Quan hệ thương mại Trung – Mỹ: bất đồng gia tăng, tương lai mờ mịt!
Vòng đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung lần thứ 11 tại Washington đã kết thúc chiều 10.5 (theo giờ Washington). Cả hai bên đều thừa nhận đàm phán đã thất bại, đổ lỗi cho nhau và chỉ trích nhau gay gắt. Với quyết định tăng thuế của ông Donald Trump có thể quan hệ hai bên sẽ bước vào một thời kỳ tồi tệ mới...
Phát biểu với báo chí sau khi kết thúc cuộc đàm phán, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã giảm nhẹ mức độ thất vọng về kết quả khi cho rằng “đàm phán không tan vỡ, sau này sẽ được tiếp tục tại Bắc Kinh”. Ông cho rằng, hai bên Trung – Mỹ nhất trí cần duy trì việc tiếp tục đàm phán, mặc dù tạm thời có một số trở lực và can nhiễu; hai bên cũng đồng ý sẽ gặp lại ở Bắc Kinh trong tương lai tiếp tục thúc đẩy thương thuyết. Lưu Hạc nói: “Tôi không cho rằng đàm phán của chúng tôi đã đổ vỡ; trái lại, tôi cho rằng đây là khúc quanh nhỏ xảy ra trong cuộc đàm phán bình thường giữa hai nước. Đó là điều không tranh khỏi; chúng tôi vẫn lạc quan về tương lai”.
Lưu Hạc lần đầu tiết lộ về ba điểm bất đồng then chốt trong đàm phán
Trang tin Đa Chiều cho biết, khi trả lời các cơ quan truyền thông Trung Quốc và đài Phượng Hoàng (Hongkong), lần đầu tiên Lưu Hạc đã tiết lộ về “3 bất đồng then chốt” trong đàm phán. Ông nói: “Hiện nay hai bên có nhận thức chung về nhiều mặt, nhưng thẳng thắn mà nói, cũng có chỗ không nhất trí. Chỗ không nhất trí trước đây chúng tôi không tiết lộ cho báo chí, giờ thì có thể, chủ yếu trên 3 mặt.
Theo ông, vấn đề thứ nhất là bãi bỏ thuế quan hay không? Trung Quốc cho rằng, thuế quan là khởi điểm của tranh chấp mậu dịch giữa hai nước. Nếu đạt được hiệp nghị thì phải hủy bỏ hoàn toàn việc đánh thuế. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà liên quan đến nhiều vấn đề khác.
Thứ hai là vấn đề thu mua sản phẩm. Hai nhà lãnh đạo hai nước khi gặp nhau tại Argentina đã có được nhận thức chung. Khi đó bước đầu đã tán thành bước đầu về một con số, nhưng con số đó rốt cục là bao nhiêu thì đến nay hai bên vẫn có quan điểm khác nhau. Chúng tôi cho rằng đó là chuyện rất nghiêm túc, không thể tùy tiện thay đổi.
Thứ ba là tính cân bằng của văn bản. Chúng ta đều biết, bất cứ quốc gia nào cũng có sự tôn nghiêm của mình, cho nên văn bản cần phải cân bằng. Trong vấn đề này chúng ta đã làm một số việc, về tổng thể thì hai bên đi cùng một hướng, nhưng có một số vấn đề then chốt vẫn còn cần phải thảo luận.
Lưu Hạc nói thêm:”Chúng tôi cho rằng đó đều là những vấn đề lớn, cho nên bất cứ quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc quan trọng, chúng ta quyết không thể nhượng bộ trong vấn đề có tính nguyên tắc, thái độ đó rất rõ ràng. Đương nhiên chúng tôi cũng hy vọng hai bên có thể linh hoạt vì bất cứ cuộc đàm phán nào cũng đều cần có khoảng trống nhất định thể hiện linh hoạt vì hiện đang ở giai đoạn quá độ. Phía Mỹ cho rằng có vẻ trước đây trong văn bản chúng ta đã cam kết một số điều, nay lại thay đổi. Chúng ta cho rằng trước khi hai bên đồng ý thì mọi sự thay đổi đều là bình thường, đó là chuyện tất yếu xảy ra trong cả một quá trình, nên chúng ta không cho rằng đó là sự thụt lùi hay “đòi bàn lại” (renege) của phía Trung Quốc. Chúng ta không đồng ý với họ. Chúng ta không thụt lùi, chúng ta chỉ bất đồng về cách viết trên một số chỗ, chúng ta muốn giải quyết vấn đề này; cho nên việc phản ứng quá đáng trong vấn đề này, theo chúng ta là không cần thiết”.
Về vấn đề này, cả hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin hôm 6.5 khi gặp báo chí tại Washington đều đề cập tới. Ông Robert Lighthizer nói: “Chúng tôi vốn cảm thấy (đàm phán) đã đạt kết quả, nhưng trong tuần vừa qua, chúng ta đã thấy sự tráo trở của Trung Quốc”.
Ông Steven Mnuchin nói: “Trong khi nghỉ cuối tuần, phía Mỹ được biết Trung Quốc muốn thay đổi lại một số từ ngữ đã đạt được sự nhất trí trong 10 vòng đàm phán trước đó”, nhưng hai ông đều không giải thích thêm luận điểm Trung Quốc muốn sửa lại là gì. Steven Mnuchin nói, phía Mỹ không muốn đàm phán lại những chuyện đã cam kết rồi và nói “khoảng 90% nội dung hiệp nghị đã được xác định lần cuối cùng”.
Reuters cho biết, các thành viên đoàn đàm phán và nguồn thạo tin nói: đêm 3.5, Washington nhận được bức điện ngoại giao từ Bắc Kinh yêu cầu sửa đổi nhiều chỗ trong văn bản dự thảo hiệp nghị dài gần 150 trang; những điểm sửa đổi này khiến các cuộc đàm phán trong suốt mấy tháng trở nên công cốc. Một nguồn thạo tin nói với Reuters, Trung Quốc muốn lật lại nhiều chỗ trong văn bản, những chỗ đó đã phá hoại yêu cầu cốt lõi của Mỹ.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, một cố vấn ở tầng chóp bu của Trung Quốc nói: yêu cầu của phía Mỹ muốn Trung Quốc từ bỏ mô thức của mình, điều này khác nào tự sát. Trung Quốc thà chấp nhận hậu quả của việc tăng mức thuế chứ không thể chấp nhận yêu cầu của Mỹ.
Donald Trump ép Trung Quốc bằng Twitter
Trong ngày 10.5 – ngày cuối cùng của vòng đàm phán thứ 11, ông Donald Trump đã phát đi tới 11 bản tuyt để gây sức ép với Trung Quốc. Trang tin Đa Chiều nhận xét, ông Trump đã gây sức ép trong suốt quá trình đàm phán,cuộc đàm phán không có được sự đột phá và Mỹ thì gia tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Đa Chiều viết, ngay từ sáng sớm, ông Trump đã chơi kiểu gây sức ép, dùng các bản tuyt để “oanh tạc”. Dưới đây là nội dung các đoạn tuyt này:
“Cuộc đàm phán (mậu dịch) với Trung Quốc tiếp tục diễn ra với phương thức vô cùng hữu nghị, không cần phải vội vàng. Hiện nay Mỹ đang trưng thu mức thuế 25% đối với số hàng hóa và sản phẩm Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Khoản tiền khổng lồ đó sẽ được trực tiếp chuyển vào kho của nước Mỹ”.
“Tiến trình thu thuế 25% đối với 325 tỷ USD (hàng hóa Trung Quốc) còn lại đã được bắt đầu. Mỹ chỉ xuất sang Trung Quốc khoảng 100 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm. Đó là một sự mất cân dối vô cùng lớn”.
“Do chúng ta thu được hơn 100 tỷ USD tiền thuế, chúng ta sẽ thu mua sản phẩm từ tay những người nông dân vĩ đại, số lượng nhiều hơn người Trung Quốc mua vào bất cứ thời kỳ nào trước đây; sau đó sẽ vận chuyển tới các quốc gia nghèo đói dưới hình thức viện trợ nhân đạo. Đồng thời, chúng ta sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc, hy vọng họ đừng nên định mặc cả lại”.
“Thuế quan mang lại của cải cho đất nước chúng ta vượt xa mọi cuộc giao dịch truyền thống, có thể tiến hành dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nông dân của chúng ta sẽ làm được nhanh hơn, tốt hơn. Các quốc gia nghèo đói cũng được giúp đỡ; một số sản phẩm (Trung Quốc) sẽ được loại bỏ hoặc chuyển qua nguồn cung mới”.
“Nếu chúng ta mua 15 tỷ USD nông sản từ nông dân, vượt xa số người Trung Quốc đang mua, chúng ta sẽ có 85 tỷ USD dùng cho cơ sở hạ tầng mới, bảo hiểm y tế hoặc xây dựng các mặt khác. Trung Quốc sẽ giảm mạnh tốc độ, còn chúng ta sẽ tự động tăng tốc”.
“Nhiều năm qua, trong nền mậu dịch điên rồ với Trung Quốc chúng ta mỗi năm thiệt hại 500 tỷ USD. Sẽ không có chuyện như thế nữa”.
“Thuế quan làm đất nước chúng ta hùng mạnh hơn chứ không suy yếu đi. Hãy ngồi lại mà xem. Đồng thời Trung Quốc không nên vào phút cuối muốn đàm phán lại hiệp nghị mậu dịch với Mỹ. Đây không phải là chính phủ Barak Obama hay là chính phủ Joe Biden buồn ngủ. Họ sẽ bỏ qua hành động mưu sát của Trung Quốc”.
“Tổng thống kính yêu của các bạn đã chán việc đợi người Trung Quốc rồi, đã bắt đầu thu mua sản phẩm của nông dân Mỹ. Nông dân Mỹ tuyệt vời nhất thế giới!”.
“Carly Fiorina nói: quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc từ lâu nay đều không công bằng. Họ vi phạm những điều cam kết với WTO, nhất là trên vấn đề quyền sở hữu trí tuệ”.
“Trong 2 ngày đàm phán vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã đối thoại thẳng thắn và xây dựng về hiện trạng quan hệ mậu dịch hai nước. Quan hệ giữa tôi và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn rất vững chắc”.
“Trong tương lai sẽ vẫn tổ chức đối thoại. Đồng thời, mức thuế gia tăng đánh vào Trung Quốc có thể bãi bỏ, cũng có thể không. Điều này quyết định bởi điều gì sẽ xảy ra trong đàm phán tương lai”.
Báo Trung Quốc “Đây là Chiến tranh Lạnh chứ đâu phải va chạm mậu dịch!”
Sau khi Mỹ tuyên bố nâng mức thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% và đe dọa đánh thuế với 325 tỷ USD còn lại, báo chí Trung Quốc đã nhận xét đây không còn là vấn đề cuộc chiến mậu dịch đơn giản.
Tờ “Nhật báo Kinh tế” ngày 10.5 đăng bài viết, hành động này bất chấp thiện chí và nỗ lực của phía Trung Quốc, coi thường sự phản đối mạnh mẽ trong nước Mỹ về sự nguy hại của việc tăng thuế, không xem xét đến mối đe dọa nghiêm trọng đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, khiến bao công sức, nỗ lực đàm phán của hai bên đổ xuống sông biển...
Bài báo cho rằng, từ hành động của phía Mỹ thấy đây không còn là vấn đề va chạm mậu dịch, mà là có ý coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược cần kìm hãm, mang sắc thái chiến tranh Lạnh rõ rệt. Hành động này nếu không sửa đổi kịp thời, tất sẽ giáng đòn mạnh vào quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ. Hành động này của Mỹ không có lợi cho lợi ích của Trung Quốc, cũng không lợi cho Mỹ và lợi ích toàn cầu, mở ra một tiền lệ vô cũng xấu xa.
Ngay sau khi Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% có hiệu lực, Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) cho biết, có tới 5.700 loại sản phẩm Trung Quốc bị ảnh hưởng. Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố “không thể không có biện pháp trả đũa” khiến quan hệ mậu dịch hai bên càng trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc “đáp trả” Mỹ như thế nào vẫn còn là điều bí ẩn. Học giả Hạ Giang Binh, một chuyên gia về tài chính Trung Quốc cho rằng, thực ra trong tay Bắc Kinh không còn quân bài nào có thể chơi, trong khi người Mỹ thì còn không ít. Đó chủ yếu là do mỗi năm Trung Quốc chỉ nhập khẩu của Mỹ 130 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm trong khi lại xuất khẩu sang Mỹ tới 500 tỷ USD (hơn 3 ngàn tỷ NDT). Lượng hàng xuất khẩu này chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, cho nên ảnh hưởng của cuộc chiến mậu dịch đối với kinh tế Trung Quốc rất lớn.
Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, năm 2018, GDP của Trung Quốc là 90.000 tỷ NDT, điều đó có nghĩa là kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc.
Không gian trả đũa của Trung Quốc đã không còn nhiều. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2018 Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ 155,1 tỷ USD hàng hóa. Từ khi bắt đầu nổ ra cuộc chiến mậu dịch đến nay, các lần trả đũa thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ đã tới 110 tỷ USD. Nếu Trung Quốc muốn tiếp tục trả đũa bằng cách điều chỉnh tăng thuế thì cũng chỉ còn 40 tỷ USD hàng hóa có thể tăng thuế hoặc tiếp tục điều chỉnh tăng thuế thêm đối với 110 tỷ USD đã tăng thuế trước đó. Tuy nhiên, ông Hạ Giang Binh cho rằng, lựa chọn này khó có thể xảy ra vì hàng hóa mà Trung Quốc nhập của Mỹ phần lớn là nông sản hoặc sản phẩm công nghệ cao rât khó tìm nguồn khác thay thế.
Hãng Bloomberg cho rằng, hiện Trung Quốc còn 3 biện pháp trả đũa việc Mỹ tăng thuế, gồm: phá giá đồng Nhân dân Tệ, bán tháo số trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ và tăng thêm mức thuế đối với đậu tương nhập của Mỹ. Tuy nhiên, Bloomberg cũng lưu ý đây là những biện pháp đầy mạo hiểm vì đều có những “tác dụng phụ” ngoài ý muốn. Ví dụ, việc phá giá đồng NDT có thể đẩy dòng vốn đầu tư chảy khỏi Trung Quốc; việc bán thảo trái phiếu sẽ làm giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc; việc tăng thuế đối với đậu nành có thể là “tự vác đá ghè chân mình” vì ngành chăn nuôi Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc lớn vào đậu tương Mỹ.
Thông tin mới nhất cho biết, vào cuối ngày 10.5 theo giờ Washington. Ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ đã tiết lộ: vào ngày 13.5 tới chính phủ Mỹ sẽ công bố chi tiết kế hoạch đánh thuế cụ thể đối với 325 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm Trung Quốc còn lại trên trang web của USTR; điều đó có nghĩa là toàn bộ hàng hóa và sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị áp thuế trừng phạt.
Đến lúc đó, không biết liệu Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào? Hãy chờ xem!
Thu Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét