Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Thư Ngỏ của Ô Trần Nhật Thăng, cựu CT, về vụ "hiến chương DC"- Aug 29, 2017

Thư Ngỏ của Ô Trần Nhật Thăng, cựu CT, về vụ "hiến chương DC"- Aug 29, 2017

LGT: sau buổi họp với Hội Cựu SV QGHC, ông Đinh Hùng Cường và Nguyễn Văn Thành đồng ý sẽ rút chữ “không cs” trong Điều Lệ của Hiến Chương cộng đồng mà Trưởng Ban Tu Chính Thành đã sửa. Sau đó một ngày ông Thành gửi Thư Ngỏ với nhiều điều sai và cả bậy. Chúng tôi đã phân tích. Đây là Thư Ngỏ của cựu CT đầu tiên và cũng là ( sáng lập viên, người tham gia viết hiến chương), Trần Nhật Thăng.
Trong thư:
1) Ông giải thích: hiến chương, điều lệ, nội quy.
2) Sau đó ông phân tích và cho thấy cái văn bản của Ủy Ban Tu Chính nên gọi là Bản Dự Thảo Điều Lệ.
3) Hai chữ “Tuyên ngôn” của Ban Tu Chính, nhằm thay thế “Hiến Chương”: cũng sai.
4) Ủy Ban Tu Chính đã làm sai công việc (không tu chính): đó là sản phẩm của cá nhân CT Đinh Hùng Cường.
5) Ô Đinh Hùng Cường đã nói láo là Ban Tu Chính từ Hội Đồng Đại Diện. Sự thực nó từ VP Thường Trực. Do đó Ban Tu Chính không độc lập với CT Đinh Hùng Cường.
6) Ô Đinh Hùng Cường vi phạm thủ tục tu chính. Ô Thomas Pham đã cố vấn bậy.
7) Ô Đinh Hùng Cường đã gây rối loạn cho cộng đồng.
8) Cộng đồng chúng ta , vì lợi ích nhỏ là miễn đóng thuế mà bỏ lập trường chống cộng thì thật không đáng hãnh diện.
9) Khi soạn hiến chương, tất cả các ủy viên đều có chung một lập trường Chống Cộng Sản. Nếu ô Đinh Hùng Cường muốn thành lập cộng đồng không cs thì xin hãy từ chức và lập cộng đồng khác.
Dưới đây là Thư Ngỏ mà chúng tôi xin phép đánh số, tô đỏ để netters dễ xem
Hoàng Lan Chi
8/2017
 
THƯ NGỎ


Tôi, Trần Nhựt Thăng, cựu Chủ tịch đầu tiên của tổ chức Cộng đồng VN vùng Washington DC, Maryland và Virginia.
 

Sau đây là phần nhận định của tôi, Sáng lập viên tổ chức Cộng Đồng Việt Nam vùng Washington DC, Maryland và Virginia về biến cố gần đây liên quan đến công việc tu chính Hiến Chương Cộng Đồng.
 
1-Về danh từ “Hiến Chương” và Tuyên Ngôn”

Ông Thành, chủ tịch Uỷ Ban Tu chính hiện tại cho biết chữ “Hiến Chương” to quá, chỉ dùng cho tổ chức lớn như Liên Hiệp quốc nên không thể áp dụng cho Cộng đồng nhỏ bé của chúng ta. 

Trong giai đoạn soạn thảo bản Hiến Chương này, hình như 1988, Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Chương Cộng đồng gồm có 16 người trong đó có hai luật sư là Trần Minh Đức và Bùi nhật Huy, có anh Nguyễn ngọc Bích, ông Huỳnh Thanh Hưng, ông Trần đắc Trân, bà Phạm lệ Trinh, giáo sư Hương, cùng với chủ tịch Hội CSV/Võ bị quốc gia Đà lạt, Hội Không quân, Hội Hải quân, ông Lê Hữu Em, cá nhân tôi và một số người mà tôi không nhớ ra hết. Uỷ ban này cũng có thảo luận về danh từ này. Tôi nhớ chúng tôi có đưa ra bốn danh từ gồm có Hiến Pháp, Hiến Chương, Nội Quy và Điều Lệ để cuối cùng đồng thuận chọn chữ “Hiến Chương”. 

Chúng ta thường nghĩ , nhưng không chính xác, rằng chữ Hiến Chương chỉ dùng cho tổ chức to lớn. Học giả Đào duy Anh không nói Hiến Chương chỉ dùng cho tổ chức quốc tế, hay dùng cho một tổ chức lớn. Nó là một văn bản ghi nhận những quy ước, lý tưởng, tôn chỉ, điều kiện của một tổ chức mà những người tham gia đồng ý, cam kết và bảo vệ. 

Tổ chức Cộng đồng cũng có khoảng 120 Hội đoàn và đại diện cá nhân rất phức tạp gồm mọi khuynh hướng chính tri, xã hội, văn hóa. Cách tổ chức cũng phức tạp với thành phần các Hội đoàn và các đại diện cá nhân được dân chúng bầu ra Do đó tổ chức Cộng Đồng cần có một văn bản lập quy có thể chứa đựng những quy ước phức tạp này. 

“Nội Quy” hay “Điều Lệ” là những hình thức được dùng để diễn đạt chi tiết hơn để thi hành hay thực hiện những gì đã ghi trong Hiến Chương. 

Do đó Cộng đồngchúng ta có bản Hiến Chương và bản Nội Quy. 
Ủy Ban Tu Chính hiện nay thay hai chữ Hiến Chương bằng Tuyên Ngôn. Tuyên Ngôn là lời tuyên bố về một ý kiến, một lập trường chính trị, xã hội hay văn hóa. Lời tuyên bố đó được viết ra thành một Bản Tuyên Ngôn. Tuyên Ngôn không có giá trị của một văn bản lập quy. Do đó không thể thay thế “Hiến Chương” bằng “Tuyên Ngôn”. 

Quan trọng hơn, tuy danh xưng là “Tuyên Ngôn và Điều Lệ” nhưng chúng ta không thấy sự hiện diện của bản Tuyên Ngôn trong tập tài liệu mà ông Chủ tịch gởi đến cho các Hội Đoàn. Như vậy tập tài liệu này nên được gọi là Bản Dự Thảo Điều lệcủa Cộng đồng để có chính danh. 

2- Nhiêm vụ của “Uỷ Ban Tu Chính Hiến chương

Khi Ủy Ban này được thành lập, nhiệm vụ của Ủy Ban rõ ràng là tu chính bản Hiến Chương như danh xưng của nó. Tu chính có nghĩa là sửa chữa những cái hư hao hoặc không phù hợp với hoàn cảnh chớ không phải đập bỏ để xây cái mới. Thay vì quý vị thay cửa sổ vì nó quá nhỏ, quý vị giựt sập cái nhà (Hiến chương), phá luôn cái nền ( chống Cộng sản) để xây cái lều (Điều lệ). 

Uỷ Ban Tu Chính đã vượt quá quyền hạn của mình, do đó việc làm của Ủy Ban hoàn toàn vô giá trị . Tuyên Ngôn và Điều lệ là sản phẩm của một Ủy Ban soạn thảo Tuyên Ngôn và Điều Lệ của một tổ chức nào đó chớ không phải là việc làm của một Ủy Ban mang tên là Ủy Ban Tu Chính Hiến Chương. 

3- Tánh cách đôc lập của Ủy Ban Tu Chính

Ủy Ban Tu Chính hoàn toàn là sản phẩm mới của vị Chủ tịch Cộng Đồng

Trong bản Hiến Chương và Nội Quy cộng đồng, Điều 35 Nội Quy viết: “Mọi tu chính Hiến chương phải theo thứ tự sau đây: Đề nghị tu chính, Thảo luận, biểu quyết. Đề nghị tu chính do 2/3 Văn Phòng Thường Trực, Chủ tịch Cộng Đồng, 10 thành viên Hội Đồng Đại Diện”. 
Theo lá thư ngày 8/8/2017 của ông Chủ tịch Cộng Đồng, Ủy Ban Tu Chính này do “tân Hội Đồng Đại Diện giao phó trách nhiệm”. Nhưng trong buổi họp ngày 24/8 với Hội CSV/QGHC , ông Chủ Tịch cho biết Ủy Ban này do Văn Phòng Thường Trực (VPTT) thành lập. Nếu Ủy Ban này do VPTT thành lập và ông Chủ tịch Cộng Đồng cũng là Chủ tịch của VPTT thì tánh cách độc lập của Ủy Ban này tự nó không thể có được trừ phi có một văn thư chính thức của ông Chủ Tịch xác nhận hay ban cho Ủy Ban này tánh cách độc lập. Cho đến nay, ông Chủ Tịch chưa hề chứng minh sự hiện hữu của bản văn này. Nếu không có văn thư này, tánh cách độc lập của Ủy Ban Tu chính không được thành lập. 

4- Thủ tục Tu chính 

Ngày 8/8/2017, ông Chủ tịch CĐ gởi đến tất cả thành viên trong HĐĐD “phiếu Biểu quyết Tuyên Ngôn và Điều lệ Cộng đồng” với sự chọn lựa giữa hai quyết định: đồng ý hay không đồng ý Bản Tuyên Ngôn và Điều Lệ Cộng Đồng và phải gởi về VPTT trước ngày 25/8/2017. 

Đã gọi là “Phiếu Biểu quyết”với hai lựa chọn và một hạn kỳ thì làm thế nào ông Cố vấn Thomas Phạm có thể kết luận được rằng “ ông CT Cường chỉ gởi Bản Dự thảo TCHC đến các Thành viên của Hội Đồng Đại Diện để đọc và chuẩn bị tư tưởng cho kỳ họp ĐHĐ vào tháng 9/2017 cho việc thảo luận và biểu quyết Bản TCHC đúng theo qui định”. 
Ông Chủ tịch CĐ đi từ đề nghị tu chính, bỏ phần thảo luận, đến phần biểu quyết là đã vi phạm thủ tục tu chính ghi ở điều 35 Nội quy nói trên. Theo đề nghị của Hội CSV/QGHC và trong buổi họp ngày 23/ 8 ông Chủ tịch CĐ đồng ý thu hồi Phiếu Biểu Quyết này và ông Chủ tịch CĐ đã có văn thư thu hồi. 

 5-Thay đổi “Chống Cộng sản” thành “ không Cộng sản” là không thay đổi lập trường?
5.1- Khi chúng tôi soạn thảo bản Hiến Chương Cộng Đồng, tất cả các ủy viên đều có chung một lập trường Chống Cộng Sản. Vì vậy mà chúng tôi cố ý lập đi lập lại lập trường này trong ba chương đầu của bản Hiến Chương và ghi thêm trong chương 21 rằng các chương đầu này không được thay đổi. 

Đó là tinh thần của bản Hiến Chương Cộng Đồng và cũng là lý do tại sao tất cả các Hội Đoàn và các Đại diện cá nhân đồng lòng dẹp qua những dị đồng để đoàn kết trong một tổ chức có tên là “tổ chức Cộng Đồng Việt Nam vùng Washington DC, Maryland và Virginia” . 

Theo tôi biết, mỗi khi có cuộc tranh luận về một đề nghị tu chính Hiến pháp, các nhà lập pháp đi tìm những biên bản từ những buổi thảo luận của nhà lập hiến đầu tiên để tìm hiểu quan điểm của những người sáng lập hay ý nghĩa của một danh từ, động từ, một câu văn trước khi thực hiện việc tu chính. Hiện nay 16 người trong Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Chương Cộng Đồng , đa số đã qua đời, một số đã di chuyển, có lẽ còn lại vùng này chỉ anh Lê Hữu Em và tôi nên hai chúng tôi có bổn phận nhắc lại lập trường chống Cộng Sản cố hữu của Cộng Đồng Việt Nam tại vùng Thủ đô này . 

Nếu ông Chủ tịch, với sự cố vấn của Thomas Phạm, cho rằng “không cộng sản” và “chống cộng sản” không khác nhau thì tại sao ông muốn thay đổi. Vì lý do nào, lợi ích nào cho Cộng đồng mà ông chấp nhận vi phạm bản Hiến Chương và gây náo động trong Cộng đồng mà ông đang lãnh đạo? 

“không ăn cướp” và “chống ăn cướp” là hai thái độ hoàn toàn khác nhau.
Một người không ăn cướp có thể hợp tác, kết thân, ăn chung, ngủ chung với kẻ cướp. 

Một người chống ăn cướp thì không thể hợp tác, kết thân, ăn chung, ngủ chung với kẻ cướp mà lúc nào cũng đề phòng, tố cáo, cảnh báo mọi người về sự rình rậm, nguy hiểm của kẻ cướp. 

Lý luận rằng phải bỏ chữ chống Cộng sản để hợp với luật pháp thì theo sự hiểu biết rất thô thiển của tôi, luật pháp Hoa kỳ không cấm dân chúng chống Cộng sản mà chỉ không được bạo động, giết người, đánh đập , làm thiệt hại tài sản của người theo Cộng sản. Chỉ có luật thuế vụ IRS , để có tax exempt, một tổ chức non-profit không được kỳ thị ( chống ). Cộng đồng chúng ta , vì lợi ích nhỏ là miễn đóng thuế mà bỏ lập trường chống cộng thì thật không đáng hãnh diện. Khi tôi làm Chủ tịch Cộng đồng nhiệm kỳ đầu tiên, tôi chỉ ghi danh với tiểu bang Virginia mà không xin Tax exempt với IRS. 

Lập trường “Chống Cộng Sản” của cộng đồng Việt nam đã được các vị Chủ tịch Cộng Đồng thay phiên nhau bảo vệ , duy trì suốt 27 năm nay. Bây giờ đến phiên ông Đinh Hùng Cường, ông muốn thay đổi lý lịch của cộng đồng ty nạn Cộng Sản với 42 tuổi tha hương thành một Cộng Đồng mới với lý lịch mới, và ông đã thấy sự phản đối mãnh liệt của các Hội đoàn quân nhân, dân chính trong hai buổi họp vừa qua. Nếu ông muốn có một tổ chức Cộng Đồng mới theo ý ông, xin ông can đảm từ chức Chủ tịch Cộng Đồng Chống Cộng này, đứng ra tự lập một Cộng Đồng không chống Cộng sản nữa, cần gì phải dùng đến lăng ba vi bộ, ngụy biện, sáo ngữ, tráo trở, bất nhất. 
Lòng tôi vẫn mong ông Chủ tịch Cộng Đồng suy nghĩ lại, quay về sống thật với con người của mình. Ông đã dùng bao nhiêu tâm trí thì giờ, hy sinh đời sống riêng tư và gia đình để gánh vác công việc của một Cộng đồng chống Cộng, xin hãy cố gắng hoàn tất trách vụ mà người Việt tỵ nạn Cộng sản trong vùng Thủ đô và tất cả bạn bè của ông đang kỳ vọng ở ông.
Trần Nhật Thăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét