Lá Thư Từ Đức Quốc
Hãy can đảm nhìn sang Đức để so sánh,
đánh giá đúng và khách quan về những dị biệt
mà Đức và cộng sản Việt Nam
đã làm sau khi "Thống Nhất đất nước" !
* Lê Ngọc Châu
Lời phi lộ: Để tránh ngộ nhận, tôi - một người tỵ nạn chính trị vì cộng sản - được Đức chấp nhận cho "ăn nhờ ở đậu" mạn phép đề cập sơ đến "cái tôi đáng ghét", mong quý độc giả thông cảm!.
Nếu đề cập đến VN sau tháng Tư 1975 thì tôi hoàn toàn thua xa quý vị là những nhân chứng sống, chẳng khác gì thân nhân, bạn bè của tôi. Riêng tôi, may mắn tốt nghiệp Cao học kỹ sư Đức, từng đi làm đóng thuế như người bản xứ trước khi NVTN ào ạt sang Đức vào cuối thập niên 70 và đi làm đóng thuế cho quê hương tạm dung của mình khi người cộng sản DDR còn sống dưới "Thiên đàng Xã hội chủ nghĩa". Tôi cũng biết khá rõ về sự thống nhất nước Đức và diễn tiến sau đó. Cũng đọc, hiểu chút ít Đức ngữ và chẳng sống nhờ tiền thuế của Đức nên người bản xứ chưa dám nói gì về cá nhân tôi cả, dù khác giọng nói và màu tóc, màu da. Với tôi, dèm pha hay chụp mũ bất cứ ai là hạ sách nên tôi cố tránh, chỉ lên tiếng chút xíu khi cần thiết. Còn ai muốn tin gì thì đó là chuyện của đương sự vì nhận định thế nào về một sự kiện tùy độc giả. Nếu ai đó cho rằng tin được dù "nó thiếu dẫn chứng, chưa biết kẻ phao vu thuộc thành phần nào" thì cũng là chuyện của người đọc. Riêng tôi vì thời giờ hạn hẹp, có nhiều việc hữu ích hơn để làm nên sẽ không tranh luận với bất cứ ai khác quan điểm nhưng diễn đạt tư tưởng với lối văn phong khiếm nhã, thiếu cơ sở. Chỉ xin lưu ý điều căn bản, người xưa dạy "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ !". Rõ ràng cổ nhân dạy: bản thân lo cho xong trước đi. Nếu chúng ta và những chủ diễn đàn đừng tiếp tay cho thành phần mà chưa rõ họ là ai nhưng chửi hết từ Linh Mục, BS, KS, DS…, ai cũng bảo/viết là VC+VG (sic) với lối viết "vô văn hóa" thì theo tôi có lẽ từ đó Cộng Đồng người Việt tỵ nạn sẽ "sạch hơn". Tôi may mắn học được từ đa số ngưới Đức 1 điều :" Có nói không thôi, tránh bịa chuyện !". Biết đâu nhờ đó những vị (ở ẩn) có khả năng, uy tín thật sự sẽ tung mền dậy nhập cuộc, cùng đóng góp vào sự tranh đấu cho một Việt Nam KHÔNG cộng sản, có đầy đủ Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Mong lắm thay và chỉ là một đề nghị nhỏ !.
Chúng ta đều rõ, có "kéo cày" và đóng thuế khi về già lãnh hưu trí. Còn nếu không đi làm thì chỉ nhận được trợ cấp gì gi đó của đất nước định cư. Bây giờ, G20 sôi động đã qua, mời Quý vị đọc bản tin ngắn sau đây và vài thiển ý của ngưòi viết dù đi ra ngoài chủ đề. Trân trọng. (LNC_S-Ger).
* * *
Đức, Bundesrat chấp thuận san bằng lương hưu giữa Đông-Tây .
Giữa lương hưu ở Đông và Tây (ghi chú thêm: ý nói cộng sản Đông Đức cũ (DDR) và Tây Đức (BRD)), sẽ không có sự khác biệt kể từ năm 2025: Hội đồng liên bang (Bundesrat, cũng có thể gọi là thượng nghị viện) chấp thuận vào hôm thứ Sáu 07.07.2017 sự san bằng về phúc lợi hưu trí giữa các tiểu bang mới và cũ, đã được thông qua bởi Quốc hội Đức (Bundestag, cũng có thể gọi là hạ nghị viện liên bang). Sự khác biệt giữa tiền hưu ở phía Đông và Tây sẽ biến mất tuần tự từng bước một, qua bảy bước đi cho đến tháng Bảy 2024.
Những khác biệt khác theo luật định sẽ giảm đến đầu năm 2025. Chúng bao gồm các yếu tố "rating" cao, cho đến nay những người Đông Đức được ưu đãi hơn trong sự đóng góp và thậm chí còn thấp hơn trong ngưỡng thu nhập (Beitragsbemessungsgrenze = Income threshold).
Chi phí cho sự san bằng hưu bỗng ước tính cho năm bắt đầu 2018 với 600 triệu euro, sau đó trong năm của sự san bằng được hoàn chỉnh theo luật về hưu vào năm 2025 là 3,9 tỷ euro.
Tân Thống đốc của tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern, Manuela Schwesig (SPD), đã nói về một "ngày quan trọng" cho các tiểu bang miền đông nước Đức. Đồng thời bà ta thừa nhận rằng cho đến khi được quân bình thời gian vẫn còn khá dài. Do đó, sự phát triển về tiền lương cần được quan sát để tùy hoàn cảnh có thể đưa ra sớm hơn các biện pháp cuối cùng cho sự san bằng lương hưu !.
* Thay lời kết: Dựa vào bản tin ngắn ở trên, người viết mạn phép đi xa hơn chủ đề "san bằng cách biệt hưu trí "giữa Đông và Tây Đức, đưa ra thêm vài nhận định riêng sau đây:
Như chúng ta biết, dân DDR từ bỏ thiên đàng xã hội chủ nghĩa, đã vứt bỏ và đốt cờ Cộng Sản trong chốc lát và đã vùng dậy đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh chỉ vì họ muốn nhìn thấy ánh sáng Tự Do, chỉ vì trong tiềm thức của họ từ lâu rồi muốn được sống thoải mái không bị kìm kẹp, muốn đi đâu chẳng ai cấm hay dò xét dưới một xã hội dân chủ thật sự !. Còn Việt Nam (VN) sẽ đi về đâu trước nạn Hán hóa, mất nước theo tin từ Internet ?.
Nhưng Tây Đức nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nhiều qua sự thống nhất Đức. Vì quá vui mừng nước Đức bất ngờ được thống nhất nên Helmut Kohl và chính phủ do CDU cầm quyền lúc bấy giờ không nắm vững được những khó khăn do cộng sản (cs ) Đông Đức để lại sau hơn 40 năm áp đặt chế độ chuyên chính vô sản tại đây, nhất là trên bình diện kinh tế, nên Tây Đức đã thừa hưởng một gánh nợ không lồ do cs Đông Đức để lại vì vậy tình trạng kinh tế của Tây Đức, từ một cường quốc trên thế giới, đã xuống giốc một cách khủng khiếp vài năm sau thống nhất.
So với những quốc gia khác thuộc khối cs Đông Âu và đàn anh vĩ đại Nga Sô cũng theo chân Đông Đức bị sụp đổ sau đó thì người dân Đông Đức có phần may mắn hơn và nhờ vào sự tài trợ không ngừng của Tây Đức nên sau gần 27 năm thống nhất, đời sống của dân Đông Đức không còn chênh lệch với dân bên Tây Đức bao nhiêu.
Đức : Tây Đức hàng năm đã đổ không biết bao nhiêu tỷ Đức Mã và về sau là Euro để giúp dân chúng thuộc vùng cộng sản cũ, trên nhiều phương diện: từ việc kỹ nghệ hóa các hãng xưởng, sửa chữa và xây cất nhà cửa, đường xá, cầu cống v.v.. Ngoài ra, để cải tiến đời sống nghèo khổ bên phía Đông, chính quyền Helmut Kohl trước đây vì cần tài chánh đã sử dụng các biện pháp như tăng thuế, công nhân viên Tây Đức phải xuất lương hầu giúp đỡ đồng hương (solidarity contribution) bên Đông Đức.
VN : Một điểm khác rất cách biệt so với VN dựa theo các tài liệu tôi đọc được cũng như do thân nhân kể lại là csVN đổi tiền năm ba bận nhằm bần cùng hóa thành phần tư bản và tiểu tư sản mà họ nghĩ rằng còn giấu giếm của cải đâu đó chưa kiểm soát được thì Tây Đức trái lại, ngay sau khi thống nhất họ đã ban lệnh đổi tiền DDR, một đồng tiền thời đó không có giá trị gì nhiều so với đồng Đức Mã (lúc đó nếu không lầm 1DM = 7 đồng DDR) với tỉ lệ 1:1, giúp cho dân DDR, không phân biệt họ là đảng viên, con ông cháu cha hay dân thường gì cả bỗng tự nhiên có tài sản, rồi sau đó dân DDR với số tiền "trời cho" lại còn xây nhà hay mua xe đôi khi còn ngon lành hơn những người dân bên phía Tây.
Sự khác biệt Đức-VN: Trong khi dân miền Nam VN bị đánh thuế tư sản mại bản làm nhiều gia đình mất hết cả tài sản thì ngược lại ở dân DDR được ưu đãi hầu hết trên mọi phương diện làm cho dân chúng vùng cs cũ hứng chí làm ăn nên nền kinh tế sau thời DDR từ từ khá lên.
Vài sự khác biệt quan trọng sau thống nhất giữa Đức - VN:
- Khác với csVN đã tìm cách đưa đi cải tạo hay quản chế quân cán chính liên hệ với chính quyền VNCH cũng như cấm lập hội, lập đảng sau 30.4.1975 thì đa số cựu đảng viên cs của DDR và những người còn luyến tiếc chủ thuyết xã hội chủ nghĩa đã „lấy rượu cũ đổ vào bình mới“ thay đổi danh xưng đảng SED (đảng cs DDR cũ) thành PDS và ra tranh cử với các đảng phái dân chủ khác của Đức.
- Cộng sản VN bắt giam hàng trăm ngàn Quân - Cán- Chính VNCH mà ai cũng biết vì là người trong cuộc hay thế nào cũng có thân nhân, bạn bè từng là nạn nhân của chế độ mới sau tháng Tư 1975 (ngay cả thân nhân người viết cũng là nạn nhân !!) và đày đoạ, đẩy hàng loạt người dân miền Nam sống ở thành thị vào các vùng kinh tế mới …
- Ngược lại, chính quyền và nhân dân Tây Đức đặc biệt không mang hận, trả thù dân Đông Đức sau khi thống nhất. Dựa theo nhiều tài liệu của Đức và các phóng viên báo chí từ các nước Âu Mỹ, Đức không trả thù dân cùng chủng tộc!. Cũng có vài vụ kiện tụng xử các đảng viên bắn chết hay bắn người bị thương khi dân DDR tìm cách vượt bức tường ô nhục để sang Tây Bá Linh tìm tự do nhưng bất cứ vụ kiện nào cũng có luật sư bào chữa. Lý do rất dễ hiểu, luật pháp Đức coi trọng quyền làm người. Hiến Pháp Đức đã qui định một cách rõ ràng: "Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm". Vì thế không có chuyện đem hàng loạt đảng viên hay quân cán chính thời DDR cho đi học tập cải tạo hay tống giam, tẩy não (ngoại trừ thời Đức quốc Xã). Ngay cả Tổng bí thư cuối cùng của DDR, Egon Krenz cũng bị đưa ra tòa và chỉ bị phạt tù và nay đã được khoan hồng trả tự do. Không những thế chính những tay trùm mật vụ DDR, từng sát hại bao nhiêu dân DDR vô tội cũng bị đưa ra tòa án xét xử một cách công khai, có luật sư biện hộ. Ngay cả các đảng viên hay các chính trị gia gộc thời DDR bây giờ cũng thoải mái tham chính như Gysi hay Bisky v.v... chẳng hạn.
Đấy, sự khác biệt giữa DDR và Việt Nam sau khi thống nhất rõ ràng như vậy đó!. Chưa kể đến chuyện đảng PDS, hậu thân của đảng cộng sản Đông Đức cũng được tự nhiên hoạt động trên chính trường Đức không gặp một khó khăn nào, họ hiện đã và đang ngồi tại Quốc Hội hay nghị viện Đức với những chức vụ Nghị sĩ mà chẳng bị chính phủ Đức làm khó dễ. Tại những nước CS thuộc khối Đông Âu cũ như Ba Lan, Tiệp, Hung Gia Lợi, Rumaenien (Romania/Rumania) v.v... cũng không có xảy ra những vụ tống giam rầm rộ hay trả thù những đảng viên, cảnh sát, quân đội và tay sai của chính quyền CS cũ, ngoài những vụ xử án lẻ tẻ. Những người cộng sản ngày xưa họ vẫn được lập hội lập đảng ra tranh cử với những đảng phái dân chủ đối lập một cách tự nhiên. Thậm chí họ được quyền tiếp tục tuyên truyền chủ thuyết cộng sản vốn đã lỗi thời và ai còn nghe theo đó là chuyện riêng của người đó, dựa trên tinh thần tự do tư tưởng và dân chủ. Người cộng sản cũ nói chung đều có một đời sống ấm no, bình đẳng như nhau, có đầy đủ các quyền tự do, được sống an lành không còn bị kìm kẹp hay muốn đi đâu thì đi không phải lo sợ bị theo dõi, ai làm nấy ăn v.v... như xưa, dưới thời cộng sản thống trị.
Nhìn người lại nghĩ đến ta. Việt Nam kể từ khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm xong Nam VN đưa đến sự thống nhất ngày 30 tháng 4.1975 (người viết dùng chữ cưỡng chiếm vì VNCH ở thế tự vệ và rõ ràng, VNCH không sử dụng vũ lực để tóm thu miền Bắc như cộng sản Bắc Việt đã đưa quân ào ạt vào miền Nam trên phần đất của miền Nam, điển hình Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè đỏ lửa 1972 và rõ ràng nhất 1975 !) , thời gian lâu gấp đôi so với Đức nhưng VN nói chung vẫn còn èo uột, chưa khả quan mấy trên tất cả mọi phương diện: kinh tế, nhất là Tự do, Nhân quyền v.v.... Nếu không có nguồn tài lực do những người tỵ nạn CS và số người VN được nhà nước cho phép "xuất khẩu lao động" từ hải ngoại gởi về không hiểu tình trạng kinh tế VN còn đi tới đâu?.Những người có trách nhiệm đối với dân chúng VN hãy can đảm, bình tâm nhìn sang DDR, khối Đông Âu và khối Liên Hiệp Nga cũ thì rõ. Nhưng không chỉ nhìn thôi mà còn cần phải học hỏi để cải thiện cho dân Việt nhờ với nếu chế độ cộng sản chưa bị đào thải ngay như ở Đông Âu !.
Một điểm quan trọng cũng cần nói ra là dân DDR đâu ai bỏ quê hương xứ sở đi lánh nạn tránh Tây Đức?. Họ cũng đâu có rời bỏ DDR như VN đã làm chấn động thế giới với hàng triệu người bất kể hiểm nguy tìm đường vượt biên, vượt biển đi tìm Tự Do?!. Họ an tâm ở lại quê hương xứ sở của họ. Một khi mà người dân được quyền tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự do học hành và phát triển... nói chung có đời sống hoàn toàn có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền thì họ mới có hứng thú làm việc, đóng góp tích cực vào sự phồn thịnh và phát triển quốc gia được. Ngược lại, nếu làm mà chẳng được gì hết thì họ sẽ thụ động là chuyện rất dễ hiểu và đây là lý do DDR và Tây Đức khác biệt nhau một trời một vực trên tất cả mọi phương diện trước khi Đức thống nhất.
Dân Đông Đức thời Xã Hội Chủ Nghĩa làm việc, phục vụ và đóng thuế cho nhà nước cộng sản. Ngược lại dân Tây Đức ngay từ căn bản, ngay từ đầu phụng sự cho Cộng Hòa Tây Đức (BRD). Vấn đề hưu trí đều dựa vào thời gian và sự đóng góp của giới lao động cho một quốc gia. Ganh tị hay chống đối nếu có là chuyện rất bình thường vì dân DDR đâu có đóng góp nhiều gì cho chế độ Cộng Hoà (chỉ có và xảy ra sau 1990) NHƯNG rốt cuộc dân phía Tây sẵn sàng chấp nhận sự san bằng lương hưu Đông - Tây (xem tin trên), cho toàn nước Đức thì cũng đủ hiểu trình độ dân trí của Đức cao như thế nào để đừng ngạc nhiên vì sao Đức có chỗ đứng vững, được nễ trọng trên thế giới.
Khi nào thì giới lãnh đạo VN chúng ta mới nhìn ra được cội rễ của vấn đề để tạo cho dân Miền Nam nói riêng - nhất là các gia đình ngày xưa thuộc Quân-Cán-Chính VNCH - mà cs ghép tội là "ngụy" và dân VN nói chung có được một cơ hội tương tự như Tây Đức (BRD) đã thực hiện cho dân Đức ở DDR ?.
- © Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, chiều 09.07.2017)
Nguồn: Theo AFP , 07.07.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét