Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

VNTB - Biển Đông: Việt – Mỹ cùng chiến tuyến?

Nguyễn Hiền

(VNTB) - “Biển Đông” không phải là trò chơi của Bắc Kinh, sự cứng rắn của Hà Nội đem lại lợi thế của Washington và ngược lại. Tự do hàng hải hay bảo vệ chủ quyền giờ đây đứng cùng một chiến tuyến.

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào cảng Đà Nẵng tháng 3 năm 2018.





Sự quyết đoán: Mỹ, Việt, và Trung Quốc ở Biển Đông

Thời kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama là thời kỳ “trỗi dậy toàn diện” của Trung Quốc ở Biển Đông, khi mà nước này liên tục gây sự với các nước đang tranh chấp chủ quyền trong khu vực, chủ yếu là với Hà Nội. Và không phải ngẫu nhiên, khi gần đây, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Lầu Năm Góc nhận định rằng, ngay cả việc Bắc Kinh chiếm giữ rạn san hô Scarborough vào năm 2012, “có lẽ có thể tránh được nếu Washington đóng vai trò tích cực hơn, quyết tâm hơn trước và trong cuộc khủng hoảng.”.

Nhưng khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, thì 2 năm trong nhiệm kỳ đầu tiên, Mỹ đã có những động thái răn đe trở lại, khi 13 nghị sĩ Mỹ trình dự luật trừng phạt Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Theo đó, đạo luật sẽ cho phép Mỹ đóng băng thậm chí tịch thu tài sản và thu hồi thị thực của các cá nhân tham gia vào các chính sách đe dọa hòa bình, an ninh khu vực. Đạo luật này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan, mà bao trùm lên cả Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Việt Nam, quốc gia va chạm chủ quyền trực tiếp với Bắc Kinh cũng bắt đầu trỗi dậy, ít nhất trong ngôn ngữ ngoại giao, khi lên tiếng phản đối việc xây dựng 10 đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa, cũng như "ủng hộ quyền tự do hàng hải" ở Biển Đông khi hai tàu chiến Mỹ áp sát 3 đảo ở Hoàng Sa. Đặc biệt, riêng trong tháng 4.2019, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền khi lắp đặt thiết bị làm nhiễu sóng tại quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, vào năm 2018, Hà Nội đã đưa ra những yêu sách cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Asean và Bắc Kinh, Reuters đưa tin. ngăn chặn Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên khu vực Biển Đông.

Quyết đoán Mỹ, Việt?

Nhìn vào những động thái của hai nước Việt – Mỹ vào năm 2018 và nửa năm 2019, có thể nhận thấy sự quyết đoán của cả hai quốc gia liên quan đến vấn đề Biển Đông. Mặc dù, với Mỹ là “tự do hàng hải”, với Việt Nam là “chủ quyền quốc gia”, nhưng đích đến của cả hai nước là phản ứng lại với những gì mà Trung Quốc đã và đang đe dọa tại khu vực, nhất là xu hướng “quân sự hóa” vùng Biển Đông.

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong nhiều năm qua, đặc biệt với sự nhu nhược ít nhiều của chính quyền Obama đã trở thành một gánh nặng cho chính quyền Hà Nội lẫn chính quyền Tổng thống Trump. Cả hai, dường như đã phải giải quyết bài toán trong việc cố gắng ngăn chặn những nỗ lực sau cùng (hoàn tất) của Bắc Kinh liên quan đến đường băng, đồn trú, bệnh viện và vũ khí tại các đảo nhân tạo.

Khó có thể đánh giá điều tiếp theo sẽ là gì, nhưng mối đe dọa của Trung Quốc đã trở thành một động lực lớn, thúc đẩy Mỹ-Việt gần nhau về tư duy và định hướng đối phó với Bắc Kinh tại vùng Biển Đông. Và thực tế đã cho thấy, cả hai quốc gia dường như cùng 1 chiến lược, ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh bằng sự quyết đoán ở mỗi quốc gia.

Khi tại Mỹ, dự luật trừng phạt Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông đã khoáy động chính trường Mỹ, thì tại Việt Nam – nó ngay nóng bỏng ngay trên chuyên trang Tuổi Trẻ và làm nức lòng không ít người quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền. Lý do, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất hiện tại có thể ngăn chặn và kiềm chế “con rồng Bắc Kinh”. Nhưng Việt Nam, với vị trí địa chiến lược, cũng như tính chất “kiên cường” trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ cũng là đối tác chiến lược của Mỹ trong triển khai những động thái “ngăn chặn trỗi dậy”. Không phải nghiễm nhiên, mà trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, tăng cường năng lực hàng hải được coi là ưu tiên giữa hai quốc gia.

Việt – Mỹ đều hưởng lợi?

Hãy thử hình dung mối đe dọa của Trung Quốc trong hai quốc gia ảnh hưởng nhiều nhất.

“Vài năm trước, là những tiền đồn nhỏ bé với sức chiến đấu bằng không - có lẽ vài chục binh sĩ hầu như không thể giữ chân họ khô ráo. Từ năm 2013, Trung Quốc đã biến chúng thành những căn cứ khổng lồ, một số có trạm không quân có thể chứa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tiên tiến.” – tướng Joseph F. Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Lầu Năm Góc chia sẻ trên The Washington Post.

Một “mặt trận chung” ngăn chặn dã tâm của Trung Quốc đã được hình thành.

Mới đây nhất, trong một ý kiến trên tờ Bưu Điện Hoa Nam, ông Lê Hồng Hiệp đã nhận định rằng, Việt Nam đang thúc đẩy khối ASEAN hình thành một COC cho Biển Đông. Và tất nhiên, hiệp ước này sẽ mang tính ràng buộc, khả năng ngăn chặn, và thiết lập một quy tắc mang tính chế tài hơn cho khu vực Biển Đông đầy sóng gió.

Không còn những phản đối mang tính “ước lệ”, Việt – Mỹ đi vào trận chiến với sự chế tài nhiều hơn, cần thiết hơn. Và chính điều này, đã tạo ít nhiều “cảm hứng” cho các quốc gia còn lại trong khu vực.

Duterte của Philippines kêu gọi hành động để giảm nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông.

Trang tin CNBC ngày 1.6 đã dẫn tin cho biết Tổng thống Duterte của Philippines đã kêu gọi hành động để giảm nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông, trong đó, ông Duterte nhấn mạnh “lỗi của Bắc Kinh liên quan đến yêu sách mở rộng ở vùng biển Đông”.

Việt – Mỹ đã cho thấy một phản ứng thích hợp của hai nước trước việc Trung Quốc “thất hứa”, “không cam kết đủ” về an ninh và hòa bình Biển Đông.

“Biển Đông” không phải là trò chơi của Bắc Kinh, sự cứng rắn của Hà Nội đem lại lợi thế của Washington và ngược lại. Tự do hàng hải hay bảo vệ chủ quyền giờ đây đứng cùng một chiến tuyến.

An ninh : Pháp công bố chiến lược cứng rắn với Trung Quốc tại châu Á

RFI Đăng ngày 02-06-2019 Sửa đổi ngày 02-06-2019 11:43
mediaBộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly và đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen tại diễn đàn an ninh Shangri-La 2019. Ảnh ngày 01/06/2019.REUTERS/Feline Lim
"Pháp sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông tối thiểu hai lần mỗi năm". Bộ trưởng Quân Lực Pháp tuyên bố như trên tại diễn đàn an ninh châu Á Shangri-La, Singapore, ngày 01/06/2019. Tại đây, bà Florence Parly công bố chiến lược "Ấn Độ -Thái Bình Dương", nơi 1,6 triệu dân Pháp sinh sống tại các lãnh thổ hải ngoại và 80 % vùng đặc quyền kinh tế Pháp nằm trong khu vực chiến lược này.
Mở đầu bài diễn văn, bộ trưởng Quân Lực Parly nhắc khéo một số đối tác trong khu vực rằng bà đến dự diễn đàn an ninh châu Á trong lúc hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đang neo ngoài khơi Singapore. Ngoài ra, "tàu khu trục, tàu tiếp liệu, chiến đấu cơ Rafale, trực thăng …được huy động tham gia chiến dịch tuần tra từ Địa Trung Hải đến Singapore ngang qua Hồng Hải vàẤn Độ Dương" từ đầu tháng 3/2019.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương bộ trưởng Quân Lực Pháp trình bày tại diễn đàn an ninh châu Á 2019 bao gồm 5 điểm. Thứ nhất là "bảo vệ quyền lợi về chủ quyền, của các công dân, bảo vệ lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế" của nước Pháp. Để hoàn thành những mục tiêu đó Paris đã huy động 7.000 lính đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của những người lính này rất rõ ràng : "chống khủng bố, các tổ chức tội phạm, và chống lại mọi hành vi thù nghịch nhắm vào chủ quyền quốc gia của nước Pháp".
Điểm thứ nhì trong chiến lược an ninh được bộ trưởng Pháp, Florence Parly đề cập đến là "đóng góp duy trì ổn định khu vực qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh và quân sự. Ấn Độ và Úc là hai đối tác then chốt" của Paris.
Ưu tiên thứ ba của nước Pháp là "cùng với các đối tác trong vùng, bảo vệ tự do lưu thông hàng hải. Paris sẽ "tiếp tục tuần tra Biển Đông tối thiểu mỗi năm hai lần".Bà Parly cũng tuyên bố không chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và lên án chủ trương "sự đã rồi" của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế. Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng bộ trưởng Quân Lực Florence Parly bồi thêm "Pháp không để bất cứ một quốc gia nào uy hiếp". Bà gián tiếpnhắc đến sự cố hồi tháng 4/2019 khi Trung Quốc đã uy hiếp chiến hạm Vendémiaire của Pháp đi ngang qua eo biển Đài Loan. Họp báo hôm 25/04/2019 phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc chỉ trích Pháp xâm nhập "bất hợp pháp" lãnh hải của Trung Quốc.
Điểm thứ tư trong chiến lược của Pháp đối với khu vực châu Á liên quan đến hạt nhân Bắc Triều Tiên. Paris "ủng hộ những nỗ lực ngoại giao" để đạt được đến mục đích "giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách không thể đảo ngược" và những cam kết trên hồ sơ này sẽ phải được tôn trọng. Cuối cùng, Florence Parly cho rằng, phòng chống thiên tai, giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây nên trong vùng châu Á Thái Bình Dương cũng là một ưu tiên của Pháp.
Kết thúc bài diễn văn, bộ trưởng Quân Lực Pháp khẳng định : "Pháp đối thoại với mỗi thành viên trong khu vực rộng lớn này, tiếp tục nói lên tiếng nói riêng của mình, không liên kết với một bên nào, nhưng cũng không để bất kỳ một ai hù dọa. Pháp luôn thúc đẩy một mô hình đa phương, dân chủ và tôn trọng luật pháp".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét