Kinh tế Hoa Kỳ, Nhân quyền và Biển Đông
Nguyễn Quốc Khải
June 1, 2018
Quý Thính giả đang theo dõi đài Sàigòn, phát thanh trên hai làn sóng 900 AM tại Houston, và 1600 AM tại Dallas. Quý Thính giả khắp nơi có thể nghe chúng tôi trên hệ thống Internet toàn cầu qua địa chỉ của đài là daisaigon.com, hoặc có thể sử dụng điện thoại để nghe đài với số 641-552-5009. Tiếp theo đây là chương trình “Vấn đề hôm nay”, do Nguyễn Chính Kết phụ trách. Xin trân trọng kính chào Quý Thính giả.
Trong chương trình “Vấn đề hôm nay”, chúng tôi rất hân hạnh mời GS Nguyễn Quốc Khải, hiện đang sinh sống tại tiểu bangVirginia. Ông từng là giáo sư thính giảng tại Đại Học John Hopkins, từng là một tham vấn và chuyên viên nghiên cứu kinh tế tại Ngân Hàng Thế Giới trên 20 năm. Hiện nay, ông đã về hưu, nhưng vẫn thường xuyên viết về những vấn đề kinh tế - chính trị trên một số trang web.
Trước khi đi vào câu chuyện hôm nay, chúng tôi xin kính chào GS Nguyễn Quốc Khải, Rất hân hạnh được cùng hội luận với Anh trên đài hôm nay. Nhưng trước hết, xin Anh ngỏ lời với Quý Thính Giả của Đài Saigon tại Houston và Dallas đang lắng nghe câu chuyện của chúng ta.
(1) Thưa Giáo sư Nguyễn Quốc Khải, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên cầm quyền đến nay đã được một năm rưỡi. Anh từng là một chuyên viên về kinh tế tại Ngân hàng Thế giới, Anh nhận định thế nào về đường lối phát triển kinh tế của Hoa Kỳ dưới thời của ông Donald Trump, thưa Anh? Một cách cụ thể là kinh tế của Hoa Kỳ có phát triển, đời sống của người dân có được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp có giảm đi không?
Thông thường mới hơn một năm thì thời gian chưa đủ để thấy rõ sự biến chuyển kinh tế dưới nhiệm kỳ của tổng thống mới. Ảnh hưởng của chánh sách cũ của Tổng Thống Obama vẫn còn. Kể từ khi Ô. Trump nhậm chức cho đến khoảng cuối năm 2017, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm được 1.7 triệu việc làm. Con số của những năm dưới thời Obama trung bình là 2.1 triệu việc làm, không kể năm 2009 Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng kinh tế suy thoái (2007-2009) bắt đầu từ thời Tổng Thống Bush.
Tì lệ thất nghiệp vào tháng 1, 2017 khi Ô. Trump nhậm chức là 4.8%. Vào cuối năm 2017 con số giàm còn 4.1%. Chiều hướng tỉ lệ thất nghiệp giảm đã bắt đầu từ con số cao nhất 9.6% vào 2010 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế xuống còn 8.9% vào năm 2011.
Ô. Trump từng khoe rằng thị trưởng chứng khoán của Hoa Kỳ đã đoạt được con số kỷ lục chỉ một tháng sau khi nhậm chức. Đó là vì ông dùng chỉ số Dow Jones gồm 30 công ty lớn mạnh nhất nước Mỹ trong đó có Boeing với trị giá cổ phần tăng vọt 82% trong vòng một năm. Theo chỉ số tiêu biểu hơn Standard & Poor gồm 500 công ty, thị trưởng chứng khoán của Hoa Kỳ phát triển không hơn gì các nước kỹ nghệ khác như Nhật, Đức, và Anh. Chiều hướng phát triển này đã bắt đầu từ tháng Ba, 2009 sau khi Ô. Obama nhậm chức tổng thống.
Nói chung kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng từ khi Ô. Trump lên làm tổng thống. Tổng sản phẩm nội địa (GDP), một cách đo lường sức manh kinh tế, tăng 2.1% trong năm 2017 và dự đoán cũng tăng ở mức độ như vậy trong năm 2018, không thể là 4% như Ô. Trump đã từng tuyên bố. Một nước đã phát triển như Hoa Kỳ thì khó có thể đạt được mức này. Dưới thời Ô. Obama, ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế lớn vào 2007-2009, GDP của Hoa Kỳ tăng 3% vào năm 2010, 2.8% vào năm 2012, 2.4% vào 2015 và thấp nhất là 1.6% vào năm 2016. Với mức độ phát triển kinh tế như vậy và tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, chúng ta trông đợi rằng mức lạm phát trung bình dưới 2% trong suốt 8 năm dưới thời Obama, sẽ tăng trong nhiệm kỳ của Ô. Trump. Thật vậy mức lạm phát trong năm 2017 đã là 2.1% vào năm 2017 và dự trù sẽ là 2.5% vào năm 2018.
(2) Thưa Giáo sư Nguyễn Quốc Khải, chủ trương của Tổng thống Donald Trump là «Make America great again» và «America first». Nhiều người cho rằng như vậy nước Mỹ trở nên co cụm lại, không còn «vị tha» như từ xưa đến nay. Điều này có làm cho các quốc gia khác trên thế giới không còn nể phục Hoa Kỳ như trước không?
“Make America Great Again” tức là nhận mình có một thời gian thua kém thì không sao cả, nhưng tuyên bố rấm rĩ “America First” trong khi tranh cử và theo đuổi chánh sách này khi nắm quyền hành trong tay thì sẽ mất bè mất bạn.
Kết quả cuộc điều nghiên 134 quốc gia của Viện Gallup mới đây cho thấy Hoa Kỳ chỉ được 30% ủng hộ, thua cả Trung Quốc, chỉ hơn được Nga. Một vài phụ tá của Ô. Trump giải thích “America First” có nghĩa là tìm công ăn việc làm cho người Mỹ, phát triển việc sản xuất, buôn bán của các công ty Mỹ, tăng cường an ninh cho nước Mỹ trước hết. Nhân quyền và di dân là chuyện phụ. Chính vì vậy mà chánh quyền Trump chưa bổ nhiệm vào những chức vụ cao đặc trách về nhân quyền tại Bộ Ngoại Giao.
Theo đúng chính sách “America First” Ô. Trump chủ trương “đơn phương độc mã”, nói chuyện tay đôi, không chấp nhận thỏa hiệp đa phương. Ngay sau khi nhậm chức, Ông quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Ước Thương Mại Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) và Hiệp Định Paris về Môi Trường Thay Đổi (Paris Agreement on Climate Change - PACC) làm nhiều quốc gia thất vọng. Ông dọa rút ra khỏi Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ (North America Free Trade Ageement – NAFTA) làm Mexico và Canada bất bình.
“America First” cũng có nghĩa là “Trump First”. Hoa Kỳ đe dọa rút ra khỏi United Nations Human Rights Council (Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc) chỉ vì vấn đề Do Thái – Palestine luôn luôn là vấn đề được đem ra mổ xẻ. Ô. Trump quyết định rời Tòa Đại Sú Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem không phải để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Nếu đúng như thế tại sao các tổng thống trước đây không làm. Quyết định này làm nhiều nước đồng minh của Hoa Kỳ và thế giới Hồi Giáo tức giận. Chúng ta không quên rằng con rể và con gái của Ô. Trump theo đạo Do Thái và ảnh hưởng của giới tài phiệt Do Thái ở Hoa Kỳ rất mạnh.
Trở lại việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp Định Paris về Môi Trường. Một trong nhiều lý do khiến Ô. Trump làm quyết này vì ông và Đảng Cộng Hòa có liên hệ mật thiết với những công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch (dầu hỏa, than và hơi đốt). Cũng theo một bài phân tách của một số học giả Trung Quốc tại University of Washington và Peking University, mười thượng nghị sĩ viết thư cho Ô. Trump kêu gọi rút khỏi Hiệp Định Paris đã nhận $10 triệu vào quỹ tranh cử từ những công ty nhiên liệu. Người ta trông đợi rằng chánh quyền Trump sẽ sửa lại luật lệ để làm lợi cho những công ty nhiên liệu.
(3) Thưa Giáo sư Nguyễn Quốc Khải, Đối với người Việt Nam tị nạn cộng sản, thì điều họ quan tâm nhiều nhất, đó là chính sách của ông Trump có lợi gì cho dân tộc Việt Nam hay không? Nhất là cho cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền ở trong nước?
Ô. Trump làm tổng thống Hoa Kỳ bất lợi cho phong trào đấu tranh cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam. Trước khi Tổng Thống Obama viếng thăm Việt Nam vào tháng Năm 2016, LM Nguyễn Văn Lý đã được trả tự do. Trước khi Ô. Trump qua Việt Nam dự Hội Nghị APEC vào năm ngoái, chúng tôi có đến Bộ Ngoại Giao và viếng thăm một vài thành viên của Quốc Hội Hoa Kỳ để vận động đòi CSVN trả tự do cho một số tù nhân lương tâm. Con gái của Mẹ Nấm và LS Nguyễn Thị Dương Hà có viết thư cho Bà Melania Trump để nhờ can thiệp. Nhưng kết quả là con số không. Bà Trump từng trao cho Mẹ Nấm giải về Phụ Nữ Can Đảm tranh đấu cho quyền phụ nữ và quyền của nhưng người khác, nhưng bà đã tránh đến Việt Nam trong chuyến đi Á châu của Ô. Trump vào cuối năm 2017.
Đã không trả tự do cho bất cứ tù nhân lương tâm nào trước khi Ô. Trump đến Việt Nam vào tháng 11, 2017, CSVN còn gia tăng bắt bớ những người bất đồng chính kiến để bảo vệ sự yên lặng cho Hội Nghị APEC. Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù vào tháng 6-2017. Bà Trần Thị Nga bị kết án 9 năm tù vào tháng 7-2017. Đó là hai trường hợp nổi bật nhất.
Không riêng gì 2017, những năm gần đây CSVN gia tăng đàn áp những người hoạt động nhân quyền, số người bị khởi tố và kết án vì “tội ác chính trị” ngày càng gia tăng, ngoại trừ hai năm 2014-2015, khi Việt Nam đang thương lượng với Hoa Kỳ về hiệp ước thương mại TPP. Tuy nhiên, khi Ô. Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng Việt Nam, viếng thăm Hoa Kỳ vào giữa năm 2017, thông cáo chung đã ca ngợi Việt Nam đang cố gắng thăng tiến nhân quyền. Đoạn văn đó nguyên văn như sau: “The United States welcomed Vietnam’s ongoing efforts to refine its legal system to better protect and promote human rights for everyone.” Tờ báo Washington Post trong mục xã luận gọi đây là “một trò cười vì Việt Nam hoàn toàn làm ngược lại”.
TPP rất có lợi cho Việt Nam, đặc biệt về quyền lao động và là cơ hội cho Việt Nam giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và bớt đàn áp những người bất đồng chính kiến. Nhưng vừa nhậm chức chưa đầy một tuần, Ô. Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP.
Ô. Trump không che dấu việc ông không quan tâm đến nhân quyền. Ông không tiếc lời ca ngơi những lãnh tụ độc tài với hồ sơ trà đạp nhân quyền và quyền tự do báo chí như Chủ Tịch Xi Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tổng Thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân, Tổng Thống Abdel Fattah El-Sisi của Ai Cập, Chủ Tịch Kim Jong-un của Bắc Hàn, và ngay cả Tổng Thống Vladimir Putin của Nga.
Theo sự tiết lộ của Asia Times qua bài báo “Behind the lobbyists that drew Trump to Vietnam” May 4, 2018, một số nhân vật có liên hệ mật thiết vời Ô. Trump đã và đang làm dịch vụ vận động hành lang cho chính phủ Việt Nam. Trong số đó có Ô. Stephen Ryan, Ô. Jeff Miller, Ô. Marc Kasowitz, Ô. Michael Kelly và Bà Loretta Pickus. Ô. Kasowitz là một luật sư lâu năm của Ô. Trump và là đại diện của Ô. Philip Falcon, một nhà đầu tư Hoa Kỳ, chủ khu nghỉ mát Grand Ho Tram Strip, Xuyên Mộc, Vũng Tầu, bao gồm khách sạn, sân gôn và sòng bài. Ô. Jeff Miller là cựu dân biểu Hoa Kỳ (Cộng Hòa, Florida), có thể trở thành Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh của chánh quyền Trump.
Hai công ty Hoa Kỳ được thuê để vận động hành lang cho Việt Nam là McDermott Will & Emery và Dowell Pham Harrison.
Cũng theo sự tiết lộ của Asia Times và ProPublica Ô. Kasowitz đã sắp xếp cho Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện điện thoại với Ô. Trump. Ít lâu sau, cả hai Ô. Kasowitz và Falcon đi Việt Nam vận động chánh phủ Việt Nam đổi luật cho phép công dân Việt Nam đánh bạc.
(4) Thưa GS Nguyễn Quốc Khải, Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã tỏ ra khá cứng rắn đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, cũng như vấn đề cân bằng thương mại giữa hai nước. Sự cứng rắn với Trung cộng của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
Không như một số người mơ tưởng, Ô. Trump gần như không đoái hoài gì đến vấn đề Biển Đông trong năm đầu tiên nắm quyền hành pháp trong tay. Ông ta quá chú trọng đến Bắc Hàn và vấn đề thương mại. Ông lại quá bận bịu về nhiều chuyện rắc rối tình dục, liên lụy đến cuộc điều tra về Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử 2016. Chưa hết, Ô. Trump phải đương đầu vói một chánh quyền hỗn loạn về nhân sự, tiến trình hoạch định chính sách chậm chạp, theo như nhãn định của Ô. Ely Ratner, một thành viên của Hội Đồng Bang Giao Quốc Tế (Council on Foreign Relations), cựu cố vấn của cựu Phó Tổng Thống Joe Biden.
Đối với Ô. Trump, vấn đề Biển Đông không phải là chuyện bất ngờ mới xẩy ra qua đêm, mà là một chuyện đã kéo dài nhiều năm, chưa đưa đến một cuộc khủng hoảng tức thời hay trong trung hạn. Do đó không có ưu tiên trong lịch trình công tác của Ô.. Trump. Đó là nhận xét của Ô. Evan Medeiros, nguyên cố vấn của Tổng Thống Obama về chiến lược Đông Nam Á. Ngoài ra, Ô. Trump muốn nhẹ tay với Trung Quốc để nước này giúp Hoa Kỳ đối phó với Bắc Hàn.
Trong chuyến viếng thăm Á châu kéo dài 12 ngày vào cuối năm 2017, Ô. Trump không nhắc đến Biển Đông cho đến ngày chót, ông đề nghị Hoa Kỳ làm trung gian cho vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng không nước nào tỏ ra vui thú với trò chơi này. May mắn thay, thông cáo chung với Việt Nam và với Phi Luật Tân, có nhắc đến vấn đề tự do hàng hải tại Biển Đông.
Vào mùa hè năm ngoái, Trung Quốc triệu tập đại sứ Việt Nam, đe dọa dùng biện pháp quân sự nếu Việt Nam tiếp tục khai thác dầu trong đặc khu kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Vì cảm thấy bị cô lập không được quốc gia nào bênh vực, kể cả Hoa Kỳ, nên Việt Nam đã lặng lẽ rút lui.
Cuối cùng vào đầu năm nay, chính sách về Biển Đông của chính quyền mới bắt đầu thành hình. Tài liệu “Chiến Lược Quốc Phòng 2018” (National Defense Strategy 2018 – NDS 2018) phổ biến vào cuối tháng Một năm nay mô tả Trung Quốc là một đối thủ chiến lược (strategic competitor), có khuynh hướng dùng kinh tế để hăm dọa các nước láng giềng trong khi đó quân sự hóa Biển Đông. Tài liệu này công khai kết án Trung Quốc đang tìm cách làm bá chủ vùng trong ngắn hạn và thay thế Hoa Kỳ để dành vị trí siêu việt toàn cầu trong tương lai. Một ngày sau khi Bộ Quốc Phòng công bố NDS 2018, Hải Quân Hoa Kỳ đã cho Khu Trục Hạm có gắn hỏa tiến USS Hopper tiến vào trong vòng 12 hải lý của đảo Scarborough Shoal Trung Quốc chiếm của Phi Luật Tân. Hòn đảo này nằm trong đặc khu kinh tế 200 hải lý của quốc gia này. Một vài ngày sau Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã thăm Việt Nam và Nam Dương. Hơn hai tuần sau, Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson đã viếng thăm hải cảng Đà Nẵng.
Thứ Ký Báo Chí của Nhà Trắng trong buổi họp báo vào đầu tháng Năm lên tiếng cảnh cáo rằng Trung Quốc sẽ nhận lãnh hậu quả trong ngắn hạn và dài hạn của việc đặt hệ thống hỏa tiễn chống chiến hạm và hỏa tiễn địa không tại một số tiền đồn trong Biển Đông về phía tây của Phi Luật Tân. Đây là biến chuyển mới nhất về Biển Đông.
Chính sách cứng dắn của Hoa Kỳ về Biển Đông rất có lợi cho Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Singapore và Brunei trong việc bảo vệ lãnh hải. Ngoài Hoa Kỳ, các nước Đông Nam Á còn có trông nhờ vào sự trợ giúp của Nhật, Ấn Độ và Úc. Điều cần thiết là chuẩn bị sức mạnh và tăng cường ý chí để tự vệ. Cho tới nay chính quyền CSVN tỏ ra quá hèn nhát trước sự xâm lăng trắng trợn của Trung Quốc.
(5) Thưa GS Nguyễn Quốc Khải, chúng tôi nhận thấy Anh thường tham gia vào việc vận động cho nhân quyền Việt Nam. Cụ thể như trong Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được diễn ra tại Washington DC cách đây một tháng. Anh nhận định thế nào về kết quả của những cuộc vận động này? Vì người ta vẫn thấy CSVN gia tăng đàn áp tôn giáo cũng như nhân quyền, đặc biệt trong năm 2017 và 2018 này?
Thưa GS Nguyễn Quốc Khải, cộng sản cứ gia tăng đàn áp nhân quyền, đàn áp tôn giáo, cướp đất của dân, làm rất nhiều điều bạo ngược, dường như họ chẳng nể nang nước nào cả. Nhiều người thắc mắc về sự bất lực của các quốc gia tự do dân chủ, nhất là của Hoa Kỳ, dường như các quốc gia này chẳng làm gì được để buộc chế độ độc tài như Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền như họ đã từng ký kết với Liên Hiệp Quốc. Chẳng lẽ các quốc gia đành phải chấp nhận sự bất lực của mình đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam?
Những cuộc vận động nhân quyền tại Quốc Hội cũng như ở Bộ Ngoại Giao và các tổ chức nhân quyền quốc tế rất là cần thiết. Mỗi lần đi vận động như vậy, chúng ta mang đến cho họ những tin tức mới về những vụ đàn áp tôn giáo và nói chung là vi phạm nhân quyền. Không phải dân biểu, nghị sĩ và viên chức chánh phủ nào cũng biết rõ tình hình ở Việt Nam.
Nhờ những cuộc vận động như vậy và những báo cáo của những tổ chức độc lập như US Commission on International Religious Freedom, Human Right Watch, Freedom House, Amnesty International, v.v. mà cả thế giới biết rõ về tình hình nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Reporters Sans Frontieres xếp Nguyễn Phú Trọng vào danh sách kẻ thù của báo chí. Transparency International xếp loại Việt Nam vào hạng thứ 117 trong 180 quốc gia được điều nghiên về tình trạng tham nhũng. Hầu hết báo chí quốc tế đều biết rõ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế tại Washington-DC vào tháng Tư vừa qua là một hội họp quan trọng với sự có mặt của nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau. MS Nguyễn Công Chính đã trình bầy kinh nghiệm bản thân về hoạt động tôn giáo của ông tại Việt Nam. Ông đã bị theo rõi, tra tấn và tù đầy. Sự kiện này giúp cho cử tọa hiểu rõ chính sách trà đạp tôn giáo tàn bạo của CSVN.
Mới đây trong mục xã luận tờ báo Washington Post trình bầy quan điểm của tờ báo về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam để đòi hỏi chánh phủ Mỹ phải can thiệp như sau: “Việt Nam có một lịch sử lâu dài về việc đàn áp những người bất đồng chính kiến và trừng trị không nương tay những người đấu tranh chính trị. Những thành viên của Quốc Hội của cả hai đảng đều bầy tỏ sự quan tâm đối với những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Bô Ngoại Giao nên ghi nhận và lên tiếng để ủng hộ những người đã chịu mọi rủi do cá nhân để tranh đấu cho dân chủ.”
Na Uy là một nước Bắc Âu đã từng mạnh mẽ ủng hộ miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam. Vì tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ sau chiến tranh, Na Uy đã quay sang ủng hộ những người đấu tranh cho tự do dân chủ. Vài ngày trước đây, Bộ Ngoại Giao Na Uy đã trao giải thưởng nhân quyền cao quý Vaclav Havel cho Ca Sĩ Mai Khôi vì cô kiên trì đấu tranh cho nhân quyền ngay tại Việt Nam qua âm nhạc.
Chúng ta rất cần sự ủng hộ của các quốc gia tự do trên thế giới. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sự dẫn thân của mọi người Việt trong và ngoài nước. Hiện nay đa số người Việt vẫn còn thờ ơ với thời cuộc. Nhìn chung quanh sẽ thấy ngay. Nếu chúng ta không tự giúp chúng ta, thì không thể trông đợi các nước khác giúp chúng ta được.
(6) Nhiều người cảm thấy người Việt hải ngoại đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam bằng đủ mọi cách, từ biểu tình tới vận động chính giới, quyên tiền ủng hộ những người đấu tranh trong nước, vạch tội ác cộng sản trên các phương tiện truyền thông, v.v... nhưng cộng sản vẫn chẳng có tiến bộ bao nhiêu, thậm chí còn ngày càng tệ hơn. Suy nghĩ vậy nên nhiều người nản chí, cho rằng đấu tranh chẳng có kết quả gì. Anh nghĩ sao về suy nghĩ của những người này?
Cuộc tranh đấu dành lại quê hương của người Việt yêu chuộng tự do là một cuộc tranh đấu đầy cam go. Nhưng tôi tin rằng CSVN xụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Không ai tiên đoán trước được Bức Tường Ô Nhục Bá Linh xụp đổ tiếp theo là cả Đông Âu. Đảng Cộng Sản Liên Xô có 19 triệu đảng viên, chiếm khoảng 10% dân số vào 1986, một sớm một chiều đã tan biến thành mây khói. CSVN hiện nay chỉ biết bám víu vào sự bảo vệ của lực lượng công an để sống còn. Trong thời kỳ chiến tranh, CSVN bịp dân bằng những khẩu hiểu “Chống Mỹ cứu nước” hay “Xây dựng thiên đường xã Hội chủ nghĩa.” Nay dân đã biết hết sự thật. CSVN ngày nay không còn lý tưởng nào để theo đuổi, một chính nghĩa nào cả hay một khẩu hiệu hấp dẫn nào để bịp dân, ngoại trừ cam tâm làm Hán ngụy.
Tham nhũng và bất công xã hội sẽ là hai yếu tố chính để cho CSVN tan vỡ. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là CSVN ngày càng trở nên hèn hạ, để lộ bản chất bán nước cầu vinh, không bảo vệ được lãnh thổ. Sự chênh lệch giầu nghèo đã đi đến mức độ khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi. Chính quyền chi tiêu bừa bãi, mờ ám. Ngân sách thiếu hụt thì bắt dân đóng thuế bù vào. Dân bị bóc lột một cách tinh vi qua chánh sách thu hồi đất đai. Ngoài ra, có những yếu tố khác nữa như sự phân tán nội bộ của CSVN, thông tin rộng rãi qua những phương tiện như Internet, Facebook, Youtube, các mạng xã hội, điện thoại. Tính đến cuối 2016, Việt Nam có 53.7 triêu người xử dụng Internet. Đây là một những yếu tố quan trọng nhất. Qua những phương tiện này, người dân trong và ngoài nước trao đổi thông tìn và lập nhóm hoạt động với nhau.
Những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam có thể chia làm ba nhóm. Công nhân chú trọng đến việc thành lập nghiệp đoàn. Những người hoạt động ở thành thị chú trọng đến nhân quyền. Những người ở nông thôn chú trọng đến việc cải tổ luật đất đai. Trước đây ba nhóm này phân tán. Nay họ đã liên kết được với nhau để đối phó với ba vấn đề chung là môi trường ô nhiễm, nhà nước chiếm đoạt đất đai của dân và Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ. Trong thời gian gần đây một số cựu chiến binh bộ đội CSVN, bất mãn với chế độ cũng đã nhập cuộc. Đó là một dấu hiệu không lành cho CSVN.
Việt Nam hiện trải qua hiện tượng thành thị hóa, khoảng 4% mỗi năm, thành phần trẻ chiếm khoảng 40% của tổng số dân là 92 triệu, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và số người ra nước ngoài du lịch hoặc du học ngày càng nhiều. Những sự kiện này đều sẽ giúp cho việc dân chủ hóa đất nước tiến nhanh hơn.
Cách hay nhất người Việt ở hải ngoại nên làm là trợ giúp trực tiếp những người hoạt động ở trong nước và gia đình. Bớt làm những chuyện ruồi bu như lập chính phủ lưu vong, đoàn thể ma để phong chức tước cho nhau và chống cộng bằng mồm. Ngược lại cũng không nên ngậm miệng ăn tiền, ngồi yên một chố, rồi khuyên bảo người người khác chống cộng theo lối của mình.. Không được thì chụp mũ người ta là cộng sản. Chống độc tài CSVN không có nghĩa là để thiết lập một chế độ độc tài khác.
Chính nghĩa của chúng ta là tôn trọng quyền con người, công bằng xã hội và tư do. Nếu đề cao và giữ vững chính nghĩa này, chúng ta sẽ thắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét