Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

ĐÓNG HÀNG KHÔNG MẪU HẠM MỚI: PHẢI CHĂNG TRUNG QUỐC CHUYẾN THẾ TỪ PHÒNG THỦ CẬN DUYÊN SANG VIỄN CHINH ĐẠI DƯƠNG? Mai Phi Long

ĐÓNG HÀNG KHÔNG MẪU HẠM MỚI:
PHẢI CHĂNG TRUNG QUỐC CHUYẾN THẾ TỪ PHÒNG THỦ CẬN DUYÊN SANG VIỄN CHINH ĐẠI DƯƠNG?
Mai Phi Long
image.png
“Ai kiểm soát đại dương, thống trị thế giới” -Alfred Thayer Mahan/Chiến lược gia Hải quân Hoa Kỳ.
Đánh thức con Hổ đang ngủ !
Hoàng đế Pháp Napoléon I, không những là một thiên tài quân sự chinh phục cả Âu châu trong thời đại của mình, ông còn là nhà chiến lược toàn cầu xuất sắc.  Dù đã 170 năm sau khi tạ thế, viễn kiến của ông, từ thế kỷ 19, trở thành lời tiên tri qua câu nói nổi tiếng: “Hãy để Trung Quốc ngủ yên; vì khi thức dậy Trung Quốc sẽ làm cả toàn cầu rung chuyển.” Đừng quên rằng, Trung Quốc hồi thế kỷ 19 dưới triều đại Mãn Thanh chìm đắm trong lạc hậu và bị các cường quốc Tây Phương sâu xé.
Con hổ Trung Quốc đã được đánh thức đầu thập niên 1970 với chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ, Richard Nixon và cố vấn Henry Kissenger. 4 thập niên sau, năm 2010 Trung Quốc nhảy vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ.  Dựa trên các chỉ số tăng trưởng nhiều kinh tế gia dự đoán chỉ trong vòng chưa đến 2 thập niên kế, Trung Quốc sẽ chiếm ngôi vị kinh tế đứng đầu của Hoa Kỳ.
Lịch sử đã chứng minh vị thế kinh tế luôn tỉ lệ thuận với thực lực quân sự.  Hổ Trung Quốc đang bắt đầu mài nanh vuốt…
Chiến lược an ninh quốc gia quyết định thiết kế hàng không mẫu hạm
Sự xuất hiện những bức không ảnh chụp xưởng đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải, vào thượng tuần tháng 5/2019 cho thấy Trung Quốc đang đóng hàng không mẫu hạm thứ ba với kiểu mẫu Tây phương khác hẳn 2 chiếc trước, chi tiết kỹ thuật này là một bước ngoặt lớn về chiến lược đối với các chuyên gia quân sự.
Giới chuyên nghiệp nhận xét chiếc thứ ba mới này là một bước nhảy vọt lớn về năng lực, so với hai chiếc trước từng được hải quân Trung Quốc phô diễn.  Không những vậy, kỹ thuật vận dụng để đóng chiếc thứ ba này cho thấy một biến chuyển lớn về chiến lược đó là thay đổi mô hình từ một hạm đội kiểu Liên Xô cũ sang mô hình hạm đội Tây Phương.  Đồng thời, đây cũng là điểm chủ yếu cho thấy Trung Quốc bộc lộ chiến lược tham vọng trở thành cường quốc đại dương hàng đầu tại Á Châu.
Cũng giống như cách Trung Quốc hiện đại hóa, chương trình phát triển hàng không mẫu hạm của họ là một quá trình sao chép, thích ứng và cải tiến thêm.  Bước sao chép bắt đầu bằng việc mua lại chiếc Varyag, một hàng không mẫu hạm rỉ sét  kiểu Sô Viết được đóng dở dang bị Ukraine bỏ xó, từ đó biến thành chiếc Liêu Ninh, một hàng không mẫu hạm hạng trung đáng kể và bây giờ sau một khoảng thời gian huấn luyện bây giờ chiến hạm này tỏ ra có năng lực hoạt động thực sự. 
Thật sự, có thế nói rằng trong giai đoạn này đã thấy thấp thoáng Trung Quốc manh nha tư tưởng xây dựng một hạm đội mang chiến lược tầm vóc toàn cầu.  Bởi vì, cũng cần nói thêm, dù được Ukraine có cung cấp bản thiết kế, nhưng Trung Quốc đã không tiếp tục đóng tiếp con tàu Varyah theo định hướng của hải quân Sô Viết mà họ đã cải tiến thêm cho phù hợp ý tưởng chiến lược mới.
Hàng Không Mẫu Hạm Sô Viết Thiết Kế Tác Chiến Cận Duyên Chống Xâm Nhập
Xin lưu ý, các hàng không mẫu hạm của Liên Xô vào cuối thập niên 80 không được thiết kế tương đồng mục đích chiến lược toàn cầu như của Hoa Kỳ với các hàng không mẫu hạm khổng lồ đầy uy lực khống chế đại dương xa.  Liên Xô xây dựng hạm đội với hàng không mẫu hạm chỉ nhằm mục đích bảo vệ vùng biển cận bờ chống lại máy bay và hạm đội ngoại quốc xâm nhập.  Do đó, các hàng không mẫu hạm của Liên Xô nhỏ hơn và được trang bị tối đa các hỏa tiễn đối hạm tầm xa khổng lồ dưới phi đạo trong khoang tàu.  Nói một cách ngắn gọn/đơn giản: đó chỉ là những tuần dương hạm được gắn thêm phi đạo cho vài chục khu trục cơ (tiêm kích) chứ không phải là siêu căn cứ - pháo đài trên biển theo kiểu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.
Để dễ thấy ra vấn đề, hãy so sánh các chiếc hàng không mẫu hạm mà Liên Xô và Hoa Kỳ cùng hạ thủy trong một thời điểm.  Liên Xô sau thế chiến thứ hai mới bắt đầu phát triển các hàng không mẫu hạm, trong khi đó tại mặt trận Thái Bình Dương, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã giao tranh không biết bao nhiêu trận hải chiến với toàn thực lực hạm đội có cả hải, không, địa chiến.  Trước khi hạm đội với các chiến hạm nã sung trực tiếp vào nhau hải đối hải thì trước đó hàng giờ, các khu trục cơ và oanh tạc cơ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm đã tấn công hạm đội đối phương không đối hải và cận chiến không đối không.
Liên xô chỉ có 4 hạng HKMH:
  1. loại Moskva (2 chiếc) độ dãn nước tối đa là 17 ngàn tấn. Chở được tối đa 14 trực thăng, không có máy bay có cánh.  Theo kế hoạch sản xuất 3 chiếc, cuối cùng chỉ có 2 chiếc được hạ thủy đưa vào hoạt động lần lượt vào năm 1965 và 1968.  Chỉ được xếp vào loại mẫu hạm trực thăng.
  2. Kiev (4 chiếc) độ dãn nước tối đa 45 ngàn tấn. Chở tối đa 12 khu trục cơ và 16 trực thăng.  Đưa vào hoạt động lần lượt vào những năm 1975, 1978, 1982 và 1987.  Sau đó, lần lượt bị đào thải vào những năm 1995, 1996, 1997 và một chiếc bán cho Ấn Độ năm 2004 vẫn còn hoạt động cho đến nay.  Hạng Kiev này được phân loại như là Tuần Dương Hạm có gắn sân bay chứ không trở thành Siêu Hàng Không Mẫu Hạm kiểu Hoa Kỳ.
  3. Hạng Đô đốc Kuznetsov, độ dãn nước tối đa 64 ngàn tấn.  Chở tối đa từ 32 đến 50 phi cơ hỗn hợp có cánh hay trực thăng.  Chiếc HKMH duy nhất trong biên chế hải quân Liên Xô chuyển qua hải quân Nga.  Hoạt động bắt đầu năm 1990 nhưng bị cháy hư hại nặng năm 2018.  Cũng trong hạng này một chiếc khác được đóng dở dang, chiếc Variag, vì Liên Xô sụp đổ, nhưng sau đó, Trung Quốc mua lại với giá sắt vụn và tái tân trang thành chiếc Liêu Ninh.
  4. Hạng Ulyanovsk (1 chiếc).  Loại này được xem là siêu HKMH lớn nhất do Liên Xô chế tạo có độ dãn nước tối đa là75 ngàn tấn.  Nhưng tầm vóc chỉ mới có trên bản vẽ, thực tế, chỉ đóng được 20% thiết kế sau đó hủy bỏ hoàn toàn chương trình đóng tàu vào năm 1991.
Trong khi đó, Hoa Kỳ lại có nhiều chủng loại HKMH đa dạng khác nhau.  Nếu hạng HKMH đầu của Liên Xô, loại Kiev, có chở được chỉ có 12 máy bay có cánh, 16 trực thăng bước vào hoạt động năm 1975.  Thì hạng Forrestal hoạt động trước đó gần 20 năm, 1959, đã có trọng tải là 82 ngàn tấn, chở được 85 máy bay có cánh trong đó có máy bay vận tải C-130 (có ý nghĩa là được tiếp vận liên tục).  Còn nếu lấy một HKMH của Hoa Kỳ chế tạo cùng thập niên 1970 thì loại Kiev của Liên Xô chỉ là món đồ chơi con nít vì loại Nimitz của Hoa Kỳ bước vào hoạt động năm 1975 là loại chạy bằng năng lượng nguyên tử.  Trọng tải lên đến 100 ngàn tấn.  Chở tới gần 100 máy bay các loại.
Rõ ràng, rất khập khiễng khi so sánh các HKMH của đôi bên, do đó, Liên Xô rất giới hạn trong việc xây dựng hạm đội đại dương hoạt động viễn chinh dựa trên HKMH. 
Trung Quốc Tân Trang Variag Không Theo Định Hướng Phòng Thủ Cận Duyên
Một trong những điều đầu tiên các kỹ sư hải quân Trung Quốc thực hiện với chiếc tàu cũ Variag của Liên Xô là tháo gỡ các bệ phóng hỏa tiễn. Do đó, rõ ràng ngay từ đầu hải quân Trung Quốc đã có một mục đích tân trang khác trong ý định: không theo mô hình phòng thủ nguyên thủy của Liên Xô. Khi loại bỏ các hỏa tiễn mang mục đích phòng thủ có nghĩa là con tàu được tái tạo để dành hoàn toàn cho máy bay hoạt động và đây sẽ là trung tâm tham vọng hoạt động ở xa bờ của hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, tham vọng đó bị cản trở bởi những hạn chế của thiết kế hàng không mẫu hạm Sô Viết.  Đặc điểm của thiết kế này là phi đạo cong lên vòng cung nổi tiếng, theo mô hình cầu nhảy xa trong môn trượt tuyết.  Thiết kế này tối ưu cho máy bay cất cánh mà không cần hệ thống đẩy phóng trợ lực tuy nhiên khiếm khuyết lớn nhất của kỹ thuật cất cánh này là phải giới hạn cỡ máy bay được cất cánh; cũng như số lượng vũ khí và nhiên liệu mang theo. Thêm vào đó, những nhiệm vụ quan trọng khác như hoạt động không yểm cảnh báo sớm và phải tiếp vận bằng trực thăng, tức là năng lực tiếp vận/hậu cần mặc nhiên bị chậm cộng với khối lượng hàng hóa tiếp vận lên tàu bị hạn chế.
Thiết kế nhảy cầu trượt tuyết đặc trưng Sô Viết được thiết kế cho hàng không mẫu hạm thứ nhì của Trung Quốc, chạy ra mắt vào năm ngoái và hiện nay đang trải qua các thử nghiệm trên biển.  Nhưng nhiều dự đoán chiếc thứ ba đang đóng sẽ loại bỏ thiết kế nhảy cầu trượt tuyết thô sơ đó mà thay vào hệ thống khác tinh vi và năng động hơn.  Từ các bức hình vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang nghiên cứu hai loại kỹ thuật cho các máy phóng phi cơ khác nhau có thể giúp các máy bay lớn và nặng hơn cất cánh với tốc độ cao. Một là loại máy phóng bằng hơi nước hiện được sử dụng trên các hàng không mẫu hiện nay của Hoa Kỳ.  Thứ hai là loại máy phóng bằng kỹ thuật điện từ mà Hoa Kỳ hiện đang chật vật để hoàn thiện trên hàng không mẫu hạm mới nhất, chiếc USS Gerald Ford.
Hiện chưa biết hệ thống nào trong hai hệ thống này sẽ xuất hiện trên hàng không mẫu hạm mới, nhưng bất kể việc sử dụng máy phóng  nào, chiếc tàu mới này sở hữu khả năng chiến đấu cao hơn nhiều so với hai chiếc trước.  Đương nhiên, sự tiến hóa không kết thúc ở con tàu mà còn phải chuẩn bị cho những khí cụ phối hợp Và đây không phải là kết thúc của quá trình tiến hóa: cũng bằng cách sao chép và cải tiến (dựa trên đánh giá bằng các bản vẽ và mô phỏng được biết hiện nay) Trung Quốc đang phát triển một loại máy bay chiến đấu tàng hình cho hạm đội hàng không mẫu hạm tương tự như F-35 và một máy bay thám thính cảnh báo sớm trên không trông khá giống với chiếc E-2 Hawkeye của Hải quân Hoa Kỳ và cuối cùng là một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nghi vấn: Đã qua giai đoạn phòng thủ, Hổ Trung Quốc chuẩn bị tung nanh vuốt?
Như vậy, khi có chủ ý xây dựng một hạm đội với hàng không mẫu hạm theo kiểu Mỹ, phải chăng đồng nghĩa với việc Trung Quốc có tham vọng tương tự cho quân đội và cho chính sách đối ngoại của mình? Liệu Trung Quốc có muốn trở thành một cường quốc chiến lược quốc tế có thêm đồng minh, cùng các căn cứ và đồng thời mang trách nhiệm an ninh trên toàn thế giới hay không?
Gần đây, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc không ngại bộc lộ một cách cởi mở ý tưởng muốn phát triển một mạng lưới các căn cứ quân sự ở ngoại quốc để hỗ trợ cho việc triển khai quân sự viễn chinh.  Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự hải quân ở ngoại quốc cho mình với căn cứ đầu tiên ở vùng đảo Djibouti, cửa ngõ đi vào vịnh Suez tại Hồng Hải.
Chủ tịch Tập Cận Bình ở một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, khi quyền lực thượng đỉnh tập trung vào chính mình, ông càng lúc càng tỏ có nhiều tham vọng hơn những người tiền nhiệm.
Kế hoạch “Nhất Đới-Nhất Lộ” nhằm chinh phục thị trường quốc tế của ông chắc chắc không thể thiếu sự bảo vệ vững chắc của quân đội Trung Quốc.  Ông Tập cần vành đai “Chuỗi Ngọc Trai” liên kết các hải cảng từ căn cứ tàu ngầm Tam Á tại đảo Hải Nam kéo dài đến Port Sudan để bảo đảm tuyến hàng hải “Nhất Đới”. 
Do đó, những hạm đội với các hàng không mẫu hạm tác chiến đại dương xa là điều kiện cần cho tham vọng Pax Sinica (Hòa Bình kiểu Trung Quốc, thuật ngữ La tinh mang hàm ý Trật Tự dưới sự bảo hộ của Trung Quốc).
 
Mai Phi-Long
May 15, 2019
 
Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét