel, ở mũi Schmidt hay Olenegorsk, trên bán đảo Kola nằm sát Na Uy), tăng gấp 3 lần số lượng chuyến bay quân sự nối liền vùng Baltic và Bắc Cực, tập dượt chống khủng bố tại Novaya Zemlya (tạm dịch là « Vùng Đất Mới » thuộc Nga)… Đặc biệt là cuộc tập trận « Vostok 2014 » có quy mô lớn nhất từ thời Liên Bang Xô Viết tan rã, với khoảng 100.000 quân nhân, hơn 1.500 xe tăng, 120 máy bay, 5.000 khẩu pháo, 70 chiến hạm…
Thế nhưng, một cố vấn quân sự của tổng thống Nga khẳng định : « Mục đích của Nga không phải quân sự hóa Bắc Băng Dương… mà chỉ lập các trung tâm cứu hộ. Nếu quân đội được kêu gọi tham gia, đó là vì lực lượng này có kinh nghiệm trong môi trường Bắc Cực ».
Phản ứng của các nước lân cận
Bốn quốc gia nằm cạnh Bắc Cực cũng nhanh chóng phản ứng trước bối cảnh Nga tăng cường hiện diện quân sự.
Hoa Kỳ tăng cường theo dõi bằng vệ tinh, điều tầu ngầm hạt nhân về phía Bắc Băng Dương. Tổng thống Obama từng thông báo đặt sản xuất một chiếc tầu phá băng mới, sự kiện mà 3 thập kỷ nay chưa hề xảy ra. Thậm chí, căn cứ quân sự Mỹ ở Keflavik (Island), bị đóng cửa từ hàng chục năm nay, cũng được mở cửa trở lại.
Để phản đối các chuyến bay của Nga ngày càng nhiều ở ngay sát biên giới, Na Uy cũng điều chiến đấu cơ của mình. Oslo quyết định tăng ngân sách quốc phòng thêm 9% cho năm 2016.
Còn tại Canada, cựu thủ tướng Stephen Harper, giữ chức trong gần 10 năm, từng phản đối gay gắt chính sách của tổng thống Putin tại Bắc Cực. Chính ông là người từng phát biểu : « Bắc Cực, hoặc chúng ta chiếm, hoặc chúng ta để mất », nhưng không thực sự chuyển sang hành động.
Nguyên nhân tranh chấp tại Bắc Cực
Nguyên nhân mối căng thẳng với Nga tại Bắc Cực được một nhà ngoại giao phương Tây giải thích « là do tình hình tại bán đảo Crimée và tại Ukraina ». Nhưng thực ra, căng thẳng đã xuất hiện ngay từ năm 1980 khi băng bắt đầu tan do Trái Đất ấm lên và tạo điều kiện thuận lợi cho bốn lĩnh vực : hàng hải, đánh bắt hải sản, khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển và mở rộng lãnh thổ.
Các nhà nghiên cứu dự đoán ngay trong thế kỷ này, giao thông hàng hải tại Bắc Băng Dương sẽ gặp thuận lợi ít nhất là vào 4 tháng mùa hè, giúp rút ngắn đáng kể thời gian so với hành trình qua kênh đào Suez hay Panama. Khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển cũng là mối bận tâm của các nước trong vùng, đặc biệt là đối với Na Uy và đảo Groenland (thuộc Đan Mạch). Cuối cùng, các nước trong khu vực đều tìm cách mở rộng lãnh thổ. Đan Mạch vẫn cương quyết giữ đảo Groenland, dù chính quyền địa phương đòi độc lập. Canada và Nga tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần dải Lomonosov, trải dài từ các đảo Tân Siberi đi qua cực Bắc tới đảo Groenland, mà mỗi nước tự nhận là vùng lãnh thổ kéo dài của mình.
Dù chưa giải quyết được vấn đề biên giới, các nước vẫn bắt tay vào khai thác. Nga đã để ba tập đoàn khai thác dầu khí Novatek (Nga), Total (Pháp) và CNPC (Trung Quốc) thực hiện một dự án khổng lồ tại đây. Ngoài ra còn kể tới dự án của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom tại khu Priraelomnoie ở biển Petchora. Na Uy mới mời thầu 54 bloc ngoài biển Barents, 26 công ty đã nộp đơn, trong đó có tập đoàn Shell. Hiện Mỹ vẫn bảo tồn vùng đất Alaska để giành những nguồn dự trữ cho mai sau, bằng cách phân phát nhỏ giọt giấy phép khai thác. Canada cũng làm tương tự với việc ưu tiên khai thác các mỏ kim loại (đồng, kim cương, kẽm…).
Thế nhưng, « giá dầu rớt thảm hại lại là một cơ may cho Bắc Cực và môi trường tại đây », theo nhận định của một nhà ngoại giao. Chi phí khai thác một thùng dầu tại đây đắt hơn so với các khu vực khác. Thêm vào đó là lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga khiến nhiều tập đoàn không dám hợp tác, trong khi đó, công nghệ khai thác ngoài khơi của Nga chưa thể sánh được với phương Tây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét