Áo dài Việt Nam: thăng trầm theo vận nước
Trần Nhật Kim
Ngày 13-1-2016, Giám đốc sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, đã ký văn bản gửi tới Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông để khuyến khích nữ học sinh mặc áo dài. Cũng kể từ ngày 5-3-2016, một Lễ hội Áo dài do UBND thành phố HCM tổ chức, với chủ đề “Thành phố HCM-Thành phố áo dài” trong thời gian từ 5-3 đến 19-3-2016. Bắt đầu từ 1-3 đến 31-3-2016, thành phố sẽ vận động người dân mặc áo dài trong sinh hoạt đời thường…
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có trang phục riêng biệt, nên trang phục đó đã biểu hiện đặc tính của một dân tộc. Với Việt Nam, áo dài được coi là quốc phục, thể hiện văn hóa dân tộc. Vì vậy, không tránh khỏi bị cuốn lôi theo sự đổi thay của xã hội.
Không có tài liệu nào nói rõ về sự ra đời của chiếc áo dài vào thời gian nào, theo truyền thuyết, trang phục cổ của Việt Nam mang hình ảnh khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ cách đây hàng nghìn năm trước Công Nguyên (2879-258 BC).
Cũng theo truyền thuyết, khi ra trận đánh quân Hán, Hai Bà Trưng mặc áo dài mầu vàng. Hình ảnh này được ghi lại trên trang phục của các nữ sinh trường Trưng Vương và Gia Long đóng vai Hai Bà vào ngày lễ kỷ niệm hàng năm (Thời VNCH: Ngày 6-2 Âm lịch). Theo Cư sĩ Trần Đại Sỹ khi viết về anh hùng Lĩnh nam, đã ghi lại nhận định của giáo sư Nguyễn đăng Thục, sau khi Hai Bà trầm mình xuống Hát giang (40-43 AD), cũng như 12 vị công thần, dân làng đã tạc tượng và lập đền thờ. Trang phục của Hai Bà hẳn phải may giống như hồi sinh tiền. Sau này, các bà đồng hầu bóng đã may y phục theo hình thức trên các tượng thờ Hai Bà.
Để ghi nhớ công ơn Hai Bà, Vua Tự Đức (Nguyễn Dực Tông, 1829-1883) có viết trong Khâm Định Việt Sử: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dầy thẹn chết lắm ru!”
Theo lịch sử, ý đồ đô hộ các nước phía Nam được các triều đại Trung quốc thực hiện rất sớm. Với đường lối vừa di dân chiếm đất vừa ép buộc các dân tộc phương Nam phải theo nếp sống văn hóa của người Trung quốc. Việt Nam đã chịu dưới ách độ hộ của Trung Hoa trong 1000 năm Bắc thuộc.
Thời kỳ Bắc thuộc
Trong 1000 năm Bắc thuộc chia làm bốn giai đoạn, không liên tục vì bị quân dân của các triều đại nước Việt chống trả mãnh liệt:
Khởi đầu từ năm 207 trước Công Nguyên(BC), khi Triệu Đà tiêu diệt An Dương Vương và nước Âu Lạc, chia Âu Lạc thành 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Năm 39 sau Công nguyên (AD, Bà Trưng Trắc và em là Trưng Nhị dấy binh giành được 65 thành ở Lĩnh Nam. Hai Bà lên ngôi, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất.
– Bắc thuộc lần thứ hai từ năm 43, nhà Hán sai Mã Viện mang quân sang đánh, Hai Bà bị thua nên trầm mình ở Hát giang. Thời kỳ này chấm dứt vào năm 541 khi Lý Bí khởi binh chống nhà Lương và thành lập nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân.
– Bắc thuộc lần thứ ba từ năm 602, khi nhà Tùy mang quân đánh chiếm nước Vạn Xuân. Thời kỳ này chấm dứt vào năm 938, khi con rể của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền đem quân đánh tan quân Nam Hán và lập ra nhà Ngô, khởi đầu nền tự chủ kéo dài gần 400 năm
– Bắc thuộc lần thứ tư từ năm 1406 khi nhà Minh đem quân đánh chiếm và sáp nhập Việt Nam thành quận huyện của Trung quốc. Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn, Thanh Hóa mở đầu triều đại mới nhà Hậu Lê và chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư vào năm 1427.
Các triều đại Trung Hoa không ngừng đồng hóa người Việt dưới nhiều hình thức. Chính sách đồng hóa của nhà Hán ngoài việc di dân xuống phương Nam, cho người Hoa sống chúng với người Việt, lấy vợ Việt để xóa dần huyết thống dân tộc Việt. Việc truyền bá kinh Phật và văn hóa phương Bắc cho người Việt bản xứ như tư tưởng lễ giáo phong kiến của Trung Hoa qua Nho giáo của Khổng Tử, được Thái thú Sĩ Nhiếp du nhập vào Việt Nam năm 187, đã ảnh hưởng tới nếp sống văn hóa Việt trải dài nhiều thế hệ sau này. Thái Thú Sĩ Nhiếp (137-226) và một số trí thức đã hình thành chữ Nôm nhằm mục đích dễ đồng hóa người Việt, nhưng chính loại chữ này đã giúp Việt Nam tách khỏi hệ thống Hán ngữ của Trung Hoa.
Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư (1406-1427) tuy không dài như ba thời kỳ trên, nhưng ý đồ đồng hóa dân tộc Việt của Trung quốc nghiêm trọng hơn. Nhà Minh mang về Trung quốc tài liệu sách vở, văn học, lịch sử, binh pháp…của người Việt và bắt người Việt phải rập khuôn theo người Trung quốc từ học hành đến cúng tế, nhất là về trang phục. Mở trường dậy học chỉ để tuyển chọn các nho sinh tuyển cống cho triều đình. Mặc dù bị đô hộ, phải học tiếng Hán nhưng người Việt vẫn bảo tồn tiếng Việt và văn hóa Việt, giữ phong tục tập quán cổ truyền như như tục lệ nhuộm răng đen, búi tóc…
Sau Bắc thuộc lần thứ tư, Việt Nam có khoảng thời gian gần 500 năm (1427-1883) tự chủ cho đến khi nhà Thanh công nhận chủ quyền của Pháp vào năm 1883, khởi đầu thời kỳ mà chúng ta thường gọi là “Thời kỳ Pháp thuộc”. Trong thời gian này, Việt Nam bị chia làm 3 kỳ trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp: Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ bảo hộ. Nam kỳ là thuộc địa theo Hòa Ước Giáp Thân (1884) được ký kết giữa Pháp và nhà Nguyễn. Thực ra, tên gọi Bắc kỳ, Nam kỳ không do người Pháp đặt, mà tên vùng đất này đã có từ thời nhà Nguyễn, phía bắc Kinh đô gọi là Bắc kỳ, phía nam là Nam kỳ.
Về nền giáo dục Hán học, kể từ khi vua Lý Thánh Tông thành lập Quốc tử giám và mở khóa thi đầu tiên vào năm 1075, trong suốt 800 năm đã đào tạo nhiều danh nhân danh tướng, với 189 khoa thi Đình, 3021 Tiến sĩ và hàng chục ngàn cử nhân, Tú tài của các kỳ thi Hương. Các kỳ thi Hương được duy trì tới khoa Ất Mão (năm 1915) ở Bắc kỳ (trường thi Nam Định), và khoa Mậu Ngọ (năm 1918) ở Trung kỳ (trường thi Vinh). Khoa thi Đình vào năm Kỷ Mùi (1919). Các khoa thi trên đã chấm dứt vì không còn phù hợp với tình trạng xã hội lúc bấy giờ.
Thời kỳ Pháp thuộc
Việc hội nhập văn hóa Tây phương vào thời kỳ Pháp thuộc được dễ dàng là nhờ ở sự phổ biến của chữ quốc ngữ được La Tinh hóa do các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý đã thực hiện trước đó, nhưng cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes: 1591-1660) là người đã đưa chữ quốc ngữ đến hoàn chỉnh vào năm 1651. Ông đến Hội An năm 1625, truyền giáo ở Đàng Trong dưới thời chúa nguyễn Phúc Nguyên và ở Đàng Ngoài năm 1626 dưới thời chúa Trịnh Tráng.
Năm 1651, cuốn từ điển Việt-Bồ-La ( Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latilum), dựa trên các ký tự của tiếng Việt ra đời, hiện được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha, đã đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Ngoài công trình trên, tác phẩm “Phép giảng tám ngày (Catechismus)” viết bằng văn xuôi, có ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ 17, cũng được giáo sĩ Đắc Lộ biên soạn.
Văn hóa Tây phương ảnh hưởng ngày một sâu rộng trong mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam, một điều mà Nho học, chỉ là một phương tiện để đô hộ người bản xứ của các vương triều phương Bắc, vốn dành cho lớp nho sinh đã trở lên hạn hẹp. Ảnh hưởng của văn hóa Pháp càng lan rộng trong đời sống xã hội của người Việt khi trường Thông Ngôn và trường Hậu Bổ được thành lập năm 1903. Trường Thông ngôn có nhiệm vụ đào tạo các phiên dịch viên tiếng Pháp, trong đó có ông Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh nổi tiếng về văn học sau này. Còn trường Hậu Bổ đào tạo trong thời gian 3 năm để tuyển vào ngạch quan lại, những người có văn bằng Hán học như Tiến sỉ, Cử nhân và Tú tài. Hai trường này đóng cửa vào năm 1908. Các thí sinh chuyển lên học trường Bưởi (Thành lập năm 1908: sau này gọi là trường Chu Văn An).
Ngày 27-2-1902, tòa nhà chính của trường Y khoa Hà Nội được khởi công xây dựng tại ấp Thái Hà (Nam Đồng), trước ngày khánh thành Cầu Paul Doumer (Cầu Long Biên). Trường Y Hà Nội đã đào tạo những bác sĩ nổi tiếng, ngang tầm với các trường danh tiếng tại Pháp.
Hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng phát triển, trường Bảo hộ (trường Bưởi) cũng như một số trường khác như trường Albert Sarraut và các trường nữ trung học như Trưng Vương, Đồng Khánh, Mary Curie… sau này, đã thay đổi cả về trang phục lẫn nếp sống theo Tây phương của tuổi trẻ tại Hà Nội. Chiếc áo dài mầu đen của nho sinh được thay thế bằng quần tây áo chemise mầu sắc sáng sủa và trang nhã hơn, đã thay đổi bộ mặt của thành phố Hà Nội.
Miền Bắc sau năm 1954:
Trong hơn một ngàn năm thăng trầm của đất nước dưới ách đô hộ của Bắc phương, số phận của chiếc áo dài đã bị cuốn lôi trong cơn lốc của lịch sử dân tộc. Ngày 2-9-1945, khi bóng cờ đỏ sao vàng xuất hiện tại vườn hoa Ba Đình, ông Hồ Chí Minh người đứng đầu lực lượng Việt Minh, đọc diễn văn tuyên bố độc lập và danh hiệu “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” ra đời, đã khởi đầu cuộc chiến gọi là “chống Thực dân Phong kiến” kéo dài trong 30 năm
Ngày 20-3-1947, ông Hồ Chí Minh với bút hiệu Tân Sinh, đã viết bài “Đời sống mới” với mục đích khuyến khích người dân bỏ thói quen mặc áo dài để thay thế bằng áo ngắn. Với lý do, áo dài không hợp và bất tiện khi làm việc, đi đứng, nhất là may áo dài tốn vải, khoảng hai cái áo dài may được ba áo ngắn, có thể tiết kiệm được 200 triệu đồng/năm. Sau ngày chia đôi đất nước vào năm 1954, áo dài không còn là trang phục thông dụng của phụ nữ Việt Nam tại miền bắc vĩ tuyến 17.
Chúng ta không ngạc nhiên khi nghe cuộc mạn đàm của Thiếu tá Phạm Huấn đăng tải trên đài phát thanh Saigon chuyển đi vào tối ngày 19-2-1973, về lần thăm Hà Nội ngày 18-2-1973 nhân dịp chứng kiến việc trao đổi tù binh, ông không thấy hình bóng chiếc áo dài nào ngoại trừ quần đen với áo cánh mầu cháo lòng. Riêng ông Hồ Chí Minh, sau khi làm Chủ Tịch nước, và cấp lãnh đạo đảng luôn mặc trang phục kiểu “Đại cán”
Sau ngày 20-7-1954 chia đôi đất nước, chiếc áo dài đã theo chân người di tản vào miền Nam hay ra ngoại quốc, nên vẫn giữ được phong cách và ngày một phát triển thêm phong phú.
Mặc dù ảnh hưởng bởi văn hóa Tây phương, nhưng tại miền Nam, áo dài đã trở thành quốc phục được xử dụng trong ngày lễ Tết dưới chế độ VNCH. Nguyên thủ quốc gia vẫn xử dụng áo dài trong trường hợp tiếp đón ngoại giao hay thăm viếng các quốc gia bạn, như trường hợp Tổng thống Ngô Đình Diệm mặc quốc phục (áo dài khăn đóng) đón tiếp Vua Thái Lan. Vào những ngày lễ Tết cổ truyền, các viên chức cao cấp của VNCH luôn mặc áo dài truyền thống của dân tộc.
Áo dài nam không được phổ biến như áo dài nữ, chỉ còn xuất hiện trong lễ hội quan trọng mang đậm tinh thần dân tộc như lễ cưới, hay ngày Tết cổ truyền.
***
Trở lại trang phục áo dài, không ai biết xuất hiện vào thời kỳ nào. Theo tài liệu, trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài ngàn năm có khắc hình người với trang phục áo dài hai tà áo xẻ. Theo Sử gia Đào Duy Anh ghi lại “Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài về bên tả (tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách chép đó thì ta có thể đoán rằng trước hồi Bắc thuộc dân ta gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung quốc mới mặc áo gài về tay phải.” (Việt nam Văn Hóa Sử, Đào Duy Anh).
Mặc dầu trong cuộc sống chung và bắt chước theo người ngoại quốc, nhưng tổ tiên ta vẫn duy trì nét đặc thù của nền văn hóa, không đánh mất bản sắc dân tộc. Người Việt Nam, chúng ta hãnh diện về chiếc áo dài, được trang trọng nâng lên ngôi vị quốc phục.
Đối với trang phục phụ nữ, kiểu áo dài xưa nhất là áo “Giao lãnh”, khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Vì công việc đồng áng, chiếc áo Giao lãnh được thu gọn lại thành kiểu áo “Tứ thân”, gồm 4 nửa vạt. Hơn nữa, vào thời đó kỹ thuật còn thô sơ, khổ vải dệt không đủ rộng nên cần 4 mảnh mới may được một áo, do đó gọi là áo tứ thân. Áo gồm hai mảnh đằng sau nối lại giữa sống lưng (gọi là sống áo). Mép của hai mảnh vải chắp vào nhau giấu vào phía trong. Hai mảnh trước được thắt lên và để thòng xuống thành hai tà áo ở giữa, nên khi mặc không phải cài cúc. Người ta thường buộc hai vạt trước của áo tứ thân với nhau, để gọn gàng trong khi làm việc, cũng như giữ cho áo được cân đối. Nó cũng mang hình ảnh tình nghĩa vợ chồng quần quít bên nhau thắm thiết. Gấu áo được may gập vào phía trong, trừ khi có đại tang, mép vải để lộ ra ngoài (xổ gấu). Áo Tứ thân được mặc ra ngoài váy xắn quai cồng.
Ngoài đồng ruộng hay tại các buổi chợ, người phụ nữ mặc áo tứ thân mầu nâu non, nâu gụ, mặc với váy vải thô nhuộm bùn. Nhưng trong các dịp hội hè đình đám cưới hỏi, áo tứ thân được may bằng hàng the, nhiễu, lụa… mặc bên ngoài chiếc yếm đỏ thắm, phủ lên chiếc váy lĩnh hay váy sồi, với chiếc thắt lưng mầu cánh chả, lưng đeo bộ xà tích bạc…
Chúa Nguyễn Phúc Khoát hùng cứ ở xứ Đàng Trong, sau khi chiếm trọn Chiêm Thành, mở mang bờ cõi về phía Nam, đất nước thịnh trị bình yên. Chúa Nguyễn xưng Vương hiệu là Vũ Vương, đã chú trọng về cải cách xã hội, phong tục mà quan trọng hơn cả là cải cách về trang phục. Mặc dù đã tổ chức cơ chế chính trị, hành chánh, xã hội có kỷ cương nhưng chưa có quốc hiệu. Người ngoại quốc tới buôn bán tại cửa Hội An thường gọi là “Quảng Nam Quốc”.
Do tinh thần độc lập, muốn dân chúng trong địa phận mình cai trị mang y phục riêng để phân biệt với miền Bắc, Vũ Vương hiệu dụ:
“Y phục bản quốc vốn có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục, nay kính vâng thượng đức, dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục cũng nên thống nhất. Nếu còn người mặc quần áo theo kiểu người “khách trú” thì nên đổi theo thể chế nước nhà. Đổi thay y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải, lụa. Duy có quan chức thì mới cho dùng xen, the, trừu, đoạn. Còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng nhất thiết không được theo thói cũ dùng càn…”
Để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng biệt trước làn sóng người Minh Hương tới cư ngụ, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) ban hành sắc dụ về cách ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong phải theo đó thi hành. Trong sắc dụ đó, lần đầu tiên chiếc áo dài Việt Nam được định hình như sau:
“Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hay hẹp tùy tiện. Áo từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín, không được xẻ mở. Đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn, ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép.” (Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên).
Áo “Tứ thân” thích hợp cho người phụ nữ miền quê quanh năm cần cù, gánh gồng tháo vát. Nhưng với phụ nữ tỉnh thành nhàn hạ hơn, muốn có một kiểu áo dài phù hợp với nếp sống nơi đô hội, gia tăng dáng vẻ trang trọng khuê các, cũng như gột bỏ bớt hình ảnh chân lấm tay bùn nơi đồng ruộng.
Do dó, vào thời Vua Gia Long (1802-1819), để thay thế cho áo tứ thân, chiếc áo Ngũ thân ra đời, đã được giới quyền quý và dân thị thành nồng nhiệt đón nhận. Qua cấu trúc của chiếc áo dài ngũ thân, chẳng những là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng trong đó còn ẩn tàng ý nghĩa dạy dỗ đạo làm người.
Dân tộc chúng ta cũng như một số dân tộc Á châu khác đã chịu ảnh hưởng của Tam giáo và học thuyết Khổng Mạnh. Gia đình, xã hội được xây dựng trên nền tảng “tam cương, ngũ thường”. Tổ tiên chúng ta đã giáo dục con cái thật sâu sắc, ngay cả trong chiếc áo mặc trên người. Chúng ta xem ý nghĩa cách cấu trúc của chiếc áo dài ngày xưa:
Áo “Ngũ thân” phía trước có hai thân , dưới nửa vạt trước phía bên phải có thêm một vạt cụt (vạt chéo), có tác dụng như một cái yếm che ngực, không để lộ áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống (trước sau có 4 thân). Theo quan điểm Nho giáo và ngũ hành của triết học Đông phương, 4 thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, vạt nhỏ nằm dưới vạt trước tượng trưng cho người mặc áo, hai thân trước mang hình ảnh cha mẹ rang rộng vòng tay ôm đứa con ngoan vào lòng.
Vạt con nối với hai thân trước nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ 5 chiếc khuy để giữ cho chiếc áo được ngay ngắn. Năm khuy áo tượng trưng cho quan điểm Ngũ Thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Theo sử gia Đào Duy Anh, “Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình Huế đã ra chiếu chỉ cấm phụ nữ mặc váy và bắt phải mặc quần hai ống (thay vì mặc váy như trước đây), nhưng chỉ có những người ở thành thị tuân theo, còn ở vùng quê đàn bà vẫn mặc váy”.
Sách Vũ Trung Tùy bút có ghi: “Đời xưa học trò và người thường, khi có việc công thì mặc áo xanh lam (thanh cát), lúc thường thì mặc áo mầu thâm (chuy y), người làm lụng thì mặc áo mầu sừng (cú sắc). Từ đời Lê về sau ít khi dùng mầu trắng. Như chúng ta thường thấy vào thời gian sau này, các quan hay mặc áo xanh lam, còn học trò, viên chức…thường dùng mầu xám hay đen, người vùng quê thường dùng mầu nâu, người giầu sang thì mặc the, lụa, gấm vóc, còn người nghèo thì dùng vải thô.”
Để gìn giữ nét đẹp kín đáo, trang nhã của người phụ nữ, kèm theo tà áo dài là chiếc “Yếm”, cũng gọi là áo yếm mặc bên trong. Không rõ yếm xuất hiện vào giai đoạn nào, nhưng đến đời nhà Lý (thế kỷ 12) chiếc yếm đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của người phụ nữ Việt nam, từ mệnh phụ công nương chốn cung đình đến bàn dân thiên hạ nơi ruộng đồng lam lũ.
Hình dạng chiếc yếm thay đổi, mang hình dáng một hình vuông nằm phía trước ngực. Góc trên được khoét tròn có hai giây buộc sau cổ, hai góc vải hai bên có giây buộc phía sau lưng, để lộ phần lưng thắt đáy như lưng ong, vừa kín đáo nhưng cũng tăng vẻ khêu gợi. Mùa hè trời nóng bức, áo yếm xử dụng trong nhà, mặc thêm áo cánh khi ra ngoài. Sự xuất hiện chiếc yếm được ca tụng, tôn vinh cái “lưng ong”, nét đẹp của phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Theo phong tục cổ xưa, người thiếu nữ phải có cái lưng ong (thắt đáy lưng ong), không chỉ mang vẻ đẹp thân hình mà còn thể hiện đức hạnh cần thiết cho gia đình. Hình ảnh này đã đi vào ca dao:
Đàn bà thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
Nét đẹp của chiếc yếm đã xuất hiện trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dước nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm…..
Yếm đào trễ xuống dước nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm…..
Một hình ảnh vừa kín đáo để bảo vệ thuần phong mỹ tục nhưng cũng tăng thêm vẻ đẹp khêu gợi, mời gọi của người phụ nữ. Nét đẹp của áo yếm đã hiện diện trong thi ca của văn hóa dân tộc.
Tác giả Nguyễn Nhược Pháp đã giữ lại hình ảnh chiếc yếm trong bài Chùa Hương, thiên ký sự về một thiếu nữ, với ý thơ:
Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy.
Em vấn đầu soi gương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy.
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Lưng đeo dải yếm đào
Lưng đeo dải yếm đào
Chiếc áo yếm cũng níu kéo, làm ngẩn ngơ những cặp mắt của thi nhân:
Em thắt làm chi dải yếm tơ
Sao không thả lỏng để anh nhờ
Rắc rối cho đời thêm cái gút
Gỡ mãi xuân tàn tóc bạc phơ.
Sao không thả lỏng để anh nhờ
Rắc rối cho đời thêm cái gút
Gỡ mãi xuân tàn tóc bạc phơ.
Yếm cũng trở thành hình thức diễn tả tình yêu của trai gái:
Ở gần mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu
Mồng tơi chẳng bắc được cầu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu
Mồng tơi chẳng bắc được cầu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang
Theo bước chân của chiếc áo dài, áo yếm cũng không ngừng thay đổi, cổ yếm được thả sâu xuống đã tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ của phụ nữ. Sang thế kỷ 20, yếm càng được cải tiến để đáp ứng nhu cầu điểm tô nét đẹp cũng như trang phục phụ nữ theo kiểu tây phương.
Đến đầu thế kỷ 20, phần đông áo dài phụ nữ thành thị thường may theo kiểu Ngũ thân. Hai thân trước cũng như 2 thân sau khâu dính với nhau theo sống áo, tay áo nối phía dưới khửu tay (vì thời đó khổ vải chỉ rộng 40cm). Phần nhiều áo dài ngày xưa đều có lớp lót. Lớp áo trong thấm mồ hôi nên thường được may bằng vải trắng để không bị hoen ố.
Khi triều đình Huế ký hòa ước với Pháp năm 1884, văn hóa Tây phương bắt đầu du nhập vào Việt Nam, đi đôi với việc dạy chữ Quốc ngữ thay chữ Nho. Cuộc sống biến đổi theo đà ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, nhất là ở đô thị lớn. Sau khi chính phủ Pháp mở trường Cao Đẳng Mỹ thuật ở Hà Nội, một số cải cách cho chiếc áo dài truyền thống ra đời. Các mầu nâu, đen được thay thế bằng mầu sắc tươi sáng hơn.
Vào thập niên 1930, xuất hiện áo dài “Le Mur” (cổ cao, không có eo) của họa sĩ Cát Tường (Nhà may Cát Tường, phố Hàng Da, Hà Nội) đã biến đổi chiếc áo “Tứ thân” thành hai vạt trước và sau (do khổ vải đã dệt rộng hơn trước). Vạt trước được họa sĩ thả dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi, và thân trên may ôm sát theo đường cong cơ thể người mặc, tạo nên vẻ yêu kiều, gợi cảm…Tuy nhiên, áo dài Le Mur có nhiều biến đổi như áo may ráp vai, ráp tay phồng, cổ bồng hoặc hở cổ, mà nhiều người thời đó không mấy thiện cảm vì cho là quá “lai căng”, mất đi tính chất dân tộc.
Cùng thời gian này, bà Trịnh Thục Oanh, một Hiệu trưởng của một trường nữ Trung học Hà Nội, đã thêm một chút biến đổi cho chiếc áo dài, cho nhấn eo chiếc áo ôm sát thân hình của người mặc để tăng phần duyên dáng.
Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ bỏ bớt những nét lai căng của áo Le Mur, đồng thời đưa thêm những yếu tố dân tộc từ áo tứ thân và ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài mang nét cổ kính, ôm sát người trong khi hai tà áo tự do bay lượn. Sự dung hợp hài hòa cũ và mới này được nữ giới rất ưa chuộng.
Cuối năm 1958, khi bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) đã thiết kế kiểu áo dài mới, bỏ đi phần cổ áo (hở cổ), dân gian gọi đó là “áo dài bà Nhu”. Một số nhà phê bình phương Tây cho rằng kiểu áo này chỉ thích hợp với thời tiết nhiệt đới của miền Nam Việt Nam, nhưng những người theo phong tục cổ cho rằng nó không hợp với thuần phong mỹ tục của nước nhà. Loại áo dài không có cổ này vẫn còn phổ biến đến ngày nay, và phần cổ áo được khoét sâu hơn bản gốc, để tăng thêm vẻ đẹp của thân hình người mặc.
Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam dù trải qua bao thay đổi, sau nhiều lần canh tân, hình dạng căn bản của chiếc áo dài vẫn được giữ nguyên. Đến đầu thập niên 1960, nhà may Dung ở Đakao đưa ra kiểu áo dài mới, áo dài tay Raglan mặc với quần xéo.
Tay và vai áo nối xéo góc 45 độ, nên tránh được những đường nhăn hai bên sườn và vai áo. Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là phần mông, để áo ôm theo thân dáng. Chiếc quần xéo may bằng vải mềm, được xếp xéo góc khi cắt, có hông ôm sát người và hai ống quần dài qua mắt cá chân, giúp cho nữ giới thêm tha thướt mỗi bước chân.
Đến gần cuối thập niên 60, sau áo dài raglan là áo mini raglan. Vạt áo may ngắn, có khi đến đầu gối. Áo may rộng hơn, không chít eo, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể. Cổ áo hạ thấp xuống còn 3cm, tay áo cũng được may rộng ra. Kiểu mini raglan được giới nữ sinh Sài Gòn nhiệt liệt tán thưởng (cho tới ngày 30-4-1975).
Vào thời gian này, một số nhà may Sài Gòn đã tung ra thị trường kiểu áo 3 tà, gồm một vạt sau và hai vạt trước. Cổ áo cao, có khuy cài từ cổ xuống thắt lưng. Áo ba tà thường được mặc với quần “chân voi”. Kiểu áo này không được ưa chuộng vì không thích hợp với bản chất dịu dàng của phụ nữ Việt Nam.
Sau nhiều lần thay đổi, chiếc áo dài trở thành một tác phẩm tuyệt vời, một nét độc đáo của y phục phụ nữ Việt Nam. Tại hội chợ quốc tế Osaka (Nhật Bản) năm 1970, chiếc áo dài đã mang lại vinh dự cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa. Khách quốc tế đã nhiệt liệt thán phục trước tà áo bay lả lơi theo gió. Khách bình phẩm:
– “Hơi mỏng!”
– “Nhưng rất kín đáo. Đủ sức che mắt thánh!”
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm cũng hãnh diện về chiếc áo dài tại hội chợ, nên có nhận xét:
– “Nó có sức chở gió đi theo.”
Chiếc áo dài hiển nhiên là một loại “quốc phục”. Khách đến thăm, chủ nhà trịnh trọng mặc chiếc áo dài để tiếp đón. Tại học đường nó là chiếc áo học trò ngây thơ, trong trắng. Một chiếc khăn vành, một chiếc áo choàng phía ngoài sẽ trở thành một bộ y phục cho cô dâu bước lên xe hoa. Trong các buổi tiệc, chiếc áo dài Việt Nam vẫn luôn lộng lẫy, thu hút nhiều cặp mắt.
Hình ảnh người con gái Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống, đã được nhiều nghệ sĩ ghi lại trong thơ và nhạc. Nhà thơ Nguyên sa đã nặng tình với vẻ đẹp áo dài trong bài thơ “Áo lụa Hà Đông” được phổ nhạc:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng…
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng…
Xuân Diệu đã trải lòng mình với tà áo lụa:
Những tà áo lụa mong manh ấy,
Đã gói hồn tôi suốt trọn đời…
Đã gói hồn tôi suốt trọn đời…
Chiếc áo dài Việt Nam đã gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc, bất cứ nơi nào trên thế giới, chiếc áo dài luôn được nâng niu, gìn giữ. Phụ nữ Việt Nam đã biểu lộ tình cảm với quê hương qua chiếc áo dài.
Áo dài Việt Nam vừa ôm sát đường cong tuyệt mỹ của thân người, mà cũng điểm tô thêm sự linh động, nét quyến rũ của người mặc. Tà áo uyển chuyển theo gió giúp cho một thân hình dù nặng nề cũng tăng vẻ dịu dàng. Áo dài phụ nữ Việt Nam khác với trang phục của một số nước Á Châu. Áo xường xám có thể may sẵn hàng loạt nên khó tạo nên vẻ đẹp riêng của mỗi người, còn chiếc áo Kimono, với nhiều lớp vải mầu sắc lộng lẫy, đã làm mất phần nào nét đẹp thiên nhiên của thân hình phụ nữ. Cũng giống như áo xường xám, áo kimono được may sẵn nên khó ôm sát thân hình.
Trang phục là biểu tượng của văn hóa, là niềm tự hào của dân tộc, nhưng không phải vì thế mà xóa bỏ sắc đẹp tự nhiên của con người. Ta có thể nói, chỉ có áo dài Việt Nam mới thể hiện được sự hòa hợp giữa người và áo, là sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa.
Phần trên của áo phô bầy sức sống tràn đầy, niềm khát khao của đời sống con người, thì phần dưới của áo hòa lẫn với gió, đã tạo nên một vẻ đẹp êm đềm, thanh thoát. Ta có thể diễn tả, chiếc áo dài đã tăng thêm nét diễm kiều của người mặc, và người mặc đã giúp cho áo có hồn.
Khác với y phục của các quốc gia trong vùng, áo dài Việt Nam không thể may sẵn hàng loạt bầy bán như những loại quần áo khác. Mỗi mảnh áo tạo ra được kết hợp từ những tấm vải mẫu, thường được trang trí bằng đường nét thủ công, là một công trình nghệ thuật. Chiếc áo dài chỉ thích hợp với thân hình phụ nữ Việt Nam, vừa kín đáo e ấp, vừa khêu gợi trữ tình.
Bà James Sterson, một sứ giả người Mỹ đã nhận định:“không một nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp, đậm nét truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa như áo dài Việt Nam.”
Ta có thể nói, “bất cứ người mẫu nào của các quốc gia trên thế giới, cũng không diễn tả được nét mềm mại của tà áo dài phụ nữ Việt Nam, một sản phẩm chi dành riêng cho người Việt, đã mang theo hồn dân tộc Việt.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét