Vào tối hôm 4/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump lần đầu tiên đưa ra ý kiến mình về vấn đề Biển Đông kể từ sau chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ gần một tháng trước.
Trên trang cá nhân Twitter của mình, ông Trump đã đăng tải dòng bình luận dài, trong đó đề cập đến Biển Đông cùng với vấn đề kinh tế trong chương trình nghị sự Mỹ-Trung:
“Liệu Trung Quốc có hỏi chúng ta về việc phá giá nội tệ của họ (khiến các công ty của chúng ta khó cạnh tranh), đánh thuế nặng lên hàng hóa chúng ta tiến vào thị trường của họ (trong khi Mỹ không đánh thuế ngược lại), hay khi họ xây dựng khu phức hợp quân sự khổng lồ giữa Biển Đông hay không? Tôi không nghĩ vậy!", ông Trump viết trên Twitter.
Dòng tweet về Biển Đông của ông Donald Trump đăng tải hôm 4/12.
Mặc dù việc phát ngôn trên mạng xã hội sẽ khác rất nhiều so với với một chính sách thực tế đã qua soạn thảo và cố vấn bởi đội ngũ chuyên gia Nhà Trắng, tuy nhiên, theo nhà báo Ankit Panda, có một số điểm quan trọng đáng lưu tâm trong câu nói này.
Chi tiết đầu tiên ông Trump nhắc đến là "khu phức hợp quân sự khổng lồ giữa Biển Đông. Điều dễ liên tưởng nhất đến hình ảnh này chính là các cơ sở quân sự, dân sự được Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hiện Bắc Kinh đã đưa trái phép khoảng 1400 người tới đây.
Nói cách khác, ông Trump có thể đang đề cập đến bảy hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng ra tuyên bố không quân sự hóa tại các đảo nói trên, nhưng phân tích từ các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang gia tăng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhiều mục đích, bao gồm các đường băng chuyên dụng phục vụ cho máy bay cất cánh, hạ cánh.
Bảy hòn đảo nhân tạo có thể không tạo ra một "khu phức hợp quân sự khổng lồ" nhưng theo như ngôn ngữ và cách ví von của nhà tỷ phú thường sử dụng, nó dường như là điều mà ông đang ngụ ý đến. Trong quá khứ ông Trump cũng từng sử dụng cụm từ "pháo đài quân sự" để mô tả điều này.
Thứ hai: dòng bình luận của Trump ngụ ý rằng Trung Quốc cần phải có thảo luận với các bên tranh chấp khác cùng với Mỹ trước khi tiến hành việc xây dựng các cơ sở quân sự trái phép và gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông như vậy.
Trong khi các tuyên bố chủ quyền ngang ngược, khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông là xung đột với luật pháp quốc tế cũng như xâm lấn lợi ích, chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực, Mỹ trên thực tế không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông cũng như thực hiện một chính sách không đứng về bên nào trong những tranh chấp này.
Với lời phát biểu nói trên, công chúng đã phần nào có được một cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách của Mỹ đối với Biển Đông trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Có khả năng đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa, chúng ta có thể thấy Mỹ muốn đề cập một cách công khai các vấn đề kinh tế và an ninh trong chương trình nghị sự song phương.
Ví dụ ông Trump sẽ đưa lên bàn thảo luận song phương với nhà lãnh đạo Bắc Kinh về việc chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể đến gây ảnh hưởng như thế nào đến Mỹ và Mỹ sẽ có quan niệm như thế nào về vai trò của mình ở Biển Đông. Đây là điều chưa từng có dưới thời chính quyền Obama, khi hai bên chỉ nói về Biển Đông một cách ngắn gọn trong một số cuộc gặp bên lề không chính thức.
Theo dự kiến, Mỹ và Trung Quốc trên danh nghĩa hai cường quốc lớn sẽ có một chương trình nghị sự song phương toàn diện bao gồm hợp tác ở các cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu.
Đối với nhóm dư luận ôn hòa ở Trung Quốc, suy nghĩ của ông Trump sẽ là một bước tiến được hoan nghênh, khi Washington chủ động một cuộc đối thoại thẳng thắn. Ở đây họ sẽ có tổng thống mới của nước Mỹ ngụ ý rằng Bắc Kinh sẽ phải thảo luận với Mỹ trước khi thực hiện các hoạt động ở những nơi mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình.
Với ngụ ý của mình, Tổng thống đắc cử Trump có thể tạo một ấn tượng mới tại Trung Quốc, nơi từ lâu Bắc Kinh vẫn cáo buộc Mỹ tìm kiếm sự bá quyền ở Biển Đông cũng như phục vụ cho kế hoạch của Hải quân Mỹ là mở rộng tầm ảnh hưởng ra các vùng ven biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đối với những phe nhóm ủng hộ Trung Quốc hung hăng hơn nữa với các hành động đơn phương ở Biển Đông, bao gồm việc xác định một vùng nhận dạng phòng không, bồi đắp, cải tạo hay quân sự hóa phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, câu nói của Donald Trump sẽ là dữ kiện quan trọng, và động thái phản ứng như thế nào sẽ có sớm trên tờ Thời báo Hoàn cầu một vài ngày nữa.
Một sự việc đáng lưu ý nữa đó là bình luận của ông Trump về Biển Đông được đưa ra ngay sau khi ông phá vỡ tiền lệ lịch sử của Mỹ với việc nói chuyện với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Mặc dù phản ứng của Trung Quốc trước việc này đã có phần nào kiềm chế do nhà tỷ phú chưa chính thức nhậm chức, tuy nhiên ông Trump cho thấy bản thân mình không ngại ngần trong việc gia tăng thêm áp lực đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc - cái mà quốc gia này coi trọng đến mức gọi đó là "lợi ích cốt lõi".
Mặc dù vậy, những phát ngôn hay chính sách hứa hẹn trước và sau nhậm chức có thể sẽ thay đổi một cách hoàn toàn. Bởi Donald Trump dù nói nhiều về Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông ít khi bình luận rộng rãi về các tranh chấp ở Biển Đông.
Vào tháng 4/2016, ông đã có một lần hiếm hoi nói về Biển Đông với New York Times rằng: "Họ sẽ còn đi vào Biển Đông và xây dựng pháo đài quân sự mà cứ như thể cả thế giới chẳng biết gì", ông Trump nói. "Họ làm điều đó là theo ý muốn đơn phương vì họ không có sự tôn trọng đối với tổng thống của chúng tôi, cũng như không có sự tôn trọng đối với đất nước chúng tôi".
Tuy nhiên cho đến nay ông Trump vẫn chưa bình luận gì về chính sách của chính quyền Obama ở Biển Đông, cũng như chưa khẳng định có để mọi thứ tiếp diễn như thế này hay không.
Nguồn: Quốc Vinh/ Nguoiduatin.vn
Thông điệp của Trump và sự nổi giận của Trung Quốc
Cập nhật lúc 07-12-2016 09:11:50 (GMT+1)
|
Một người đàn ông đọc bài báo viết về Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 10/11 ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP) |
Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Chính phủ Trung Quốc đang leo thang nhanh chóng. Bắc Kinh 'phản pháo' quyết liệt vì ông Trump 'mắng mỏ' quan điểm kinh tế và an ninh của nước này.
Thực tế kể trên báo trước nguy cơ một mối quan hệ sóng gió giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo tạp chí Phố Wall.
Tuy chưa chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ nhưng ông Trump có xu hướng sẽ thực hiện những cam kết khi tranh cử là phản đối các chính sách tiền tệ và thương mại của Trung Quốc.
Tuần trước, vào tối thứ Sáu và sáng thứ Bảy, các quan chức Bắc Kinh đã giảm nhẹ cuộc điện đàm của Tổng thống đắc cử Mỹ với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Cuộc gọi này, theo một quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, là do cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Dole sắp xếp.
Một nguồn thạo tin tiết lộ, nội dung điện đàm bao gồm một cuộc thảo luận về Trung Quốc và sự ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngay sau đó, phía Bắc Kinh chĩa bực dọc vào Đài Loan, chứ không nhằm vào Trump.
Thế nhưng, Bắc Kinh đã lập tức thể hiện bất bình ngay sau một loạt thông điệp mà Donald Trump đăng lên Twitter với nội dung chỉ trích các chính sách tiền tệ của Trung Quốc và sự hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đông.
Tờ Nhân dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố trong bài bình luận trang nhất ngày 5/12 rằng, "Trump và nhóm chuyển giao của ông ta phải nhận ra rằng gây khó cho quan hệ Mỹ - Trung cũng chính là gây khó cho Mỹ".
Báo này khuyến cáo, nếu những "tiểu xảo" như vậy để nguyên không có lời giải đáp thì Bắc Kinh có thể chắc chắn chứng kiến thêm nhiều những hành động khiêu khích tương tự một khi ông Trump lên nắm quyền.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại văn phòng ở Đài Bắc ngày 3/12. (Ảnh: Reuters)
Các chuyên gia Mỹ - Trung nhận định, cả ông Trump và giới chức Bắc Kinh dường như đang cố gắng thiết lập các ranh giới cho một mối quan hệ mới giữa hai nước. Và mối quan hệ này có vẻ sẽ sóng gió hơn so với thời Barack Obama.
Tại Nhà Trắng, một nhân vật cấp cao trong chính quyền Obama tiết lộ, các quan chức Mỹ đã trả lời rất nhiều cuộc gọi từ phía Trung Quốc vào cuối tuần qua với nội dung than phiền về hành động của Tổng thống đắc cử. Họ nhấn mạnh rằng nó cần cho sự ổn định và tính có thể dự đoán trước về quan hệ Mỹ - Trung.
Phía TQ còn tìm kiếm chỉ dẫn cho các ý định chính sách của Donald Trump, nhưng giới chức Nhà Trắng thừa nhận họ cũng không hề hay biết.
Tạp chí Phố Wall dẫn lời Christopher Johnson, một nhà phân tích kỳ cựu về Trung Quốc tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ, nhận định: "Những gì các bạn chứng kiến trong 8 năm qua có thể mang quá nhiều tính dự đoán từ Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc... Một chút tính khó dự đoán cũng tốt, nhưng quá nhiều thì lại đáng sợ. Có một ranh giới hợp lý nằm ở giữa, và đó là sự cân bằng cần được xác lập".
Sau khi Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống ngày 20/1/2017, thử thách thực sự đầu tiên của ông với Trung Quốc có thể nảy sinh vào giữa tháng 4. Đó là khi Bộ Tài chính Mỹ được yêu cầu phải công khai báo cáo "tiền tệ", nêu chi tiết hành xử của các quốc gia khác.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã thề sẽ nêu tên Trung Quốc là một nước "thao túng tiền tệ" - một sự "chỉ mặt gọi tên" cần hai nước phải đàm phán với nhau, và có thể là một bước tiến tới trừng phạt Bắc Kinh.
Theo giới chuyên gia, khẩu chiến giữa một Tổng thống đắc cử Mỹ và đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 72 giờ qua đã phá vỡ hơn một thập niên ngoại giao mỏng manh.
Một sự gia tăng căng thẳng Trung - Mỹ ngay từ trước khi Donald Trump nhậm chức có thể sẽ định hình sự hợp tác giữa hai nước ở một loạt các vấn đề quan trọng, đặc biệt là giữa lúc báo động về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, mà ông Trump sẽ cần đến Trung Quốc để giải quyết.
Tạp chí Phố Wall dẫn bình luận của David Dollar - phái viên tài chính và kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ tại Trung Quốc trong nhiệm kỳ 1 Tổng thống Obama - nhận định: Cuộc gọi của ông Trump với lãnh đạo Đài Loan, cùng một loạt các thông điệp mà tỷ phú Mỹ đưa lên Twitter cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, đánh thuế quá cao hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, và xây dựng "môt tổ hợp quân sự hoành tráng ở giữa Biển Đông"... đã tạo ra một sự "bất an lớn" ở Bắc Kinh.
"Một số vấn đề với Trung Quốc thường được xử lý tốt nhất theo cách yên lặng và bí mật. Nếu toàn bộ chính sách đều là ngoại giao - bằng - twitter thì thật khó nghĩ nó có thể đáp ứng được các mục tiêu của Mỹ", ông Dollar nói thêm.
Đến nay, tuy Tổng thống đắc cử Mỹ đã giảm nhẹ một số quan điểm khi tranh cử, chẳng hạn như về thay đổi khí hậu, tra tấn các nghi phạm khủng bố... nhưng ông không có vẻ từ bỏ tuyên bố sẽ thách thức Bắc Kinh quyết liệt hơn.
Cách tiếp cận của Trump trong những ngày gần đây "có thể sẽ buộc người Trung Quốc cảm thấy họ phải phản ứng", trích lời Michael Auslin, một học giả về Các nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Theo ông Auslin, Trung Quốc có thể sẽ áp dụng một số biện pháp cứng rắn, và có thể phát tín hiệu sẽ rút khỏi các đòn trừng phạt mới đây của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên...
Nguồn: Thanh Hảo/ Vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét