Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

KHI TỔNG THỐNG TRUMP TIẾT LỘ TIN TÌNH BÁO

TRIỀU ĐẠI TRUMP
 
Lời giới thiệu:
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 với kết quả thắng cử bất ngờ của nhà tỷ phú Donald Trump đã mở ra một kỷ nguyên cho nước Mỹ cũng như cả thế giới. Từ trước tới nay, chưa bao giờ có một ứng cử viên ăn nói bạt mạng, dâm tục, thô bỉ và thiếu văn hoá nhất, nhưng cuối cùng lại thắng cử vẻ vang, tuy vẫn thua đối thủ về số phiếu của người dân. Dù ủng hộ hay chống đối, mọi người đều phải nhìn nhận rằng con đường trước mặt cho Hoa Kỳ là một tương lai bất định (uncertain) theo như phân tích chính xác của hầu hết các chuyên gia am tường thời cuộc. Bởi lẽ ông Trump chưa hề đưa ra những chính sách cụ thể và chi tiết trong việc điều hành đất nước trong suốt thời gian vận động tranh cử, nhưng chỉ đưa ra những lời hứa hẹn là chỉ có mình ông là người giải quyết những khó khăn to lớn để làm cho đất nước hùng mạnh trở lại (Make America Great Again!) Phần lớn sự ủng hộ của cử tri bỏ phiếu cho ông là một sự tín nhiệm mù quáng (blind faith) vì không còn tin tưởng vào những người khác (anti-establishment). Hơn nữa, chính ông cũng đã không ngần ngại nói ngược lại những điều phát biểu của mình trước đó mỗi khi bị lúng túng trước những lời chất vấn nghiêm túc và hóc búa của giới truyền thông.
Loạt bài này nhằm giúp người đọc hiểu rõ thêm về nhiều góc cạnh lý thú và đa dạng của những diễn biến sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới.
 
KHI TỔNG THỐNG TRUMP TIẾT LỘ TIN TÌNH BÁO
 
Như đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này, với chính quyền Trump, có lẽ mọi người đều phải chấp nhận là bất cứ chuyện bất ngờ nào cũng có thể xảy ra, và nó có thể đến một cách dồn dập do bởi bản tính xốc nổi, tuỳ hứng, cao ngạo và kệch cỡm, cũng như đầy tự ái cá nhân của vị tổng thống Mỹ hiện nay. Vì thế nên chúng ta mới thấy xảy ra biến cố sôi nổi và bất ngờ nhất là chuyện TT Trump đột nhiên ra lệnh cách chức ông James Comey là Tổng Giám Đốc cơ quan FBI, giữa lúc ông Comey đang tiến hành cuộc điều tra về chuyện bộ tham mưu của ông Trump có gian díu với chính quyền Nga hay không để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử TT hồi năm ngoái.
Vụ này chưa có thì giờ để mọi người hết bàn tán và chống đối thì đột nhiên lại xảy ra một cú bom nổ chấn động khác (bombshell): đó là chuyện TT Trump, trong lúc tiếp chuyện Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga và đại sứ Nga tại Mỹ là Sergei Kislyak ở Toà Bạch Ốc vào ngày 10 tháng 5 vừa qua, đã nổi hứng khoe khoang với các viên chức của Nga về một số những tin tức tình báo, mà đáng lý ra đây là những thông tin bí mật không được tiết lộ cho người ngoài biết, nhất là nước Nga cho đến giờ vẫn được coi như là kẻ thù nguy hiểm đáng ngại nhất cho Hoa Kỳ.
Cả hai vụ này có thể được coi như là những đề tài thời sự sôi nổi và gây chấn động dữ dội trên chính trường, vì đó là những chuyện gần như chưa bao giờ xảy ra từ trước tới nay, đặc biệt là chưa có một vị tổng thống Mỹ nào lại đường đột quyết định một cách thiếu khôn ngoan và sáng suốt như vậy.
TÓM LƯỢC SỰ KIỆN
Theo thông tin được tiết lộ bởi một số các viên chức cao cấp về tình báo của Hoa Kỳ đã tiết lộ cho các nhà báo của tờ Washington Post, thì trong cuộc tiếp xúc tại Toà Bạch Ốc với vị ngoại trưởng của Nga và viên đại sứ Nga tại thủ đô Washington, ông Trump đã cao hứng khoe khoang về tin tức tình báo mà Mỹ đã thu thập được để biết về một số âm mưu của tổ chức khủng bố Hồi giáo quá khích ISIS muốn giấu bom trong các máy điện toán “laptop”, và nhờ thế mà chính phủ Mỹ đã phản ứng kịp thời bằng cách ra quyết định cấm không cho mang các máy điện toán cỡ lớn như “laptop” trên hành lý xách tay khi lên máy bay. Quyết định mới nhất này đã được áp dụng với các chuyến bay khởi hành từ một số các nước quốc gia ở vùng Trung Đông, và đang được cứu xét để có thể đem ra áp dụng một cách rộng lớn hơn nữa tại tất cả các nước trên toàn Âu Châu, và do đó có thể gây xáo trộn lớn cho ngành du lịch hàng không cũng như cho hàng triệu du khách di chuyển trên các hãng máy bay.
Thoạt đầu, tờ Washington Post đã không tiết lộ nội dung của những mẩu tin tình báo này, nhưng về sau đó mọi người cũng biết thêm đó là những tin tức bí mật thu lượm được từ cơ quan tình báo của Do Thái và chuyển lại cho Hoa Kỳ.
Trên nguyên tắc, đây là những thông tin cần phải giữ kín, không tiết lộ cho ai biết, kể cả các cơ quan tình báo của đồng minh, trừ khi có sự cho phép từ phía cơ quan đã thu thập và chuyển tin lại cho mình (trong trường hợp này là Do Thái). Và như thế thì Hoa Kỳ, cũng như TT Trump, càng không nên cho phía Nga được biết những tin tức bí mật và quý giá này. Vì khi tiết lộ như vậy, phía Nga cũng có thể dò lần ra manh mối và biết những cách thức thu thập tin tình báo ra sao, và từ đó có thể đề phòng kỹ lưỡng hơn nữa về khả năng thu thập tin tình báo từ phía Mỹ hay các quốc gia đồng minh khác, vốn không thể nào tin tưởng vào thiện chí tốt đẹp từ phía Nga.
Nên nhớ là trong lãnh vực an ninh tình báo, mọi người và mọi quốc gia đều nghi ngờ lẫn nhau, và dò chừng mọi phía để biết xem có những tin tức nào bất lợi cho mình hay không để có thể đề phòng hoặc ứng biến kịp thời. Điều này không những xảy ra trên lãnh vực an ninh quốc phòng, mà còn lan sang nhiều địa hạt khác như kinh tế, tài chính, kỹ thuật và kiến thức khoa học v.v., và có thể được thực hiện bởi các chính quyền, cũng như bởi các tư nhân và công ty trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh hoặc quyền lợi riêng biệt của mình.
Đối với các thông tin liên quan đến an ninh quốc phòng, dĩ nhiên những tin tức tình báo cũng được phân chia thành nhiều loại tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của nó: từ nhẹ như “Confidential” (tạm dich là “Giữ Kín”) cho đến “Secret” (tạm dịch là “Bí Mật”) cho đến “Top Secret” (tạm dịch là “Tối Mật”). Những viên chức chính phủ có dịp tiếp xúc với những tài liệu có thông tin bí mật như vậy đều phải qua tiến trình điều tra về hồ sơ lý lịch của mình, gọi là “clearance”, trước khi đi phép nhìn hay đọc đến nó. Họ cũng được huấn luyện cẩn thận hay được căn dặn kỹ lưỡng (nhất là đối với những vị dân cử mới được nắm quyền không phải là những công chức lâu năm) là phải luôn luôn bảo mật nó (như không được đem ra khỏi sở, không được tiết lộ với ai, kể cả vợ con). Và nếu ai vi phạm vào những quy định bảo mật này có thể bị cách chức hoặc bị truy tố về tội hình sự.
[Trong vụ tai tiếng của bà Hillary Clinton trong thời gian làm Ngoại trưởng đã dùng hệ thống email cá nhân, do đó có thể vô tình để cho những thông tin liên lạc với bà thuộc loại “bí mật” có thể bị kẻ gian biết được, ông Trump và phe Cộng Hoà từ nhiều năm qua đã luôn tố cáo đó là những vi phạm có thể bị truy tố về tội hình sự. Do đó, ông Trump đã luôn kết án bà Clinton và nói rằng đáng lý ra chính phủ phải điều tra và kết tội để nhốt vào nhà tù, với khẩu hiệu “Lock her up!” (Nhốt Bà Ta Lại!) được rất nhiều cử tri trung thành với ông luôn luôn hò hét ủng hộ. Nhưng dẫu sao đi nữa, thì đó cũng chỉ là những cáo giác về cách làm việc “đầy cẩu thả” (extremely careless) như vậy của bà Clinton theo như lời kết luận của ông trùm FBI, nhưng cũng chưa có bằng chứng nào là những thông tin đó đã bị tiết lộ ra ngoài.]
Nhưng cuối cùng thì chính TT Trump lại là người tiết lộ những thông tin thuộc loại tối mật như vậy, và điều đáng trách cũng như đáng lên án (nếu như những thông tin được tiết lộ cho tờ Washington Post là đúng sự thật), là ông Trump lại tiết lộ trong một phút bốc đồng, hành xử kiểu “tiểu nhân đắc chí” như muốn khoe khoang với các viên chức cao cấp của Nga.
Các viên chức cao cấp trong chính quyền Trump, từ Ngoại Trưởng Rex Tillerson và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia là Trung tướng H.R. McMaster và người phụ tá là Dina Powell, liền sau đó đã lên tiếng phủ nhận bài báo của tờ Washington Post. Họ đã đính chính là TT Trump đã chia sẻ với những viên chức của Nga về những mối hiểm nguy chung đối với các nhóm khủng bố, và rằng ông Trump không hề tiết lộ chi tiết về xuất xứ cũng như cách thức thu thập những thông tin này, cũng như những kế hoạch hành quân trong tương lai, với ngụ ý là ông Trump không hề làm điều gì có hại cho an ninh của nước Mỹ.
Nhưng nhà báo Greg Miller của tờ Washington Post, là người cùng viết chung với ký giả Greg Jaffe bài báo tiết lộ những tin tức động trời này, đã phản pháo và nói rằng những lời biện minh của các phụ tá cao cấp của ông Trump chỉ là một lối “chơi chữ” (word games) để phủ nhận sự thật. Ông Miller nói rằng bài báo của tờ Washington Post không hề viết rằng TT Trump đã tiết lộ những thông tin về xuất xứ cũng như cung cách thu thập tin tức tình báo như lời đính chính và phản đối của các viên chức này. Nhưng họ chỉ viết rằng TT Trump đã tiết lộ những tin tức tình báo thuộc loại tối mật và điều này gây khó chịu cũng như bất an cho nhiều cơ quan tình báo của Hoa Kỳ cũng như của các nước đồng minh khác.
Ông Miller cũng nói rằng nếu như những lời khoe khoang của TT Trump hoàn toàn bình thường, không có gì nguy hại thì tại sao liền sau đó, một số các viên chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ngay sau cuộc gặp gỡ này, đã liền gọi báo cho ông tổng giám đốc CIA cũng như tổng giám đốc NSA để nói cho họ rõ những lời kể của ông Trump với các viên chức của Nga. NSA là cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ với nhiệm vụ chuyên theo rõi và thu thập tất cả những cuộc nói chuyện qua điện thoại và trao đổi thông tin trên mạng Internet trên toàn cầu.   
Người gọi cho hai ông trùm của CIA và NSA chính là Thomas Bossert, phụ tá tổng thống đặc trách an ninh nội địa và chống khủng bố. Và một phụ tá của ông Bossert sau đó cũng ra lệnh cho đục bỏ những lời kể này của TT Trump ra khỏi những văn thư trao đổi trong nội bộ và giới hạn toàn bộ bản văn ghi lại cuộc đối thoại này để chỉ giành riêng cho một số rất ít các viên chức cao cấp. Mục đích của những việc làm này là nhằm giới hạn để ngăn chặn những chi tiết nhạy cảm này có thể được đem ra thảo luận sâu rộng hơn, và có thể bị tiết lộ ra ngoài sau đó.
Điều trớ trêu, và cũng là điều gây điên đầu nhất cho những người lỡ dại chịu làm việc trong chính quyền Trump, là qua ngày hôm sau khi có bài báo của tờ Washington Post, ngay chính ông Trump đã lên tiếng xác nhận, qua một mẩu nhắn tin trên mạng Twitter, rằng chính ông Trump đã chia sẻ những thông tin tình báo đó. Ông Trump cũng biện minh rằng ông có toàn quyền (trong cương vị một tổng thống) để chia sẻ những thông tin liên quan đến vấn đề khủng bố và an ninh hàng không. Ông biện minh rằng đó là vì những lý do nhân đạo, và ông muốn rằng phía Nga cũng gia tăng nỗ lực chống lại nhóm ISIS và bọn khủng bố.
Rõ ràng là vị tổng thống Mỹ hiện nay chỉ vì tự ái cá nhân quá cao và cũng vì không kềm chế được những cảm tính bốc đồng và xốc nổi, nên đã không ngần ngại tung ra những mẩu tin kiểu “tuýt, tiếc” để phản ứng lại những thông tin mà ông cho rằng bất lợi với mình. Nhưng nó cũng khiến cho mọi người thấy rõ là những lời biện minh trước đó của các phụ tá cao cấp, từ phát ngôn viên Bạch Cung là Sean Spicer đến các ông ngoại trưởng Rex Tillerson hay Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster đương nhiên trở thành những lời lẽ nguỵ biện hết sức trơ trẽn.
Chính vì thế mà các cựu viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ đã báo động và chê trách các phụ tá cao cấp hiện nay ở Toà Bạch Ốc là đã không có ai can đảm dám nói lên sự thật mỗi khi chứng kiến các hành động hoặc lời nói của ông Trump hoàn toàn sai trái hoặc gây bất lợi cho Hoa Kỳ. Từ những công chức của nhà nước với chức năng phục vụ quyền lợi cho chính phủ và quốc gia, họ đã trở thành những người “yes, sir” (gọi dạ, bảo vâng) trước một ông chủ đầy quyền uy và tự ái vặt, sẵn sàng buột miệng để ra lệnh cách chức như ông vẫn thường làm theo thói quen như thời còn điều khiển một chương trình truyền hình có tên là The Apprentice với câu nói bất hủ là “You’re fired!
Ông Leon Panetta, từng đảm nhiệm những chức vụ cao cấp như Bộ trưởng Phủ Tổng thống thời Clinton, rồi Tổng Giám đốc CIA và Tổng trưởng Quốc phòng, cho rằng TT Trump là một “tay ăn nói bốc đồng, cẩu thả” (loose cannon), và chê bai những phụ tá bao quanh ông hiện nay chỉ là những kẻ “gọi dạ, bảo vâng” (yes people). Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình New Day của đài truyền hình CNN, ông Panetta nói rằng ông tổng thống này cần phải có những kẻ trưởng thành làm việc quanh ông ta. Đó là những “người dám lên tiếng nói thẳng với tổng thống rằng có những điều ông được quyền nói và cũng có những điều ông không được quyền nói. Không phải cứ là tổng thống Mỹ thì mình có quyền muốn làm gì hay nói gì thì nói bất luận điều gì ông ta muốn. 
Ông Eliot Cohen, một cựu viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thời TT Bush Con, trong một bài viết trên diễn đàn The Atlantic, cũng chê bai hành động bênh vực những lời nói khoe khoang của TT Trump bởi các viên chức cao cấp như Ngoại trưởng Tillerson hoặc Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster là những kẻ đã không có lương tâm chính trực, và không đủ can đảm để nói với sếp lớn của mình rằng những việc làm hoặc lời nói đó là sai trái dù biết rõ như vậy. Ông Cohen nói rằng những viên chức này đã lầm lẫn hai khái niệm trung thành với người đứng đầu chính phủ (là tổng thống), và trung thành với hiến pháp Hoa Kỳ và quyền lợi của tổ quốc trên hết.
Trong cơ cấu hành chánh của nước Mỹ, bất cứ vị viên chức cao cấp nào trong chính quyền cũng phải tuyệt đối trung thành với vị tổng thống Mỹ, với câu tâm niệm hàng ngày là “I serve at the president’s pleasure” (Tôi phục vụ là tuỳ theo sự ưa thích tuỳ hứng của vị tổng thống) và do đó họ có thể bị cách chức bất cứ lúc nào mà không cần phải có lý do chính đáng.
Vì thế nên ông Cohen đã chê bai và chỉ trích mạnh mẽ những lời nói để biện minh cho TT Trump lần này như là một hành động trung thành của ông McMaster, vốn từ trước tới nay thường được tiếng là một sĩ quan cương trực, dám nói điều hay lẽ phải (khi ông đã chê bai TT Johnson và giới tướng lãnh chỉ huy trong cuộc chiến tại Việt Nam trước đây là đã nói dối với dân chúng Mỹ). Nhưng ông Cohen cho rằng việc làm của Tướng McMaster lần này, cũng tương tự như sự trung thành của Đại tướng Colin Powell trước đây khi làm Ngoại Trưởng dưới thời TT Bush Con (khi biện minh cho quyết định tấn công Iraq vào năm 2003), sẽ làm hoen ố đi hình ảnh tốt đẹp và uy tín của những vị tướng này đã được mọi người kính nể trước đó. 
Để kết luận, các cựu viên chức tình báo cao cấp cũng như những người đang điều hành các cơ quan an ninh và tình báo hiện nay của Hoa Kỳ đều xác nhận rằng những tin tức tình báo thu lượm được (dĩ nhiên với những phương tiện kín đáo để phía bên kia không biết được) bao giờ cũng không được phổ biến rộng rãi, vì nó có thể khiến cho kẻ gian có thể tiên đoán và tìm cách tránh né.
Vì lẽ đó mà những lời lẽ tiết lộ của TT Trump đã khiến cho nhiều viên chức tình báo cao cấp của Hoa Kỳ hoảng hốt và bất mãn nên mới tìm cách tiết lộ cho giới truyền thông biết để báo động cho mọi người dân cùng hiểu rõ.
Điều đáng nói là thoạt đầu, TT Trump không cho phép bất cứ một người nào trong giới truyền thông Mỹ được tham dự trong cuộc gặp gỡ này, có lẽ cũng chỉ vì tự ái cá nhân, khi ông bất mãn với giới truyền thông Mỹ và cho rằng họ chỉ chuyên môn đưa ra những thông tin và bài viết bất lợi. Nhưng điều đáng tiếc, và cũng đáng lên án, là ông Trump lại cho phép các phóng viên của đài truyền hình của Nga được tham dự vào cuộc gặp gỡ này, và chính vì vậy mà người dân mới thấy được hình ảnh ông TT Mỹ cười toe toét hả hê nói chuyện với ông ngoại trưởng của Nga và viên đại sứ của Nga tại Mỹ, trong khi ông ta thường tỏ vẻ lạnh lùng và khó chịu với các lãnh tụ khác của các nước đồng minh lâu đời của Mỹ như thủ tướng của Đức hoặc thủ tướng của nước Úc.
Điều này cũng gần giống như trường hợp của ông nghị viên HDH cách nay 5 năm, khi họp kín với phái đoàn cao cấp của Việt Cộng tại Houston, đã không hề thông báo gì với giới truyền thông tiếng Việt được biết. Nhưng phía VC thì đương nhiên được quyền có phóng viên thu hình đến dự. Và mấy tháng sau đó, khi những hình ảnh này vô tình được tiết lộ trên các trang báo trong nước thì nó mới được chuyển về Houston khiến cho cộng đồng người Việt mới giật mình té ngửa.
Description: Donald Trump Sergey Lavrov Sergey Kislyak 
TT Trump đang cười hả hê khi nói chuyện với Ngoại trưởng Nga và Đại sứ Nga (hình từ Bộ Ngoại Giao Nga)
Đây cũng là một đề tài gây tranh cãi rất lớn, và cũng là một điều trớ trêu khi mà ông tổng thống Mỹ lại nghi ngờ, không tin tưởng vào các nhà báo của Mỹ đến mức cáo buộc họ là kẻ thù, trong khi đó lại tin tưởng các nhà báo của Nga đến mức sẵn sàng cho họ tham dự một cuộc họp tại Toà Bạch Ốc trong khi lại cấm không cho các nhà báo Mỹ được có mặt.
Đương nhiên quyết định này khó thể nào được biện minh rằng đó là một chuyện khôn ngoan hay sáng suốt, kể cả những tay bình luận bảo thủ cực đoan cũng khó lòng bênh vực cho việc TT Trump ngăn cấm không cho báo giới Mỹ được tham dự mà lại để cho các phóng viên của đài truyền hình Nga được độc quyền khai thác. Đây là một thí dụ đáng buồn và đáng trách khi một lãnh tụ như ông Trump lại để cho cái tự ái cá nhân của mình quá lớn khiến nó lấn áp đi lý trí, để không còn nhận rõ ai là kẻ thù chung nguy hiểm và đáng ngại nhất, và ai là người chống đối mình vì khác biệt quan điểm nhưng vẫn là người đứng cùng chiến tuyến với mình.
Bởi vì nói cho cùng, các tờ báo hay diễn đàn truyền thông tại Mỹ này, dù là theo cấp tiến hay bảo thủ, dù ủng hộ phe Dân Chủ hoặc bênh vực cho phe Cộng Hoà, cuối cùng thì họ cũng vẫn phải lo bảo vệ cho quyền lợi của nước Mỹ trên hết. Trong khi đó, chắc chắn là giới truyền thông bên Nga không thể nào bênh vực cho quyền lợi của Mỹ được, nếu không muốn nói là họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì theo lệnh của cấp trên là TT Putin của Nga để khai thác sự chia rẽ và làm giảm tiềm năng của Hoa Kỳ. Nhưng ông Trump đã không nhìn thấy điều đó, và từ lâu ông đã nhiều lần lên tiếng bênh vực hay ca ngợi lãnh tụ độc tài Putin này, khiến cho ngay cả nhiều viên chức và chính trị gia của đảng Cộng Hoà cũng phải khó chịu.
Vì thế nên điều này giải thích vì sao mà một số các viên chức cao cấp trong ngành tình báo Hoa Kỳ đã không ngần ngại tiết lộ những tin tức trong nội bộ chính quyền Trump cho giới truyền thông biết, và từ đó mới có những bài báo cho công chúng biết. Và nhờ vậy mọi người mới chưng hửng trước những việc làm và lời nói bạt mạng nhưng rất tai hại này của ông Trump.
[Tương tự như vậy, trước đây nghị viên Al Hoang, tức Hoàng Duy Hùng, cũng có một cuộc họp bí mật tại văn phòng toà thị chính Houston với phái đoàn của Việt Cộng dẫn đầu bởi Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, dù biết rằng phần lớn người Việt tị nạn tại Houston đều không chấp nhận chế độ cộng sản nên mới bỏ trốn ra định cư tại hải ngoại. Chính vì thế mà cử tri người Việt tại đây mới giật mình chưng hửng, và sau đó đã tẩy chay khiến ông ta bị thất cử một cách đau đớn trước một đối thủ vô danh tiểu tốt lúc bấy giờ là ông Richard Nguyễn.]
Không ai biết rõ là tình hình hiện nay sẽ diễn tiến ra sao. Rõ ràng là khó có ai có thể khen ngợi hay bênh vực cho thành tích của chính quyền Trump trong thời gian ngắn ngủi vừa qua đã mang lại những xáo trộn rất tệ hại cho tương lai của nước Mỹ. Nhưng trong bối cảnh phân hoá trầm trọng hiện nay giữa hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ, bên nào cũng muốn giành lấy quyền hành và không thèm lắng nghe tiếng nói của phe đối lập, nhiều viên chức cao cấp của đảng Cộng Hoà tuy trong chốn riêng tư rất ngao ngán về những hành động rất ấu trĩ và thiếu khôn ngoan của TT Trump, nhưng lại không dám hoặc không muốn lên tiếng chỉ trích vì sợ phản ứng bất lợi từ phía những cử tri trung thành và cuồng nhiệt ủng hộ cho ông Trump.
Liệu đến chừng nào thì những người vẫn còn ủng hộ ông Trump một cách cuồng tín có nhìn thấy ra những điều nghịch lý và thiếu khôn ngoan sáng suốt lắm trong quyết định này?
 
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 22/05/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét