"Vành đai, Con đường" của Trung Quốc rất giống siêu dự án đã đẩy Liên Xô đến bờ vực sụp đổ
Hồng Anh | 18/08/2018 07:42
Nhà báo, phóng viên kinh tế David Fickling nhận định, Trung Quốc đang tự gieo rắc hạt giống suy thoái khi đầu tư vào các dự án không sinh lời trên Vành
* Bài viết được đăng tải trên trang Bloomberg, thể hiện quan điểm và phân tích của nhà báo, phóng viên kinh tế David Fickling.
Điều gì có thể khiến các đế chế sụp đổ?
Theo nhà sử học người Anh Paul Kennedy, nguyên nhân cuối cùng vẫn là những quyết định đầu tư sai lầm.
Theo đó, các cường quốc thường là những quốc gia biết cách khai thác tốt nhất tiềm năng kinh tế để xây dựng sức mạnh mạnh quân sự của họ.
Tuy nhiên, khi các quốc gia này phát triển vượt ngưỡng, thì việc chi tiêu mạnh tay để duy trì lợi thế chiến lược sẽ khiến một số khu vực kinh tế đang hoạt động hiệu quả rơi vào tình trạng thiếu vốn hoạt động, và kết quả là nền kinh tế ấy không thể tránh khỏi suy thoái.
Đó là viễn cảnh đáng lo ngại đối với Trung Quốc. Nhằm ganh đua với các 'ông lớn' trên thế giới như Mỹ, Nga, trong thời gian gần đây Bắc Kinh ngày càng tăng cường phát triển và hiện diện quân sự, cùng với đó là việc đẩy mạnh đầu tư trong khu vực chiến lược lân cận để gia tăng ảnh hưởng, điển hình là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Cũng giống như Liên Xô trong thập niên 1970 của thế kỉ trước, giai đoạn bùng nổ lực lượng lao động trong một thời gian dài của Trung Quốc sắp kết thúc.
Chính phủ Bắc Kinh hiện nay đang hy vọng những khoản đầu tư mạnh tay sẽ giúp nước này giữ được đà tăng trưởng cũ và ổn định các mâu thuẫn ở biên giới.
Việc BRI thành hay bại, cùng với đó là các khoản chi khổng lồ trong nước sẽ là những nhân tố quyết định liệu Trung Quốc có thể đạt được sự thịnh vượng như nước này hằng mong muốn, hay đối mặt với thất bại ê chề trước những thế lực từng đẩy Liên Xô tới bờ vực sụp đổ trước đây.
Những dự án không sinh lời
Quan ngại thường thấy về BRI - một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á với tổng số vốn đầu tư lên đến 1..500 tỉ USD - đó là việc các nước tham gia dự án có nguy cơ trở thành 'con nợ' sau khi được Trung Quốc hào phóng cho vay ưu đãi.
Sri Lanka đã học được bài học xương máu này khi phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược quan trọng trong vòng 99 năm để cấn trừ nợ, do nước này không đủ khả năng trả khoản nợ khổng lồ cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, những khoản nợ lớn ấy không chỉ là gánh nặng đối với những 'con nợ' mà còn là vấn đề đau đầu của chủ nợ Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ những khoản đầu tư sai lầm có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Một số dự án trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc như cảng Hambantota (1,6 tỉ USD - Sri Lanka), cảng Kyaukpyu (9,6 tỉ USD - Myanmar) hay đường ống dẫn dầu khí Côn Minh từ Kyaukpyu (2,5 tỉ USD) đều không có dấu hiệu sinh lời.
Những dự án này hiển nhiên đều có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Đó là cầu nối giữa Bắc Kinh với các thị trường tiêu thụ sản phẩm của họ ở phương Tây, và với các nguồn cung cấp dầu khí của quốc gia này ở Trung Đông.
Thay vì phải đi qua nút thắt tại eo biển Singapore và Malacca, thì những tuyến đường sắt và đường ống dẫn dầu qua Ấn Độ Dương chắc chắn sẽ là lựa chọn an toàn hơn cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu xét về kinh tế, thì ý tưởng trên của Trung Quốc lại hơi thiếu thực tế. Đường ống dẫn khí đốt tới Kyaukpyu hiếm khi hoạt động tới 1/3 công suất kể từ sau khi được đưa vào hoạt động năm 2013, còn đường ống dẫn dầu thì chỉ mới hoạt động lần đầu tiên trong năm 2017. Với công suất như vậy thì không thể mong đợi hòa vốn 2,5 tỉ USD mà Trung Quốc đã bỏ ra được.
Tương tự, một nhà máy lọc dầu có công suất 260.000 thùng/ngày được xây dựng ở cuối đường ống dẫn dầu Côn Minh - với quy mô bằng nhà máy lọc dầu lớn nhất của Anh - cũng sẽ chịu số phận ế ẩm tương tự, nếu lượng dầu chảy qua đường ống Kyaukpyu không tăng lên.
Những người lập ra kế hoạch này đã hiểu sai lịch sử và bản chất kinh tế học của các hoạt động giao thương Đông-Tây. Theo truyền thống, các hoạt động này phụ thuộc nhiều hơn vào con đường hàng hải đi qua khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Bán đảo Ả Rập, so với Con đường Tơ lụa qua thảo nguyên Âu-Á trên đất liền.
Ngày nay những điểm yếu của việc vận chuyển hàng hóa qua đường thủy đã được khắc phục bằng loại tàu thủy vận tải lớn, có khả năng chở gần 1 tỉ USD hàng hóa trong mỗi chuyến hàng. Trong khi đó, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt hay đường bộ không những tốn kém, mà còn kém hơn nhiều về hiệu suất so với vận tải đường thủy.
Theo Công ty Đường sắt Trung Quốc, trong quý đầu năm nay, tuyến đường sắt từ ga Yiwu (Trung Quốc) tới châu Âu chỉ vận chuyển được 330 triệu USD hàng hóa. Trong khi đó, 4 cảng lớn nhất của Trung Quốc có thể xử lý và chuyển số hàng này đi trong mỗi 3 giờ đồng hồ.
Bài học từ quá khứ
Trong thập niên 50 của thế kỉ 20, nền kinh tế của Liên Xô cũng từng phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành công như Trung Quốc ngày nay, khiến cho các đối thủ phương Tây vô cùng lo ngại sẽ bị Liên Xô qua mặt.
Có rất nhiều lí do đã khiến sự phát triển kinh tế của Liên Xô bắt đầu chững lại vào thập niên 70, trong đó bao gồm tính chất cứng nhắc của nền kinh tế kế hoạch, lực lượng lao động phân bổ không đều, hầu hết tập trung vào ngành công nghiệp, và khoản chi tiêu khổng lồ dành cho quân sự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, nếu nói đến việc Liên Xô suy giảm năng suất kinh tế, thì bên cạnh những yếu tố trên, phải kể đến yếu tố then chốt là dự án phát triển Siberia - một dự án có tính chất tương tự như Vành đai và Con đường của Trung Quốc ngày nay.
Từ những năm 1960, Siberia đã "ngốn" khoản 1/3 số trang thiết bị xây dựng hạng nặng của Liên Xô, dù khu vực này chỉ có một phần nhỏ dân số nước Nga sinh sống.
Moskva đã liên tục "bơm" ngân sách vào Siberia để xây dựng và phát triển các mỏ khai thác dầu khí và than đá, nhà máy nhôm, cùng 'bản đúp' của tuyến đường sắt xuyên Siberia dài vài trăm km tới miền Bắc nước này.
Tuy nhiên, sự phát triển của các nguồn tài nguyên thiên nhiên lại trở thành "một lời nguyền" đối với Liên Xô, nhà kinh tế học Robert C. Allen nhận định. Chính phủ Liên Xô đã giảm đầu tư vào các dự án hấp dẫn hơn ở phía Tây Ural, và cuối cùng khiến toàn bộ nền kinh tế nước này giảm năng suất.
"Việc đầu tư [vào Siberia] đã ngốn một khoản ngân sách đầu tư lớn, nhưng chỉ giúp tăng trưởng GDP rất ít", ông Robert C. Allen viết trong nghiên cứu năm 2001.
Hạt giống suy thoái
Hoàn cảnh và vị thế của Trung Quốc ngày nay có nhiều điểm khá tương đồng với Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, dự án BRI chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đau đầu khác.
Cũng như Moskva trước đây có nỗi lo về vùng viễn Đông, Bắc kinh ngày nay cũng có những lo ngại riêng ở khu vực phía Tây.
Theo dữ liệu của chính phủ, năm 2016, khu vực phía Tây của Trung Quốc từng chiếm đến 19,5% tổng số vốn đầu tư của cả nước, trong khi các thành phố năng động Cấp I và tỉnh Quảng Đông chỉ chiếm 15,4%. Các khu vực kém phát triển hơn ở miền Trung, miền Bắc và miền Tây Trung Quốc được chính phủ phân bổ đầu tư một khoản vốn cố định kể từ năm 2007.
Chính sách luân chuyển dòng vốn nói trên đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bắt đầu chững lại trong thời gian gần đây. Chi phí lao động đã tăng nhanh hơn mức tăng trưởng năng suất kể từ năm 2008. Điều này có nghĩa là kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển chậm hơn và bớt cạnh tranh hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu chững lại và số lao động ngày càng giảm, thì các kế hoạch đầu tư có thể quyết định sự thành hay bại của cả quốc gia đó. Như vậy, với việc đầu tư vào các dự án không sinh lời, Trung Quốc đang tự gieo rắc hạt giống suy thoái trên chính đất nước mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét