Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

Nỗi buồn tiếng Việt...!!..

Hanh Nguyen 




Phan Luc.jpg



Nỗi buồn tiếng Việt

Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội. Mỗi ngày, từ những đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền với hoàn cảnh sinh hoạt xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại những áng văn thơ cách đây chừng năm mươi năm trở lại, ta thấy nhiều cách nói, nhiều chữ khá xa lạ vì không còn được dùng hàng ngày. 
Những thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn. Tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi. Ban đầu những thay đổi này chi giới hạn trong phạm vi Bắc vĩ tuyến 17 nhưng từ sau ngày cộng sản toàn chiếm Việt Nam, 30 tháng tư năm 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam. Rồi đau đớn thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở hải ngoại. 
Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm.
Thế nhưng dựa vào đâu mà nói đó là những thay đổi xấu?
Nếu sự thay đổi đưa lại một chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã quen dùng thì đây là một thay đổi xấu, nếu dùng một chữ Hán Việt để thay một chữ Việt thì lại càng xấu hơn bởi vì nó sẽ làm cho câu nói tối đi. Người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt, nhất là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở Trung Hoa bây giờ đang dùng chữ ấy. Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng sai nghĩa thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng. Hãy duyệt qua vài thay đổi xấu đã làm buồn tiếng Việt hôm nay:

1. Chất lượng:
Ðây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vụ. Người ta dùng chữ này để dịch chữ quality của tiếng Anh nhưng than ôi! Lượng không phải là phẩm tính, không phải là quality. Lượng là số nhiều ít, là quantity. Theo Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu thì lượng là đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng cả. Vậy tại sao người ta lại cứ nhắm mắt nhắm mũi dùng một chữ sai và dở như thế. Không có gì bực mình hơn khi mở một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại rồi phải đọc thấy chữ dùng sai này trong các bài viết, trong các quảng cáo thương mãi. Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ phẩm. Bởi vì phẩm tính mới là quality. Mình đã có sẵn chữ phẩm chất rồi tại sao lại bỏ quên mà dùng chữ 'chất lượng'. Tại sao lại phải bắt chước mấy anh cán ngố cho thêm buồn tiếng nước ta?

2. Liên hệ:
Cũng từ miền Bắc, chữ này lan khắp nước và nay cũng tràn ra hải ngoại. Liên hệ là có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính. Người cộng sản Việt Nam dùng chữ liên hệ để tỏ ý nói chuyện, đàm thoại. Tại sao không dùng chữ Việt là 'nói chuyện' cho đúng và giản dị? Chữ liên hệ dịch sang tiếng Anh là 'to relate to…' chứ không phải là 'to communicate to…'

3. Ðăng ký:
Ðây là một chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người Tầu của họ. Ðến khi toàn chiếm lãnh thổ, họ đã làm cho chữ này trở nên phổ thông ở khắp nước, Trước đây, ta đã có chữ ghi tên (và ghi danh) để chỉ cùng một nghĩa. Người Tầu dùng chữ đăng ký để dịch chữ 'register' từ tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ ghi tên hay ghi danh cho câu nói trở nên sáng sủa, rõ nghĩa. Dùng làm chi cái chữ Hán Việt kia để cho có ý nô lệ người Tầu?!

4. Xuất khẩu, Cửa khẩu:
Người Tầu dùng chữ khẩu, người Việt dùng chữ cảng. Cho nên ta nói xuất cảng, nhập cảng, chứ không phải như cộng sản nhắm mắt theo Tầu gọi là xuất khẩu, nhập khẩu. Bởi vì ta vẫn thường nói phi trường Tân Sơn Nhất, phi cảng Tân Sơn Nhất, hải cảng Hải Phòng, giang cảng Saigon, thương cảng Saigon. Chứ không ai nói phi khẩu Tân Sơn Nhất, hải khẩu Hải Phòng, thương khẩu Saigon trong tiếng Việt. Khi viết tin liên quan đến Việt Nam, ta đọc bản tin của họ để lấy dữ kiện rồi khi viết lại bản tin đăng báo hay đọc trên đài phát thanh tại sao không chuyển chữ (xấu) của họ sang chữ (tốt) của mình, mà lại cứ copy y boong?

5. Khả năng:
Chữ này tương đương với chữ ability trong tiếng Anh và chỉ được dùng cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động động theo chủ ý. Tuy nhiên hiện nay ở Việt nam, người ta dùng chữ 'khả năng' trong bất kỳ trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói là 'trời hôm nay có thể mưa', thì người ta lại nói: 'trời hôm nay có khả năng mưa', nghe vừa nặng nề, vừa sai.

6. Tranh thủ:
Thay vì dùng một chữ vừa rõ ràng vừa giản dị là chữ 'cố gắng', từ cái tệ sính dùng chữ Hán Việt của người cộng sản, người ta lại dùng một chữ vừa nặng nề vừa tối nghĩa là chữ 'tranh thủ'. Thay vì nói: 'anh hãy cố làm cho xong việc này trước khi về' thì người ta lại nói: 'anh hãy tranh thủ làm cho xong việc này trước khi về'.

7. Khẩn trương:
Trước năm 1975 chúng ta đã cười những người lính cộng sản, khi họ dùng chữ này thay thế chữ 'nhanh chóng'. Nhưng than ôi, ngày nay vẫn còn những người ở Việt Nam (và cả một số người sang Mỹ sau này) vẫn vô tình làm thoái hóa tiếng Việt bằng cách bỏ chữ 'nhanh chóng' để dùng chữ 'khẩn trương'. Ðáng lẽ phải nói là: 'Làm nhanh lên' thì người ta nói là: 'làm khẩn trương lên'.

8. Sự cố, sự cố kỹ thuật:
Tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông trước đây như 'trở ngại' hay 'trở ngại kỹ thuật' hay giản dị hơn là chữ 'hỏng'? (Nói 'xe tôi bị hỏng' rõ ràng mà giản dị hơn là nói 'xe tôi có sự cố')

9. Tham quan:
Đi thăm, đi xem thì nói là đi thăm, đi xem cho rồi tại sao lại phải dùng cái chữ này của người Tầu? Sao không nói là 'Tôi đi Nha Trang chơi', 'tôi đi thăm lăng Minh Mạng', mà lại phải nói là 'tôi đi tham quan Nha Trang', 'tôi đi tham quan lăng Minh Mạng'.

10. Nghệ nhân:
Ta vốn gọi những người này là 'nghệ sĩ'. Mặc dù đây cũng là tiếng Hán Việt nhưng người Tầu không có chữ nghệ sĩ, họ dùng chữ nghệ nhân. Có những người tưởng rằng chữ nghệ nhân cao hơn chữ nghệ sĩ, họ đâu biết rằng nghĩa cũng như vậy, mà sở dĩ người cộng sản Việt Nam dùng chữ nghệ nhân là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa.
11. Chuyển ngữ:
Ðây là một chữ mới, xuất hiện trên báo chí Việt Nam ở hải ngoại trong vài năm gần đây. Trước đây, chúng ta đã có một chữ giản dị hơn nhiều để tỏ ý này. Ðó là chữ 'dịch' hay 'dịch thuật'. Dịch tức là chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Ðoàn Thị Ðiểm dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc của Ðặng Trần Côn, Phan Huy Vịnh dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, Nguyễn Hiến Lê dịch Chiến Tranh Và Hòa Bình của Leon Tolstoi v.v.. Người viết ở hải ngoại bây giờ hình như có một mặc cảm sai lầm là nếu dùng chữ dịch thì mình kém giá trị đi nên họ đặt ra chữ 'chuyển ngữ' để thấy mình oai hơn. Chữ 'dịch' không làm cho ai kém giá trị đi cả, chữ 'chuyển ngữ' cũng chẳng làm giá trị của ai tăng thêm chút nào. Tài của dịch giả hiện ra ở chỗ dịch hay, dịch đúng mà thôi. Chứ đặt ra chữ mới nghe cho kêu không làm tài năng tăng lên chút nào, hơn nữa nó còn cho thấy sự thiếu tự tin, sự cầu kỳ không cần thiết của người dịch.

12. Tư liệu:
Trước đây ta vốn dùng chữ tài liệu rồi để làm cho khác miền nam, người miền bắc dùng chữ 'tư liệu' trong ý: 'tài liệu riêng của người viết'. Bây giờ những người viết ở hải ngoại cũng ưa dùng chữ này mà bỏ chữ 'tài liệu' mặc dù nhiều khi tài liệu sử dụng lại là tài liệu đọc trong thư viện chứ chẳng phải là tài liệu riêng của ông ta.

13. Những danh từ kỹ thuật mới:
Thời đại của điện tử, của computer tạo ra nhiều danh từ kỹ thuật mới hay mang ý nghĩa mới. Những danh từ này theo sự phổ biến rộng rãi của kỹ thuật đã trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Hầu hết những chữ này có gốc từ tiếng Anh bởi vì Hoa Kỳ là nước đi trước các nước khác về kỹ thuật. Các ngôn ngữ có những chữ cùng gốc (tiếng Ðức, tiếng Pháp…) thì việc chuyển dịch trở nên tự nhiên và rõ ràng, những ngôn ngữ không cùng gốc thì người ta địa phương hóa những chữ ấy mà dùng. Riêng Việt Nam thì làm chuyện kỳ cục là dịch những chữ ấy ra tiếng Việt (hay mượn những chữ dịch của người Tầu) tạo nên một mớ chữ ngây ngô, người Việt đọc cũng không thể hiểu nghĩa những chứ ấy là gì, mà nếu học cho hiểu nghĩa thì khi gặp những chữ ấy trong tiếng Anh thì vẫn không hiểu. Ta hãy nhớ rằng, ngay cả những người Mỹ không chuyên môn về điện toán, họ cũng không hiểu đích xác nghĩa của những danh từ này nhưng họ vẫn cứ chỉ biết là chữ ấy dùng để chỉ các vật, các kỹ thuật ấy và họ dùng một cách tự nhiên thôi. Vậy tại sao ta không Việt hóa các chữ ấy mà phải mất công dịch ra cho kỳ cục, cho tối nghĩa. Ông cha ta đã từng Việt hóa biết bao nhiêu chữ tương tự, khi tiếp xúc với kỹ thuật phương tây cơ mà. Ví dụ như ta Việt hóa chữ 'pomp' thành 'bơm' (bơm xe, bơm nước), chữ 'soup' thành 'xúp', chữ 'phare' thành 'đèn pha', chữ 'cyclo' thành 'xe xích lô', chữ 'manggis' (tiếng Mã Lai) thành 'quả măng cụt', chữ 'durian' thành 'quả sầu riêng', chữ 'bougie' thành 'bu-gi, chữ 'manchon' thành 'đèn măng xông', chữ 'boulon' thành 'bù-long', chữ 'gare' thành 'nhà ga', chữ 'savon' thành 'xà bông'… Bây giờ đọc báo, thấy những chữ dịch mới thì dù đó là tiếng Việt, người đọc cũng vẫn không hiểu như thường. Hãy duyệt qua một vài danh từ kỹ thuật bị ép dịch qua tiếng Việt Nam, như:

a. Scanner dịch thành 'máy quét'. Trời ơi! 'máy quét' đây, thế còn máy lau, máy rửa đâu?! Mới nghe cứ tưởng là máy quét nhà!

b. Data Communication dịch là 'truyền dữ liệu'.

c. Digital camera dịch là 'máy ảnh kỹ thuật số'.

d. Database dịch là 'cơ sở dữ liệu'. Những người Việt đã không biết database là gì thì càng không biết 'cơ sơ dữ liệu' là gì luôn.

e. Sofware dịch là 'phần mềm', hardware dịch là 'phần cứng' mới nghe cứ tưởng nói về đàn ông, đàn bà. Chữ 'hard' trong tiếng Mỹ không luôn luôn có nghĩa là 'khó', hay 'cứng' mà còn là 'vững chắc', ví dụ như trong chữ 'hard evident' (bằng chứng xác đáng)…Chữ soft trong chữ 'soft benefit' (quyền lợi phụ thuộc) chẳng lẽ họ lại dịch là 'quyền lợi mềm' sao?

f. Network dịch là 'mạng mạch'.

g. Cache memory dịch là 'truy cập nhanh'.

h. Computer monitor dịch là 'màn hình' hay 'điều phối'.

i. VCR dịch là 'đầu máy' (Như vậy thì đuôi máy đâu? Như vậy những thứ máy khác không có đầu à?). Sao không gọi là VCR như mình thường gọi TV (hay Ti-Vi). Nếu thế thì DVD, DVR thì họ dịch là cái gì?

j. Radio dịch là 'cái đài'. Trước đây mình đã Việt hóa chữ này thành ra-đi-ô hay radô, hoặc dịch là 'máy thu thanh'. Nay gọi là 'cái đài' vừa sai, vừa kỳ cục. Ðài phải là một cái tháp cao, trên một nền cao (ví dụ đài phát thanh), chứ không phải là cái vật nhỏ ta có thể mang đi khắp nơi được.

k. Chanel gọi là 'kênh'. Trước đây để dịch chữ TV chanel, ta đã dùng chữ đài, như đài số 5, đài truyền hình Việt Nam… gọi là kênh nghe như đang nói về một con sông đào nào đó ở vùng Hậu Giang!

Ngoài ra, đối với chúng ta, Sài Gòn luôn luôn là Sài Gòn, hơn nữa người dân trong nước vẫn gọi đó là Sài Gòn. Các xe đò vẫn ghi bên hông là 'Sài Gòn - Nha Trang', 'Sài Gòn - Cần Thơ'… trên cuống vé máy bay Hàng Không Việt Nam người ta vẫn dùng 3 chữ SGN để chỉ thành phố Sài Gòn. Vậy khi làm tin đăng báo, tại sao người Việt ở hải ngoại cứ dùng tên của một tên chó chết để gọi thành phố thân yêu của chúng mình? Ði về Việt Nam tìm đỏ mắt không thấy ai không gọi Sài Gòn là Sài Gòn, vậy mà chỉ cần đọc các bản tin, các truyện ngắn viết ở Hoa Kỳ ta thấy tên Sài Gòn không được dùng nữa. Tại sao?

Ðây chỉ là một vài ví dụ để nói chơi thôi chứ cứ theo cái đà này thì chẳng mấy chốc mà người Việt nói tiếng Tầu luôn mất! Tất nhiên vì đảng cộng sản độc quyền tất cả mọi sinh hoạt ở Việt Nam nên ta khó có ảnh hưởng vào tiếng Việt đang dùng trong nướ nhưng tại sao các nhà truyền thông hải ngoại lại cứ nhắm mắt dùng theo những chữ kỳ cục như thế?! Cái khôi hài nhất là nhiều vị trong giới này vẫn thường nhận mình là giáo sư (thường chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp (chưa đỗ cử nhân) hay đệ nhị cấp ở Việt Nam ngày trước, chứ chẳng có bằng Ph.D. nào cả), hay là các người giữ chức này chức nọ trong các hội đoàn tự cho là có trách nhiệm về văn hóa Việt Nam ở ngoài nước!

Trước đây Phạm Quỳnh từng nói: 'Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn', bây giờ Truyện Kiều vẫn còn mà cả tiếng ta lẫn nước ta lại đang đi dần xuống hố sâu Bắc Thuộc. 
Thân
Bài này viết rất hay và đúng mà sao không để tên tác giả? Còn nhiều tiếng thay đổi kỳ cục nữa như: 
- 'sở hữu' (vd: cô ấy sở hữu một nụ cười duyên dáng - sao không nói cô ấy  một nụ cười duyên dáng cho đơn giản và dễ hiểu?) 
- 'ngoại hình' (vd: cần tuyển một tiếp viên có ngoại hình - 'ngoại hình' là hỉnh dáng bên ngoài thì ai lại chẳng có, chỉ có ngoại hình đẹp hay xấu mà thôi - sao không nói rõ 'cần tuyển một tiếp viên cóngoại hình đẹp'?) - 'đẳng cấp' (vd: con tôi mua được một ngôi nhà rất đẳng cấp - 'đẳng cấp' nghĩa là hình thức phân biệt thứ bậc như siêu đẳng, hạ đẳng, đệ nhất đẳng v.v... chứ nói "rất đẳng cấp" là không có nghĩa gì cả)
- "hoành tráng" (vd: đám cưới thật hoành tráng - 'hoành tráng' là nói về tranh, tượng, tác phẩm nghệ thuật có quy mô đồ sộ chứ không để diễn tả những lễ lạt)
- "du sinh" (vd: các du sinh VN ở nước ngoài - phải nói là 'du học sinh' chứ 'du sinh' không có nghĩa gì cả!)
- "cặp đôi" (vd: A và B là một cặp đôi hoàn hảo - 'cặp' nghĩa là 2 mà 'đôi' cũng nghĩa là 2 nên 'cặp đôi' nghĩa là 4 - vậy nói 'một cặp' hoặc 'một đôi' là đủ rồi!)
- "hôn phu, hôn thê" (vd: nhận làm hồ sơ bảo lãnh hôn phu hôn thê - nếu là 'chồng chưa cưới' hoặc 'vợ chưa cưới' thì gọi là 'vị hôn phu" hoặc 'vị hôn thê'; 'vị' có nghĩa là chưa, 'vị hôn' có nghĩa là 'chưa cưới' bổ nghĩa cho 'phu' hoặc thê' chứ nói 'hôn phu' hoặc 'hôn thê' thì không có nghĩa hoặc hiau63 theo nghĩa của 'hôn quân' là 'ông vua dâm dật' thì 'hôn phu' hoặc 'hôn thê' là 'thằng chồng dâm dật' hoặc 'con vợ dâm dật'!)
Và còn nhiều từ kỳ cục nũa như: bức xúc (sao không dùng từ 'cấp bách' đã có sẵn?) - vô tư (phải nói là 'vô tư lự' nghĩa là 'không lo lắng' để khỏi lẫn lộn với 'vô tư' nghĩa là 'không vì lợi ích riêng' như "chí công vô tư") vân vân...

Mời đọc tiếng Việt...



 
Nhưng điều tôi không thể hiểu nổi là tại sao có những tờ báo Việt-Nam bên Mỹ này cũng hùa theo cái "phong-trào" ấy, như để "khoe" là mình "văn minh hiện đại' (?)

---------- Forwarded message ---------
Từ: nguyen thang


Kính chào quý vị ,

Xin phép tác giả Mạnh Kim cho tôi được góp ý với ông về hai chữ " cục " và cuộc ". 

( trích ) Bây giờ là thời của những lộn xộn giữa “bàng quan” và “bàng quang”; giữa “rốt cuộc” và “rốt cục” (sai); giữa “kết cục” và “kết cuộc” (sai)…( ngưng )
Thưa ông và thưa quý vị , 

Hai chữ cục và cuộc là một , do đọc trại ra mà thành (xin tra Tự điển Hán Việt Thiều Chửu và Tự điển cuả Hội Khai Trí Tiến Đức ) .
Người miền Bắc quen nói chung cục , kết cục , đương cục ( gọi trại ra là " đang cuộc " ) cục bộ , thương cục , cục cảnh sát hay công an ... nên mới có cục trưởng , cục phó . Người miền Nam thì nói trại ra thành cuộc : chung cuộc , kết cuộc , đương cuộc , cuộc bộ , thương cuộc , cảnh sát cuộc , một cuộc cờ ... 

Về mấy chữ " người tham gia giao thông " để chỉ người đi bộ và người đi xe trên đường cuả các " trí thức " VNXHCN hôm nay thì nó dài dòng mà lại lẩm cẩm . Tôi đã có dịp nhắc đến việc dùng chữ này nhiều lần rồi , gọi là nói cho vui , nên hoàn toàn đồng ý với tác giả . Còn hai chữ "quá trình" lại là một lẩm cẩm khác nữa .
Sau đây là đoạn trích trong bài viết cuả ông Mạnh Kim về định nghiã chữ " quá trình " ( Từ Điển Tiếng Việt 2018 ).

Trong khi đó, “quá trình” – được định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt (chủ biên Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học, NXB Hồng Đức 2018) – như sau: “Tổng thể nói chung những hiện tượng nối tiếp nhau trong thời gian, theo một trình tự nhất định của một sự việc nào đó”.( ngưng )

Đọc định nghiã này mà không rối mù đầu óc thì tui chịu thua .

QUÁ là qua , là cái gì đã qua như quá cố , quá vãng , quá khứ ... ; hay đi qua , như quá giang = qua sông . 
Còn TRÌNH ngoài nghiã là đưa ra , bày ra như trình quan , trình bày ... thì trình , trong "quá trình" có nghiã là đường đi như đăng trình , tiến trình . 
Sau đây là định nghiã " Quá trình " tôi lấy trên Google trong ' Tự điển Việt - Việt ' , thấy nó chính xác nên chép ra đây :
Quá trình = trình tự phát triển, diễn biến của một sự việc hay một hiện tượng nào đó , như nói :
quá trình phát triển của cây .
Người bây giờ lại dùng "quá trình" một cách máy móc và hay lạm dụng ( căn bịnh chung cuả các quan chức nhà sản ) kiểu như :
Trong " quá trình " đợi bác sĩ kê toa , tôi ngồi đọc báo . 
Người Việt hôm nay mắc bịnh sao y " văn " cuả các nhà văn , nhà báo đoảng . Thay vì nói :
" Trong khi chờ bác sĩ ..."  thì các quan bây giờ sợ người bình dân họ chê mình cũng ... bình dân như họ ; nên phải nói cho nó ra cái vẻ là " quan " , là tiến sĩ , mới được . Từ đó mới lòi ra cái ... " quá trình " !!!
Tôi còn nghe một bà chị trả lời phỏng vấn cuả anh nhà báo ( đang " điều tra làm rõ " một vụ cướp giựt ) :
" Trong quá trình " đứng đợi xe , tui thấy tên cướp nó giựt đồ cuả người ta ( Đó , người bình dân họ học được cuả quý "quan" đó ) .

Cũng xin phép nói lan man một chút . Tôi vừa xem vidéo cuả một bạn trẻ , đọc được câu này " Bốn đời thế hệ " mà lẽ ra nên viết " bốn thế hệ " hay là " bốn đời ". Cái sai này là do người VN trong nước bây giờ , mà cầm đầu là các nhà báo , nhà văn , nhà " ngôn ngữ " quá sợ người đọc , người nghe hiểu lầm mình , nên phải nói cho nó ... rõ ( !? ) như :
" cháu bé 5 tháng tuổi " ( dư chữ tuổi , chỉ cần nói , bé được 5 tháng ) hay " cây này 200 năm tuổi " ( nói "năm" tức là nói tuổi rồi ) . Ngoài ra họ còn thích hoa hoè hoa sói khi nói :
" Năm 90 cuả thế kỷ trước " Tại sao không nói :
" Năm 1990 " cho gần gũi và dễ hiểu ? ( nói dài dòng , dư chữ , chỉ làm cho nghiã cuả chữ nó mông lung ra mà thôi ) .
Bà Ngoại tui mà nghe " năm 95 cuả thế kỷ trước " là sẽ nói liền :
"Chèn ơi , mới cách có hơn chục năm mà bây kéo cả thế kỷ ra để ... đo , nghe nó thăm thẳm hà " .

Tiện đây cũng xin góp ý về cách đọc năm . Thí dụ năm nay 2019 thì người trong này vĩ tuyến 17 vẫn đọc là " Năm hai ngàn mười chín " không cần thêm " 0 trăm " . Tôi thấy rất nhiều người ở hải ngoại cũng đọc " 0 trăm " , trừ cô Thanh Tâm và xin cảm ơn cô . Vậy thử hỏi quý vị , không lẽ khi nói tới tiền , quý vị cũng sẽ nói :
Giá món hàng này là 2 ngàn 0 trăm 19 đồng hay sao ? Hay là nói , giá nó là "hai ngàn 19 đồng" ?
Người Pháp đọc 2019 là " deux mille dix neuf " .
và người Anh đọc " two thousand nineteen " hay " twenty nineteen ". Họ không đọc " 0 trăm " ( zéro cent / zero hundred ) 
bởi vì nó thừa .
Vậy tại sao người có ... ný nuận lại thích chen " 0 trăm " vào ? 
Ngày bộ đội mới vào Nam tôi cứ buồn cười khi nghe họ gọi 108 là một trăm linh tám. Cách đọc này chỉ có người miền Bắc sau năm 1954 mới dùng . Đây là sao y bản chánh cuả người bạn vàng 4 tốt , bởi họ đọc số 0 là " linh " . 
Người Bắc di cư vào Nam năm 1954 đọc 108 là một trăm lẻ tám và 2.008 là hai nghìn lẻ tám , để phân biệt với hai nghìn tám = 2.800 . Hay muốn cho rõ hơn người ta nói hai nghìn tám trăm ( đồng , hay cái , hay con v.v... ) . Người Nam đọc là ngàn , hai ngàn tám trăm đồng .
Xin cảm ơn bài viết cuả ông Mạnh Kim .

Hoàng Yến .

NB: Tôi gọi "chữ" và "từ ngữ" chớ không gọi " từ " đứng một mình , vì không thích , chớ không phải là sai . Do đó tôi không gọi " cụm từ " mà kêu là nhóm chữ . Cách nói " cụm từ " được ... du nhập vào miền Nam sau 1975 . Sau này còn có thêm " chùm ảnh " và " dòng xe , dòng nước hoa , dòng đồ ... hiệu " nữa .


 .
De : VN-TD@yahoogroups.com.au <VN-TD@yahoogroups.com.au> de la part de Dien bien hoa binh dienbienhoabinh@ymail.com [VN-TD] <VN-TD@yahoogroups.com.au>
Envoyé : mercredi 3 juillet 2019 02:37
Objet : [VN-TD] Hãy khóc cho tiếng Việt!
 


Hãy khóc cho tiếng Việt!


VTV loan tin mẫu quảng cáo Mở lon Việt Nam bị phạt 25 triệu đồng. Photo VTV
VTV loan tin mẫu quảng cáo Mở lon Việt Nam bị phạt 25 triệu đồng. Photo VTV

Thay vì làm to chuyện với một slogan quảng cáo thì “cơ quan chức năng văn hóa” nên tìm giải pháp khẩn cấp để chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn tiếng Việt. Cái gọi là “rất phản cảm, thiếu văn hóa và thiếu thẩm mỹ” đang hiện diện tràn lan và không chỉ với một từ mà với vô số từ và vô số câu. Nếu nói tiếng Việt là một trong những tấm “căn cước” định tính cho văn hóa dân tộc thì cách sử dụng tiếng Việt thời đại này đã cho thấy tấm căn cước tiếng Việt đang bị phá phách ẩu tả đến mức đáng hổ thẹn. Từ việc ghép từ vô tội vạ đến tình trạng đặt ra những “khái niệm” ngữ nghĩa méo mó (chẳng hạn “trạm thu giá”), tiếng Việt đang bị sử dụng với một thái độ vừa cưỡng bức vừa khinh rẻ. Nếu cần tìm một bằng chứng cho thấy văn hóa xuống cấp và chọn ra nạn nhân tiêu biểu thì tiếng Việt là nạn nhân không thể không nhắc.
Không chỉ “cưỡng hôn” – được hiểu lệch lạc là “cưỡng bức để được hôn”, còn có vô số kiểu nói kỳ quái khác. Trong thực tế, có bao giờ chúng ta nói “Nè, khi đang tham gia giao thông thì tạt qua tiệm bánh mì mua giùm cho một ổ”! Có bao giờ người ta nói, “đang tham gia giao thông thì tôi gặp cậu ấy…”! Ai đặt ra cái cụm từ dị hợm này? Ngoài ra, có thể kể vô số từ bình thường khác cũng đang được dùng một cách bất thường. “Quá trình” là một ví dụ. Cái gì cũng “quá trình”. Trường hợp nào cũng “quá trình”. Sự việc nào cũng “quá trình”… “Một thí sinh dùng máy trợ thính trong quá trình thi”; “Một giáo viên tử nạn trong quá trình làm nhiệm vụ coi thi”. Chưa hết, “trong quá trình uống café”, “trong quá trình ăn tô hủ tíu”, “trong quá trình tham gia giao thông”… Kinh hoàng hơn là gần đây người ta “tinh giản” luôn chữ “trong” khi nói về một “quá trình” – chẳng hạn “Quá trình đi từ bàn mình đến bàn nạn nhân, hung thủ rút sẵn con dao ra cầm trên tay”! Trong khi đó, “quá trình” – được định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt (chủ biên Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học, NXB Hồng Đức 2018) – như sau: “Tổng thể nói chung những hiện tượng nối tiếp nhau trong thời gian, theo một trình tự nhất định của một sự việc nào đó”.
Dĩ nhiên chẳng ai đòi hỏi viết báo phải dùng câu chữ đẹp đẽ và kiêu kỳ như nhạc ngữ trong âm nhạc Phạm Duy nhưng biến mình thành học trò tiểu học khi viết báo thì thật không nên! Việc viết sai chính tả một cách bất chấp và báo chí đăng sai chính tả một cách bất kể đã không còn là “hiện tượng”. Nó đã trở thành một tệ nạn, một thảm trạng thật sự đối với chữ Quốc ngữ. Viết sai chính tả là “chuyện nhỏ”. Bây giờ là thời của những lộn xộn giữa “bàng quan” và “bàng quang”; giữa “rốt cuộc” và “rốt cục” (sai); giữa “kết cục” và “kết cuộc” (sai)… Giờ là thời “thích là xài”, chẳng cần tìm hiểu hay mất thời giờ tra cứu từ điển, cho nên mới không phân biệt được “điểm yếu” và “yếu điểm”; cho nên mới viết “thăm quan” thay vì “tham quan”.
Tình trạng tiếng Việt bị hạ xuống trình độ “cấp tiểu học” lại xảy ra với một nghịch lý là thích làm sang. Thay vì viết “tôi thấy” thì người ta cứ nói “tôi mục sở thị”! Giữa việc trang điểm ngôn ngữ với việc làm dáng nhưng không giấu được điệu bộ giả tạo che đậy cái lớp quê mùa chữ nghĩa là một lằn ranh không phải không khó thấy. Nhân tiện nói thêm, việc nhầm lẫn các từ Hán Việt cũng là “hiện tượng thời đại”. Mới đây, tôi đã đọc một bài điểm sách, trong đó, vị nhà báo nổi tiếng nọ đã ví ngôn ngữ văn chương như một thứ “thần quyền” để phục vụ cho “thần dân”!
Không chỉ sai lệch chữ và nghĩa mà tiếng Việt ngày nay còn méo mó cấu trúc. Thay vì nói “Chương trình này được Sony tài trợ”; người ta thích nói “Chương trình này được tài trợ bởi Sony”. Như thế còn đỡ. Người ta thậm chí còn nói “Thủ tướng VN đã được đón tiếp bởi ông Shinzo Abe”. Người ta không thấy lạ khi nói “Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy”, mà thay vì phải nói một cách bình thường: “Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm”. Thay vì nói “Thí sinh này ở Tiền Giang” thì lại dùng “Thí sinh này đến từ Tiền Giang”, như thể phải vậy mới là ngôn ngữ của thời hội nhập. Where are you from, hử anh/chị dẫn chương trình? Are you from Vietnam?
Rồi còn “fan hâm mộ”, rồi “cặp đôi”, rồi còn đầy những câu không hề có chủ ngữ: “Sốc với phát biểu…”; “Choáng với hình ảnh”… Nếu thời chiến tranh người ta “khóc cười với vận nước nổi trôi” thì ngày nay chúng ta cần phải biết khóc trước sự bi thảm mỗi lúc mỗi tệ của chữ Quốc ngữ. Trong thực tế, nhiều hội thảo “làm trong sáng tiếng Việt” đã liên tục được tổ chức nhưng nếu đọc các tham luận này sẽ thấy hầu hết đều nhắc đi nhắc lại lời nói của ông Hồ Chí Minh về việc đề cao “làm trong sáng tiếng Việt”. Việc viện dẫn phát biểu của một người mà tiếng Việt của ông ta luôn đáng “minh họa” cho sự bi thảm của tiếng Việt – được ông ấy dùng trong cái thời mà Việt Nam có vô số nhân vật có thể nói là bậc thầy ngôn ngữ, từ cụ Phan Khôi đến các nhà văn-thi sĩ kiệt xuất phải lâm vào cảnh bi thương trong cái “vụ án” gọi là “Nhân văn Giai phẩm” – cho thấy điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Thậm chí ngay cả khi ông Hồ có tài giỏi tiếng Việt thì việc trích lời ông ta cũng không phải là giải pháp. Cần phải làm gì, làm như thế nào, làm từ đâu… mới là điều nên bàn.
Báo chí cũng đừng nhắc đi nhắc lại nữa câu nói của cụ Phạm Quỳnh “Tiếng nước ta còn, nước ta còn”. Báo chí cần tự sửa mình trước, thay vì cứ nói. Tìm kiếm giải pháp toàn diện cho việc “cứu” tiếng Việt không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức, nhưng trước mắt, và cần kíp, chính báo chí phải tiên phong trong việc chấn chỉnh lại biên tập. Báo chí phải noi gương trong việc “làm trong sáng tiếng Việt”. Cứ thích đề cập đến bảo tồn và gìn giữ văn hóa, tại sao lại đối xử với tiếng Việt theo cách như đang chứng kiến! Khi nhà báo còn viết đầy lỗi chính tả, thường xuyên và cố ý, như có thể thấy hàng ngày trên trang cá nhân của họ, thì sao họ có thể dạy con mình yêu tiếng Việt, hoặc chứng tỏ cho con em mình thấy mình quý tiếng Việt bằng việc đi thắp nhang ở mộ các bậc tiền nhân khai xướng tiếng Việt? Khi nhà báo than thở trước hiện tượng di tích văn hóa xuống cấp trong một bài viết nghệch ngoạc chấm phẩy tùy hứng thì sự xuống cấp văn hóa đã vô tình bị đẩy xuống thêm một cấp nữa rồi.
16x9 Image

Mạnh Kim

Mạnh Kim là nhà báo độc lập với hơn 20 năm trong nghề chuyên mảng thời sự chính trị quốc tế, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước lẫn hải ngoại. Vài năm gần đây, anh tập trung vào các vấn đề thời sự Việt Nam trong tình hình đất nước có nhiều biến động gay gắt. Các bài viết của Mạnh Kim là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét