Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Hồ sơ Panama: Chân dung hãng luật Mossack Fonseca - “xưởng rửa tiền” của thế giới

Hồ sơ Panama: Chân dung hãng luật Mossack Fonseca -

 “xưởng rửa tiền” của thế giới Hồ sơ Panama: Chân dung hãng luật Mossack Fonseca - “xưởng rửa tiền” của thế giới

Jürgen Mossack và Ramón Fonseca đã tạo ra một con “quái thú” thực sự. Nhưng giờ đây, hai vị luật sư này lại phải tìm cách để ngăn không cho con “mãnh thú” này ăn thịt chính chủ nhân của mình.
Hồ sơ Panama: Chân dung hãng luật Mossack Fonseca - “xưởng rửa tiền” của thế giới


Trước khi Hồ sơ Panama vỡ lở, Mossack Fonseca đã nhiều lần dính đến bê bối về luật phát trong và ngoài nước. Ảnh: Vice

Sinh ra tại Đức và lớn lên tại Panama, Jürgen Mossack mới ngoài đôi mươi khi ông thành lập văn phòng luật đầu tiên vào năm 1977. Trước đó hai năm, ông tới London làm luật sư, nhưng trở lại Panama và bắt đầu gây dựng sự nghiệp riêng.
Từ đó tới nay, hãng luật của ông từng bước vươn mình trở thành một người khổng lồ toàn cầu, chiêu mộ hàng trăm nhân viên làm việc trên khắp thế giới. Nghiệp vụ chính của họ là giúp tầng lớp thượng lưu né thuế.
Cùng với đó, theo “Hồ sơ Panama”, Mossack Fonseca còn vướng vào nhiều hành vi bị tình nghi gian lận và phi pháp khắp các châu lục. Về phần mình, Jurgen Mossack và người đồng sáng lập - Ramón Fonseca - phủ nhận mọi cáo buộc.
“Quái thú”
Vụ rò rỉ tài liệu mật khổng lồ được tờ Süddeutsche Zeitung của Đức và Hiệp hội phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui hé lộ nhiều góc tối xung quanh công ty luật Mossack Fonseca.
Bộ tài liệu có dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến nay ghi nhận thỏa thuận giữa Mossack Fonseca với nhiều lãnh đạo quốc tế, các buổi thảo luận kín về kiện tụng, cũng như trao đổi về mánh lới giấu dòng tiền “bẩn”.
Phòng luật của Jürgen Mossack được đổi tên thành Mossack Fonseca vào năm 1986, sau khi sáp nhập với công ty luật nhỏ của Ramón Fonseca. Đây là một tiểu thuyết gia kiêm luật sư kiêm chính trị gia của Panama.
“Hai người chúng tôi đã cùng nhau tạo ra một con quái thú”, Fonseca từng tự mãn trả lời báo chí.

Juergen Mossack (trái) và Ramon Fonseca Mora. Ảnh: Heavy
Không chỉ giúp khách hàng “ẩn náu” tiền, bản thân Mossack Fonseca cũng nổi tiếng là một công ty “kín tiếng” trong giới luật sư chuyên tạo vỏ bọc pháp nhân cho nhóm siêu giàu. 
Tuy nhiên lịch sử 40 năm qua của hãng luật dần được phơi bày thông qua các báo cáo và hồ sơ kiện tụng.
Vụ cướp thế kỷ
Năm 1986, Mossack bị xem là liên đới đến những kẻ chủ mưu trong vụ cướp gây rúng động xảy ra tại nhà kho Brinks Mat ở sân bay Heathrow, London, Anh Quốc. 3,5 tấn vàng đã bị kẻ gian đánh cắp, trị giá 26 triệu Bảng thời bấy giờ.
Những kẻ thủ ác bắt trói bảo vệ, tẩm xăng và dọa sẽ cho một mồi lửa nếu họ không mở cửa hầm nhà kho. Bằng cách đó, chúng đã cướp đi gần 7.000 thỏi vàng, kim cương và tiền mặt.
Vụ cướp được mệnh danh là “Vụ cướp thế kỷ”, từng làm giới chức London một phen đau đầu.
Những đồng phạm bị cho là tiếp tay cho vua trộm Gordon Parry cất giữ chiến lợi phẩm không phải ai xa lạ, mà chính là hai luật sư Jürgen Mossack và Ramón Fonseca.
Mossack Fonseca đã lập một công ty con ở Panama, có tên là Feberion Inc. Trên thực tế, đây là một công ty ma, có trên giấy tờ đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động.
Một văn bản lưu hành nội bộ do Mossack viết tay cho Fonseca ghi: “Bản thân công ty không hoạt động phạm pháp, tuy nhiên có thể công ty đã đầu tư tiền… có xuất xứ bất hợp pháp”.
Mossack Fonseca đã sắp xếp để Feberion phát hành cổ phiếu mới. Khi cảnh sát London tịch thu món cổ phiếu này, nhờ mánh khóe do Mossack bày cho, Parry đã qua mắt được nhà chức trách để giữ được khối cổ phiếu, sau đó tái lập công ty.
Cổ phiếu vô danh
Thủ thuật này có liên quan đến “cổ phiếu vô danh” (bearer share), một thứ được xem như “đặc sản” của Mossack Fonseca. Đây là một loại cổ phiếu không in tên người sở hữu. Bất kỳ ai cầm cổ phiếu thì người đó có quyền sở hữu cổ phiếu, đồng nghĩa có quyền sở hữu công ty. Loại cổ phiếu này ra đời để bảo mật danh tính người cầm như một cổ đông danh nghĩa.
Cổ phiếu vô danh đã bị cấm tại một số nước vì nó là công cụ tiềm tàng để rửa tiền và gian lận.
Nơi Mossack Fonseca tận dụng triệt để lợi ích mà cổ phiếu vô danh mang lại là Quần đảo British Virgin (BVI). Mossack Fonseca mở rộng hoạt động tới đây năm 1987. Theo ước tính, BVI hiện là nơi đăng ký 40% các công ty offshore.
Cổ phiếu vô danh được Mossack Fonseca ưa chuộng cho tới những năm 90. Nhưng đến năm 2005, BVI cũng bắt đầu truy quét loại cổ phiếu này. Do đó, Mossack Fonseca chuyển về Panama.
Mossack Fonseca chưa bao giờ giấu giếm vốn liếng né thuế nhờ các vùng lãnh thổ có thuế suất thấp (tax haven). Trên trang web, công ty tự hào về mạng lưới 600 nhân viên hoạt động trên 42 quốc gia, trong đó có “Belize, Hà Lan, Costa Rica, Anh, Malta, Hong Kong, Cyprus, Quần đảo British Virgin, Bahamas, Panama, British Anguilla, Seychelles, Samoa, Nevada, và Wyoming (Mỹ)”.
Hãng luật này từng cung cấp dịch vụ cho hơn 300.000 công ty, bao gồm hỗ trợ pháp luật cho các tập đoàn quốc tế và quản lý tài sản.
Nhiều lần dính chàm
Trước khi Hồ sơ Panama vỡ lở, Mossack Fonseca đã nhiều lần dính đến bê bối về luật pháp trong và ngoài nước.
Năm 2012 - 2013, Mossack Fonseca bị giới chức BVI phạt tiền vì nhiều lần vi phạm quy định chống rửa tiền, trong đó có một vụ liên quan tới con trai của cựu Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Hosni Mubarak.
Giữa những năm 90, Mossack Fonseca mở rộng hoạt động sang Thái Bình Dương, đến một hòn đảo nhỏ có tên Niue. Đến năm 2001, Niue trở thành thỏi nam châm hút vô vàn công ty offshore. Những công ty này đóng góp tới 80% ngân sách hàng năm cho hòn đảo.
Chưa hết, Niue cho phép dùng tiếng Trung Quốc hoặc Kirin trong giấy đăng ký kinh doanh, làm hài lòng nhiều “khách hàng” từ Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Niue là trung tâm rửa tiền, nhiều ngân hàng lớn đã rút khỏi đây. Quan hệ của Mossack Fonseca với chính quyền Niue cũng từ đó mà nguội lạnh dần.
Mặc dù dính lùm xùm ở nước ngoài, Mossack Fonseca vẫn là con dấu của sự bảo đảm ở quê nhà. Đây không phải là thành quả có được đơn thuần từ quy mô hay nghiệp vụ của công ty.
Mossack Fonseca có nhiều quan hệ với chính trường thông qua Ramón Fonseca. Ông là một người đa tài. Ngoài làm luật sư, ông từng viết nhiều tiểu thuyết đã được xuất bản và giật giải văn học quốc gia.
Khi Tổng thống Panama Juan Carlos Varela lên nhận nhiệm sở vào năm 2014, ông Fonseca giữ chức cố vấn.

 Tổng thống Panama Juan Carlos Varela lên nhận nhiệm sở vào năm 2014, ông Fonseca giữ chức cố vấn.
Tuy nhiên, Mossack Fonseca vẫn bị giới chức toàn cầu nghi hoặc. Năm 2014, trang Vice lần theo dấu vết của công ty dẫn tới Rami Makhlouf – một doanh nhân Syria giàu có, đồng thời là cháu và là cộng sự thân tín của Tổng thống Bashar al-Assad. Từ năm 2000 – 2011, Mossack Fonseca là đơn vị tư vấn cho Drex – công ty vỏ bọc mà Makhlouf sử dụng tại BVI.
Ăn thịt chủ nhân
Năm 2015, mối quan hệ thân thiết của Mossack Fonseca với nhiều ngân hàng lớn lại hóa thành rắc rối. CEO Stuart Gulliver của HSBC thừa nhận ông gửi tiền vào công ty vỏ bọc tại Panama, do Mossack Fonseca sắp xếp.
Mùa xuân năm ngoái, văn phòng của Commerzbank tại Frankfurt, Đức bị bố ráp. Một số nguồn tin cho hay vụ việc liên quan tới cáo buộc Mossack Fonseca tiếp tay cho trốn thuế.
Tại Brazil, Mossack Fonseca cũng đang vướng vào một vụ kiện tụng tai tiếng, có nguy cơ làm sụp đổ chính quyền Tổng thống Dilma Roussef. Trong bê bối rửa tiền, các nhà thầu bị cho là đã thổi giá hợp đồng ký với công ty dầu khí nhà nước Petrobras, sau đó lại quả cho các lãnh đạo và chính trị gia. Mossack Fonseca bị xem là đã tiếp tay cho một số bị cáo rửa tiền hối lộ.
Tháng Ba vừa qua, Ramon Fonseca từ chức cố vấn cho Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, thề sẽ “bảo vệ danh dự của mình”.
Có thể nói, với Mossack Fonseca, Jürgen Mossack và Ramón Fonseca đã tạo ra một con “quái thú” thực sự. Nhưng giờ đây, hai vị luật sư này lại phải tìm cách để ngăn không cho con “mãnh thú” này ăn thịt chính chủ nhân của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét