Trung Quốc – Hoa Kỳ : Một cuộc chiến công nghệ gay gắt
Ảnh minh họa bài viết trên báo Le FigaroCapture d'image Le Figaro)
Phải chăng cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu với các biện pháp áp thuế lẫn nhau chỉ là bề nổi ? Ẩn sau cuộc chiến này là một cuộc tấn công khác, hệ quả còn nặng nề hơn đang lặng lẽ diễn ra từ nhiều tháng qua.
Đó chính là « Tech war », một cuộc chiến công nghệ có khả năng làm đảo lộn địa chính trị thế giới cũng như bản chất sâu đậm của xã hội ngày mai. Về chủ đề này báo Le Figaro số ra ngày 24/09/2018 có bài viết đề tựa «Trung Quốc và Hoa Kỳ, một cuộc chiến công nghệ không chút nương tay ». RFI Tiếng Việt lược dịch.
Trung Quốc và Hoa Kỳ : Những thủ lĩnh công nghệ
Đó sẽ là một cuộc đối đầu dữ dội giữa hai cường quốc duy nhất có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ. Và các hãng công nghệ lớn là những con át chủ bài hàng đầu. Nếu so về tương quan lực lượng, Hoa Kỳ và Trung Quốc, « kẻ tám lạng người nửa cân ».
Bảng báo cáo Mary Meeker Internet Trends 2018 cho thấy trong số 20 doanh nghiệp Web có giá trị hàng đầu, có 11 hãng là của Mỹ và 9 hãng Trung Quốc. Châu Âu hầu như vắng mặt mặc dù khu vực này cũng có nhiều doanh nghiệp hiện diện trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh các hãng lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp không niêm yết giá chứng khoán và có giá trị hơn một tỷ đô la cũng là những cánh tay đắc lực khác cho hai cường quốc công nghệ này. Trong số 260 doanh nghiệp loại này, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn châu Âu chỉ có khoảng 30.
Kết quả có được không phải ngẫu nhiên. Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng đầu của mình, nhất là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo Artificial Intelligence - AI. Mức đầu tư cho AI của đôi bên xấp xỉ tương đương trong khoảng 165-170 tỷ đô la, kể cả trong khối tư nhân.
Theo Le Figaro, sở dĩ ngần ấy phương tiện được đầu tư vào lĩnh vực này là vì cả hai cường quốc đều xem AI như là một công cụ mới cho sức mạnh quân sự và chính trị. Ngay từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã hiểu được tầm quan trọng của AI, một công cụ gần như bí hiểm nhằm gia tăng ưu thế quân sự của Mỹ trên thế giới.
Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng hiểu được giá trị của công nghệ này trong xã hội loài người tương lai : Từ công tác tổ chức hành chính cho đến chẩn đoán bệnh tật, nhất là trong việc dự đoán kinh tế. Tóm lại, công nghệ AI có vai trò như là phương tiện gây ảnh hưởng, một công cụ của quyền lực mềm.
Về phần mình, Bắc Kinh tin rằng trí thông minh nhân tạo sẽ giúp cải thiện khả năng ra quyết định và hành động khi có chiến tranh. Trong sản xuất, máy móc tự chủ có thể thay thế con người thực hiện nhiều nhiệm vụ với hiệu quả cao và nhanh hơn. Đặc biệt là trong chính trị, AI bảo đảm sự trường tồn của mô hình siêu tập trung quyền lực, độc quyền lãnh đạo. Đó sẽ là một công cụ hữu ích giúp kiểm soát người dân và dự đoán các hiệu quả về chính sách của nhà nước.
Hơn nữa, trí thông minh nhân tạo được cho là có khả năng khôi phục tầm vĩ đại xưa kia cho đế chế Trung Hoa để có thể đi từ « Made in China » (Sản xuất tại Trung Quốc) sang « Created in China » (Sáng chế ở Trung Quốc).
« Tám chiến binh gác cổng »
Thách thức liên quan đến trí thông minh nhân tạo lớn đến mức mọi thủ đoạn đều được cho phép. Chính quyền Bắc Kinh áp dụng đủ mọi phương cách : Len lỏi tham gia vào các doanh nghiệp chiến lược, ồ ạt gởi sinh viên ra nước ngoài, hạn chế cổng vào thị trường của mình và thậm chí cả dọ thám.
Đầu tư gián tiếp của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ Mỹ cũng khá lớn. Số liệu của CB Insight cho thấy trong giai đoạn 2015-2017, đầu tư của Bắc Kinh tại Mỹ có lẽ đã lên đến 24 tỷ đô la.
Một công cụ khác không thể thiếu trong hành trình thâu tóm công nghệ : Giáo dục. Bộ Quốc Phòng Mỹ ước tính ¼ số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ là người Trung Quốc.
Tệ hơn, một báo cáo của ủy ban tình báo Thượng Viện Mỹ năm 2013 khẳng định Trung Quốc là thủ phạm của 96% các vụ gián điệp mạng. Một điều tra khác của tờ Politico hồi tháng 3/2018 tiết lộ sự hiện diện đông đảo của nhiều điệp viên và người cung cấp thông tin Trung Quốc tại thung lũng Silicon Valley.
Trong khi mà trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc áp đặt các doanh nghiệp nước ngoài làm việc với các hãng trong nước phải lưu trữ dữ liệu tại chỗ và nhượng quyền bằng sáng chế công nghệ, … bằng không những doanh nghiệp đó bị cấm cửa thâm nhập nền thị trường lớn thứ hai trên thế giới. Song song đó, chính quyền Bắc Kinh còn nghiêm cấm các công sở sử dụng một số sản phẩm của Microsoft, Apple và Intel !
Từ lâu vẫn kín tiếng, nay Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng hành động đáp trả. Washington nắm trong tay nhiều lá chủ bài. Được mệnh danh là « tám chiến binh gác cổng », Apple, Cisco, Google, IBM, Intel, Microsoft, Oracle và Qualcomm bị truyền thông Trung Quốc tố cáo là « đã thâm nhập quá sâu trong cơ sở hạ tầng tin học của Trung Quốc ».
Hoa Kỳ còn đi xa hơn khi cấm bán các linh kiện điện tử cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE và cản trở các tập đoàn Trung Quốc thực hiện một số thương vụ mua lại các doanh nghiệp nhà nước (MoneyGram, Qualcomm).
Các quyết định áp thuế của tổng thống Mỹ cho thấy quyết tâm của ông xoay lưng lại với một trào lưu hướng đến mở cửa thị trường từ nhiều thập niên qua để rồi dựng lên các hàng rào bao quanh một pháo đài Mỹ. Thậm chí chấp nhận tự cô lập mình với các đồng minh.
Thắng lợi của AlphaGo năm 2016 : Một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc
Câu hỏi đặt ra, từ lúc nào trí thông minh nhân tạo trở thành vấn đề mấu chốt tại Trung Quốc ? Trả lời báo Le Figaro, ông Charles Thibout, nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), chuyên gia về các thách thức địa chính trị của các nền công nghệ đang trỗi dậy trong đó có trí thông minh nhân tạo, cho rằng sự ganh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể dẫn đến một sự đối đầu giữa Trung Quốc và tập đoàn khổng lồ có thế lực như Nhà nước, GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft).
« Khi AlphaGo, chương trình tin học do công ty Google DeepMind phát triển, đánh bại nhà vô định cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol vào tháng 03/2016, điều này tạo ra một cú sốc mạnh thực sự tại Trung Quốc, nơi mà cờ vây có âm hưởng văn hóa rất lớn. Cho đến lúc đó, các quan chức Trung Quốc đã quan tâm đến trí thông minh nhân tạo. Thế nhưng thắng lợi này của một tập đoàn Hoa Kỳ đã thúc đẩy nhanh chương trình về trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc, vì lo sợ bị tụt hậu về công nghệ. Thậm chí người ta coi đó như « thời điểm Spoutnik » tức là khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Spoutnik.»
Tại sao một công nghệ như trí thông minh nhân tạo lại hội tụ các căng thẳng chính trị với Hoa Kỳ ?
« Đối với nước Trung Quốc đương đại, trí thông minh nhân tạo là phương tiện trả lại cho chế độ vị thế được coi như là đương nhiên trên bàn cờ quốc tế. Đáp lại sự huyễn hoặc của Trung Quốc là « tư duy chuyên gia » Mỹ, như cách gọi của nhà phân tích chính trị Stanley Hoffmann, theo đó mọi vấn đề chính trị, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, có thể được giải quyết thông qua kỹ thuật.
Hai siêu cường đều có những suy nghĩ huyễn hoặc về trí thông minh nhân tạo và mỗi bên đều chạy đua để có thể vượt lên trên những tiến bộ mà bên kia đạt được. Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc về trí thông minh nhân tạo, giống như trước kia Mỹ đối đầu với Liên Xô trong lĩnh vực chinh phục không gian. Do vậy, trí thông minh tạo là một vấn đề chính trị. »
Trong cuộc đối đầu này, bên nào giành thắng lợi ?
« Trung Quốc có một nền kinh tế được chỉ đạo và đó là một lợi thế để điều phối việc thực hiện một chiến lược quốc gia. Thế nhưng, Trung Quốc cũng cần đến những nhân tài Mỹ để phát triển các ngành công nghệ riêng của họ. Còn Hoa Kỳ thì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và các đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách kinh tế của Mỹ chỉ có vai trò khuyến khích. Mỹ mong muốn là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực phát minh có thể trang bị cho quân đội các khả năng công nghệ thông qua các thị trường.
Thế nhưng hiện nay, các nhân viên của tập đoàn Google chống lại các dự án quân sự Mỹ, buộc tập đoàn này phải hủy các hợp đồng ký với quân đội. Do có khả năng chống lại Nhà nước, các tập đoàn công nghệ như Google có một vai trò ngoại giao thực sự. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo cao hơn rất nhiều so với đầu tư của các quốc gia và các doanh nghiệp có thế lực như những Nhà nước này sẽ có một tầm quan trọng chủ chốt khi đối mặt với Trung Quốc. »
Tiếc rằng trong cuộc đọ sức này, châu Âu bị đứng ngoài cuộc, đóng vai khán giả. Châu Âu bất lực nhìn dòng chất xám chảy qua nước Mỹ và chỉ biết nhìn việc chuyển giao công nghệ dồn sang Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét