Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mới đây đã cấm người dân mua đồng USD ở các ngân hàng của nước này, khiến giới phân tích nghi ngờ Bắc Kinh đang lo ngại nguy cơ thiếu nguồn USD dự trữ.
Nguồn cầu tiền USD ở Trung Quốc đang tăng mạnh, vì các nhà xuất khẩu miễn cưỡng đem đồng USD về nước, khi lo ngại nhân dân tệ (NDT) mất giá và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dòng vốn của Bắc Kinh đã hạn chế công dân mua trữ ngoại tệ ở nhà.
Trong khi đó, các nhà cho vay nước ngoài cũng không muốn cho các ngân hàng Trung Quốc vay đồng USD vì lo ngại những rủi ro tài chính khi kinh tế Trung Quốc suy yếu. Điều này càng khiến tăng nguy cơ Trung Quốc thiếu đồng USD trầm trọng.
Già cả không được rút nhiều USD
Vì lo ngại nền kinh tế giảm tốc, đồng NDT mất giá, nhiều gia đình và công ty ở Trung Quốc đã đem khoảng 1 ngàn tỉ USD ra nước ngoài từ năm 2016. Từ đó, Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) cho phép mỗi công dân chỉ được đổi hoặc rút tối đa 50.000 USD/năm theo hai dạng rút dần hoặc rút cả gói tiền khỏi các ngân hàng.
Các ngân hàng cũng xét kỹ những yêu cầu rút ngoại tệ từ 3.000 USD trở lên, thay vì 5.000 USD như trước. Còn có luật cấm một số ngân hàng không cho thân chủ chuyển tiền ra nước ngoài để “đầu cơ” như mua bảo hiểm, cổ phần, nhà sang. Các công ty cũng phải xin chính phủ cho phép mua tài sản ở nước ngoài, và họ khó có được sự chấp thuận, trừ phi việc mua tài sản đó cho mục đích làm ăn.
Hồi tháng 5, SAFE bêu tên 17 ngân hàng, công ty và cá nhân toan tính chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc. Một người có họ Hong bị phạt gần 25 triệu NDT vì dùng 312 triệu NDT (45,2 triệu USD) để mua nhiều nhà ở nước ngoài từ tháng 2/2011 đến tháng 10/2015.
Những vụ công dân không được phép mua USD ở các ngân hàng Trung Quốc cũng đã bắt đầu tăng, gồm vụ của cựu cố vấn PBOC Dư Vĩnh Định. Ông không được phép chuyển 20.000 USD từ tài khoản cá nhân ra nước ngoài, phía ngân hàng lấy lý do ông đã hơn 65 tuổi. Ông nói: “Tôi luôn ủng hộ kiểm soát vốn, tuy nhiên đôi lúc chúng ta thực hiện những biện pháp kiểm soát quá cực đoan. Giao dịch ngoại hối hợp pháp đang bị cản trở”.
Các nhà phân tích nói việc Bắc Kinh quyết tăng cường kiểm soát dòng vốn đã phản ánh tình trạng hiểm nghèo của nền kinh tế, và nếu các biện pháp kiểm soát thiếu hiệu quả sẽ khiến dòng vốn “bay đi” (bị chuyển ra nước ngoài lén lút). Và khi một phần quỹ dự trữ ngoại hối không dễ chuyển đổi thành tiền mặt, PBOC sẽ sớm chẳng đủ tiền duy trì ổn định tiền tệ. Hệ lụy này vô cùng lớn, đe dọa uy tín một quốc gia chủ nợ của thế giới, và đe dọa nguồn quỹ 3.000 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Núi tiền này sẽ cạn rất nhanh, khi tổng nợ của Trung Quốc đã gần chạm mốc gấp 3 lần GDP - gấp 3 lần tỉ lệ nợ/GDP của Mỹ.
Nếu Trung Quốc trở thành nước nhập siêu (đồng nghĩa nước đi vay), ngoại tệ lại càng quan trọng. Sau khi vực dậy hệ thống ngân hàng, bảo vệ đồng tiền và bơm cho thương mại, Bắc Kinh sẽ thấy số tiền 3.000 tỉ USD còn lại không bao nhiêu. Bán tháo trái phiếu của Mỹ đồng nghĩa lãi suất USD sẽ tăng và làm chậm nền kinh tế Mỹ, nhưng nó cũng khiến dòng vốn chạy hết khỏi Trung Quốc.
Nói cách khác, Bắc Kinh không còn kiểm soát được tương lai kinh tế. Từ xuất siêu chuyển sang nhập siêu sẽ kéo theo các xu hướng tiêu cực khác. Các nhà phân tích nói Bắc Kinh đang kiềm chế dòng vốn “bay đi”, vì cần phải chống lại nguy cơ biến động kinh tế và tài chính đáng kể, nhất là nếu như không đạt đến một thỏa thuận thương mại với Mỹ ở hội nghị thượng đỉnh G-20 trong tháng 6 này.
Chuyên gia nói gì?
Ông Michael Every, nhà chiến lược cấp cao phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng cho vay Radobank (Hà Lan) nói: “Nếu Trung Quốc cố gắng bám vào đồng USD bằng cách chặn dân đem tiền ra nước ngoài, thì việc kiểm soát dòng vốn sẽ có hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng cũng là cách Trung Quốc tự cắt mình với phần còn lại của thế giới, thay vì hòa nhập vào”.
Nhà kinh tế trưởng Kevin Lai thuộc công ty đầu tư Đại Hòa (Hồng Kông) nói: “Nếu có cú sốc bất ngờ ập đến thì Trung Quốc sẽ không đủ USD để hỗ trợ đồng NDT. Vì vậy họ phải ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài đồng thời thu hút thêm vốn từ ngoài chảy vào”.
Nhà phân tích John-Paul Smith của công ty tài chính công nghệ Smartkarma nói nước ngoài gần đây cũng từ chối mua các tài sản bằng NDT gồm cổ phiếu, phản ánh sự lo ngại đồng NDT mất giá, và cuộc chiến thương mại càng khiến tình hình trầm trọng hơn, nếu Trung Quốc không thể kiếm USD từ hàng xuất qua Mỹ.
Jeffrey Snider, nhà nghiên cứu trưởng của công ty đầu tư Alhambra Investments, nói: “Ngay bây giờ, Trung Quốc được coi là một rủi ro rất lớn về tài chính và kinh tế. Lý do của bất kỳ sự miễn cưỡng cho các ngân hàng Trung Quốc vay bằng đồng USD nào cũng vì nhận thức được các rủi ro này”.
Suốt nhiều năm, đồng USD được đưa vào Trung Quốc để mua hàng Trung Quốc xuất khẩu giá rẻ, cũng như để đầu tư ở nước này. Cùng lúc, các công ty Trung Quốc dựa vào đồng USD để mua nguyên liệu và công nghệ cần thiết để sản xuất hàng hóa, cũng như để đầu tư ở nước ngoài. Nhưng dòng tiền nóng này khiến đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng giá, trở thành vấn đề đau đầu cho Bắc Kinh, vì nó gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu. PBOC đã phải liên tục dùng NDT mua lại số USD được chuyển vào các ngân hàng Trung Quốc, để hạ giảm sức mạnh của NDT.
Kết quả là một khối lượng lớn USD nằm trong quỹ dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh, mà lúc đỉnh điểm đã vượt quá 4 ngàn tỉ USD. Nhưng đồng NDT mất giá từ năm 2015, khi kinh tế suy giảm. PBOC phải “đốt 1 ngàn tỉ USD trong quỹ từ giữa năm 2014 và 2017 để bảo vệ đồng NDT và hệ thống tài chính. Vài năm gần đây, quỹ được duy trì khoảng 3,1 nghìn tỉ USD, trong đó có 1.000 tỉ USD trái phiếu của Mỹ.
Sent from Yahoo Mail for iPad
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét