Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

HỌ NGUYỄN VÀ HÔN NHÂN CHÁNH TRỊ PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

HỌ NGUYỄN VÀ HÔN NHÂN CHÁNH TRỊ 
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I. 
   
            Họ Nguyễn đầu tiên xuất hiện trong lịch sử là tướng Nguyễn Bậc, Quận Công dưới triều Đinh (967- 979) sau bị Lê Hoàn giết hại. Thời Hậu Lê (1428- 1527) có tướng Nguyễn Hoằng Dự và con của ông là Nguyễn Kim (1476- 1545), người được xem là tổ tiên gần của các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn sau này.

Lê Lợi, người khởi nghĩa chống quân Minh thành công và sáng lập ra nhà Hậu Lê, là người gốc ở Thanh Hoá. Tất cả những quân thần thời Hậu Lê và Lê Trung Hưng (1533- 1789) mang họ LÊ, NGUYỄN, TRỊNH kể cả KIÊU BINH (lính Tam Phủ) đều gốc ở Thanh Hóa. Họ Nguyễn và Trịnh dùng uy tín của nhà Lê để chống họ Mạc do Mạc Đăng Dung sáng lập sau khi lật đổ nhà Hậu Lê vào năm 1527. Từ sự trung hưng nhà Lê chống họ Mạc hai họ Nguyễn và Trịnh nổi bật trên chánh trường Việt Nam với các chúa Trịnh và chúa Nguyễn.

Bài viết này không nhằm mục đích nói về chiến tranh Trịnh- Nguyễn mà chỉ đề cập đến những hôn nhân chánh trị do họ Nguyễn chủ trương nhằm củng cố thế lực lẫn bành trướng lãnh thổ.

****
 
Nguyễn Kim (1476- 1545) là con của tướng Nguyễn Hoằng Dự, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Khi Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Hậu Lê năm 1527, ông là Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân với tước Hầu, sống lẩn quất ngoài biên giới Lào- Thanh Hóa. Năm 1533 ông tập hợp những người hoài Lê chống lại nhà Mạc ở Đông Đô. Ông tìm người con út của vua Lê Chiêu Tôn là Lê Duy Ninh đưa lên làm vua tức là vua Lê Trang Tôn. Đó là Nam Triều đối lại với Bắc Triều của nhà Mạc ở Đông Đô tức Hà Nội bây giờ.

Trong số những người theo phò Nguyễn Kim để trùng hưng nhà Lê có Trịnh Kiểm, một người mồ côi nghèo khổ từng giữ ngựa cho quân địa phương. Nhưng Trịnh Kiểm có tài điều khiển quân sự rất cao. Tương truyền rằng trong lúc còn sống dọc theo biên giới Lào- Việt, một đêm tối như mực tự nhiên Nguyễn Kim thấy một ánh sáng đỏ. Ông lần bước đến phía ánh sáng đỏ tỏa ra thì mới biết ánh sáng đỏ ấy tỏa ra từ cặp mắt của Trịnh Kiểm trong lúc say ngủ. Ông biết Kiểm là dị nhân có tài quân sự thiên phú. Để mua chuộc sự trung thành của Trịnh Kiểm trong việc tạo thế lực riêng sau khi cuộc trùng hưng nhà Lê thành công, Nguyễn Kim gả con gái của ông là Ngọc Bảo (1) cho Trịnh Kiểm. Cuộc trùng hưng nhà Lê trên đà có kết quả tốt thì bỗng nhiên Nguyễn Kim bị một hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất thuốc độc chết sau khi ăn một trái dưa hấu (1545). Cái chết nầy tạo cho người nghiên cứ lịch sử nhiều nghi vấn. Đằng sau âm mưu của Dương Chấp Nhất là ai? họ Mạc? hay Trịnh Kiểm? Nghi vấn không có câu trả lời sáng tỏ, chỉ biết rằng sau khi Nguyễn Kim chết binh quyền của Nam Triều do con trai ông là Nguyễn Uông nắm giữ đúng theo thuyết chính danh (legitimacy). Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông để nắm binh quyền và khuynh đảo sân khấu chánh trị Nam Triều.

Nguyễn Hoàng (1524- 1613) là em của Nguyễn Uông. Sau khi Nguyễn Uông bị giết chết, Nguyễn Hoàng giả điên. Ông cho người ra Hải Dương tìm hiểu ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình không trả lời trực tiếp câu hỏi của sứ giả của Nguyễn Hoàng mà chỉ một đàn kiến trên hòn non bộ và nói: " Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân.” Sứ giả trình lại với Nguyễn Hoàng. Ông hiểu được ý của Trạng Trình nên nhờ chị là bà Ngọc Bảo nói với Trịnh Kiểm cho ông vào trấn đất Thuận Quảng để khai thác, củng cố uy quyền cho nhà Lê và đóng thuế cho nhà Lê. Trịnh Kiểm đồng ý. Nếu Nguyễn Hoàng thành công thì uy thế của vua Lê và họ Trịnh bành trướng ở phương Nam. Nếu thất bại thì Nguyễn Hoàng phải gánh chịu và có thể bị quân Chiêm Thành giết chết.

Năm 1570 Trịnh Kiểm mất. Năm 1572 tướng nhà Mạc là Lập Bạo dùng đường biển vào đóng quân ở làng Hồ Xá và Lang Uyển trong tỉnh Quảng Trị. Lượng sức chưa đánh thắng nổi quân nhà Mạc, Nguyễn Hoàng nghĩ đến việc dùng mỹ nhân kế làm cho Lập Bạo xao lãng việc phòng bị rồi phục binh giết Lập Bạo! Người đẹp được dùng trong mỹ nhân kế này của Nguyễn Hoàng là Ngô thị tự Ngọc Lâm.

Trong thời gian 1558- 1593 Nguyễn Hoàng tỏ ra hàng phục vua Lê, Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng bằng cách ra Đàng Ngoài chầu vua Lê và đóng thuế cho vua Lê (thực tế là đóng cho họ Trịnh) điều hoà. Lúc bấy giờ vua Lê còn ở Thanh Hoá.

Năm 1593 họ Mạc bị đánh bật ra khỏi Đông Đô. Người thực sự chiến thắng là Trịnh Tùng. Trịnh Tùng bắt đầu dòm ngó đến những thành quả mà cậu của ông, Nguyễn Hoàng, đã làm ra ở phía nam vĩ tuyến 18. Ông càng lo sợ và ganh tỵ thành tích đánh dẹp dư đảng họ Mạc của Nguyễn Hoàng nhân lúc ra miền Bắc chầu vua Lê và chào mừng chiến thắng. Nguyễn Hoàng không lo ngại vua Lê mà lo ngại Trịnh Tùng luôn luôn tìm cách giữ Nguyễn Hoàng ở lại trên đất Bắc. Năm 1600, viện lẽ đi dẹp loạn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi Văn Khuê ở Nam Định, Nguyễn Hoàng dùng thuyền về Thuận Hoá trước sự căm tức của Trịnh Tùng. Trước tình thế nầy Nguyễn Hoàng có hai hướng giải quyết:

- Hướng thứ nhất: cầu hòa với Trịnh Tùng bằng cách gả con gái là Ngọc Tú cho con trai của Trịnh Tùng là Trịnh Tráng. Theo vai vế trong họ thì Ngọc Tú là dì của Trịnh Tráng. Dì trở thành vợ và cháu trở thành chồng.

- Hướng thứ hai: di chuyển về phía nam, chuẩn bị cuộc chiến tranh có thể xảy ra với họ Trịnh. Do đó nhu cầu nới rộng lãnh thổ về phía nam là chuyện chẳng đặng đừng dù gặp phải sự chống đối của Chiêm Thành. Đến năm 1611 Nguyễn Hoàng nới rộng lãnh thổ xuống tận Phú Yên.

Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên mất năm 1613.

Nguyễn Phúc Nguyên (1562- 1635), người con thứ sáu của Chúa Tiên, nắm quyền lãnh đạo ở Đàng Trong. Đó là Chúa Sãi. Chiến tranh Trịnh- Nguyễn diễn ra dưới thời Chúa Sãi. Quân họ Trịnh có dũng mãnh nhưng không thắng nổi quân của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vì các Chúa Nguyễn đều đắc nhân tâm nên dân chúng Đàng Trong hết lòng chiến đấu để bảo vệ tự do, quyền sống, vùng 'Đất Hứa' và chánh quyền thuận lòng dân.

Trên bước đường Nam tiến để nới rộng lãnh thổ và tránh xa áp lực của họ Trịnh ở Đàng Ngoài, Chùa Sãi gả:

- công chúa Ngọc Vạn cho vua Cambodia là Chey Chetta II năm 1620. Vì cuộc hôn nhân này người Việt Nam đầu tiên bắt đầu đặt chân lên đất Mộ Xoài, Bà Rịa, trên lãnh thổ Thủy Chân Lạp (1623).

- công chúa Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành là Po Rome (1627- 1651). Vua Po Rome (Ba Di theo ông Dohamide tức Đỗ Hải Minh, Đốc Sự Hành Chánh gốc người Chăm) say đắm sắc đẹp quyến rủ của bà nên bà bị các bà vợ Chăm khác ganh tỵ. Công chúa Ngoc Khoa giả bịnh. Không ngự y nào đoán biết là bịnh gì để chữa. Vua Po Rome rất nóng lòng trước bịnh tình của bà. Bà Ngọc Khoa cho biết bịnh của bà chỉ khỏi sau khi đốn thiêng mộc Kraik bảo vệ nước Chiêm Thành. Các triều thần đều phản đối việc đốn cây Kraik. Nhưng vua Po Rome cương quyết phải đốn để Ngọc Khoa hết bịnh. Tương truyền rằng sau khi đốn cây Kraik thì vua Po Rome (biệt danh: Vua Mục Đồng) bị tử trận. Nước Chiêm Thành bị xóa trên bản đồ. Công chúa Ngọc Khoa trở về Quảng Trị.

Năm 1771 ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa dưới danh nghĩa chống sự lộng quyền của Quốc Phó Trương Phúc Loan chớ không trực tiếp chống chúa Nguyễn. Lợi dụng cuộc khởi nghĩa nầy quân họ Trịnh tiến chiếm Thuận Hoá (1774). Việt Nam đương nhiên có ba vùng ảnh hưởng chánh trị khác nhau:

1. từ Thuận Hoá trở ra là vùng kiểm soát của vua Lê và chúa Trịnh.

2. từ Quảng Nam đến các tỉnh miền nam Trung Bộ là vùng kiểm soát của nhà Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu sau khi Nguyễn Huệ đánh bại danh tướng của họ Nguyễn là Tống Phước Hiệp ở Phú Yên (1775).

3. Đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long là vùng hoạt động của chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1754- 1777).

Nguyễn Nhạc phá vỡ thế lưỡng đầu thọ địch bằng cách giả vờ thần phục quân họ Trịnh ở Thuận Hóa để mở những trận đánh nhằm diệt trừ phe chúa Nguyễn trên châu thổ Đồng Nai- Cửu Long. Nhờ thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn bốn lần đại thắng quân họ Nguyễn. Trong cuộc thảm sát năm 1777 ở Long Xuyên họ Nguyễn gần như bị giết sạch ngoại trừ một thanh niên 16 tuổi. Đó là Nguyễn Phúc Ánh. Ông sớm trở thành người chỉ huy quân sự ở tuổi vị thành niên. Nhờ đó ông có nhiều kinh nghiệm trong thuật sống và lãnh đạo với phương châm rất thông thường trong kiếp nhân sinh : Ơn đền, oán trả.

Vào thế kỷ XVIII xuất hiện Tam Hùng Gia Định (Gia Định ám chỉ Nam Bộ bây giờ). Đó là Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh. Đỗ Thanh Nhân lập đảng Đông Sơn chống lại quân Tây Sơn. Ông giúp Nguyễn Phúc Ánh lập nhiều chiến công. Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long sau nầy) nghi ngờ ông làm phản nên giết đi (1781). Võ Nhân, anh của Võ Tánh, không phục nên không theo phò Nguyễn Phúc Ánh nữa. Võ Tánh chiêu mộ người thành lập đạo quân Kiến Hòa chống lại Tây Sơn rất hữu hiệu nhưng chưa theo quân của họ Nguyễn. Năm 1788 Võ Tánh theo Chúa Nguyễn Phúc Ánh và được cưới em của Chúa Nguyễn Phúc Ánh là Ngọc Du. Đây là món quà tinh thần vô giá nuôi dưỡng sự hợp tác chân thành và lòng trung tín của Võ Tánh đối với Nguyễn Phúc Ánh. Chúa Nguyễn Phúc Ánh thành công viên mãn trong đường lối này. Võ Tánh chết một năm trước khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tức là vua Gia Long (1802).

Vua Gia Long (1761- 1820- Vua: 1802- 1820), người khai sáng ra nhà Nguyễn, rất có cảm tình với cư dân trên đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long. Từ vùng đất tân lập trù phú này họ Nguyễn đánh bại quân Tây Sơn, khôi phục lại quyền hành và thống nhất đất nước từ Gia Định đến Thăng Long như niên hiệu của nhà vua cho thấy. Các công thần nhà Nguyễn phần lớn là những người sinh trưởng trên châu thổ Đồng Nai và Cửu Long như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại (người gốc Quảng Nam nhưng sống ở miền Nam từ thuở nhỏ), Hồ Văn Vui hay Hồ Văn Bôi, Nguyễn Huỳnh Đức, Phạm Đăng Hưng v.v. Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này) đều sinh ở Gia Định.

Trong thời kỳ nội chiến với nhà Tây Sơn, Chúa Nguyễn Phúc Ánh rất quí ông Huỳnh Tường Đức và cho ông đổi sang họ Nguyễn Đó là Nguyễn Huỳnh Đức (chữ lót Huỳnh gợi lại họ cũ của ông).

Nguyễn Huỳnh Đức (1748- 1819) bị quân Tây Sơn bắt năm 1783. Nguyễn Huệ mến tài ông nên không giết. Năm 1786 ông đi ra Bắc Hà cùng với quân Tây Sơn. Từ Nghệ An ông lần trốn sang Lào rồi sang Xiêm La tìm cách nối liên lạc với Chúa Nguyễn Phúc Ánh nhưng không được. Ông về Gia Định hợp lực với Chúa Nguyễn Phúc Ánh để đương đầu với quân Tây Sơn.

Quân Tây Sơn trên châu thổ Đồng Nai và Cửu Long bắt đầu suy yếu sau năm 1786. Sau chiến thắng Rạch Gầm trước quân Xiêm năm 1784 Nguyễn Huệ không còn vào Gia Định nữa. Nhà Tây Sơn rạn nứt khi Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ bất hòa nhau về việc Nguyễn Huệ đem quân đánh Bắc Hà, lật đổ Chúa Trịnh Khải, mà không có lịnh của Nguyễn Nhạc (1786).

Khi vua Gia Long lên ngôi Nguyễn Huỳnh Đức được phong tước Công và Tiền Quân Đô Thống thay cho Nguyễn Văn Thành. Ông Nguyễn Huỳnh Đức có hai người con trai là rể của vua Gia Long:

- Nguyễn Huỳnh Toán cưới Công Chúa Thái Bình Ngọc Châu. Ông Nguyễn Huỳnh Toán thủ chức Phiêu Kỵ Vệ Uý.

- Nguyễn Huỳnh Thành cưới Công Chúa Định Hòa Ngọc Cơ. Nguyễn Huỳnh Thành thủ chức Khinh Kỵ Vệ Úy.

Vua Gia Long kết nghĩa thông gia với Thống Chế Hồ Văn Vui tức Hồ Văn Bôi gốc ở huyện Bình An, Biên Hòa. Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này) cưới bà Hồ Thị Hoa, ái nữ của Thống Chế Hồ Văn Vui. Bà Hồ Thị Hoa sinh thái tử Nguyễn Phúc Miên Tôn (vua Thiệu Trị sau này) được 13 ngày thì mất (1807).

Vua Minh Mạng kết nghĩa thông gia với Quận Công Phạm Đăng Hưng (1764- 1825), Thượng Thơ Bộ Lễ, gốc ở Gò Công.

1. Ông Phạm Đăng Thuật (?- 1861), con của ông Phạm Đăng Hưng và bà vợ thứ tư là bà Trần Thị Hữu, kết hôn với Công Chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824- 1892), ái nữ của vua Minh Mạng. Bà là nữ sĩ Nguyệt Đình.

2. Một ái nữ của Phạm Đăng Hưng và người vợ thứ nhất là bà Phạm Thị Du là Phạm Thị Hằng (1810- 1902) là dâu của vua Minh Mạng. Đó là hoàng hậu Từ Dũ, vợ của vua Thiệu Trị và mẹ của vua Tự Đức.

****
 
Như đã thấy vua Gia Long rất có cảm tình với dân chúng trên châu thổ sông Đồng Nai và Cửu Long.

Ba vua Minh Mạng (vua: 1820- 1840), Thiệu Trị (vua: 1840- 1848 tính theo dương lịch) và Bảo Đại (vua: 1925- 1945 thực sự cầm quyền năm 1932- 1945) đều có chánh thất gốc miền Nam.

Hôn nhân của vua Minh Mạng do vua Gia Long quyết định.

Hôn nhân của vua Thiệu Trị do vua Minh Mạng định đoạt.

Dư luận cho rằng người Pháp nhúng tay vào việc hôn nhân giữa vua Bảo Đại và Marie Therese Nguyễn Hữu Hào hay Nguyễn Hữu Thị Lan để vị vua trẻ tân học có một chánh sách cởi mở và có cái nhìn thân thiện với người Pháp và bao dung đạo Thiên Chúa hơn các tiền triều vào thế kỷ XIX.

Dư luận trên không hẳn là không đúng.

Từ năm 1884, khởi đầu từ vua Hàm Nghi trở về sau, người Pháp trực tiếp can dự vào việc phế lập các vua nhà Nguyễn. Vua Đồng Khánh lên ngôi thay thế em là vua Hàm Nghi bỏ kinh thành chạy ra Quảng Trị lãnh đạo Phong Trào Cần Vương chống Pháp (1885). Năm 1889 vua Đồng Khánh mất. Người được đưa lên ngôi là Bửu Lân (vua Thành Thái) chớ không phải hoàng tử Bửu Đảo, con của vua Đồng Khánh. Mãi đến khi vua Thành Thái rồi vua Duy Tân bị đầy sang đảo Reunion tuần tự vào các năm 1907 và 1916, Bửu Đảo mới được đưa lên ngôi tức là Vua Khải Định (1916- 1925). Người Pháp cần Việt Nam có vua trẻ, thụ động hơn là năng động. Vị vua ấy cần hiểu biết văn hóa Pháp hơn là nặng tinh thần Khổng Giáo.

Vua Đồng Khánh (1885- 1889) là vị vua Việt Nam đầu tiên học tiếng Pháp qua các ông Petrus Trương Vĩnh Ký và Diệp Văn Cương.

Bảo Đại là vị vua Việt Nam đầu tiên học ở Pháp từ lúc 9 tuổi đến 19 tuổi (1922- 1932). Việc can dự của Pháp vào cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào có lợi cho họ và không có hại gì cho Việt Nam. Về tương quan giữa hai họ (hoàng triều: đàng trai và gia đình Nguyễn Hữu: đàng gái) ta có vài dữ kiện dưới đây:

- Gia sản của gia đình Nguyễn Hữu Hào lớn hơn gia sản hoàng triều.

- Cả hai người (Bảo Đại và Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào) đều thấu triệt văn hóa Tây Phương và cùng học ở Pháp về.

- Cả hai đều học và nói tiếng Pháp lúc ấu thời. Vua Bảo Đại học ở Pháp năm 09 tuổi; Hoàng Hậu Nam Phương học trường Pháp ở Sài Gòn rồi sang Pháp học năm 12 tuổi. Gia đình của bà có Pháp tịch. Tất cả đều có tên Pháp.

- Chị cả của Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào (Hoàng Hậu Nam Phương) là Marie Agnès Nguyễn Hữu Hào gả cho con bá tước Georges Didelot là Pierre Jules Francois Didelot (1898- 1986) tức Bá Tước Didelot năm 1928.

- Hoàng gia Nguyễn Phúc chịu ảnh hưởng Khổng Giáo sâu đậm. Gia đình Pierre Nguyễn Hữu Hào và Philippe Lê Phát Đạt (ông ngoại Nam Phương Hoàng Hậu) là những gia đình giàu có và sùng đạo Thiên Chúa. Ông Lê Phát Đạt (ông ngoại Nam Phương Hoàng Hậu) tức Huyện Sĩ xây nhà thờ Chợ Đũi tức nhà thờ Huyện Sĩ và nhà thờ Chí Hòa (Kỳ Hòa). Con ông là Lê Phát An xây nhà thờ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, Gia Định. Ông Lê Phát An (cậu Nam Phương Hoàng Hậu) và Đốc Lý Đà Lạt (Thị trưởng) là Darles là người tạo sự gặp gỡ giữa Vua Bảo Đại và Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào trong một buổi tiếp tân Toàn Quyền Pierre Pasquier tại khách sạn Palace để tiến đến cuộc hôn nhân giữa hai người vào năm 1934.

Trong cuộc hôn nhân vương giả này vua Bảo Đại không nắm thế thượng phong khiến cho hoàng tộc ở Huế không hài lòng:

- Vua Bảo Đại không phải theo đạo Thiên Chúa khi cưới Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào (Nam Phương Hoàng Hậu sau này).

- Vua Bảo Đại phải phong hoàng hậu cho Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào theo lời yêu cầu của nhạc phụ của nhà vua như điều kiện tiên quyết để gả con.

- Các con của Vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương đều theo đạo Thiên Chúa.


PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

_________________

Chú Thích

(1) Điều đáng chú ý là nữ phái của đại gia đình họ Nguyễn và các đại gia tộc xưa đều mang chữ lót NGỌC. Nam phái từ Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) cho đến các vua nhà Nguyễn sau này đều mang chữ lót PHÚC.

(2) Có tài liệu ghi thiêng mộc Kraik là cây căm xe Xylia xylocarpa thuộc gia đình Mimosaceae(Xyla: gỗ cứng; xylocarpa: trái có vỏ cứng- Hy Lạp ngữ). Có tài liệu ghi thiêng mộc Kraik là cây vấp (như Gò Vấp, Gia Định) mang tên khoa học Mesua stylosa thuộc gia đình Clusiaceae. Cả hai loại cây này đều có gỗ cứng, gốc ở Nam Á và Đông Nam Á và có công dụng trị liệu cao. Tên gọi thường của căm xe và cây vấp (do đó có địa danh Gò Vấp) là:

Quốc Gia
Cây Căm Xe
Cây Vấp
Việt Nam
căm xe
Vấp
Khmer
Kram-sar
Bos neak
Ấn Độ
Irul
nag Champa, nagkesa
Mã Lai
 
Penaga (naga: con rắn)
Java
 
nagasari
Anh
Burma ironwood
Ceylon ironwood; cobra saffron
__._,_.___


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét