Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

KH : Các loại bom nguyên tử

KH : Các loại bom nguyên tử


   
Bom nguyên tử của Hoa Kỳ. (Hình: nuclearweaponarchive.org)

Gần đây thế giới rất quan tâm đến việc Bắc Hàn thử vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa. Tại sao thế giới phải lo ngại? Tại vì sức phá hủy của bom nguyên tử và vì tính cách bất thường của Bắc Hàn.
Trong bài này tôi nói về lịch sử, nguyên tắc, sự ghê gớm và cách ngăn chặn sự lan tràn của bom nguyên tử. 
Đơn vị đo lường sức nổ bom nguyên tử
Người ta thường dùng đơn vị “tương đương với TNT” để chỉ sức nổ của bom nguyên tử. TNT viết tắt của chữ Trinitrotoluence là một hỗn hợp chất hóa học dùng làm thuốc nổ. Thí dụ bom nguyên tử thả xuống Hiroshima có sức nổ tương đương với 16,000 tấn TNT. Bom này có biệt hiệu là Little Boy.
So với những bom nguyên tử hiện nay thì Little Boy không thấm thía gì. Theo trang www.army-technology.com thì Hoa Kỳ đã sản xuất khoảng 500 quả bom nguyên tử cỡ lớn, mỗi quả có sức nổ tương đương với 25 triệu tấn TNT tức là gấp hơn 1,500 lần Little Boy.
Quả bom nguyên tử lớn nhất thế giới do Liên Bang Xô Viết chế tạo và cho nổ vào năm 1961. Quả bom này có sức nổ tương đương với 50 triệu tấn TNT, tức là gấp hơn 3,000 lần Little Boy. 
Mốc thời gian bom nguyên tử
Trong thập niên 1930 có nhiều khám phá khoa học đã cho biết về tiềm năng của nguyên tử. Vào Tháng Mười, 1939, Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt nhận được một lá thư của nhà bác học Albert Einstein nói về khả năng phi thường của một loại bom dùng sự phân hạt nguyên tử (nuclear fission). Ông Einstein cũng tỏ ý lo ngại là Đức Quốc Xã có thể có quả bom như thế trước Đồng Minh và sẽ khống chế cả thế giới.
Do đó tổng thống cho thành lập một cơ quan với sự hợp tác của Anh và Canada để chế tạo bom nguyên tử. Cơ quan này rất bí mật và có biệt danh là The Manhattan Project.
Bom nguyên tử đầu tiên được Hoa Kỳ thử nghiệm thành công vào ngày 16 Tháng Bảy, 1945, tại tiểu bang New Mexico. Chỉ trong vòng mấy tuần sau đó, vào ngày 6 Tháng Tám, Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử trên thành phố Hiroshima. Ba ngày sau Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử thứ nhì trên thành phố Nagasaki. Nhật đầu hàng vô điều kiện vào ngày 14 Tháng Tám và Thế Giới Đại Chiến Thứ II chấm dứt.
Các loại bom nguyên tửMô hình bom nguyên tử “Fat Man” nổ ở Nagasaki. (Hình: Hà Dương Cự/Người Việt)
Năm 1949 Liên Bang Xô Viết thử nghiệm thành công bom nguyên tử và trở thành quốc gia thứ hai có bom nguyên tử.
Năm 1952 Vương Quốc Anh thử bom nguyên tử đầu tiên tại Úc Châu.
Năm 1960 Pháp thử bom nguyên tử đầu tiên tại sa mạc Sahara.
Năm 1964 Trung Quốc trở thành quốc gia thứ năm có vũ khí nguyên tử.
Hiện tại, ngoài năm nước trên, Ấn Độ, Pakistan, Do Thái và Bắc Hàn có bom nguyên tử. 
Nguyên tắc của bom nguyên tử
Hạt nhân (nucleus, số nhiều là nuclei) của nguyên tử gồm có prô-ton (proton) và nơ-tron (neutron). Khi các hạt nhân của nhiều nguyên tử được tách ra hay hợp lại thì một năng lượng rất lớn được phát sinh ra. Các nhà khoa học khai thác hiện tượng này để làm thành bom nguyên tử.
Có hai loại bom nguyên tử, loại phân hạt (fission) và loại hợp hạt (fusion).
-Bom nguyên tử phân hạt: Hạt nhân của nguyên tử được phân ra làm hai bởi một nơ-tron. Phương pháp này thường cần có chất đồng vị (isotope) của nguyên tố u-ra-ni (uranium-235) hay plu-ton (plutonium-239). Những bom nguyên tử lúc đầu đều thuộc loại này.
-Bom nguyên tử hợp hạt: Hai nguyên tử được hợp lại thành một. Thường là chất đồng vị hydrogen (deuterium, tritium) hợp lại thành chất đồng vị helium. Tác động này phát sinh ra một lượng năng lực rất lớn. Đây cũng là cách mặt trời sinh ra năng lượng. Phương pháp này khó thực hiện hơn cách phân hạt, nhưng hữu hiệu hơn nhiều, tức là phát ra nhiều năng lượng hơn.
Vì sự hợp hạt cần phải có một nhiệt độ rất cao, nên loại này cũng có tên là bom nhiệt hạt nhân (thermonuclear). Vì dùng chất đồng vị của hy-drô (hydrogen) nên cũng có tên là bom hy-drô. 
Sự kinh hoàng của bom nguyên tử
Năm 1945, Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử trên thành phố Hiroshima làm thiệt mạng hay gây thương tích cho khoảng 130,000 người. Ba ngày sau Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử thứ nhì trên thành phố Nagasaki làm thiệt mạng hay gây thương tích cho khoảng 150,000 người.
Hình sau đây là một tòa nhà tại thành phố Hiroshima bị quả bom nguyên tử phá hủy. Tất cả mọi người trong tòa nhà đó đều bị chết trong nháy mắt, tòa nhà chỉ còn lại cái sườn. Bây giờ được giữ lại nguyên như lúc bị bom để làm chứng tích cho sự kinh hoàng của bom nguyên tử. Di tích này được gọi là A-Bomb Dome và là một di sản quốc tế.
Các loại bom nguyên tửA-Bomb Dome tại Hiroshima. (Hình: Hà Dương Cự/Người Việt)
Sự nguy hại của bom nguyên tử không những là sự thiệt hại một số lớn nhân mạng tức thời lúc đó, không phân biệt già trẻ lớn bé, mà còn là ảnh hưởng của phóng xạ. Phóng xạ gây ra rất nhiều bệnh tật cho cơ thể con người. Theo những dữ liệu thu thập từ Hiroshima và Nagasaki thì 10 năm sau những người ở đó còn bị nhiều bệnh tật do phóng xạ gây ra. Hơn nữa phóng xạ có thể gây ra rất nhiều chứng ung thư. 
Ngăn chặn sự lan tràn bom nguyên tử
Có hai cách để ngăn chặn sự lan tràn của bom nguyên tử và để tránh các phần tử khủng bố có bom nguyên tử đó là giữ bí mật phương pháp chế tạo bom nguyên tử và kiểm soát nguyên liệu làm bom nguyên tử. Một cách nữa là yêu cầu các nước ký vào hiệp ước cam kết không chế tạo vũ khí nguyên tử.
Phương pháp làm bom nguyên tử bây giờ không còn là một bí mật nữa. Năm 1976, một sinh viên ở Đại Học Princeton, ông John Aristotle Phillips viết một tiểu luận về cách chế tạo một bom nguyên tử dùng những thông tin công khai. Việc này đã gây chấn động thế giới và FBI đã tịch thu bài tiểu luận này ngay sau đó.
Tờ The Guardian của Anh có một bài nói về một công trình bí mật của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Năm 1964, Ngũ Giác Đài thuê hai người có bằng tiến sĩ vật lý nhưng không biết gì về vũ khí nguyên tử và yêu cầu họ thử xây dựng một đồ án làm bom nguyên tử chỉ dùng những thông tin công khai. Nếu họ làm được thì nhiều nước cũng có thể làm được. Sau 30 tháng làm việc hai người này đã viết một văn kiện rất chi tiết về phương pháp chế tạo bom nguyên tử mà các nhà khoa học gia Hoa Kỳ đều công nhận là chính xác.
Như vậy cách để ngăn chặn sự lan tràn của bom nguyên tử là kiểm soát nguồn nguyên liệu hay là yêu cầu các nước ký vào những hiệp ước cam kết không chế tạo vũ khí nguyên tử.
Hiệp Ước Non-Proliferation Treaty được ký vào ngày 1 Tháng Bảy, 1968. Các quốc gia không có vũ khí nguyên tử mà ký vào hiệp ước này thì cam kết sẽ không bao giờ có vũ khí nguyên tử. Năm 1967 các nước trong vùng Mỹ Châu La Tinh đồng ý là vùng này sẽ là vùng không có vũ khí nguyên tử. Đông Nam Á cũng trở thành vùng phi nguyên tử vào năm 1995. Phi Châu cũng làm như vậy vào năm 1996.
Ngày 27 Tháng Ba năm nay tại Liên Hiệp Quốc đa số các hội viên đã bắt đầu thương lượng về một hiệp ước cấm hẳn vũ khí nguyên tử và để dẫn tới việc tiêu hủy hoàn toàn vũ khí nguyên tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét