Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

Hãy khóc cho tiếng Việt! 03/07/2019 Mạnh Kim


VTV loan tin mẫu quảng cáo Mở lon Việt Nam bị phạt 25 triệu đồng. Photo VTV
VTV loan tin mẫu quảng cáo Mở lon Việt Nam bị phạt 25 triệu đồng. Photo VTV



Thay vì làm to chuyện với một slogan quảng cáo thì “cơ quan chức năng văn hóa” nên tìm giải pháp khẩn cấp để chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn tiếng Việt. Cái gọi là “rất phản cảm, thiếu văn hóa và thiếu thẩm mỹ” đang hiện diện tràn lan và không chỉ với một từ mà với vô số từ và vô số câu. Nếu nói tiếng Việt là một trong những tấm “căn cước” định tính cho văn hóa dân tộc thì cách sử dụng tiếng Việt thời đại này đã cho thấy tấm căn cước tiếng Việt đang bị phá phách ẩu tả đến mức đáng hổ thẹn. Từ việc ghép từ vô tội vạ đến tình trạng đặt ra những “khái niệm” ngữ nghĩa méo mó (chẳng hạn “trạm thu giá”), tiếng Việt đang bị sử dụng với một thái độ vừa cưỡng bức vừa khinh rẻ. Nếu cần tìm một bằng chứng cho thấy văn hóa xuống cấp và chọn ra nạn nhân tiêu biểu thì tiếng Việt là nạn nhân không thể không nhắc.
Không chỉ “cưỡng hôn” – được hiểu lệch lạc là “cưỡng bức để được hôn”, còn có vô số kiểu nói kỳ quái khác. Trong thực tế, có bao giờ chúng ta nói “Nè, khi đang tham gia giao thông thì tạt qua tiệm bánh mì mua giùm cho một ổ”! Có bao giờ người ta nói, “đang tham gia giao thông thì tôi gặp cậu ấy…”! Ai đặt ra cái cụm từ dị hợm này? Ngoài ra, có thể kể vô số từ bình thường khác cũng đang được dùng một cách bất thường. “Quá trình” là một ví dụ. Cái gì cũng “quá trình”. Trường hợp nào cũng “quá trình”. Sự việc nào cũng “quá trình”… “Một thí sinh dùng máy trợ thính trong quá trình thi”; “Một giáo viên tử nạn trong quá trình làm nhiệm vụ coi thi”. Chưa hết, “trong quá trình uống café”, “trong quá trình ăn tô hủ tíu”, “trong quá trình tham gia giao thông”… Kinh hoàng hơn là gần đây người ta “tinh giản” luôn chữ “trong” khi nói về một “quá trình” – chẳng hạn “Quá trình đi từ bàn mình đến bàn nạn nhân, hung thủ rút sẵn con dao ra cầm trên tay”! Trong khi đó, “quá trình” – được định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt (chủ biên Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học, NXB Hồng Đức 2018) – như sau: “Tổng thể nói chung những hiện tượng nối tiếp nhau trong thời gian, theo một trình tự nhất định của một sự việc nào đó”.
Dĩ nhiên chẳng ai đòi hỏi viết báo phải dùng câu chữ đẹp đẽ và kiêu kỳ như nhạc ngữ trong âm nhạc Phạm Duy nhưng biến mình thành học trò tiểu học khi viết báo thì thật không nên! Việc viết sai chính tả một cách bất chấp và báo chí đăng sai chính tả một cách bất kể đã không còn là “hiện tượng”. Nó đã trở thành một tệ nạn, một thảm trạng thật sự đối với chữ Quốc ngữ. Viết sai chính tả là “chuyện nhỏ”. Bây giờ là thời của những lộn xộn giữa “bàng quan” và “bàng quang”; giữa “rốt cuộc” và “rốt cục” (sai); giữa “kết cục” và “kết cuộc” (sai)… Giờ là thời “thích là xài”, chẳng cần tìm hiểu hay mất thời giờ tra cứu từ điển, cho nên mới không phân biệt được “điểm yếu” và “yếu điểm”; cho nên mới viết “thăm quan” thay vì “tham quan”.
Tình trạng tiếng Việt bị hạ xuống trình độ “cấp tiểu học” lại xảy ra với một nghịch lý là thích làm sang. Thay vì viết “tôi thấy” thì người ta cứ nói “tôi mục sở thị”! Giữa việc trang điểm ngôn ngữ với việc làm dáng nhưng không giấu được điệu bộ giả tạo che đậy cái lớp quê mùa chữ nghĩa là một lằn ranh không phải không khó thấy. Nhân tiện nói thêm, việc nhầm lẫn các từ Hán Việt cũng là “hiện tượng thời đại”. Mới đây, tôi đã đọc một bài điểm sách, trong đó, vị nhà báo nổi tiếng nọ đã ví ngôn ngữ văn chương như một thứ “thần quyền” để phục vụ cho “thần dân”!
Không chỉ sai lệch chữ và nghĩa mà tiếng Việt ngày nay còn méo mó cấu trúc. Thay vì nói “Chương trình này được Sony tài trợ”; người ta thích nói “Chương trình này được tài trợ bởi Sony”. Như thế còn đỡ. Người ta thậm chí còn nói “Thủ tướng VN đã được đón tiếp bởi ông Shinzo Abe”. Người ta không thấy lạ khi nói “Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy”, mà thay vì phải nói một cách bình thường: “Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm”. Thay vì nói “Thí sinh này ở Tiền Giang” thì lại dùng “Thí sinh này đến từ Tiền Giang”, như thể phải vậy mới là ngôn ngữ của thời hội nhập. Where are you from, hử anh/chị dẫn chương trình? Are you from Vietnam?
Rồi còn “fan hâm mộ”, rồi “cặp đôi”, rồi còn đầy những câu không hề có chủ ngữ: “Sốc với phát biểu…”; “Choáng với hình ảnh”… Nếu thời chiến tranh người ta “khóc cười với vận nước nổi trôi” thì ngày nay chúng ta cần phải biết khóc trước sự bi thảm mỗi lúc mỗi tệ của chữ Quốc ngữ. Trong thực tế, nhiều hội thảo “làm trong sáng tiếng Việt” đã liên tục được tổ chức nhưng nếu đọc các tham luận này sẽ thấy hầu hết đều nhắc đi nhắc lại lời nói của ông Hồ Chí Minh về việc đề cao “làm trong sáng tiếng Việt”. Việc viện dẫn phát biểu của một người mà tiếng Việt của ông ta luôn đáng “minh họa” cho sự bi thảm của tiếng Việt – được ông ấy dùng trong cái thời mà Việt Nam có vô số nhân vật có thể nói là bậc thầy ngôn ngữ, từ cụ Phan Khôi đến các nhà văn-thi sĩ kiệt xuất phải lâm vào cảnh bi thương trong cái “vụ án” gọi là “Nhân văn Giai phẩm” – cho thấy điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Thậm chí ngay cả khi ông Hồ có tài giỏi tiếng Việt thì việc trích lời ông ta cũng không phải là giải pháp. Cần phải làm gì, làm như thế nào, làm từ đâu… mới là điều nên bàn.
Báo chí cũng đừng nhắc đi nhắc lại nữa câu nói của cụ Phạm Quỳnh “Tiếng nước ta còn, nước ta còn”. Báo chí cần tự sửa mình trước, thay vì cứ nói. Tìm kiếm giải pháp toàn diện cho việc “cứu” tiếng Việt không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức, nhưng trước mắt, và cần kíp, chính báo chí phải tiên phong trong việc chấn chỉnh lại biên tập. Báo chí phải noi gương trong việc “làm trong sáng tiếng Việt”. Cứ thích đề cập đến bảo tồn và gìn giữ văn hóa, tại sao lại đối xử với tiếng Việt theo cách như đang chứng kiến! Khi nhà báo còn viết đầy lỗi chính tả, thường xuyên và cố ý, như có thể thấy hàng ngày trên trang cá nhân của họ, thì sao họ có thể dạy con mình yêu tiếng Việt, hoặc chứng tỏ cho con em mình thấy mình quý tiếng Việt bằng việc đi thắp nhang ở mộ các bậc tiền nhân khai xướng tiếng Việt? Khi nhà báo than thở trước hiện tượng di tích văn hóa xuống cấp trong một bài viết nghệch ngoạc chấm phẩy tùy hứng thì sự xuống cấp văn hóa đã vô tình bị đẩy xuống thêm một cấp nữa rồi.

16x9 Image

Mạnh Kim

Mạnh Kim là nhà báo độc lập với hơn 20 năm trong nghề chuyên mảng thời sự chính trị quốc tế, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước lẫn hải ngoại. Vài năm gần đây, anh tập trung vào các vấn đề thời sự Việt Nam trong tình hình đất nước có nhiều biến động gay gắt. Các bài viết của Mạnh Kim là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.


Hãy khóc cho tiếng Việt! / H.Y góp ý .

​Kính chào quý vị ,

Xin phép tác giả Mạnh Kim cho tôi được góp ý với ông về hai chữ " cục " và cuộc ". 

( trích ) Bây giờ là thời của những lộn xộn giữa “bàng quan” và “bàng quang”; giữa “rốt cuộc” và “rốt cục” (sai); giữa “kết cục” và “kết cuộc” (sai)…( ngưng )
Thưa ông và thưa quý vị , 

Hai chữ cục và cuộc là một , do đọc trại ra mà thành (xin tra Tự điển Hán Việt Thiều Chửu và Tự điển cuả Hội Khai Trí Tiến Đức ) .
Người miền Bắc quen nói chung cục , kết cục , đương cục ( gọi trại ra là " đang cuộc " ) cục bộ , thương cục , cục cảnh sát hay công an ... nên mới có cục trưởng , cục phó . Người miền Nam thì nói trại ra thành cuộc : chung cuộc , kết cuộc , đương cuộc , cuộc bộ , thương cuộc , cảnh sát cuộc , một cuộc cờ ... 

Về mấy chữ " người tham gia giao thông " để chỉ người đi bộ và người đi xe trên đường cuả các " trí thức " VNXHCN hôm nay thì nó dài dòng mà lại lẩm cẩm . Tôi đã có dịp nhắc đến việc dùng chữ này nhiều lần rồi , gọi là nói cho vui , nên hoàn toàn đồng ý với tác giả . Còn hai chữ "quá trình" lại là một lẩm cẩm khác nữa .
Sau đây là đoạn trích trong bài viết cuả ông Mạnh Kim về định nghiã chữ " quá trình " ( Từ Điển Tiếng Việt 2018 ).

Trong khi đó, “quá trình” – được định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt (chủ biên Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học, NXB Hồng Đức 2018) – như sau: “Tổng thể nói chung những hiện tượng nối tiếp nhau trong thời gian, theo một trình tự nhất định của một sự việc nào đó”.( ngưng )

Đọc định nghiã này mà không rối mù đầu óc thì tui chịu thua .

QUÁ là qua , là cái gì đã qua như quá cố , quá vãng , quá khứ ... ; hay đi qua , như quá giang = qua sông . 
Còn TRÌNH ngoài nghiã là đưa ra , bày ra như trình quan , trình bày ... thì trình , trong "quá trình" có nghiã là đường đi như đăng trình , tiến trình . 
Sau đây là định nghiã " Quá trình " tôi lấy trên Google trong ' Tự điển Việt - Việt ' , thấy nó chính xác nên chép ra đây :
Quá trình = trình tự phát triển, diễn biến của một sự việc hay một hiện tượng nào đó , như nói :
quá trình phát triển của cây .
Người bây giờ lại dùng "quá trình" một cách máy móc và hay lạm dụng ( căn bịnh chung cuả các quan chức nhà sản ) kiểu như :
Trong " quá trình " đợi bác sĩ kê toa , tôi ngồi đọc báo . 
Người Việt hôm nay mắc bịnh sao y " văn " cuả các nhà văn , nhà báo đoảng . Thay vì nói :
" Trong khi chờ bác sĩ ..."  thì các quan bây giờ sợ người bình dân họ chê mình cũng ... bình dân như họ ; nên phải nói cho nó ra cái vẻ là " quan " , là tiến sĩ , mới được . Từ đó mới lòi ra cái ... " quá trình " !!!
Tôi còn nghe một bà chị trả lời phỏng vấn cuả anh nhà báo ( đang " điều tra làm rõ " một vụ cướp giựt ) :
" Trong quá trình " đứng đợi xe , tui thấy tên cướp nó giựt đồ cuả người ta ( Đó , người bình dân họ học được cuả quý "quan" đó ) .

Cũng xin phép nói lan man một chút . Tôi vừa xem vidéo cuả một bạn trẻ , đọc được câu này " Bốn đời thế hệ " mà lẽ ra nên viết " bốn thế hệ " hay là " bốn đời ". Cái sai này là do người VN trong nước bây giờ , mà cầm đầu là các nhà báo , nhà văn , nhà " ngôn ngữ " quá sợ người đọc , người nghe hiểu lầm mình , nên phải nói cho nó ... rõ ( !? ) như :
" cháu bé 5 tháng tuổi " ( dư chữ tuổi , chỉ cần nói , bé được 5 tháng ) hay " cây này 200 năm tuổi " ( nói "năm" tức là nói tuổi rồi ) . Ngoài ra họ còn thích hoa hoè hoa sói khi nói :
" Năm 90 cuả thế kỷ trước " Tại sao không nói :
" Năm 1990 " cho gần gũi và dễ hiểu ? ( nói dài dòng , dư chữ , chỉ làm cho nghiã cuả chữ nó mông lung ra mà thôi ) .
Bà Ngoại tui mà nghe " năm 95 cuả thế kỷ trước " là sẽ nói liền :
"Chèn ơi , mới cách có hơn chục năm mà bây kéo cả thế kỷ ra để ... đo , nghe nó thăm thẳm hà " .

Tiện đây cũng xin góp ý về cách đọc năm . Thí dụ năm nay 2019 thì người trong này vĩ tuyến 17 vẫn đọc là " Năm hai ngàn mười chín " không cần thêm " 0 trăm " . Tôi thấy rất nhiều người ở hải ngoại cũng đọc " 0 trăm " , trừ cô Thanh Tâm và xin cảm ơn cô .Vậy thử hỏi quý vị , không lẽ khi nói tới tiền , quý vị cũng sẽ nói :
Giá món hàng này là 2 ngàn 0 trăm 19 đồng hay sao ? Hay là nói , giá nó là "hai ngàn 19 đồng" ?
Người Pháp đọc 2019 là " deux mille dix neuf " .
và người Anh đọc " two thousand nineteen " hay " twenty nineteen ". Họ không đọc " 0 trăm " ( zéro cent / zero hundred )
bởi vì nó thừa .
Vậy tại sao người có ... ný nuận lại thích chen " 0 trăm " vào ? 
Ngày bộ đội mới vào Nam tôi cứ buồn cười khi nghe họ gọi 108 là một trăm linh tám . Cách đọc này chỉ có người miền Bắc sau năm 1954 mới dùng . Đây là sao y bản chánh cuả người bạn vàng 4 tốt , bởi họ đọc số 0 là " linh " . 
Người Bắc di cư vào Nam năm 1954 đọc 108 là một trăm lẻ támvà 2.008 là hai nghìn lẻ tám , để phân biệt với hai nghìn tám = 2.800 . Hay muốn cho rõ hơn người ta nói hai nghìn tám trăm ( đồng , hay cái , hay con v.v... ) . Người Nam đọc là ngàn , hai ngàn tám trăm đồng .
Xin cảm ơn bài viết cuả ông Mạnh Kim .

Hoàng Yến .

NB: Tôi gọi "chữ" và "từ ngữ" chớ không gọi " từ " đứng một mình , vì không thích , chớ không phải là sai . Do đó tôi không gọi " cụm từ " mà kêu là nhóm chữ . Cách nói " cụm từ " được ... du nhập vào miền Nam sau 1975 . Sau này còn có thêm " chùm ảnh " và " dòng xe , dòng nước hoa , dòng đồ ... hiệu " nữa .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét