Ở Đồng Nai thời gian qua, dân chúng thu gom gốc hồ tiêu cả rễ tươi lẫn khô, chứ không phải hạt tiêu, bán cho công ty, công ty này lại bán cho công ty khác nghe nói mang sang TC làm thuốc bắc. Một cây tiêu mất bốn, năm năm mới cho hạt. Rễ tiêu bỗng bán được giá gây nguy cơ người dân phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ mang bán, ai không có vườn thì hấp tấp đào trộm trong cơn sốt rễ tiêu. Rõ ràng khi vườn tiêu tan hoang vườn không đất trống và rễ tiêu chất đống trong kho nằm đó trêu ngươi thì thương lái đã cao chạy xa bay.
Chuyện này xảy ra thường xuyên. Chỉ lạ ở chỗ nó vẫn cứ lai rai lặp đi lặp lại suốt những năm qua. Rút kinh nghiệm là một câu người ta nghe và nói mọi lúc mọi nơi nhưng không ai nhớ để thực hành cả. Thử điểm lại việc mua bán các loại hàng hóa kiểu này xem sao.
Khánh Hòa có người mua gỗ trắc dây giá cao khiến dân chúng, gồm cả thanh niên trai tráng bỏ công việc đồng áng ùn ùn kéo nhau lên rừng chặt trắc dù thân cây mới bằng hai ngón tay, luôn cả gốc cây, rễ non cũng bị đào xới lên cân ký. Gỗ này nếu khai thác hoặc vận chuyển sẽ bị xử phạt hoặc truy tố. Thế mà hết xã này bị cạn kiệt trắc, người ta lại kéo nhau qua xã khác vơ vét cho sạch sành sanh..
Người dân miền Trung khốn khổ vì âm mưu “chữ T” tức là trâm, trắc và tiêu. Trắc và tiêu đã nhắc ở trên. Cây trâm cổ hàng trăm năm ở Quảng Ngãi nổi tiếng vì là loại cây mọc ở đầu nguồn con nước. Bứng nó lên chẳng những khiến các cây con chung quanh chết vì thiếu nước, để bứng bộ rễ cũng khiến hàng loạt cây chung quanh phải bị đốn hạ, kéo nó ra khỏi rừng làm ngả hàng loạt cây khác và những cây ven đường bị bứng làm con đường dễ bị sạt lở. Sau khi thu mua một thời gian xóa sổ được rừng trâm giữ nước thì thương lái TC cũng lặn mất tăm.
Vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) có rừng cau bạt ngàn gần chục năm chẳng ai ngó ngàng tới.. Tự dưng từ đâu xuất hiện thương lái đến mua cau với giá chót vót gấp ba lần bình thường. Đương nhiên thiên hạ đổ xô chặt cau mang bán. Rủ rê người chặt cau, người luộc cau, hấp cau, người bán cau. Giá tăng kỷ lục khiến cũng như tiêu, người không có cau tìm cách hái trộm cau, đã có người hái trộm bị té cây chết. Người có cau vội vã hái cho rồi kẻo trộm nó xơi. Trái già trái non vặt cho bằng hết rồi sau đó mới từ từ lựa ra. Nghe nói họ làm kẹo bán đi các nước ôn đới.
Khánh Hòa, Bình Định chỉ mua cau non còn nước mới dễ sấy. Việc mua bán hết sức bấp bênh vì cách đó mấy năm, TC đột ngột dừng lấy hàng khiến chủ lò có người tồn hàng mấy chục tấn cau, lỗ bảy, tám trăm triệu đồng. Đau nhất là nông dân khi thấy được giá trước mắt đã ồ ạt trồng cau rồi không bán được lại phải lo chặt bỏ.
Tây nguyên chỉ một mùa chanh dây được giá đã chặt luôn không thương tiếc cả vườn cà phê, cao su mà đã phải mất ít nhất ba, bốn năm mới thu hoạch được.
Hết khổ vì dưa lại thua vì ớt là hoàn cảnh của nông dân khi phụ thuộc vào mỗi một thị. Chị nông dân Quảng Ngãi có mấy sào ruộng luân canh trồng đủ loại rau màu. Trồng ít nên thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Một năm bỗng ớt trúng mùa trúng giá cao ngất ngưỡng khiến ai nấy mừng rỡ. Chị nông dân chuyển hết ruộng sang trồng ớt. Sau vài tháng, ớt chín sai trái đỏ rực khắp các thửa ruộng, chuyển vị không cay mà đắng nghét trong không khí ảm đạm vì biệt dáng thương lái TC đến mua. Mà đâu phải chỉ đồng bằng mà từ miền xuôi lên miền núi, nhà nhà đều thi đua trồng ớt, lại là loại ớt sừng trong nước không tiêu thụ. 80% sản lượng chỉ bán qua biên giới nên hậu quả trước sau cũng ngó nhau khóc là không tránh khỏi.
Ở Tiền Giang, thương lái TC mua trái khóm cỡ to và còn xanh trên cây. Được giá thì mọi người bán thôi. Chỉ có điều trước nay, khóm bán cho nhà máy nội địa chế biến nước trái xuất khẩu. Việc nhảy vào mua ngang và lại lựa trái to đẹp khiến nguồn nguyên liệu của nhà máy thiếu hụt. Đó là không kể trước đó, thương lái còn đưa ra điều kiện mua khóm đồng thời phải mua thuốc hóa học của họ để thúc trái mau to hơn. Kiểu ăn xổi ở thì ấy mà. Trái nhỏ bỏ mặc tính sao không biết và thứ thuốc xịt vào cây mai mốt thế nào không biết luôn!
Heo đang xuất khẩu yên lành thì TC đột ngột đóng cửa khẩu Lạng Sơn khiến hàng trăm xe tải ứ lại. Một số qua cửa Quảng Ninh, số khác quay đầu lại bán rẻ. Ngày nào cũng có heo chết do nóng, đói hoặc dẫm đạp lên nhau. Heo chết thối lập tức có người đến thu mua tận nơi, sau đó tuồn về Hà nội rồi chui thẳng vào hàng ăn quán xá, được gọi là “heo quay đầu”. Nếu không tài xế kiếm chỗ nào vắng vẻ hất đại xuống vệ đường cho mưa nắng giải quyết tiếp. Vì đây là xuất khẩu tiểu ngạch qua đường biên giới không có hợp đồng ký kết nên hễ một bên muốn mua thì bên kia hối hả tìm hàng cung cấp mà hễ một bên thình lình dừng ngang xương thì bên kia chịu chết đứng. Heo bán qua TC thường nặng từ 1,2 đến 1,7 tạ/con trong khi lợn tiêu thụ trong nước không quá 1 tạ/con. Vì thế khi TC dừng mua thì nội một tỉnh Đồng Nai tồn lại gần hai chục ngàn con quá trọng lượng không cách nào tiêu thụ. Các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng… cùng cảnh ngộ. Thương lái len lỏi vào tận vùng quê khuyến khích dân nuôi heo mỡ sa mỡ phần càng nhiều càng tốt rồi mau chóng hô biến khiến để lại đàn lợn ục ịch không lò mổ nào chịu nhận.
Cá sấu ít người nuôi vì khó bán, không phải cá chép, cá lăng, cá hồi… để dễ dàng chế biến món ăn. VN nuôi để lấy da cung cấp cho các xưởng chế tạo đồ mỹ nghệ. Thế nhưng TC lùng vớt hết cá sấu, mà chỉ cá con, cá giống, không còn con cá sấu nào trong hồ đủ lớn để lấy da làm nguyên liệu. Một số công ty lớn có dự trữ nên lấy ra sản xuất cầm chừng nhưng những công ty nhỏ thì chỉ còn đường đóng cửa. Do thiếu nguyên liệu nên các công ty vuột mất mối làm ăn với các nước lớn như Đức, Nhật… là những thị trường khó khăn lắm mới chen vào nổi.
Mỗi ngày hàng trăm tấn nông sản qua biên giới nhưng người dân khóc dở mếu dở, và các doanh nghiệp chế biến trở nên điêu đứng vì nguyên liệu chạy sang TC.
Riêng người nuôi cá sấu hễ thấy có lời trước mắt là bán ngay và lại hè nhau ào ạt nuôi tiếp. Cá sấu chứ đâu phải cá rô phi, cá điêu hồng…, vốn đầu tư ban đầu khá cao nên khi rớt giá thì thiệt hại lớn, người nuôi lao đao lập tức. Heo, bò, gà, vịt còn bán tháo chứ cá sấu thì thị trường nhỏ hẹp lắm, méo mặt chẳng biết đùn đàn cá sấu đi đâu.
Các doanh nghiệp Nha Trang chỉ mua được khoảng 40 đến 50% cá, còn thì hàng chục thương lái TC đổ ra cảng trực tiếp mua đủ loại cá ngay khi tàu về, sơ chế tại chỗ rồi mang đi. Như vậy, các hãng VN sẽ thiếu nguyên liệu và có khi TC lại xuất khẩu hàng ngược về VN. Đó là trường hợp dừa Bến Tre, dừa khô ồ ạt bán sang TC trong khi nhiều doanh nghiệp VN phải mua nguyên liệu từ Indonesia về sản xuất. Xứ dừa lại phải đi mua dừa là vậy. Bạc Liêu, Cà Mau, thương lái ồ ạt mua thủy sản, kể cả tôm xấu, tôm bơm tạp chất cũng mua luôn một cách khó hiểu.
Cùng số phận, nhiều nhà máy trà đóng cửa vì nông dân cắt sạch cả cành lẫn ngọn, lá non lẫn lá già mang bán tuốt tuột.
Vụ khác dính líu đến môi trường, người dân xã Cấn Hữu (Hà Nội) đi nhặt ốc bươu vàng, không phải bán ốc mà chỉ bán ruột. Tức là đun nước sôi, luộc ốc chín, khều ruột cân ký mang bán. Chuyện kiếm tiền xem chừng dễ dàng nếu không xảy ra việc sau một thời gian, TC ngưng mua ruột ốc, lần này hậu họa để lại là đống vỏ ốc cao như núi và vô cùng hôi thối vì còn sót ruột trong đó. Làng quê chật hẹp làm gì có bãi rác. Thế là vỏ ốc tràn ngập khắp nơi, ven đường, ven đê, trôi xuống đồng ruộng, lấn cả vào nghĩa địa. Khi trời mưa, người dân lóp ngóp lội trong đống vỏ ốc trôi nổi đến ngang ngực. Thật đúng người ăn ốc, kẻ đổ vỏ.
Bình Phước xuất hiện cảnh thu mua lá điều khô, lá cây điều rụng xuống thành chất dinh dưỡng cho đất, đồng thời giữ ẩm và hạn chế xói mòn nên hốt lá khô đi có thể làm cây chết. Chẳng biết lá điều khô làm gì nhưng khi bị phát giác, người mua vội vàng mang đi đốt là sao?
Cứ thoắt ẩn thoắt hiện, vươn mình đến tận làng xã đặt mua ồ ạt rồi chạy làng quỵt tiền thường xuyên xảy ra. Cua, tôm sú, khoai lang, dừa khô… ở Cà Mau, Vĩnh Long, trứng và gia cầm ở miền Tây Nam bộ… từng xảy ra nhiều vụ như thế. Thanh long Bình Thuận không ngoại lệ. Giá cả do thương lái TC khống chế, muốn tăng hay giảm giá, muốn mua hay không tùy ý. Vì chỉ có một thị trường duy nhất nên bó tay thôi, người dân không còn cách nào xoay sở khác mà cứ tự loay hoay..
Ví dụ vụ bỏ lúa trồng khoai. Đất ruộng một năm hai vụ lúa, một vụ màu đột ngột chuyển sang khoai hết. Khoai lang Vĩnh Long có nhiều giống nhưng thương lái chỉ chọn một giống. Mới đầu mua củ lớn, sau mua lẫn lộn lớn nhỏ, cuối cùng chỉ thâu củ nhỏ. Vậy toàn bộ củ quá lứa vất đi đâu. Sau này TC không mua khoai nữa mà chuyển sang thuê đất trồng khoai rồi tự mang xuất cảng. Gia Lai cũng bị thuê đất trồng dưa hấu.
Mẫu mã, giá cả hàng hóa đều bị thương lái quay như chong chóng, nay thế này mai thế khác. Nhất là việc buôn bán của doanh nghiệp trong nước phải có sổ sách thuế má đầy đủ nhưng thương lái TC thì không hoặc chỉ thông qua đầu mối người Việt. Đó là không kể hàng hóa VN thu mua rồi đóng gói nhãn mác TC, đem xuất cảng qua nước thứ ba. Trước đây một công ty kẹo dừa Bến Tre từng sang tận TC kiện hàng giả nhưng đó là trường hợp hiếm hoi. Thường chẳng ai đủ công sức tiền bạc để theo đuổi những vụ kiện nhiêu khê khó nhọc như vậy.
Việc buôn bán với TC nói chung giống nhau. Khi thì họ tranh giành vét hàng bằng mọi giá, trả tiền ngay, dần dần ép giá không mua gây tồn đọng hàng hoặc quỵt nợ. Cuối cùng chỉ có người Việt ôm nợ: Đầu nậu trung gian ôm hàng mang nợ, người dân tự phá hoại ruộng vườn….
Có thể ra vô số trường hợp trên khắp đất nước với cùng một kịch bản. Chuối Khánh Hòa sửng sốt vì dân TC tự nhiên… không ăn chuối nữa, khoai mì Long An chết sững trên ruộng. Không món hàng hàng nào không bị dòm ngó kể cả những thứ thoạt nghe rất kỳ quặc: con đỉa và gián bị lùng sục, tận triệt thảo dược: thổ phục linh, mầm thảo quả, đinh lăng, cây cu ly, lá cò ke…, lá mãng cầu xiêm, lá sắn non, hạt mây rừng, móng trâu bò, đuôi trâu, hoa thanh long, xơ dừa, trùng biển, rong mơ… Điển hình giá bốn cái móng bằng một con trâu, người ta thi nhau giết trâu lấy móng tới khi đàn trâu giảm mạnh, nguồn sức kéo trong nông nghiệp bị triệt phá mới ngã ngửa, bán mèo khiến mùa màng bị chuột hoành phá hoại…
Người mình sản xuất nhỏ lẻ qua quít, buôn bán hám lợi trước mắt, trông cậy vào ăn may. Vào các thị trường đàng hoàng thì không theo nổi các tiêu chuẩn quy củ về hàng hóa, thương mại, lại không có các cơ quan nào hướng dẫn bảo vệ nên chấp nhận đành chới với cuộc chơi kinh tế nhiều dễ dãi và toàn rủi ro này.
SGCN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét