Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

NGHIỆP BÁO NHÂN QỦA Toàn Không

NGHIỆP BÁO NHÂN QỦA
Toàn Không
(Tiếp theo)
VI). CÁC THUYẾT QUAN HỆ NGHIỆP:
   Mỗi người khi sinh ra không giống nhau về mọi phương diện từ thể xác đến tinh thần, từ vật chất đến đạo đức, sự thăng trầm của cuộc đời lại muôn phần sai khác; nguyên nhân của sự khác biệt đó rất sâu xa khó hiểu, vượt khỏi tầm hiểu biết của người bình thường, nên họ không biết phải trả lời thế nào, không biết phải giải quyết ra sao. Nên đã có một số lý thuyết được đề ra như sau:
1). THUYẾT NGẪU NHIÊN:
   Một số người giải thích sự khác biệt giữa mọi người là do sự ngẫu nhiên may rủi. Họ cho rằng mọi người đều có sự may rủi ngẫu nhiên mà có sự khác biệt giữa người sinh vào gia đình giàu sang qúy phái hay vào gia đình nghèo nàn bần tiện, do sự ngẫu nhiên mà người này đẹp đẽ thông minh, người kia xấu xí đần độn v.v…
   Nếu công nhận sự ngẫu nhiên rủi ro thì dễ dãi quá, không có một sự lý luận của bậc trí thức, vì có tính cách buông xuôi; nếu cho là ngẫu nhiên may rủi, tức không công nhận có đời sống trước, không công nhận có đời sống sau, tức không công nhận nhân quả. Đời sống chỉ bắt đầu từ lúc sinh ra và đời sống chấm dứt chẳng còn gì khi thở ra lần cuối, như vậy, những người này sẽ sống vội vã để thụ hưởng và là những kẻ giành giật làm cho xã hội mất đi sự công bằng, tạo nên khủng hoảng xã hội, và tội ác sẽ đầy rẫy khắp nơi không thể nào dập tắt được.
   Hơn nữa, nếu công nhận ngẫu nhiên may rủi, không thể giải thích được về trí tuệ của những người có cùng một sở thích sống trong cùng một hoàn cảnh, mà tính khí người này lại khác với người kia, tại sao vậy? Và thuyết ngẫu nhiên may rủi không thể giải thích được trường hợp “Thần đồng” cùng trong môi trường sống của một xã hội nhưng lại xuất chúng về tài năng.
2). THUYẾT KHỔ HẠNH:
   Có người chủ trương chỉ có khổ hạnh mới trừ hết tội lỗi đã gây ra, họ dùng những cách hành hạ xác thân như tự đánh đập mình, chỉ đứng một chân, phơi nắng chống tay chổng chân lên trời, nằm trên sỏi trên gai, ăn cỏ v.v… Họ cho rằng chỉ có khổ hạnh mới diệt hết được nghiệp đã gây và được giảt thoát an vui, nhưng những người này không biết nghiệp quá khứ họ đã làm gì gây tội. Họ cũng không biết cần phải tu loại khổ hạnh nào trong bao lâu để dứt khổ và được giải thoát, họ đã thực hành dựa trên sự không biết, nên chẳng biết kết quả sẽ ra sao; họ cũng không biết rằng nghiệp báo nhân quả thuộc tinh thần mà họ đầy đọa xác thân thuộc vật chất, thì làm sao gột rửa được nghiệp báo?
3). THUYẾT CÓ MỘT THƯỢNG ĐẾ:   
    Nhiều người tin có một vị Chúa tể của loài người, có uy quyền rộng lớn, có phép thần thông biến hóa bao trùm hết vạn vật con người. Họ quy trách nhiệm cho vị Thượng Đế tối cao làm mọi việc mà họ không thể giải thích được. Họ chỉ cần nói: “Thượng Đế muốn như vậy, mọi người phải tuân theo như vậy, không có thắc mắc, không được oán trách quyết định của Thượng Đế tối cao. Họ yên tâm lễ bái cầu xin vị ấy tha tội và ban ơn cho họ được thế này hay thế khác, chấp thuận hay không là quyền của Thượng Đế. Quan điểm này họ truyền lại cho thế hệ sau”.
     Nhưng có người nói: “Con người trở thành nô lệ cho một vị Thần linh tưởng tượng đã được dựng lên”. Họ còn nói: “Con người tạo ra Thượng Đế theo ý của con người và theo hình ảnh của con người, chứ sự thực, không một vị Chúa tể nào lại có thể đủ thời giờ nhòm ngó vô lượng chúng sanh về mọi vấn đề trong cùng một lúc ở khắp mọi nơi. Vả lại, đã là Thượng Đế, tức là bậc toàn giác, toàn trí, toàn năng, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, sao lại bất công giữa người này và người kia, tại sao có người sinh vào nơi giàu sang quyền qúy sung sướng, có người sinh vào chỗ nghèo hèn khổ sở; tại sao có người sinh ra đẹp đẽ thông minh, có người sinh ra xấu xí ngu đần tật nguyền mù điếc ngọng câm dị hình dị thể, tại sao có người mạnh khoẻ, sống lâu, có người ốm đau chết yểu, tại sao Thượng Đế không công bằng như thế?”
    Rev. W Kirkus viết trong Orthodoxy Scripture and Reason nơi trang 34: “Rõ ràng không thể chứng minh một cách chính xác sự hiện hữu của Thượng Đế. Cho đến nay, hầu hết đều nêu lên ở tiền đề như dẫn chứng, những gì phải được chứng minh ở phần kết luận…..Ta đi đến chỗ phải nhìn nhận rằng có những tội lỗi xấu xa nằm trong vũ trụ và điều ấy là trách nhiệm của Thượng Đế, chúng ta không thể phủ nhận khuyết điểm của Thượng Đế đã cho phép tội lỗi và đau khổ tồn tại”.
4). THUYẾT CỦA KHOA HỌC:
   Các nhà Khoa học dựa vào sư quan sát của năm giác quan để giải thích về sự chênh lệch giữa người này và người kia. Họ cho rằng sự chênh lệch là do nguyên nhân vật lý, hóa học, tổng hợp, truyền thống, xã hội.
   Nhà sinh lý học Julien Huxley nêu ra những đơn vị sinh lý gọi là “Gene”, tế bào cực nhỏ có ảnh hưởng đến cấu trúc của cơ thể con người mà họ tìm thấy trong tinh trùng của người cha truyền cho con. Tế bào cực nhỏ này có ảnh hưởng đến tuổi thọ, sức khỏe, thông minh con người; tuy nhiên về tinh thần phức tạp, không thể chứng minh cụ thể, và không thể xác nhận rõ ràng như về thể chất.
   Thành ra, giải thích về hiện tượng lý hóa chỉ đúng một phần về thể chất chứ không đúng hẳn, còn về tinh thần lại càng mù mịt không rõ ràng, vì sao? Vì nhà Khoa học không thể giải thích được trường hợp hai trẻ sinh đôi có cùng một thứ gene của cha mẹ, cùng một môi trường như nhau, dù giống nhau nhưng vẫn có điểm khác nhau; nhất là tính nết mỗi đứa trẻ một khác nhau, tại sao thế? Ngay cả khi cha hoặc mẹ có một bệnh kinh niên nào đó, khi sinh con hoàn toàn khỏe mạnh không có bệnh ấy, Khoa học không giải thích được.
   Về truyền thống gia đình không thể giải thích được sự khác biệt tính nết giữa các người trong gia đình nhiều khi trái ngược nhau, cũng không giải thích được do đâu có những thần đồng, vĩ nhân, mà người trong gia đình của thần đồng vĩ nhân không có, kể cả các thế hệ trước hay thế hệ sau cũng không có đặc tính thần đồng vĩ nhân ấy; vì vậy thuyết truyền thống cũng không đứng vững.
5). THUYẾT CỦA PHẬT GIÁO:
   Rất may có thuyết “Nghiệp báo nhân quả” của Phật giáo giải thích từng chi tiết tỷ mỉ qua qúa trình nhiều kiếp liên tiếp. Luật nghiệp báo nhân quả là một chân lý của sự thật, nó tương đương với chân lý về khổ, chân lý về vô thường; tuy nhiên nó thuộc lãnh vực cao hơn, phức tạp hơn, mà ai hiểu được, thấy được, người này có đủ chính kiến để sống an vui.
   Đức Phật không công nhận thuyết cho rằng có một vị Chủ tể duy nhất toàn trí toàn năng tối thượng, Phật giáo bác bỏ quan điểm cho rằng có một linh hồn trường cửu được tạo nên bởi sự ngẫu nhiên và độc đoán. Phật giáo nêu lên định luật chân lý thiên nhiên, không phải là một đấng Thượng Đế toàn năng hay một Đức Phật toàn năng tạo nên; theo định luật chân lý thiên nhiên thì mỗi hành động đều gây nên một phản ứng tương xứng, mà người đời lầm tưởng là một sự ban ơn hay trừng phạt.
   Phật giáo bác bỏ thuyết ngẫu nhiên may rủi, và chỉ công nhận một phần thuyết về truyền thống và giới thân cận giáo hóa của khoa học mà thôi; Phật giáo bổ khuyết cho sự thiếu sót bằng luật nghiệp báo nhân quả, tức là tổng hợp hết các hành động của một người trong qúa khứ và hiện tại. Chính ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của ta mà được an vui hay đau khổ. Chính ta tạo thiên đường hay địa ngục cho ta, chính ta tạo tương lai cho ta. Không ai có thể quyết định được tương lai của ta qua các hành vi tạo tác.
   Thời Phật còn tại thế, một hôm có một thanh niên đến hỏi Ngài về sự khác biệt giữa người nọ và người kia, đức Phật trả lời: “Tất cả mọi người đều mang theo cái nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác, nên mới có sự khác biệt giữa người nọ và người kia”.
   Do sự khác biệt giữa các nghiệp của mỗi chúng sinh, nên người sống thọ kẻ chết yểu, người giàu sang kẻ nghèo khổ, người đẹp đẽ thông minh kẻ xấu xí đần độn, người được tôn trọng kẻ bị khinh khi, người có quyền cao sai bảo kẻ phải hầu hạ vâng làm v.v…
   Chính do nghiệp chuyển mà chúng sanh luân chuyển tồn tại không ngừng trong sáu cõi. Do nghiệp chuyển mà chúng sinh được tôn vinh sung sướng hay bị chê bai khổ sở. Do nghiệp chuyển chúng sinh vướng mắc cấu hợp với nhau, xoay vần như bánh xe quay mãi mãi.
VII). NGHIỆP CHUYỂN NÊN TÁI SINH.
 (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét