Sau vụ xả súng tại trường đại học Virginia Tech vào ngày 16 tháng 4 năm 2007, Hội lái súng National Rifle Association (NRA) tuyên bố: “Nếu mọi người trong trường đều có súng, hung thủ Cho Seung-Hui sẽ bị giết ngay, không có cơ hội sát hại 33 người và làm bị thương hàng chục người khác”.
Sau khi 20 học sinh và 6 thầy cô giáo bị tấn công giết hại tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut vào năm 2012 lãnh đạo NRA Wayne LaPierre kêu gọi quốc hội trang bị vũ khí cho toàn thể nhân viên các trường học trên toàn nước Mỹ!
………
Sau bất cứ vụ xả súng quan trọng nào, luận điệu của NRA vẫn thế. Theo họ mọi người phải có phương tiện để tự bảo vệ, không nên mất thời gian trông chờ cảnh sát. Không ai ngạc nhiên trước luận điệu của NRA, họ muốn bán được nhiều súng để kiếm được nhiều tiền nên khuyến khích mọi người mua súng. Bảo vệ sinh mạng người dân không phải là trách nhiệm của họ.
Điều làm người ta ngạc nhiên là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có luận điệu và lời kêu gọi y chang NRA. Sau khi 14 học sinh và 3 nhân viên trường trung học Marjory Stoneman Douglas tại Parkland, Florida bị tàn sát tuần trước, TT. Trump cũng đề nghị trang bị vũ khí cho thầy cô giáo và nhân viên nhà trường.
Chưa hết, xếp sòng NRA nhận định: “Our banks (are) all more protected than our children at school” (các ngân hàng được bảo vệ tốt hơn các trẻ em tại trường học).
Như “phu xướng phụ tuỳ”, TT. Trump phát biểu: “I want my schools protected like I want my banks protected” (Tôi muốn trường học được bảo vệ giống như tôi muốn ngân hàng được bảo vệ).
Đúng là tư tưởng lớn gặp nhau. Bảo vệ ngân hàng cần súng thì bảo vệ trường học cũng cần súng. Bảo vệ bất cứ một cơ quan, tổ chức nào cũng tốt, nhất là bảo vệ trẻ em tại các trường học. Nhưng bảo vệ ngân hàng cần súng, chuyện dễ. Bảo vệ trường học cần súng, chuyện quá khó.
Chúng ta thử tìm hiểu, nếu các giáo viên được trang bị súng, trường học có được an toàn hơn không?
Bạo loạn súng đạn tại Mỹ không phải là chiến tranh, vậy tại sao Tổng thống Mỹ muốn “quân sự hoá học đường”, trang bị vũ khí cho thầy giáo? Để ngăn ngừa bọn người khát máu, xả súng giết người đồng loạt? Nếu được thế thật đáng mừng.
Nhưng…Thầy giáo có nhiệm vụ truyền dạy kiến thức cho học sinh, không phải là người bảo vệ học sinh. Buộc họ phải đảm trách cả hai nhiệm vụ, họ rất khó để chu toàn. Chất lượng giảng dạy sẽ bị giảm và khả năng bảo vệ của họ không đi tới đâu. Thử tưởng tượng cảnh thầy giáo vừa dạy vừa để mắt quan sát đề phòng mọi bất trắc thì làm sao tập trung trong việc giảng dạy cho học sinh?
Nếu thầy giáo được trang bị vũ khí, họ để súng ở đâu khi vào lớp? Có hai trường hợp:
Một, thầy giáo chịu khó mang súng lè kè trên vai khi dạy, và nếu có một vụ xả súng xẩy ra trong lớp, thầy giáo kịp thời bắn trả thì học sinh có thể bị nguy hiểm hơn. Trong lúc “giao tranh”, ngoài đạn của hung thủ, học sinh có thể xoan đạn của thầy giáo vì kẻ chủ mưu xả súng sẽ núp sau lưng đám học sinh để bắn. Nếu điều nầy xẩy ra, học đường Mỹ sẽ biến thành một bãi chiến trường, một cảnh tượng bi hài nhất hành tinh.
Hai, nếu thầy giáo không mang súng trên vai mà dấu nó đâu đó trong lớp học, làm sao họ kịp trở tay khi kẻ ác hành động? Những vụ tấn công học đường thường xẩy ra rất bất ngờ và chỉ trong vòng vài phút. Nó có thể xẩy ra trong lớp học, tại thư viện, phòng ăn, giữa sân trường hoặc trước cỗng trường mà đối tượng chính là học sinh. Khi thầy giáo kiếm được súng để can thiệp, vụ xả súng có thể đã kết thúc, học sinh đã bị hại. Thầy giáo giỏi lắm chỉ có thể bắn chết tên bất lương đó sau khi hắn đã thực hiện xong tội ác. Như vậy, dù đã nổ súng, thầy giáo không hề bảo vệ được học sinh, không hề ngăn chận được vụ xả súng. Và do đó, sự an toàn của học đường không hề được cải thiện. Bọn máu lạnh, bọn cuồng sát…khi đã nổi điên chúng không sợ chết, súng của thầy giáo không thể làm chúng chùn chân. Đề nghị trang bị vũ khí cho thầy giáo để bảo vệ học sinh của TT. Trump là một việc làm vô bổ, vừa thiếu tầm nhìn thực tế, vừa mị dân, mục đích là để theo đuôi hội lái súng NRA.
Cho rằng bảo vệ nhà băng và bảo vệ học đường đều cần có vũ khí như nhau là không đúng. Nhà băng thường chỉ có một toà nhà, có kính chống đạn, có đường giây báo động trực tiếp với cảnh sát, và thường chỉ có vài security officers/cảnh sát có súng bảo vệ. Các trường học rộng lớn hơn, có nhiều ngôi nhà hơn, nhiều lối vào hơn, nếu có việc cần, ai cũng có thể vào các trường học một cách dễ dàng mà không cần qua các thủ tục đề phòng nghiêm ngặt như nhà băng. Với tình trạng đó, bọn ác ôn rất dễ tiếp cận học sinh để tàn sát. Thầy giáo, dù có vũ khí cũng không thể đi theo từng đám học sinh để bảo vệ. Hô hào trang bị vũ khí cho các thầy giáo để bảo vệ học đường như security officers/cảnh sát bảo vệ nhà băng là điều không tưởng. Câu nói: “The only way to stop a bad guy with a gun is a good guy with a gun” (D. Trump) chỉ có thể áp dụng vào những sự đụng chạm trên đường phố, hay những nơi công cộng khác giữa một nhóm vài người đối mặt nhau, không thể đem áp dụng cho các thầy giáo trong các trường học, nơi có không gian rộng mở và có hàng ngàn học sinh tay không, và bọn hung ác chưa biết xuất hiện và ra tay lúc nào. Khi “bad guy with a gun” thình lình xuất hiện và ra tay thì “the good guy with a gun” chỉ là “bóng chim tăm cá”, đâu có mặt ở đó làm sao mà ngăn chận (stop)? Kêu gọi trang bị vũ khí cho các nhà giáo là một lối tránh né việc giải quyết đại vấn nạn của quốc gia: Gun Control, kiểm soát súng đạn!
Hiến pháp cho phép người dân mua/giữ súng để tự vệ.
Hiến pháp không cho phép mua súng để tàn sát đồng bào vô tội.
Nhà cầm quyền phải biết như thế để có cách bảo vệ mạng sống của người dân, không phải dung túng cho tập đoàn lái súng NRA làm giàu.
Kiểm soát súng đạn không phải là cấm hẳn sự sở hữu súng đạn của người dân mà là hạn chế số súng, số đạn được mua; cấm không được mua/bán các loại súng tự động giết người hàng loạt. Tại sao Đảng Cộng Hoà/TT. Trump không làm điều đó trong khi họ nắm cả hành pháp lẫn lưỡng viện quốc hội? Sau vụ xả súng tại Parkland, Florida Chủ tịch Thượng, Hạ viện, và cả TT. Trump đều đánh bài lờ, tránh né vấn đề cốt lõi nầy mà chỉ đưa ra những biện pháp hạn chế hoặc có tính cách đánh lạc hướng để làm lợi cho NRA? Báo The Washington Post nhận xét việc nầy như sau: “Trump’s push to arm teachers gives the NRA what it wants and highlights GOP radicalization”.
Mỹ là nước có số lượng “mass shootings” nhiều nhất thế giới. Dân Mỹ bị chết bởi những vụ xả súng bừa bãi nhiều nhất thế giới. Tại sao? Tại vì tình trạng mua bán súng quá tự do, nước Mỹ có quá nhiều súng đạn đang lưu hành trong xã hội. Dù biện minh cách nào, đó cũng là một thực tế khó chối cải. Muốn hạn chế tình trạng xả súng bừa bãi chỉ có cách duy nhất là kiểm soát và hạn chế việc sử dụng súng, nhất là súng tự động giết người đồng loạt. Hô hào trang bị súng đạn cho giới nhà giáo và cho bất cứ ai không phải là hạn chế súng đạn mà là muốn tăng thêm số lượng súng đạn trong xã hội. Điều đó sẽ tạo bạo loạn và chết chóc thêm trong cộng đồng dân tộc. Đảng Cộng Hoà và TT. Trump không lý không biết điều đó? Nếu biết, tại sao họ vẫn về hùa với NRA? Sau vụ Florida, một số công ty thương mãi tư nhân đã mạnh dạn cắt đứt mọi ưu đãi mà họ đã dành cho NRA bấy lâu nay. Họ đã thấy được chân tướng của tập đoàn nầy, họ đã động tâm trước thảm cảnh người dân bị giết oan ức liên tục. Thế mà nhà cầm quyền vẫn làm ngơ, vô cảm. “Nước Mỹ ngộ quá phải không anh”? Thanh niên Mỹ 21 tuổi trở lên mới được phép mua rượu bia và thuốc lá, nhưng 18 tuổi là đã có quyền mua súng! “Nước Mỹ ngộ quá phải không anh”?!
Hiện nay, TT. Trump đang đề nghị tăng tuổi mua súng lên 21, sưu tra lý lịch kỹ người mua súng, và cấm bán bộ phận “bump stock” (biến súng bán tự động thành súng tự động). Hoan hô tổng thống. Nhưng đó chỉ là những biện pháp tình thế, không giải quyết được nạn mua/bán súng quá tự do tại Mỹ. Ngoài những điều trên, TT. Trump còn mạnh miệng tố cáo chính quyền Obama trước đây không chịu ban hành những luật lệ nghiêm ngặt để kiểm soát súng đạn! Sự thật thế nào?
Sau vụ Sandy Hook, TT. Obama đề nghị quốc hội soạn thảo những luật lệ gắt gao để kiểm soát súng đạn. Nhưng quốc hội thời đó do Cộng Hoà nắm giữ nên đề nghị của ông Obama đã “cuốn theo chiều gió”! Ngoài ra, ông Obama đã ký sắc lệnh hành pháp, cấm những người có triệu chứng bệnh tâm thần không được mua súng. Sắc lệnh nầy vừa bị chính TT. Trump huỷ bỏ! Đảng CH xưa nay chủ trương tự do mua/bán/dùng súng đạn. Để thể hiện chủ trương nầy, họ hậu thuẩn NRA triệt để. Khi nắm được chính quyền họ không ngần ngại vô hiệu hoá những luật lệ hạn chế súng đạn do phía Dân Chủ ban hành. Năm 1994, dưới thời TT. Bill Clinton (DC) đạo luật “Crime Bill” được ban hành, cấm xử dụng súng bán tự động và những người xử dụng súng (cá nhân) không được mang theo nhiều viên đạn. Luật nầy chỉ có tính giai đoạn. Nếu đáo hạn mà không được quốc hội biểu quyết thông qua và tổng thống đương nhiệm ký ban hành thì luật nầy tự nhiên mất hiệu lực. “Crime Bill” “thọ” được 5 năm. Năm 2004, quốc hội lưỡng viện do CH kiểm soát không biểu quyết lưu dụng nên luật nầy đi vào quá khứ. Từ đó (cho đến nay) người ta có thể mua súng bán tự động, súng tự động và mang theo bao nhiêu viên đạn cũng được! Và cũng từ đó, nạn xả súng giết người hàng loạt ngày càng khốc liệt và dã man!
Sức mạnh nào khiến NRA có thể lũng đoạn chính trường Mỹ? Thưa, đó là TIỀN! Tiền bán súng, và chính những khẩu súng đó đã giết dân Mỹ. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, NRA đã chi hơn 11 triệu đô để ủng hộ ứng cử viên Donald Trump, đồng thời chi gần 20 triệu đô để đánh bại Hillary Clinton. Sau vụ Parkland, Florida học sinh đã tuần hành yêu cầu nhà chức trách phải kiểm soát và hạn chế súng đạn. Một trong những biểu ngữ họ mang theo là: “Money killed our friends” (tiền đã giết bạn chúng tôi). Giới trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng đã nhìn rõ vấn đề, không lý cha ông họ, những người đang nắm vận mệnh nước Mỹ không nhìn ra?! Lẽ nào họ vì tiền mà coi thường sinh mạng của người dân?
Trước tình trạng bi quan đó, người dân phải làm gì? Làm nhiều lắm nhưng chưa có kết quả. Đặc biệt, năm 2000, một năm sau vụ thảm sát tại trường trung học Columbine ở Colorado (1999), phong trào “Million Mom March” đã biểu tình tại Washington D.C. đòi hỏi nhà cầm quyền phải có luật lệ nghiêm ngặt để kiểm soát súng đạn. Nhưng, cũng như bao lần yêu cầu và phản đối khác, mọi chuyện đã rơi vào im lặng chẳng có một sự thay đổi nào. Lần nầy, vào tháng ba tới, giới học sinh sẽ tổ chức một cuộc tuần hành lớn tại Washington D.C. mệnh danh là “Student March” để yêu cầu chính quyền phải kiểm soát súng đạn. Họ có lay động được lương tâm và trách nhiệm của Đảng CH và chính quyền Donald Trump không, chúng ta phải chờ xem.
Tóm lại, hô hào mua thêm súng đạn, trang bị súng cho giáo chức chắc chắn không phải là cách giải quyết đại nạn xả súng nhức nhối của dân tộc. Đó chỉ là hình thức “trả công” cho hội NRA và làm cho mạng sống của người dân bị đe doạ hơn. Để biện minh cho sự mua bán súng đạn tự do, phe phò NRA thường rêu rao “Người giết người, không phải súng đạn” (Man kills man, not the guns). Nếu vạy, tại sao phải khuyến khích người người mua súng, tại sao phải chủ trương võ trang hoá giới nhà giáo và nếu cần, cho càng nhiều người càng tốt?
CHỪNG NÀO CHÍNH QUYỀN MỸ THOÁT ĐƯỢC SỰ KHỐNG CHẾ CỦA HỘI LÁI SÚNG NRA để bảo vệ đời sống người dân? Không ai biết được. Trong lúc chờ đợi, ai theo Phật cầu Phật, ai tin Chúa xin Chúa, ai không Phật không Chúa thì cầu ơn trên ông bà tổ tiên hay “quới nhân” phò trợ cho bản thân, gia đình, đặc biệt cho con cháu chúng ta được bình an vô sự tại các trường học và những nơi công cộng khác.
Trả lờiXóavinpearl phú quốc giá rẻ |
bán biệt thự biển vinpearl phú quốc |
Vinpearl Shophouse Phú Quốc |
vincity tây mỗ mở bán |