Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Bao Vây Trung Quốc Trần Khải

Bao Vây Trung Quốc   

Trần Khải
image.png

Cuộc chiến bây giờ thấy rõ là bao vây, liên minh nhiều quốc gia sẽ siết vòng vây Trung Quốc. Không chỉ là siết về thương mại, cũng sẽ siết về thị trường khoa học kỹ thuật, đồng thời mở đường hải lưu thông thương ở Biển Đông.

Nhật báo Hindustan Times từ Ấn Độ ghi rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ làm việc chung với các quốc gia như Ấn Độ, Úc châu, khối ASEAN, Anh quốc và Pháp quốc để sẵn sàng dùng vũ lực giữ hải lộ thông thương tự do trên các vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thủ Tướng NHật Bản Shinzo Abe  nói như thế hôm Thứ Hai, trong khi TQ gồng lên các bắp thịt quân sự trong khu vực Biển Đông này.

Tổng Thống Trump và Thủ Tướng Abe đã nói từ nhiều tháng qua rằng cần tự do thông thương ở hải lộ Biển Đông, nhưng đây là lần đầu tiên Abe nói về một liên minh nhiều quốc gia cam kết giữ hải lộ này lưu thông tự do trong khi TQ nhiều năm qua tuyên bố chủ quyền phần lớn, tới 90% vùng Biển Đông, bất kể các vùng biển truyền thống của Việt Nam và Philippines.

Thủ Tướng Abe nói trong buổi họp báo chung tại Tokyo với TT Trump, người hoàn tất chuyến công du bốn ngày thăm Nhật Bản: “Tiến về phía trước, chúng tôi sẽ cùng đi tay trong tay và đề cao hợp tác để hiện thực cái nhìn chung của hai nước Mỹ-Nhật. Chúng tôi sẽ đề cao ý tưởng đó mạnh mẽ. Với các quốc gia quan tâm – như Úc châu, Ấn Độ, ASEAN, Anh quốc, và Pháp quốc – chúng tôi sẽ củng cố hợp tác nhằm thực hiện hải lưu tự do trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.”

Vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương là chỉ cho Ấn Độ Dương, phía tây và miền trung Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông (South China Sea).

Trong khi đó, cuộc chiến khoa học kỹ thuật gay gắt hơn, theo tin của thông tấn Nga Sputnik: Công ty viễn thông Trung Quốc Huawei cho rằng hãng vận chuyển FedEx đã chặn hai gói hàng từ Nhật Bản, và đang cố gắng chặn hai bưu kiện khác từ Việt Nam chuyển tới Huawei, Tuổi Trẻ tham chiếu Reuters cho biết.

Reuters ngày 27-5 đưa tin Huawei khẳng định FedEx đã làm gián đoạn quá trình vận chuyển nêu trên mà không đưa ra lời giải thích nào. Vì vậy Huawei đang "xem xét lại mối quan hệ với FedEx".

Cụ thể, có hai kiện hàng được gửi vào ngày 19-5 và 20-5 từ Tokyo, dự kiến sẽ tới văn phòng Huawei ở Trung Quốc.

Nghĩa là, Hoa Kỳ ngăn sông cấm chợ Trung Quốc. Bạn hãy hình dung tới những cuộc cấm vận trước giờ như Cuba, Iran, Bắc Hàn… Dĩ nhiên, Hoa Kỳ chưa chính thức cấm vận TQ, nhưng các diễn tiến cho thấy những dấu hiệu thị trường bỗng trở nên chiến trường khói lửa. Nói khói lửa đây không có nghĩa là lửa khói, nhưng là chuyện đồng tiền thị trường bốc khói.

Bản tin NHK kể rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời Nhật Bản, kết thúc chuyến công du kéo dài 4 ngày trên cương vị quốc khách đầu tiên kể từ khi Nhật Bản bước sang thời đại mới Reiwa.

Chuyên cơ Air Force One đã rời Sân bay Haneda ở Tokyo để bay về Mỹ ngay sau lúc 1 giờ chiều thứ Ba.

Trước đó trong ngày, Tổng thống Trump đã lên trực thăng bay đến Yokosuka ở gần Tokyo, và lên một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản. Ông và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã nói chuyện với thủy thủ đoàn và những người khác trên tàu.

Ông Trump cũng đến thăm một tàu chiến của Mỹ đậu gần đó và có bài diễn thuyết trước các binh lính Mỹ. Trong bài diễn thuyết, ông nhấn mạnh sức mạnh của mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Hôm thứ Hai, ông Trump đã đến thăm Hoàng cung và diện kiến Thiên hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Thiên hoàng Naruhito lên ngôi vào ngày 1/5 năm nay.

Bản tin cũng nói Ông Trump cũng đã hội đàm với ông Abe và thảo luận về một loạt vấn đề. Ông Trump bày tỏ mong muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán thương mại song phương nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ.

Trong khi đó, chính phủ Đài Loan biểu diễn tập trận cho dân chúng an tâm, với kịch bản có thể xảy ra: khi quân Hoa Lục tấn công, xóa sổ các phi trường Đài Loan, Không Quân Đài Loan phản ứng ra sao?

Tập trận kỳ này chứng minh rằng các phi cơ Đài Loan sẽ lập tức lấy xa lộ làm nơi hạ cánh, cất cánh… Nghĩa là, lấy xa lộ làm các sân bay khi lâm chiến. Đường xa lộ dĩ nhiên là hẹp, nhưng phi công Đài Loan đã biểu diễn tài tác chiến tuyệt vời: Máy bay chiến đấu F -16V lần đầu tiên cất, hạ cánh trên đường cao tốc số 1 đoạn Chương Hóa, theo tin RTI.

Diễn tập quân sự Hán Quang lần thứ 35 được diễn ra vào ngày 27/5 . Ngày 28/5 máy bay chiến đấu diễn tập cất, hạ cánh trên đường cao tốc số 1( đường cao tốc Trung Sơn ) đoạn Chương Hóa. Có rất nhiều người dân đã đến đây từ sáng sớm, họ đứng dọc 2 bên đường để được nhìn xem máy bay chiến đấu với cự ly gần nhất.

6 giờ sáng ngày 28/5 Tổng thống Thái Anh Văn đã đến đài chỉ huy tại đoạn đường này để theo dõi suốt cuộc diễn tập. Tổng thống Thái Anh Văn cho biết, cuộc diễn tập cấp hạ cánh trên đường cao tốc này nghiệm chứng rằng, một khi đường bay tại căn cứ địa bị phá hỏng thì máy bay chiến đấu vẫn có thể tận dụng đường cao tốc để cất, hạ cánh để thi hành nhiệm vụ, đảm bảo chiến lực không quân.

Tổng thống còn cho biết, sắp tới ngoài việc tiếp tục nâng cấp vũ khí và các trang bị ra, chính phủ cũng sẽ tăng cường tinh thần chiến đấu của quân đội, để cho dân chúng có thể thấy được quyết tâm bảo vệ đất nước của quân đội và tin tưởng năng lực của quân đội hơn.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi rằng vào hôm 28/5/2019, trước khi kết thúc chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày, tổng thống Donald Trump tỏ hy vọng quân đội Nhật sẽ hỗ trợ Mỹ tại châu Á cũng như ở những nơi khác. Trong khi đó, Tokyo đang cố gắng tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Ngày cuối cùng của chuyến công du Nhật Bản, tổng thống Donald Trump và thủ tướng Shinzo Abe cùng tới thăm chiến hạm Kaga, một hành động mang tính biểu tượng cao cho mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.

Kaga là khu trục hạm lớn nhất của hải quân Nhật đang được hiện đại hóa, trang bị các vũ khí của Mỹ để dùng làm cơ sở tiếp viện cho các hoạt động của không quân Mỹ từ Nhật Bản. Năm ngoái, chiến hạm này đã tiến hành một hải trình dài qua các khu vực Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên Biển Đông tới thăm Ấn Độ.

Trên tàu chiến Kaga, ông Donald Trump đã tuyên bố : "Với trang bị tuyệt vời như thế này, Kaga sẽ giúp hai nước chúng ta tự vệ trước hàng loạt mối đe dọa phức tạp trong vùng cũng như ở xa hơn".

Sau khi thăm chiến hạm Kaga, tổng thống Mỹ tới căn cứ hải quân Mỹ Yokosuka. Tại đây cũng trên một chiến hạm Mỹ, USS Wasp, ông Trump đã có bài phát biểu trước hơn 800 lính Mỹ mà nội dung chủ yếu là tán dương sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.

Ông Donald Trump khẳng định quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản là "những chiến binh Mỹ đáng kiêng nể nhất trong vùng Thái Bình Dương" và rằng "quân đội Mỹ luôn đứng đầu… Chúng ta có các trang thiết bị, tên lửa, chiến xa, máy bay, tàu chiến mà không ai trên thế giới có thể có được như chúng ta".

NHK cũng ghi rằng Tổng thống Trump đã ca ngợi các binh sĩ Mỹ có mặt tại căn cứ, rằng họ đang đối mặt với những thách thức về an ninh trong khu vực với tinh thần "quả cảm không thể so sánh được". Ông nhấn mạnh hải quân Mỹ vẫn tuần tra trong các điểm nóng như biển Hoa Đông và Biển Đông. Những tuyên bố về sức mạnh quân sự của tổng thống Mỹ được ngầm hiểu là gửi đến Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, một diễn tiến gây chú ý ở Biển Đông, theo tin VOA: Một người có mặt tại hiện trường thuật lại rằng các phi công máy bay trực thăng của Hải quân Úc đã bị tấn công bằng tia laser trong khi đang diễn tập trên Biển Đông, buộc họ phải đáp máy bay như một biện pháp thận trọng.

Tin của AP dẫn lời học giả Euan Graham, một nhân chứng có mặt trên tàu hải quân Úc HMAS Canberra trong hành trình từ Việt Nam tới Singapore. Viết trên trang mạng của The Strategist của Viện Chính sách & Chiến lược Úc hôm thứ Ba 28/5, ông Graham tường thuật rằng tia laser phát đi từ các tàu đánh cá đã nhắm thẳng vào các phi công Úc trong khi tàu Canberra bị một tàu chiến Trung Quốc bám sát.

Học giả Graham cho biết tuy các liên lạc với phía Trung Quốc trong suốt cuộc hành trình vẫn lịch sự, yêu sách của Trung Quốc đòi các tàu chiến Úc thông báo trước mọi thay đổi hướng đi, “là điều mà hải quân Úc sẽ không nhượng bộ trong khi thực thi các quyền tự do hàng hải.”

Trung Quốc duy trì một lực lượng dân quân hùng hậu trong Biển Đông, gồm nhiều tàu đánh cá được trang bị để thực hiện nhiều sứ mạng, ngoại trừ tác chiến.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết tuyến đường biển chiến lược này, và tỏ ra nhạy cảm đối với bất cứ hoạt động hàng hải nào trong khu vực, đặc biệt là của Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ như Úc.

Nhân chứng Euan Graham là Giám Đốc điều hành chương trình La Trobe châu Á của Đại học La Trobe của Úc. Ông là một trong nhiều học giả được mời tham gia cuộc hành trình để quan sát cuộc diễn tập Indo-Pacific Endeavour 2019.

Được hỏi liệu đây là phản ứng của ngư dân trong tình huống bị bất ngờ, hay là một chiến dịch có phối hợp liên quan tới lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc? Ông Graham nói “khó có thể nói một cách chắc chắn, nhưng nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra tại Tây Thái Bình Dương”.

Vẫn theo AP, các sự cố tương tự liên quan tới tia laser và quân đội Trung Quốc đã được báo cáo mãi tận tới Djibouti, nơi mà cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có căn cứ quân sự. Năm ngoái, Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc sau khi tia laser nhắm về hướng một máy bay tại quốc gia ở khu Sừng Phi Châu, gây thương tích nhẹ cho hai phi công Mỹ.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc rằng các lực lượng của họ nhắm tấn công phi cơ quân sự Mỹ.

Nghĩa là, TQ không quấy rối kiểu này thì cũng sẽ quậy kiểu kia… Nhưng khi liên minh nhiều quôc gia liên tục đưa tàu chiến vào Biển Đông, thế nào cũng sẽ làm cho Tập Cận Bình lùi bước. Hy vọng. Tàu chiến liên minh vào Biển Đông trên nguyên tắc là thông đường hải lưu, nhưng thực sự vẫn là bao vây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét