Nước Mỹ trong lịch sử từng nhiều lần tiến hành các chiến dịch khiêu khích để tạo cớ gây chiến với các quốc gia trên thế giới.
Binh sĩ Mỹ đứng trước một mỏ dầu bị đốt cháy ở Iraq năm 2003. Ảnh: AFP.
|
Lầu Năm Góc đầu tháng 5 triển khai lực lượng quân sự hùng hậu gồm một nhóm tác chiến tàu sân bay, 4 oanh tạc cơ B-52 cùng tàu đổ bộ và tổ hợp tên lửa Patriot tới Trung Đông nhằm đối phó với "mối đe dọa từ Iran". Hoạt động điều động lực lượng quân sự này được Mỹ tiến hành dựa trên một thông tin tình báo mơ hồ rằng Iran đã đưa tên lửa đạn đạo lên tàu chiến và có thể tấn công lực lượng Mỹ ở Trung Đông.
Trong lịch sử, Mỹ từng nhiều lần phát động chiến tranh dựa vào các mối đe dọa đáng ngờ, mơ hồ hay được chính họ tạo ra nhằm kéo đối phương vào "bẫy xung đột". Điển hình trong số đó là chiến dịch khiêu khích đại tá Muammar Gaddafi của chính quyền Reagan nhằm tạo cớ đối đầu năm 1986.
Trong chiến dịch mang tên Prairie Fire được lên kế hoạch trong nhiều tháng, Lầu Năm Góc triển khai ba tàu sân bay cùng 30 tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi Libya để tập trận. Trước khi lực lượng hải quân kéo tới, chiến đấu cơ Mỹ liên tục bay qua bờ biển Libya, gây báo động cho hệ thống phòng không nước này trong hoạt động được gọi là "thọc mạng sườn", một nguồn tin quân sự Mỹ giải thích.
"Đây là hành động khiêu khích, nếu ta phải dùng từ đó. Dù tất cả những gì chúng tôi làm đều hoàn toàn hợp pháp, chúng tôi sẽ không bỏ qua cơ hội tấn công", một quan chức tham gia vào chiến dịch cho hay.
Gaddafi đã mắc vào "chiếc bẫy khiêu khích" mà Mỹ bày ra, khi lực lượng phòng không Libya phóng ít nhất 6 tên lửa nhằm vào các máy bay Mỹ bay qua bờ biển. Với cái cớ "chính quyền Gaddafi hung hăng và bất hợp pháp", Mỹ phản ứng bằng cách khai hỏa nhằm vào một tàu tuần tra Libya.
"Con tàu bị phá hủy, bốc cháy và chìm dần. Không ai sống sót", báo cáo của Nhà Trắng lúc bấy giờ có đoạn.
Trong hai ngày, Mỹ phá hủy thêm hai tàu hải quân và một bãi phóng tên lửa ở Sirte, quê hương lãnh đạo Libya Gaddafi. Washington đồng thời đưa ra thông báo: "Chúng tôi giờ đây coi mọi lực lượng quân sự Libya đến gần đều có ý đồ thù địch".
Năm 2003, Mỹ cũng phát động chiến dịch quân sự xâm lược Iraq dựa trên thông tin tình báo rằng Baghdad đã khởi động chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, bất chấp sự phản đối của chính quyền tổng thống Saddam Hussein. Nhiều năm sau khi cuộc chiến nổ ra, người ta mới chứng minh được rằng những thông tin tình báo đó là không có thật, nhưng hậu quả mà nó để lại là một Iraq vẫn tiếp tục bất ổn đến ngày nay.
Chiến lược "bẫy khiêu khích" này đã được Mỹ áp dụng từ thế kỷ 19. Năm 1889, cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha bùng phát từ một vụ nổ trên tàu USS Maine của Mỹ đậu tại cảng Havana mà chính quyền tổng thống William McKinley cho rằng do ngư lôi hoặc mìn của Tây Ban Nha gây ra.
Mãi gần 8 thập kỷ sau, năm 1976, đô đốc Mỹ Hyman Rickover mới kết luận rằng con tàu bị phá hủy bởi hầm chứa than cạnh kho đạn trên tàu bị cháy.
Năm 1846, Tổng thống James Polk biện minh cho cuộc chiến tranh Mỹ - Mexico với tuyên bố rằng Mexico xâm chiếm lãnh thổ Mỹ vào thời điểm mà đường biên giới còn chưa được thống nhất. Mexico nói biên giới là sông Nueces còn Mỹ cho rằng biên giới là sông Rio Grande, cách đó vài trăm km. Khoảng 1.500 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến, 10.000 người bị thương.
Ngày nay, câu hỏi được quan tâm nhiều nhất tại Washington và cả Tehran là liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thực hiện những động thái kích động, xúi giục, khiêu khích tương tự để tạo ra tình thế xung đột giữa Mỹ và Iran hay không.
Những lời đe dọa của Trump bắt đầu chỉ 12 ngày sau khi ông nhậm chức hồi năm 2017. Khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn tuyên bố tại phòng báo chí Nhà Trắng rằng "hôm nay, chúng tôi chính thức đặt Iran vào tầm ngắm".
Flynn, một cựu tướng ba sao, vài tuần sau bị sa thải và truy tố vì nói dối FBI về các mối liên hệ giữa ông với Nga. Dù vậy, chiến dịch chống Iran của chính quyền Trump vẫn leo thang nhanh chóng, đặc biệt trong hai tuần qua.
Từ 5/5 đến 10/5, Nhà Trắng liên tục đưa ra các thông báo về việc triển khai lực lượng quân sự tới Trung Đông. Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton tuyên bố mục tiêu của các hành động này là "gửi một tín hiệu rõ ràng, không sai lệch tới chính quyền Iran rằng bất kỳ đòn tấn công nào nhằm vào lợi ích của Mỹ hay đồng minh của Mỹ đều sẽ nhận được sự đáp trả không thương tiếc".
Lầu Năm Góc thì tuyên bố việc đưa thêm lực lượng quân sự lớn áp sát Iran là nhằm phản ứng với "những dấu hiệu ngày càng gia tăng ở Iran cho thấy họ sẵn sàng tiến hành các hoạt động chống lại các lực lượng Mỹ và lợi ích của Mỹ".
Chính quyền Trump đang lo lắng về nguy cơ Iran tấn công các căn cứ, chiến hạm Mỹ ở Trung Đông, bao gồm Vịnh Ba Tư, Iraq và Syria. Tướng Kenneth McKenzie, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, tuần trước cáo buộc Iran "đã cho thấy thái độ sẵn sàng và khả năng tấn công nhằm vào người dân của chúng ta, lợi ích của chúng ta, bạn bè và đồng minh của chúng ta ở những khu vực phức tạp và hỗn loạn vì xung đột vũ trang".
Thực tế, Iran có mối liên hệ với không ít lực lượng vũ trang trong khu vực. Nhóm Hezbollah ở Lebanon được Iran huấn luyện và hỗ trợ vũ khí, hiện là lực lượng dân quân mạnh nhất nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền ở Trung Đông. Tại Syria, Tehran đã huy động các đồng minh người Shiite từ 4 quốc gia là Lebanon, Iraq, Afghanistan và Pakistan tham gia hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chống phiến quân và phe nổi dậy.
Tehran được cho là đã chuyển tên lửa tầm ngắn bằng tàu cho các đồng minh qua Vịnh Ba Tư và triển khai các thiết bị ở Syria giúp chuyển đổi những tên lửa thiếu chính xác thành những tên lửa mới với tầm hoạt động, sức công phá, khả năng trúng mục tiêu cao hơn.
Bên cạnh đó, Iran cũng hỗ trợ một số dân quân người Shitte ở Iraq chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dưới sự bảo trợ của Lực lượng Động viên Chung (PMF), thành lập năm 2014 và được chính phủ chấp thuận. IS đã bị đánh bại nhưng PMF vẫn là một lực lượng có ảnh hưởng tại Iraq.
Bất chấp lập trường cứng rắn của chính quyền Trump, trong gần hai năm qua, chưa có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra ở Vịnh Ba Tư. Sự cố gần đây nhất là vào tháng 8/2017 khi một máy bay không người lái Iran tiếp cận tàu sân bay USS Nimitz trong lúc một chiến đấu cơ F/A-18 đang cố hạ cánh trên tàu. Tàu Mỹ lúc bấy giờ hoạt động trên vùng biển quốc tế.
"Từ đó tới nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ tương tác không an toàn nào", Bill Urban, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cho hay.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ. Ảnh: US Navy.
|
Việc triển khai tàu tới vùng biển ngoài khơi Iran là động thái mới nhất trong chiến dịch "gây áp lực tối đa" của chính quyền Trump. Tháng trước, Mỹ liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách tổ chức khủng bố, đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế Iran.
Chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ gia tăng áp lực đến khi Iran thay đổi hành vi của mình về chương trình phát triển vũ khí hay hành động can thiệp vào tình hình các quốc gia Trung Đông khác. Đến nay, Tehran vẫn chưa có bất kỳ thay đổi nào.
"Căng thẳng đang gia tăng ở Washington khi mà chiến lược gây áp lực tối đa chỉ tạo ra được những kết quả chiến lược tối thiểu và thời gian đang cạn dần", Ali Vaez, giám đốc chương trình Iran tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, nhận xét.
Về phía Iran, họ cũng đã có những bước đi cứng rắn. Tháng trước, Tehran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 1/5 lượng dầu mỏ thế giới phải đi qua, nếu Mỹ ngăn cản họ xuất khẩu dầu.
Tuần trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo Tehran sẽ không tuân thủ hai điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015: Xuất khẩu uranium dư thừa và nước nặng từ chương trình hạt nhân.
Trump rút khỏi thỏa thuận từ một năm trước nhưng Iran vẫn tuân thủ, theo các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Tổng thống Rouhani còn đưa ra tối hậu thư với 5 quốc gia còn lại tham gia thỏa thuận, gồm Anh, Trung Quốc, Đức, Pháp và Nga, rằng: Hãy giúp Iran bán dầu và chống lại các biện pháp trừng phạt từ Mỹ trong vòng 60 ngày, nếu không Tehran sẽ tăng làm giàu uranium, loại nhiên liệu có thể vừa được dùng để sản xuất năng lượng hạt nhân lẫn chế tạo vũ khí giết người hàng loạt.
Trước khi quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân bắt đầu vào năm 2013, Washington tràn ngập những tuyên bố cường điệu về việc Mỹ hay đồng minh có thể dội bom Iran. Nếu thỏa thuận hạt nhân bị phá vỡ, những lời đe dọa về xung đột quân sự có lẽ sẽ trở lại ở cả Washington lẫn Tehran.
"Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến với chính quyền Iran", tướng McKenzie tuần trước nói. "Nhưng chúng tôi nắm trong tay một lực lượng quân sự được huấn luyện để có thể cơ động, thích nghi và sẵn sàng phản ứng trước những tình huống khác nhau ở Trung Đông và trên toàn thế giới.
Vũ Hoàng (Theo New Yorker)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét