Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

BINH LUAN :Giới chuyên gia: Trung Quốc đừng mong bắn chìm tàu sân bay Mỹ

Giới chuyên gia: Trung Quốc đừng mong bắn chìm tàu sân bay Mỹ

media
Ảnh minh họa : Tàu sân bay USS Ronald Reagan và hải đội tác chiến cùng oanh tạc cơ B-52 của Không Quân và chiến đấu cơ F/A 18 của Hải Quân, trên biển Philippines, trong cuộc tập trận Valiant Shield 2018 ngày 17/09/2018.U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Erwin
Vào lúc sức mạnh của Hải Quân Mỹ rõ ràng là dựa trên lực lượng tàu sân bay hùng hậu, các thành phần diều hâu Trung Quốc thường đưa ra lập luận là chỉ cần phá hủy một hoặc hai chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ là đủ để làm cho Hoa Kỳ lùi bước.
Đối với các thành phần này, Bắc Kinh hiện đã có các phương tiện tối tân như các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hiện đại để tấn công và đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Vấn đề nói thì đơn giản, nhưng thực hiện thì không phải là điều dễ dàng, thậm chí còn bất khả, như nhận định của chuyên gia phân tích quốc phòng Loren Thompson trên tờ báo Mỹ Forbes số ra ngày 09/08/2019 trong bài mang tựa đề « Tại sao Trung Quốc không thể đánh được tàu sân bay Mỹ » (  Why China Can't Target U.S. Aircraft Carriers ).
Theo tác giả bài phân tích, từ hàng chục năm nay, nhiều người vẫn lo ngại là con chủ bài của sức mạnh Mỹ là các tàu sân bay khổng lồ hiện đang ngày càng gặp nguy hiểm trong thời đại của tên lửa chống hạm tầm xa với hệ thống dẫn đường cực kỳ chính xác, đặc biệt là của Trung Quốc, nước đã chuyển mình thành một siêu cường quân sự, với những loại vũ khí có thể đe dọa các hàng không mẫu hạm Mỹ.
Thế nhưng Hải Quân Hoa Kỳ, theo nhà phân tích của tờ Forbes, dường như không mấy lo lắng, thậm chí đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân mãn nhiệm, còn cho rằng Mỹ bây giờ còn « ít có khả năng bị tấn công hơn » so với thời kỳ kể từ Đệ Nhị Thế Chiến cho đến nay.
Có hai lý do giải thích thái độ tự tin của Hải Quân Mỹ : Trước hết là vì Mỹ đã đầu tư rất mạnh vào những công nghệ mới nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của các nhóm tàu sân bay tấn công, đồng thời cũng đã thay đổi chiến thuật tác chiến tại khu vực gần Trung Quốc. Thế nhưng, lý do lớn nhất giúp Mỹ tự tin chính là muôn vàn khó khăn mà Trung Quốc sẽ gặp phải để tìm ra và theo dõi các tàu sân bay Mỹ.
Tại sao những chiếc tàu sân bay hạt nhân khổng lồ mà Hải Quân Mỹ đang sử dụng lại có thể khó tìm như vậy, nhất là khi đó là những công trình đồ sộ, có chiều cao ngang với một tòa nhà 25 tầng, làm bằng thép dễ dàng bị radar nhìn thấy, lại đầy rẫy những loại thiết bị dựa trên quang học, hồng ngoại và tần số radio đặc biệt dễ bị phát hiện. Trong lúc đó thì quân đội Trung Quốc ngày càng có thêm công cụ dò tìm tinh vi, và tên lửa chống hạm đủ loại.
Trở ngại về mặt địa dư
Theo nhà phân tích của Forbes, lý do đầu tiên mang tính chất địa dư : Khu vực phía tây Thái Bình Dương, nơi hoạt động của hàng không mẫu hạm Mỹ, là một vùng mênh mông, rất dễ cho các con tàu ẩn mình khi tác chiến. Riêng Biển Đông đã rộng hơn 3,6 triệu km2, và đấy chỉ là một trong 4 vùng biển mà phi cơ xuất phát từ tàu sân bay Mỹ có thể tấn công vào Trung Quốc.
Trong trường hợp tiến hành hoạt động kiểm tra trên biển – tức là bảo vệ các tuyến đường biển cho các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản chẳng hạn – có nhiều khả năng là tàu Mỹ sẽ ở khá xa chuỗi đảo đầu tiên nằm song song với bờ biển Trung Quốc.
Trong tình hình đó, hạm đội Mỹ có thể dễ dàng ẩn mình giữa vùng biển Tây Thái Bình Dương cực kỳ rộng lớn. Định vị một thứ gì đó giữa hàng triệu dặm vuông của một đại dương quả thực là không dễ, nhất là khi mục tiêu cần tìm còn thường xuyên di chuyển chứ không hề ở yên một chỗ.
Nhờ dùng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay Mỹ về cơ bản có phạm vi hoạt động không giới hạn. Nếu quân đội Trung Quốc thực sự định vị được tàu sân bay Mỹ và bắn tên lửa về phía con tàu, thì khi tên lửa bay đến nơi, tàu sân bay đó đã không còn ở vị trí trước đó.
Với vận tốc 56 km/giờ, hàng không mẫu hạm Mỹ có thể ở bất kỳ đâu trong một khu vực có diện tích hơn 1.813 km2 trong khoảng thời gian 30 phút, và sau 90 phút, khu vực tàu sân bay hiện diện có thể tăng lên hơn 15.540 km2 – đây cũng là khoảng thời gian từ lúc Trung Quốc phát hiện ra tàu sân bay và phóng tên lửa đi từ đất liền.
« Quá trình tiêu diệt - kill chain »
Ngoài khó khăn trong việc phát hiện kẻ địch, Trung Quốc cần vượt qua nhiều trở ngại khác để có thể tấn công được một tàu sân bay Mỹ.
Đầu tiên hết là phải tìm ra tàu sân bay, sau đó phải xác định được vị trí con tàu, thiết lập một bản đồ theo dõi hành trình liên tục chuyển động của nó; rồi đưa con tàu vào tầm ngắm chính xác của những loại vũ khí cụ thể. Chưa hết, Trung Quốc còn phải xuyên thủng hàng rào phòng thủ nhiều lớp của tàu sân bay Mỹ mới có thể tiếp cận được mục tiêu; và cuối cùng còn phải đánh giá xem thiệt hại gây ra có đủ để khiến đối phương ngừng hoạt động hay chưa.
Hải Quân Mỹ gọi đây là một « quá trình tiêu diệt - kill chain », với mỗi bước phải được hoàn thành theo thứ tự, chỉ cần một sai sót trong một công đoạn là toàn bộ quá trình sẽ thất bại.
Và dĩ nhiên là Mỹ và các đối tác có nhiều kế hoạch nhằm gây gián đoạn từng bước một trong quá trình tiêu diệt đó.
Radar và vệ tinh Trung Quốc : hiệu năng còn khiêm tốn
Câu hỏi mà Forbes đặt ra là trong thời điểm hiện nay, những phương tiện mà Trung Quốc có thể dùng để dò tìm và xác định vị trí của tàu sân bay Mỹ có hiệu năng ra sao. Trước tiên hết là các hệ thống radar đặt trên đất liền.
Trung Quốc hiện có ít nhất 2 hệ thống radar khổng lồ mà trên lý thuyết, có khả năng gọi là « mò kim đáy biển ».
Tuy nhiên, tính hữu dụng của các hệ thống này khá khiêm tốn. Trước hết tín hiệu ghi nhận được rất yếu. Do phải phát đi các bước sóng dài, sản siinh ra tương đối ít thông tin, và những tín hiệu dội ngược trở về lại bị tiêu hao năng lượng nên rất yếu.
Ngoài ra, hình ảnh thu được của các khu vực khảo sát lại có độ phân giải thấp đến nỗi radar không thể thiết lập bản đồ theo dõi kể cả khi đã phát hiện ra tàu sân bay.
Cuối cùng, bản thân hệ thống radar rất lớn, và những vật thể cố định như vậy luôn bị đối phương ưu tiên phá hủy trước tiên khi có chiến tranh.
Trung Quốc cũng có thể dùng đến hành chục vệ tinh trinh sát mà họ đã phóng lên quỹ đạo, một số giống như các vệ tinh thăm dò điện tử mà Hải Quân Mỹ dùng để giám sát các đại dương, một số khác sử dụng các cảm biến quang học và radar có « độ mở tổng hợp ».
Nhưng để thu thập được thông tin với chất lượng đủ để phục vụ việc nhắm bắn đối tượng, các vệ tinh phải được đặt ở quỹ đạo thấp của Trái Đất (khoảng hơn 1.000 km tính từ bề mặt hành tinh). Ở độ cao đó, vệ tinh sẽ di chuyển với tốc độ gần 25.750 km/giờ - có nghĩa là sẽ nhanh chóng biến mất ở đường chân trời và phải hơn một giờ sau mới quay lại vị trí ban đầu.
Hải Quân Mỹ đã ước tính rằng để liên tục giám sát được các khu vực đại dương gần Trung Quốc, Bắc Kinh cần phải thiết lập 3 hệ thống theo dõi song song bắc – nam ở quỹ đạo thấp, và đưa vào mỗi hệ thống hàng chục vệ tinh được sắp xếp sao cho tầm phủ sóng của chúng liên tục với nhau.
Trung Quốc hiện chưa làm được điều này, và dù có làm được, thì việc kết nối toàn bộ các hệ thống trên quỹ đạo với một hệ thống điều hành dưới mặt đất để triển khai vũ khí nhắm vào một chiếc tàu sân bay nào đó cũng sẽ là một việc cực kỳ khó khăn.
Tàu sân bay Mỹ phòng thủ dày đặc
Giải pháp thứ ba của Trung Quốc là dùng phi cơ radar có và không có người lái.
Tuy nhiên, các hải đội tác chiến tàu sân bay Mỹ đã thiết lập một vòng phòng thủ dày đặc chung quanh nơi các con tàu này hoạt động, bao gồm chiến đấu cơ, mạng lưới tên lửa phòng không, máy bay giám sát và các thiết bị gây nhiễu. Không một phi cơ, chiến hạm hay tàu ngầm nào của Trung Quốc có thể tiến lại đủ gần tàu sân bay để tấn công. Các phương tiện của Trung Quốc ngược lại còn dễ trở thành mục tiêu ưu tiên tấn công của các nhóm tác chiến Mỹ.
Tóm lại, thực hiện được những bước quan trọng đầu tiên trong việc dò tìm và đưa các tàu sân bay vào tầm ngắm là một điều không hề dễ dàng. Kết nối các phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tấn công với các hệ thống khác trong các giai đoạn sau của "kill chain" sẽ là một thách thức, đặc biệt trong tình hình quãng thời gian rất ngắn mà Trung Quốc có được để triển khai vũ khí nhắm vào một mục tiêu liên tục di chuyển.
Bất kỳ vũ khí nào được triển khai chống lại mục tiêu được định vị lại còn phải vượt qua nhiều lớp phòng thủ chủ động và thụ động.
Nhìn chung, theo nhật báo Mỹ, Trung Quốc không (hoặc chưa) thể vượt qua những rào cản để có thể triển khai thành công một cuộc tấn công vào các tàu sân bay Mỹ. Bắc Kinh cũng sẽ rất khó có thể cản trở hoạt động của chúng khi chiến tranh xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét